Kinh Hiền Ngu

Kinh Hiền Ngu

Trương Văn Chiến 29

Phẩm XXIX. PHÚ NA KỲ

Chính tôi được nghe: Một thời Ðức Phật ở một nước Xá Vệ, tại vườn của ông Cấp Cô Độc và rặng cây của Thái Tử Kỳ Đà.

Thuở bấy giờ nước Phóng Bát có ông Trưởng giả tên là Đàm Ma Tiện (Tàu dịch: Pháp Quân), nhà giàu nhất nước ấy, vợ ông sinh được đứa con trai, nhân gặp lúc nhà vua xuất quân đi đánh trận, nên đặt tên là Tiện Na (Tàu dịch: Quân). Sau bà lại sinh được cậu nữa, giữa lúc nhà vua thắng trận, nên đặt tên là: Tỷ Kỳ Đà Tiện Na (Tàu dịch: Thắng Quân).

Phải khi ông Trưởng giả mắc bệnh, các thầy lang đến chữa được tiếp đãi trọng hậu, ăn uống rất đàng hoàng, tiền vàng khá nhiều. Nhưng không may gặp bọn thầy lang gian ác, cho trái thuốc, cốt ngâm bệnh ông lê nhê mãi không khỏi để chúng kiếm nhiều tiền.

Ông có một người ở gái, hàng ngày thuốc thang cơm cháo hầu hạ, nó biết mưu của bọn thầy lang như thế, nên nó thưa với ông rằng:

– Thưa ông! Các ông lang không tốt đâu! Họ ác lắm! Thấy ông giàu có, cho ông uống trái thuốc, dềnh dang cho lâu khỏi, để cầu lợi. Vậy để tôi cứ như lần trước, theo đúng phép điều trị thì khỏi!

Ông nói:

– Phải! Mi nói đúng, cho mi được tùy ý!

Sau, cô điều dưỡng cho ông được khỏi bệnh. Một thời gian sau Trưởng giả khỏe mạnh, cô thưa với ông rằng:

– Thưa Trưởng giả! Tôi hầu hạ thuốc thang cho ông nay ông đã khỏi bệnh. Vậy tôi xin ông một điều, nếu ông vui lòng tôi xin nói?

Trưởng giả đáp: – Mi cứ việc nói.

– Tôi mong ước đã lâu, muốn để vui thú ân tình với ông một đêm, xin ông đừng từ chối!

Ông Trưởng giả mỉm cười gật đầu.

Cô mừng quá, đêm hôm ấy cùng ông thỏa mãn ân tình, sau cô có thai, qua thời gian sinh một cậu con trai, vì được mãn nguyện vọng, nên đật tên là Phú Na Kỳ (Tàu dịch là Mãn Nguyện).

Song cũng hay! Cậu bé kháu khỉnh, khi lớn có đức tướng khôi ngô, lòng dạ ngay thẳng trung chính, và thông minh, về mặt thương mãi có tinh thần hơn người, lại biết cách trồng cây, nuôi súc vật, đi đến đâu cũng gặp tốt lành. Như vậy, là do tinh khí của ông Trưởng giả, nên được thông minh xuất chúng, chỉ nỗi làm con người ở gái, nên đứng vào hàng nô tỳ hèn hạ, không được cao quý bằng con bà lớn.

Khi đó Trưởng giả mắc bệnh, biết mình phải chết, gọi hai con lên dặn rằng:

– Con người có sinh phải có tử, xem trong mình cha không có phần nào ở với con được nữa, vậy sau khi cha chết, các con nên ở với nhau, chớ phân chia tài sản!

Đáp: – Dạ! Xin cha cứ an tâm điều dưỡng thuốc thang, nếu cha có mệnh hệ nào, chúng con, anh em ở với nhau, xin nhớ lời cha dạy.

Được ít ngày ông chế, anh em ăn ở với nhau, trên thuận dưới hòa, sống chung một nhà đoàn viên vui vẻ! Không xảy ra chuyện chi xích mích. Qua thời gian khá lâu, cũng vì sự sinh sống, hai người anh con bà lớn đi ra nước ngoài buôn bán, vợ con và tài sản đều giao cho Phú Na Kỳ là em thứ ba ở nhà coi sóc, đảm nhiệm việc gia đình.

Theo lời hai anh, Phú Na Kỳ ở nhà phụng sự gia nghiệp, tăng gia sản xuất để nuôi gia đình một cách rất chu đáo, đối với hai chị dâu và các cháu. Một hôm đứa con trai nhỏ của Thắng Quân đến xin tiền Phú Na Kỳ, phải lúc không sẵn, Phú Na Kỳ nói:

– Hôm nay chú không sẵn, cháu muốn mua gì để chú mua cho!

Nó giận chạy về mách mẹ rằng:

– Mẹ ơi! Chú Phú Na Kỳ không có công tâm, con bác muốn gì chú cũng cho; hôm nay con xin tiền mua quà chú không cho!

– Thế à! Làm sao con đứa ở lại thiên lệch như vậy? Thôi không thèm để mẹ bảo cho.

Sau khi Thắng Quân về, chị hai chưa nguôi cơn giận, đem chuyện đó nói với chồng.

Thắng Quân cũng si mê nổi giận nói:

– Con đứa ở sao dám thiên lệch như vậy? Nó muốn chết ư? Ta sẽ giết nó cho xem!

Thắng Quân lên nói với anh cả rằng:

– Thưa anh, theo lời cha dặn lúc sinh thời, anh em ở chung nhau, nhưng em thấy chú Phú Na Kỳ quá đáng, em xin anh cho ở riếng!

– Thôi chú ạ! Phú Na Kỳ tốt lắm đấy, chú nghe chi trẻ con đàn bà, trái lời cha dặn là bất hiếu!

Thắng Quân nói tới hai lần không thôi.

Người anh biết rằng nếu ở chung rồi sẽ xảy ra những chuyện không hay, bất đắc dĩ phải cho phân cư. Tất cả ruộng vườn, của cải, súc vật chia ra bốn phần:

Anh cả hai phần, Thắng Quân một phần, còn một phần cho Phú Na Kỳ, chia gia tài xong, Thắng Quân nói:

– Phần anh thì anh lấy, còn của Phú Na Kỳ để em giữ.

Người anh biết ý Thắng Quân muốn hại Phú Na Kỳ, nên khéo léo cho Phú Na Kỳ đi ở nơi xa. Lúc bước ra đi, Phú Na Kỳ được chị cả cho năm đồng tiền ăn đường.

Phú Na Kỳ sang tỉnh khác làm ăn, hôm ấy ra chợ mua củi, đưa về cởi ra được mấy đoạn gỗ chiên đàn và mấy đoạn gỗ ngưu đầu, đem chặt ra mười đoạn cất đi.

Cũng do phúc của Phú Na Kỳ đến ngày phát hiển, khi đó Hoàng hậu mắc bệnh nhiệt, phải dùng hai thứ gỗ nói trên uống thì khỏi, nhà vua cho người đi tìm không được, phải viết bản cáo thị: “Nếu ai tìm được gỗ chiên đàn, ngưu đầu sẽ trả cho ngàn lạng vàng”.

Phú Na Kỳ mừng quá, đem vâng vua một đoạn, vua cho một ngàn lạng vàng, cứ thế, dâng vua hết mười đoạn, được mười ngàn lạng vàng.

Đem về mua mười mẫu đất, xây cất nhà cửa, xe, ngựa, lục súc, nuôi nô tỳ, thuê người làm lụng, từ đó gia nghiệp trở nên phong phú.

Bấy giờ có năm trăm người buôn biết Phú Na Kỳ khá vốn, rủ ra biển buôn bán. Phú Na Kỳ thưa với anh cả rằng:

– Thưa anh, em muốn ra biển buôn bán, và tìm trân bảo, có được xin anh cho phép?

– Được lắm, tôi sẽ cấp thêm tiền và cho một người đi cùng chú.

Phú Na Kỳ ra biển buôn bán phát tài, và lấy được rất nhiều ngọc thạch, hột xoàn, trân bảo, vàng bạc nên mừng thầm, lớp này về nhà được giàu có, của này ăn đến bảy đời không hết.

Đương lúc thuyền trôi lênh đênh trên mặt biển, một trời một vực, thốt nhiên mọi người đều nhìn thấy ba mặt tời xuất hiện, lạ quá hỏi người lái đò rằng:

– Hôm nay, sao lại có ba mặt trời, ông có biết là điềm gì không?

– Các ông nên biết: đây là điềm nguy biến cho chúng ta đấy, không bao giờ có ba mặt trời, ở biển này có loài cá Ma Kiệt lớn dày bảy trăm do tuần, mỗi giấc ngủ của nó là một trăm năm, khi thức giấc, nó há mồm cho nước biển và tôm cá chảy vào làm món ăn, trên kia là mặt trời chính, còn hai là mắt cá, giữa khoảng trắng kia là răng nó, nước đương chảy vào chỗ tối kia là mồm nó, nguy đến nơi rồi các bạn ơi! Bọn ta chết trong mồm cá này đây, thật là hết lối tẩu thoát, thuyền cứ theo dòng nước chảy vào mồm cá, khi gần tới nơi, có một người Ưu Bà Tắc theo Phật giáo lớn tiếng nói rằng:

– Các bạn! Cái chết của chúng ta tới nơi rồi, các bạn mau mau, dốc lòng kính niệm “Nam mô Phật”; Ngài là một đấng đức nhân trong ba cõi, không ai bằng. Ngài có đại lực cứu khổ ban vui trong chớp mắt!

Ai nấy đều lo chết, nghe ông Hiền giả nói xong, một lòng thành kính tha thiết, đồng thanh niệm Nam mô Phật.

Cá Ma Kiệt nghe được danh hiệu Phật, phát từ tâm, ngậm mồm lại, rồi lăn xuống đáy biển, mọi người đều thoát nạn trở về nước.

Về đến nhà, Phú Na Kỳ lấy mâm đựng các của quý ngoài biển, đem biếu người anh cả tên là Tiện Na rồi nói rằng:

– Thưa anh, em đã vì gia đình, sinh kế mà lập nghiệp, bây giờ nhà cửa ruộng đất, các trang vật đầy đủ, con cháu ăn đến bảy đời không hết, xin biếu anh cả, em xin anh cho xuất gia theo Phật tu hành cho thoát ách đau khổ!

– Phải! Chú nói hay, tôi cũng không muốn trái ý, song chú hãy còn ít tuổi, chưa hiểu lẽ nhân luân, Phật Pháp cao sâu, làm sao theo nổi, chú hãy lui lại vài năm nữa hãy đi tôi rất đồng ý!

– Thưa anh! Mạng người vô thường, sớm còn chiều mất không có nhất định, không có bảo đảm, bữa trước đây em ra biển gặp cá Ma Kiệt suýt chết! Chết hụt, cũng nhờ ơn đức của Phật cứu sống, vậy anh hãy hoan hỷ cho em đi, đừng gàn em nữa, vì em đã quyết định như vậy.

– Thôi, chú đã có tâm như vậy, tôi cũng không dám cản chú xuất gia, tôi vui lòng!

– Dạ! Anh hoan hỷ nhé!

Phú Na Kỳ rủ năm trăm người lái buôn đến nước Xá Vệ yết kiến Phật, tới nơi cúi đầu lễ sát đất bạch rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Chúng con tới đây cầu xin xuất gia tu đạo, cúi xin Ngài từ bi tế độ.

Ðức Thế Tôn nhìn thấy họ tội căn đã hết, quả Bồ đề đã phát sinh, nên Ngài mỉm cười nói:

– Thiện Lai Tỷ Khưu!

Nói dứt lời, năm trăm người đều biến thành các vị Sa Môn theo Phật tu học, chẳng bao lâu tâm trí giác ngộ, dứt hết lậu nghiệp ba cõi, đắc quả La Hán. Duy có Phú Na Kỳ kết sử nặng quá, phải giảng thuyết cho nghe nhiều cũng không giác ngộ, sau thành tâm cố gắng lập chí tu học, được chứng sơ quả, từ đó tinh tiến ngồi thuyền tụng kinh, không dám lười biếng.

Ngày an cư đã tới: Ðức Thế Tôn cho các vị Tỷ Khưu ai muốn an cư ở đâu cũng được tùy ý. Phú Na Kỳ tới trước Phật bạch rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Khóa hạ năm nay, đệ tử xin đến nước Phóng Bát an cư, xin từ bi hoan hỷ.

Phật dạy: – Pháp Tử, người nước Phóng Bát bạc ác, tin theo tà đạo, kiến thức hẹp hòi, con là kẻ sơ học, đối với giáo pháp của ta chưa hiểu bao nhiêu, nếu bị họ hủy nhục thì làm thế nào?

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Nếu họ có hủy nhục con, một cách tệ mạt đi nữa, nhưng họ không làm hại con thì cũng được!

– Nếu kẻ gian ác nó làm hại con, thì sao?

– Kính lạy Ngài! Nếu nó làm hại, mà không giết con cũng còn hàm ơn họ!

– Nó giết con không ích gì cho con, lúc đó con làm thế nào?

– Kính lạy Ngài! Tất cả vạn vật, có hình phải có hoại, nếu họ giết con thì con chịu chết!

– Nó hủy hoại con, làm nhục con, mà nó không giết con, thì con có giận nó không?

– Dạ, lạy Ðức Thế Tôn! Con không có giân, chính kẻ đó lấy một sự không có căn cứ, vô cớ hủy nhục con, phỉ báng con, hoặc đem dao gậy đánh đập con, sau giết con, mà chưa chết hẳn, tới phút cuối cùng, con cũng không có một niệm giận họ!

Phật khen rằng: – Đệ tử! Nếu con thực hành được như vậy thì rất hay, sẽ làm hiển dương cho ngôi Tam Bảo!

Phú Na Kỳ cúi đầu lễ Phật, rồi cầm bát mang áo ra đi. Tớ᩠?ước Phóng Bát, nghĩ tại rừng một đêm, sớm ngày mai vào thành khất thực, đến một nhà đại phú Bà La Môn, anh chủ nhà chạy ra đuổi mắng!

Phú Na Kỳ qua nhà khác, anh này cứ theo sau phỉ báng, mắng nhiếc và đánh đập luôn tay. Nhưng Phú Na Kỳ vẫn bình tĩnh coi như không, nét mặt vẫn tươi như hoa mới nở! Vui vẻ! Và không nói năng gì. Anh chàng đánh chán tay, mỏi cánh, mắng rát cổ, thấy Phú Na Kỳ không thay đổi sắc mặt và oán giận gì, nên anh tự thẹn hổ trong lòng, là vì vô cớ đánh người, trách mình là kẻ tàn nhẫn quá, rồi đến xin tạ lỗi.

Trong ba tháng an cư, Phú Na Kỳ chăm chỉ tu hành, được hết mọi kết sử, tội chướng tiêu tan, hốt nhiên giác ngộ: đắ quả vô lậu, giải thoát sinh tử ba cõi, thành ngôi A La Hán.

Hết ba tháng an cư: từ giã các người thân tính, về nhà dặn anh rằng:

– Anh chớ có ra biển, ngoài biển có nhiều sự nguy hiểm, tiền của em để lại cho anh, có thể anh dùng trong bảy đời không hết.

Dặn xong ra về, khi tới Tịnh Xá và lễ Phật, chúc mừng Phật, rồi về phòng nghỉ.

Tiện Na không nghe lời Phú Na Kỳ dặn, một hôm cùng với những người lái buôn ra biển, lấy rất nhiều gỗ chiên đàn, gỗ ngưu đầu, đầy thuyền chở về. Giữa biển thuyền trôi lênh đênh, gặp một con rồng, làm giông tố dữ dội, nó muốn đánh đắm thuyền để cướp lại gỗ, tất cả mọi người la ó, khóc than! Kêu trời vái đất ầm ĩ! Tiện Na nhớ rằng vì không nghe lời em, nên nay bị nạn, khi đó chỉ lớn tiếng gọi chú Phú Na Kỳ, gọi liên hồi khan tiếng!

Khi đó Phú Na Kỳ ở nước Xá Vệ tại tinh xá Kỳ Hoàn, đương tọa thiền, bỗng nghe thấy tiếng anh mình kêu mắc nạn, lấy thiên nhãn nhìn thấy Tiện Na đương ở ngoài biển bị con rồng hãm hại, bèn dùng La Hán thần túc hóa ra một con chim Kim Xúy Điểu, xòe cánh dài tám vạn do tuần, bay đến khủng bố Rồng! Rồng thấy chim sợ hãi, lặn chìm xuống đáy biển, nhờ sức thần túc của Phú Na Kỳ mà sóng gió đều im, mọi người thoát nạn trở về nước nhà.

Khi Tiện Na về tới nhà, Phú Na Kỳ thưa với anh rằng:

– Anh muốn được phước báo trang nghiêm trên cõi Nhân Thiên, cho muôn ngàn thế hệ sau này, thì lấy gỗ chiên đàn làm một tòa lâu đài, mời Phật về ngự, và thuyết pháp cho quốc dân nghe.

– Việc làm tôi xin làm chu đáo, nhưng còn thỉnh Phật thì phải làm thế nào? Và sắm sửa những gì cúng dàng? Chú cho biết để sắp đặt.

– Việc đó anh không lo! Để em chịu trách nhiệm!

Sau khi Tiện Na làm xong các tòa lâu đài bằng gỗ chiên đàn các công việc sắp đặt chu đáo. Phú Na Kỳ lấy lò đốt hương trầm lên một lầu cao, hướng về rừng Kỳ Hoàn, lễ Phật cùng Thánh chúng khấn rằng:

– Kính lạy đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật! Cùng chư vị Hiền Thánh từ bi chứng giám, sớm ngày mai tới nước hèn mạt này, giáo hóa cho lũ ngu si mê muội, được dùng thần thông phóng nước đến rửa chân Phật.

Khấn nguyện xong, khói hương ấy bay tới đầu Ðức Thế Tôn, kết thành cái tán bằng khói hương. Sau Phú Na Kỳ dùng thần thông phóng nước đến rửa chân Phật.

Tôi thấy điềmlạ, quỳ xuống bạch rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Ai phóng nước và khói tới đây, xin nói cho chúng con được rõ?

– Hôm nay Tỷ Khưu Phú Na Kỳ ở nước Phóng Bát, khuyên người anh thỉnh mời ta và các Tăng chúng, nên phóng nước và khói tới đây để làm tin về việc thỉnh. Vậy ông đi phát thẻ cho các vị Thần túc Tỷ Khưu sớm mai đến nhà Tiện Na thụ trai.

Tôi theo lời Ngài đi phát thẻ cho các vị có thần túc và dặn sớm mai đến nước Phóng Bát.

Ông Kỳ Kiền Trực Kỳ (Tàu dịch: Tục Sinh), giữ chức trực nhật (làm cơm hàng ngày), ông đã đắc quả A Na Hàm, ngồi kết già phu, thân phóng quang minh, chiếu sáng bốn phương, đem theo các thứ dùng bữa ăn, bay trên hư không tới nước Phóng Bát.

Tiện Na trông thấy hỏi:

– Đây là thầy em hay sao?

– Không phải, đây là người sửa soạn cơm cho các Tỷ Khưu, tới trước để giúp bữa trai hôm nay.

Tiện Na đem âm nhạc ra cúng dàng, Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Lần thứ hai có mười sáu vị Sa Di, trong đó có ông Quân Đề, dùng thần túc biến hóa ra rừng cây, hái các thứ hoa quả, biến hóa rất nhiều, phóng quang minh chiếu sáng cả trời đất, người cỡi ngựa hoặc cỡi lạc đà đi tới.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy của em hay sao?

– Không phải! Đây là những đệ tử Sa Di cùng thầy với em; mới có bảy tuổi đã đắc quả La Hán, lậu nghiệp đã hết, thần túc đầy đủ, lại đây trước để hái hoa cúng dàng.

Tiện Na đem hương hoa, âm nhạc ra cúng dàng, các vị từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau có các vị cao niên trưởng lão Đại A La Hán, hóa ra ngàn con rồng kế thân làm tòa, đầu ngóc ra bốn bên, gầm thét vang trời, mồm rồng phun ra nước mưa thất bảo, ở trên đặt những tòa lớn, bằng bảy thứ báu ngọc, bay bổng trên không gian, phóng quang minh chiếu sáng khắp thiên hạ, đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy của em hay sao?

– Không phải, đây là nhóm ông Kiều Trần Như, lúc Phật mới thành đạo, thuyết pháp ở vường Lộc Uyển, bọn ông cả thảy năm người được độ đầu tiên, có thần thông vô ngại.

Tiện Na nghe nói thêm lòng cung kính, đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng, các vị từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau ngài Ca Diếp hóa ra một ngàn nhà giảng, bằng thất bảo, phóng quang minh ở trong mình ra, chiếu khắp bốn phương, bay đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy em hay sao?

– Không phải, đó là ngài Ma Ha Ca Diếp, hay tu hạnh Đầu Đà thương kẻ ty tiện, chăm cấp giúp kẻ nghèo cùng.

Tiện Na vui vẻ đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau Ngài Xá Lợi Phất, ngồi tòa ngàn con Sư tử, hướng đầu ra bốn phương, mồm phun nước mưa thất bảo, gầm thét, làm chấn động cả trời đất, trên mình Sư Tử bày tòa bằng thất bảo, thân ngài phóng quang minh chiếu soi bốn phương, bay trên hư không, đi đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy em phải không?

– Không phải, đó là vị đại đệ tử của thầy em! Trí tuệ bậc nhất, tên là Xá Lợi Phất.

Tiện Na vui mừng, lấy hương hoa âm nhạc ra cúng dàng, ngài từ từ hạ xuống nhà.

Sau ngài Mục Kiền Liên hóa ra một ngàn con voi, quay đầu ra bốn bên, mỗi con có sáu ngà, mỗi đầu ngà có bảy hồ tắm, trong mỗi hồ có bảy hoa sen, trên mỗi hoa có bảy người ngọc nữ, ngoài ra còn biến hiện rất nhiều, phóng hào quang sáng lớn, làm vang động cả bốn phương trời, trên đầu voi bảy tòa thất bảo, ngài ngồi trên, bay đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy em phải không?

– Không phải, đó là đệ tử của thầy em, tên là Đại Mục Kiền Liên, thần thông bực nhất, đức hạnh đầy đủ.

Tiện Na vui mừng đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau ngài A Na Luật tự hóa ra bảy ao tắm bằng thất bảo; trong ao có hoa sắc vàng; hoa lá bằng thất bảo. Ngài ngồi kiết già phu trên hoa, cổ ngài đeo chiếc nhật quang soi khắp thiên hạ, những ánh hào quang ấy thuần sắc vàng bay trên không gian đến nước Phóng Bạt.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy của em phải không?

– Không phải, đó là đệ tử của thầy em tên là A Na Luật Đề, đối với đại chúng, là một vị thiên nhãn bực nhất.

Tiện Na vui mừng! Cung kính lấy hương hoa kỹ nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau em Phật là Nan Đà, hóa ra ngàn cỗ xe ngựa thất bảo trên xe che tán thất bảo, phóng quang minh chiếu ra bốn phương, bay trên hư không, đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy của em phải không?

– Không phải, đó là em của Phật tên là Nan Đà, tướng mạo và đức hạnh đầy đủ.

Tiện Na vui mừng! Lấy hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau Ngài Tu Bồ Đề hóa ra bảy quả núi ngọc, ngài ngồi trong hang lưu ly, thân phóng quang minh nhiều sắc lẫn nhau, chiếu sáng trời đất, bay đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy của em phải không?

– Không phải, đó là đệ tử của thầy em tên là Tu Bồ Đề, học nhiều trí tuệ sâu rộng, là một vị bậc nhất giải rõ pháp “Không”.

Tiện Na vui mừng! Lấy hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau đó ông Phân Nậu Văn Đà Ni Tử, hóa ra một ngàn thân Ca Lâu La Vương, kết thành toà ngồi, đầu hướng ra bốn bên, mồm ngậm các thứ châu bảo, phát ra những tiếng hòa nhã, ở trên bảy tòa thất bảo, bay trên không gian đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy của em phải không?

– Không phải, ông đó cùng đồng thầy với em, tên là Phân Nậu Văn Đà Ni Từ, một vị biện tài đệ nhất.

Tiện Na vui vẻ! Lấy hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau có Ngài Ưu Bà Ly hóa ra ngàn con nhạn giụm mình vào nhau đầu quay ra ngoài, tiếng kêu hòa nhã! Mồm ngậm các thứ châu bảo, bay liệng trên không gian, trên mình bày tòa quý đẹp, phóng đại quang minh chiếu khắp bốn phương, bay đến Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy em phải chăng?

– Không phải, đó là đệ tử của thầy em, tên là Ưu Ba Ly, một vị trì luật bực nhất trong hàng Tỷ Khưu.

Tiện Na vui mừng! Lấy hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau đó hai mươi ức vị Sa Môn, hóa ra những hàng cây ở trên hư không, dùng ngọc lưu ly xanh làm lối kinh hành, giữa hai hàng cây giáp nhau, làm bằng thất bảo, bên lề đường cũng bằng thất bảo, các vị đi trên lối kinh hành đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy em phải chăng?

– Không phải, đây là hai mươi ức vị Sa Môn, đệ tử trong các hàng Tỷ Khưu, tinh tiến hơn hết.

Tiện Na vui mừng, đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng, các Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau có ông Đại Kiếp Tân Ninh, hóa ra bảy hàng cây báu, trên cây có rất nhiều hoa quả, dưới gốc có bảy tòa cao đẹp, Ngài ngồi trên tòa phóng quang minh. Bay trên hư không đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy em phải chăng?

– Không phải, đây là một vị cùng thầy với em, tên là Đại Kiếp Tân Ninh, oai nghi đĩnh đạc, dũng mãnh nghiêm chỉnh đệ nhất.

Tiện Na vui mừng, đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau có ông Tân Đầu Lư Phả La Đỏa Sà ngồi tòa hoa sen, cổ đeo chiếc nguyệt quang, phóng ra ngàn tia sáng, soi khắp trời đất, bay trên không gian đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy em phải chăng?

– Không phải, đó là đệ tử Phật, tên là Tân Đầu Lư Phả La Đỏa Sà, một vị tọa thiền giỏi nhất.

Tiện Na vui vẻ, đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Sau có ông La Hầu La hóa làm vua Chuyển Luân; có ngàn người con và thất bảo vây quanh trước sau, bay trên không gian đến nước Phóng Bát.

Tiện Na hỏi: – Đây là thầy em phải không?

Đáp: – Không phải, đó là con Phật, tên là La Hầu La ở tại gia sẽ thống trị bốn thiên hạ, thất bảo tự nhiên đầy đủ, không phải dùng quân đội và khí giới, mà có thể dẹp yên được giặc, bỏ ngôi cao quý xuất gia tu đạo, được đắc quả A La Hán, đủ sáu phép thần thông, giờ đây biến thân để biểu lộ cái ngôi của Ngài.

Tiện Na vui vẻ đem hương hoa âm nhạc ra cúng dàng. Ngài từ từ hạ xuống vào nhà.

Đây là năm trăm đệ tử của Phật, có phép thần thông vô ngại biến hiện phi thường không tả xiết. Khi đó Ðức Thế Tôn biết các vị đã đi đến nước Phóng Bát rồi. Ngài bèn phóng hào quang chiếu sáng trời đất thuần sắc vàng.

Thấy điềm tướng này, Phú Na Kỳ bảo Tiện Na rằng:

– Thưa anh! Ðức Thế Tôn sắp đến, nên Ngài phóng hào quang cho biết trước!

Ðức Thế Tôn đương ngồi trên tòa, la chân xuống đất, tất cả trên trời dưới đất đều rung động sáu lần.

Phú Na Kỳ nói: – Động đất này là do Ðức Thế Tôn, Ngài la chân xuống đất làm chấn động như thế đó.

Ðức Thế Tôn vừa ra khỏi Tinh Xá, Ngài dừng lại nhập định, thì thần kim cương đứng ở tám mặt; bốn ông Thiên Vương đi trước, vua Đế Thích với các ông Thiên Tử cõi Dục và năm trăm ngàn muôn chúng thị vệ bên tả, vua Trời Đại Phạm và các ông Thiên Tử cõi Sắc, với vô số người đứng bên hữu. Tôi (A Nan) đứng sau Phật cùng với đại chúng, phóng quang minh chiếu khắp trời đất, bay trên hư không đến nước Phóng Bát.

Đi được nữa đường, gặp năm trăm nông phu đương cày ruộng, các con trâu tự nhiên đứng dừng lại không kéo cày nữa, một vẻ trầm tĩnh và kính cẩn biểu lộ, ngửa mặt nhìn lên trời, các người nông phu ngửa nhìn theo trâu, họ đều quỳ xuống bạch Phật rằng:

– Kính lạy đức Thê Tôn! Để lòng thương lũ chúng con, tạm xuống chỗ này giáo hóa chúng con thoát ly được những nỗi đọa đày thể xác lẫn tinh thần, đời đời được an vui sung sướng!

Phật lấy lòng từ bi và biết những người này duyên lành đã tới, nên Ngài từ từ hạ xuống thuyết pháp cho họ nghe.

Họ được lãnh hội giáo lý của Ngài, tâm trí tự nhiên sáng tỏ, hiểu thấu đời là vô thường không gì vững chắc, liền ngắt dứt được hai mươi ức kiếp tội ác, thành ngôi Tu Đà Hoàn, còn những con trâu, sau khi chết được sinh lên trời, ai nấy đều vui mừng khôn xiết, lễ sát dưới chân Phật.

Thuyết pháp xong, Ðức Phật lại bay lên hư không mà đi, đi chưa được bao xa có năm trăm kẻ đồng nữ chơi ở một cánh đồng rộng, nhìn xuống đất có ánh sắc vàng, ngửa mặt lên trời thấy Phật, chúng nó vui mừng chắp tay bạch Phật rằng:

– Kính lạy Phật! Xin Ngài xuống đây thuyết pháp cho lũ con nghe!

Phật biết những đứa này có túc duyên, căn lành với Tam Bảo đã chín, Ngài từ từ hạ xuống, mọi đứa tới gần cúi đầu lễ kính, Ðức Phật tùy theo căn cơ của nó, nói những lời đạo đức, giảng dạy môn tu. Chúng nghe xong đều phát trí sáng, đắc quả Tu Đà Hoàn, chúng vui mừng tha thiết lễ dưới chân Phật.

Cảm hóa đã xong, Ngài cùng với các đệ tử đi bộ trên hư không, qua khoảng rừng xanh, có năm trăm ông tiên nhìn thấy Phật và đại chúng, họ đều tha thiết lễ kính và bạch rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Nhân Ngài qua đây, chúng con được hạnh ngộ, ngửa mong ơn từ bi cao cả tế độ lũ chúng con được nhập đạo tu hành.

Phật coi duyên trước của những người này, biết có thể độ được, nên Ngài từ từ hạ xuống trước mặt, mọi người cúi đầu lễ sát đất. Phật nói:

– Thiện Lai Tỷ Khưu!

Nói xong râu tóc họ rụng hết, biến thành các vị Sa Môn, Ngài giảng giải cho nghe, mọi người đều được sáng tỏ cõi lòng, hết lậu nghiệp đắc quả A La Hán. Phật bay lên hư không thì những người này họ cũng bay theo.

Phú Na Kỳ xa ngó thấy Phật và đại chúng sắp tới bảo anh rằng:

– Phật sắp tới anh ạ!

Tiện Na vui mừng, lấy hướng hoa âm nhạc ra cúng dàng, Phật và dại chúng Tăng từ từ hạ xuống vào nhà thứ tự ngồi an tĩnh.

Tiện Na và gia quyến, sửa soạn cỗ bàn trai nghi trịnh trọng thành kính dâng Phật và đại chúng.

Phật dùng cơm xong, rửa tay súc miệng, thăng tòa thuyết pháp cho cả nhà Tiện Na và toàn thể dân nước nghe. Xong cuộc thuyết pháp này, gia quyến Tiện Na đều chứng quả Tu Đà Hoàn, còn những người trong nước một số rất đông được độ.

Thấy thế, tôi (A Nan) hỏi Phật rằng:

– Kính lạy Ðức Thế Tôn! Phú Na Kỳ đời quá khứ tạo ác nghiễp gì phải sinh làm con kẻ hạ tiện? Thuộc nô tỳ nhà người? Và có phước gì gặp Phật được thoát sinh tử? Cúi xin Ðức Thế Tôn từ bi chỉ thị.

Phật dạy: – A Nan! Ông muốn biết hãy nghe cho kỹ và nghĩ cho khéo, tôi sẽ nói cho hay!

– Dạ! Lạy Ðức Thế Tôn, chúng con xin chú ý nghe!

– A Nan! Đời quá khứ đã lâu, thời Đức Phật Ca Diếp giáng thế độ sinh. Bấy giờ có ông Trưởng giả, nhà rất giàu có, cũng vì việc cầu phước, nên ông làm một ngôi chùa và phòng Tăng, dâng bốn món: áo mặc, thức ăn, giường tòa, thuốc thang đầy đủ, cúng dàng Phật và các vị Thánh Tăng. Sau khi ông chết, người con trai của ông đi xuất gia, không có người thừa tự, nên sự cúng dàng ngày một thiếu hụt, các sư phải giải tán đi nơi khác, chùa chiền bỏ hoang vu, không người sửa chửa, bị mục nát, điêu tàn! Người con trai ông đi xuất gia, khi trở về thấy thế, đi nói với dân làng và bè bạn thân quen, bỏ tiền ra tu bổ lại ngôi chùa, và mời các Sư Tăng về cúng dàng như xưa, bấy giờ các Sư Tăng đến tu rất đông, phần nhiều là những vị Cao Tăng đại đức tu hành tinh tiến, đức hạnh đầy đủ.

Ngưới con trai ông khi đó làm chủ chùa. Trong các Sư Tăng phân công mỗi người một chức, để chấp tác việc chùa, hôm đó có một vị phải phiên trực nhật, nhổ cỏ quét đất vun thành một đống ở giữa sân chưa kịp hốt. Ông chủ chùa bẳn gắt mắng rằng:

– Ai quét sân nhổ cỏ để đây không hốt đi, làm ăn thế à? Không khác gì đứa nô tỳ, lười lẫm như vậy? Trái lại sư này đã tu chứng đến quả vị La Hán, mà ông không biết!

Nói tới đây Phật nhắc lại rằng:

– A Nan! Ông chủ chùa thuở đó chính là Phú Na Kỳ, bởi một lời nói ác, mắng vị La Hán thành nhân, tỷ dụ Ngài như đứa nô tỳ, vì tội ấy nên trong năm trăm năm, thường phải làm thân nô tỳ. Cũng do công đức sửa lại chùa chiền, khuyên người cúng dàng Tăng, đền tội đã xong, nay được gặp ta đắc giải thoát; những người nước này được giáo hóa, là những người ngày xưa giúp việc làm chùa và cúng dàng chúng Tăng, nên đời đời sung sướng, hôm nay gặp ta đều giải thoát cả.

Khi đó tôi và đại chúng nghe xong đều vui mừng, tạ lễ mà lui.a