Phẩm thứ nhất Duyên khởi
Trưởng giả Diệu Nguyệt từ trong đại chúng bước ra, đi nhiễu quanh đức Phật ba vòng. Rồi đến trước Như Lai, chắp tay quì xuống, gối bên hữu chấm sát đất, cung kính bạch với đức Phật rằng:
– Hi hữu ThếTôn! Hi hữu Thế Tôn! Được làm thân người là khó như con rùa gặp bộng cây nổi, nhưng được gặp Phật ra đời còn khó gấp muôn phần. Gặp Phật ra đời đã khó, nhưng được nghe chánh pháp lại còn khó gấp muôn phần. Được nghe chánh pháp đã khó, nhưng làm thế nào để nương theo giáo nghĩa tu tập lại còn khó gấp vô lượng phần.
Bởi vì sao? Theo chỗ con xét nghĩ thì trong tám muôn bốn ngàn pháp mầu mà Như Lai đã chỉ dạy nhằm đưa hết thảy chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, phải có một pháp mầu cứu vớt những hạng chúng sanh tội khổ, mê đắm, xấu ác. Hôm nay con phụng vì hết thảy chúng sanh tội khổ nơi thời Mạt Pháp, cũng như phụng vì các bậc trưởng giả, cư sĩ, bà la môn, sát đế lợi, thủ đà la tại thành Vương Xá nầy mà khẩn cầu đức Thế Tôn rủ lòng thương xót ban cho chúng con một cách thức tu hành thật dễ dàng để giải thoát, một con đường thật vắn tắt để hoàn thành Phật Trí.
Như đức Thế Tôn từng chỉ dạy, đời Mạt Pháp các chúng sanh trong cõi Diêm Phù Ðề cang cường, ngỗ nghịch, tâm tạp, nghiệp nặng, mê đắm ngũ dục, không biết hiếu thuận cha mẹ, không biết cung kính sư trưởng, không thực lòng quy y Tam Bảo, thiếu năng lực thọ trì năm giới cấm, làm đủ mọi chuyện tệ ác, phỉ báng thánh nhân v.v… Cho nên con suy gẫm như thế này: phải có một môn tu thật giản đơn, thật tiện lợi nhất, dễ dàng nhất để tất cả những chúng sanh kia khỏi đọa vào các đường ác, chấm dứt luân chuyển sanh tử khắp ba cõi, được thọ dụng pháp lạc, sớm bước lên địa vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.
Vì sao như vậy? Sau khi Như Lai diệt độ khoảng một ngàn năm trở đi, đó là thời kỳ chánh pháp cuối cùng, các kinh điển dần dần ẩn mất, chúng sanh căn cơ hạ liệt, ám độn, ngã chấp sâu dày, tâm tưởng thô trệ, tà kiến lan tràn, say sưa làm các nghiệp ác để tự vui. Do đó tự nhiên chiêu cảm động đất, đói kém, tật dịch, binh đao, bão lụt, mất mùa, gió bão, thời tiết viêm nhiệt bức não. Thánh nhân lại không xuất hiện. Tuổi thọ giảm dần. Nếu ai phát khởi tâm chí tu hành cũng không thể tu tập các môn Giới Luật, Thiền Ðịnh, Trí Tuệ, Giải Thoát vô lậu. Vì lý do như vậy mà đệ tử chúng con xét nghĩ nên phát khởi Vô Thượng Bồ Ðề Tâm, khẩn cầu đức ThếTôn chỉ dạy giáo pháp nhiệm mầu, mong lợi lạc hết thảy tội khổ chúng sanh ở thời kỳ cuối cùng của Chánh Pháp.
Liền khi ấy, đức Như Lai từ nơi tướng lông trắng chặng giữa chân mày phóng ra hào quang chiếu khắp vô lượng vô biên vi trần số thế giới mười phương mà nói lời nầy:
– Lành thay! Các thiện nam tử, thiện nữ nhân! Nay ta vì lời thưa thỉnh của ưu bà tắc Diệu Nguyệt và của ưu bà di Vi Đề Hy, lại nương theo bổn nguyện của vô lượng vô số bất khả thuyết chư Phật mà tuyên dương giáo nghĩa bí mật vi diệu tối thắng đệ nhất nhằm cứu độ hết thảy chúng sanh ở trong thời kỳ Phật Pháp cuối cùng.
Chư Phật đã dùng Phật nhãn quán sát khắp mười phương, thấy rõ nghiệp lực chúng sanh lành dữ không đồng đều, thấy thân tướng và cảnh giới của chúng sanh xấu tốt có sai biệt. Nhưng điểm sanh khởi chẳng rời sát na tâm sanh diệt, chỗ hội quy cũng không rời sát na tâm sanh diệt. Muốn hàng phục và chuyển biến cái sát na tâm sanh diệt ấy, thì không có pháp nào hơn là pháp Niệm Phật.
Diệu Nguyệt cư sĩ! Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân nào đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi thì hiện tiền chiêu cảm được y báo và chánh báo của Phật A Di Đà ở cõi Cực Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ Ðẳng tam muội của đức A Di Đà được Phật tiếp dẫn về tịnh độ Tây Phương; vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử. Đó gọi là quả vị Bất Thối Chuyển. Từ lúc ấy nhẫn đến về sau vượt qua Thập Ðịa, chứng Vô Thượng Giác.
Diệu Nguyệt nên biết, đây thật là pháp vi diệu thù thắng đệ nhất mà chư Phật dùng để cứu độ khắp hết thảy chúng sanh. Đây thật là môn tu thích đáng khế hợp mọi căn cơ mà chư Phật dùng để đưa hết thảy muôn loài xa rời nẻo khổ, chứng đắc Niết Bàn tại thế, thành Phật trong một đời.
GHI CHÚ:
Trong cái Bổn Lai Thanh Tịnh, chỉ một niệm khởi lên, tức thì sơn hà, đại địa hiện ra đầy đủ.
(Trùng trùng duyên khởi)
Ngài Vân Môn nói:”Nhất hoa khai, thế giới khởi. Nhất trần cử, đại địa thâu” là nó.
Chúng ta phải làm sao để cái niệm đó đừng khởi lên. Như vậy cái Bổn Lai Thanh Tịnh lại trở về Bổn Lai Thanh Tịnh.
Ở đây Đức Phật gọi nó là “sát na tâm sanh diệt” và dạy rằng”Muốn hàng phục và chuyển biến cái sát na tâm sanh diệt ấy thì không có pháp nào hơn là pháp niệm Phật”.
Trưởng giả Diệu Nguyệt hỏi Phật
– Bạch đức Thế Tôn, con thường tin và nghĩ rằng Niệm Phật tức là thành Phật ngay trong đời nầy. Thế thì tại sao hôm nay đức ThếTôn lại ân cần khuyên bảo chúng con phải phát nguyện vãng sanh Cực Lạc quốc độ ở Tây phương?
Khi ấy, đức Thích Ca mỉm cười, giơ cao cánh tay hữu, lấy bàn tay xoa trên đỉnh đầu của trưởng giả Diệu Nguyệt, mà nói lời nầy:
– Hay thay! Hay thay! Diệu Nguyệt cư sĩ, đây là pháp khó tin, khó hiểu bậc nhất mà Như Lai chưa từng nói. Đây là pháp tối thượng Nhất Thừa, chứa đựng vô lượng vô biên ý nghĩa vi diệu mà Như Lai đợi đến đúng lúc, đúng thời mới ban cho, tựa như hoa Ưu Ðàm Bát La mấy muôn ngàn năm mới nở một lần. Đây là tạng Pháp bí mật của chư Phật ba đời, ví như viên bảo châu trên búi tóc Luân vương không thể khinh xuất giao cho người khác. Mà Như Lai chỉ truyền giao cho bất cứ chúng sanh nào quyết chí hoàn thành địa vị Thiên Nhân Sư, tiếp nối hạt giống Bồ Ðề.
Nầy Diệu Nguyệt cư sĩ, nay ta dùng cặp mắt toàn giác để quan sát tâm hiện tiền của chúng sanh thì thấy rõ bản chất của cái tâm ấy gọi là tâm thể. Tâm thể ấy vốn không có hình dáng, tướng mạo, không có sắc chất, không dài, không ngắn, không quá khứ, không hiện tại, không vị lai, không dữ, không lành, không sanh, không diệt, cũng chẳng phi sanh diệt. Tâm thể ấy luôn luôn xa rời tất cả luận giải của thế gian. Do vì tâm thể nhơ bẩn mà chúng sanh mãi luân chuyển trong ba cõi, sáu đường, đời đời chịu khổ. Do vì tâm thể ấy trở nên thanh tịnh mà chúng sanh được thành tựu giới, định, huệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, đắc quả A La Hán… nhẫn đến địa vị Phật Đà.
Bởi duyên với các pháp ác mà tâm thể ấy tạo ra cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trời, người, a tu la nhẫn đến chìm trôi triền miên bất tận nơi những cõi khổ khắp mười phương. Bởi duyên với các pháp lành mà tâm thể ấy tạo ra cảnh giới Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền v.v…
Lại nữa, do vọng niệm tương tục nối nhau không dứt mà biến hiện đủ loại hình tướng, sắc thân, thọ mạng, ẩm thực, quyến thuộc, phiền não để hưởng dụng trong các cảnh giới kia. Hoặc cam chịu những quả báo khổ lạc do những nhân tố sai biệt. Đời đời như thế mãi, chưa lúc nào tạm ngừng nghỉ.
Nầy Diệu Nguyệt cư sĩ, nên biết rằng danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật chính là Pháp Thân Viên Mãn Chu Biến Nhất Thiết Xứ, là Phật tánh thậm thâm có đầy đủ mọi năng lực vô úy bất khả tư nghị, có đầy đủ diệu dụng vô ngại bất tư nghị. Là cứu cánh siêu việt tối thượng, có đầy đủ năng lực bất khả thuyết, bất khả xưng tán để chuyển hóa vô minh thành ra giác ngộ, sinh tử thành Niết Bàn.Là phương tiện vi diệu bậc nhất, thường cải biến hết thảy sở y và sở hành của mọi chúng sanh, đưa tất cả tướng trạng hữu lậu, trói buộc, trở về với bản tánh vô lậu, giải thoát.
Cho nên, nếu chúng sanh nào đem tâm thể của mình mà duyên với danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật thì tâm thể của người ấy dần dần trở nên vô cấu nhiễm, dần dần phát sanh vô lượng vô biên đức tướng Như Lai. Do vậy, tự nhiên thấy mình ở trong thế giới Cực Lạc trang nghiêm, thù thắng.
Pháp môn Niệm Phật chính là chuyển biến cái tâm thể của chúng sanh bằng cách không để cho tâm thể ấy duyên với vọng niệm, với lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, với huyễn cảnh, với trí lực, với kiến chấp, với mong cầu, với thức phân biệt v.v… Mà chỉ đem tâm thể ấy duyên mãi với danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật. Không bao lâu, người niệm Phật tự nhiên đi vào chỗ vắng lặng, sáng suốt, an lạc cảm ứng với nguyện lực của đức A Di Đà, thấy mình sanh vào cõi nước CựcLạc, thân mình ngồi trên tòa sen báu, nghe Phật và Bồ Tát nói pháp, hoặc thấy Phật lấy tay xoa đảnh…
Lại nữa Diệu Nguyệt, nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật thì uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến cho tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ Phần Pháp Thân, âm thầm ứng hợp với Bi Trí Trang Nghiêm của Phật
Nhưng chưa thể đắc tam minh, lục thông, vô lượng đà ra ni, vô lượng tam muội, nhẫn đến chưa thể đắc Nhất Thiết Chủng Trí, chẳng thể đồng đẳng với chư Phật được mà chỉ thành tựu bước đầu tiên trên lộ trình Như Thật Đạo.
Thí dụ như làm gạch để xây nhà vậy. Tuy đã nhào trộn đất sét, bỏ vô khuôn và đã đúc ra hình dạng của viên gạch; nhưng muốn viên gạch được bền lâu, chắc chắn, không hư rã, chịu được nắng chói mưa sa thì cần phải đưa vào lò lửa nung đốt một hạn kỳ. Người niệm Phật cũng lại như thế. Tuy công phu niệm Phật trong hiện kiếp đã đặt nền tảng vững vàng cho sự nghiệp giải thoát, nhưng sau đó phải vãng sanh tịnh độ, lãnh thọ sự giáo hóa của Phật và thánh chúng cho tới khi thành tựu Vô Sanh Pháp Nhẫn. Sau đó, mới đủ năng lực hiện thân khắp mười phương hành Bồ Tát đạo, ra vào sanh tử mà không trói buộc, trở lại chốn ác trược mà chẳng nhiễm ô, cứu độ chúng sanh không có hạn lượng
Muốn vãng sanh Cực Lạc chỉ cần xưng niệm danh hiệu Phật là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu tướng của Pháp Thân cho nên niệm danh hiệu tức là niệm Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa. Vì ngay nơi danh hiệu Nam Mô A Di Đà Phật luôn luôn chứa đựng vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô biên diệu dụng, vô lượng vô biên quang minh, tướng hảo, uy lực… không thể nghĩ bàn.