Đường Về Minh Triết

Đường Về Minh Triết

Trương Văn Chiến 23

TUỆ NHÃN VÔ NIỆM CỦA SỰ SỐNG VĨNH HẰNG

Tuệ Thiền (Lê Bá Bôn)

 

*Vũ trụ là biểu hiện của TÂM. (Vật lí hiện đại đã hiểu được điều này). Tâm là Đấng Tối Thượng (Thượng Đế) của sự hướng thiện-hướng thượng tâm linh.

*CHÂN TÂM là trạng thái BIẾT-VÔ NIỆM hiện tiền với ánh sáng thanh tịnh, an lạc, giải thoát.

Chân Tâm là thể, vọng tâm là dụng; thể-dụng nhất như là VIÊN GIÁC.

*Chú tâm thụ động NGHE trạng thái BIẾT-VÔ NIỆM, đó là công phu vô tác để “trưởng dưỡng” Chân Tâm (tức là Tâm Bất Sinh Bất Diệt). (Còn gọi là “phản văn văn tự tánh”).

*Để chứng ngộ Chân Tâm, cần có khát vọng chân-thiện-mĩ vì ĐẠO, vì mình, vì chúng sinh; cần thấy-nghe tỏ rõ vọng tưởng (tức là những nghĩ tưởng, nhận thức, kiến chấp, tâm ngôn, tâm hành…- biểu hiện của cái “tôi” huyễn ảo vô minh); cần hiểu được rằng “tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền, là định hướng của mọi phương tiện tu tập tự lợi-lợi tha.

* “Tự tri-tỉnh thức-vô ngã” là đạo lí của vũ trụ, là mẫu số chung của ý nghĩa cuộc sống, là Thiền; mang năng lượng tích cực có lợi cho toàn vũ trụ, cho sự thăng hoa trí tuệ-tâm linh chung của tất cả. (Đường Về Minh Triết).

-21/8/2011-


 

 PHỤ LỤC:

 

1)Phần A:

*Trường ý thức là cơ sở của mọi hiện tượng trong Tự nhiên, bởi vì khe hở tồn tại giữa mọi electron, mọi ý nghĩ, mọi khoảnh khắc thời gian. Khe hở là điểm khống chế, sự tĩnh lặng ở tâm của sáng tạo, nơi vũ trụ liên kết mọi sự kiện. (…) Chúng ta cần nhớ nguồn gốc chung của mình. Tinh thần con người suy thoái khi chúng ta hạn chế mình trong một kiếp người và giam trong một thể xác. (Deepak Chopra – tiến sĩ y khoa).

 

*Những cấu trúc mà nhà khoa học quan sát được trong thiên nhiên liên hệ rất chặt chẽ với cấu trúc tâm ý của họ (…). (Fritjof Capra – giáo sư tiến sĩ vật lí).

 

*Các nghiên cứu đang được tiến hành, về cách thức suy nghĩ của chúng ta ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới xung quanh hay tới một nơi xa xôi nào đó, có thể khẳng định rằng suy nghĩ của chúng ta không chỉ thể hiện mà còn tạo ra được thực tế vật chất. (Karen Shanor – nhà sinh học).

 

*Một người, thông qua những suy nghĩ của họ, có thể thay đổi một phần nào đó của chức năng sinh lí – như nhịp tim, huyết áp hay sự dẫn điện trên da – của một người ở một vị trí khác. (Marilyn Schlitz – tiến sĩ sinh học).

 

*Ở cấp thấp nhất của tư duy và vật chất, mỗi người trong chúng ta đang sáng tạo thế giới (chỉ bằng sự chú ý của mình). (Lynne Mc Taggart – nhà vật lí).

 

*Tôi cho rằng chỉ có ý thức là tồn tại, không-thời gian, vật chất hay năng lượng chưa bao giờ là cơ sở của vũ trụ. (Donald Hoffman – nhà nghiên cứu ý thức).

 

*Hạt quark – từng được coi là viên gạch cơ bản của vật chất – chỉ là cấu trúc tâm thức. (Trịnh Xuân Thuận – nhà vật lí thiên văn).

 

*Vật chất (sắc) là do tâm (tạo) chứ không phải do thành tố tạo. (Kinh Lăng Già). (Theo kinh, duy tâm là chân lí tự chứng, không thuộc lí thuyết, suy luận).

 

*Trường Akasha (Trường Điểm Không – trường của trường) được mỗi nền văn hoá lí giải theo cách có ý nghĩa với nền văn hoá đó. Tự thân, trường miền này là tiềm năng thuần tuý. Nhưng các hướng dẫn tâm linh vĩ đại trước đây muốn khẳng định một lần nữa cho các tín đồ của mình rằng không gian không phải là hư vô. Chúng ta biết thế bởi vì sự tĩnh mịch nội tại của chúng ta không phải là hư vô. (…) Chúng ta đi theo hành trình của linh hồn tới giai đoạn cao nhất nó có thể đạt được là chính Akasha, nguồn gốc của mọi sáng tạo. (D. Chopra).

 

*Vào thời điểm đó (cận tử, não không hoạt động), những người này không chỉ có ý thức; ý thức của họ thậm chí bao quát hơn lúc nào hết. Họ có thể tư duy hết sức sáng suốt, có trí nhớ về tuổi thơ xa nhất và thể nghiệm sự liên kết chặt chẻ với mọi người, mọi vật xung quanh. Và bộ não hoàn toàn không có một chút biểu hiện hoạt động nào”. (Van Lommel – giáo sư tiến sĩ y khoa).

 

*Nếu tư duy có trước bộ não, nếu tư duy thuộc về tất cả chúng ta thì sao? Tôi có thể nói “bộ não của tôi”, nhưng tôi không thể nói “trường lượng tử của tôi”. Có bằng chứng ngày càng rõ là thực ra chúng ta chia sẻ một trường tư duy như nhau. Điều này sẽ ủng hộ nhiều về sự tồn tại của các thiên đường và địa ngục, Bardo và kí ức Akasha (Trường Điểm Không – trường của trường), mở rộng ra cả ngoài bộ não. Để bắt đầu, chúng ta cần kiểm tra các kiểu ý tưởng mà mọi người chia sẻ trong cùng một nhóm. Bộ não thuộc về “tôi” nhưng nếu các ý tưởng thuộc về “chúng ta” thì chúng ta tập hợp cùng nhau trong một trường, đôi khi theo một cách hoàn toàn thần bí. (D. Chopra).

 

*Đồng hoá với tâm trí mình, bạn sẽ bị nhốt vào chiếc cũi thời gian, nghĩa là bị cưỡng bách phải sống chỉ bằng kí ức và dự tưởng. (…) Hiện tại vĩnh hằng là không gian để toàn bộ cuộc sống của bạn mở ra, là yếu tố duy nhất luôn thường hằng. Cuộc sống là ngay bây giờ. (…) Nó là điểm duy nhất để bạn bước vào lãnh địa phi thời gian và vô tướng của Bản thể hiện tiền. (Eckhart Tolle – nhà đạo học).

 

*Sáng tạo nhảy vọt từ trống rỗng lên đầy tràn, cũng như vĩnh cửu nhảy vọt từ phi thời gian sang đầy tràn thời gian. Nếu vĩnh hằng đang cùng với ta bây giờ, làm cơ sở cho toàn bộ tồn tại vật chất, nó phải làm cơ sở cho tôi và bạn. Ảo tưởng thời gian nói rằng bạn và tôi bị phóng theo đường thẳng từ Sinh đến Diệt, trong khi thực ra chúng ta ở trong cái bong bóng bị vĩnh hằng buông xuôi. (D. Chopra).

 

*Bất kể chuyện gì xảy ra lúc chết, tôi tin rằng nó xứng đáng được gọi là phép mầu, mà phép mầu, trớ trêu thay, chính là ở chỗ chúng ta không chết. Sự dừng lại của cơ thể là ảo ảnh, và giống như nhà ảo thuật vén lên một bức màn, linh hồn khám phá ra điều gì nằm ở bên kia. (D. Chopra).

 

*Nếu ngài thấy rằng ý thức của mình được chia sẻ bởi tất cả con người khác sống trên trái đất này, lúc đó toàn bộ cách sống của ngài sẽ đổi khác. (Jiddu Krishnamurti – danh nhân giác ngộ).

 

*Muốn chuyển hoá thế giới, chuyển hoá sự khốn khổ, chiến tranh, nạn thất nghiệp, nạn đói, sự phân chia giai cấp và tất cả sự hỗn loạn khắp nơi thì chúng ta phải chuyển hoá chính bản thân mình. Cuộc cách mạng phải bắt đầu được nhóm dậy trong chính tâm tư mình, chứ không phải lệ thuộc vào bất cứ tín ngưỡng hay ý thức hệ nào (…). (J.Krishnamurti).

 

*Gọi là Thượng Đế hay chân lí đều như nhau. Chân lí là giải thoát tâm trí khỏi mọi gánh nặng của trí nhớ (tâm lí). (J.Krishnamurti).

 

*Nếu giác ngộ đã làm cho toàn thể vũ trụ rung chuyển sáu cách khác nhau như kinh chép, thì vô minh khi chưa bị hàng phục ắt vẫn có đủ thần lực ấy, dầu rằng vì bản chất và hiệu lực, thần lực ấy diễn ngược lại hẳn với giác ngộ. (Daisetz Teitaro Suzuki – thiền sư học giả).

 

2)Phần B:

*Dĩ nhiên chúng ta phải sử dụng các ngôn từ khi một điều gì đó được truyền đạt từ người này sang người khác, nhưng các ngôn từ chỉ là sự nêu trỏ suông chứ không phải là chính sự thực. Như kinh bảo, chúng ta phải dùng đến ngọn đèn ngôn từ để đi vào trong cái chân lí nội tại của kinh nghiệm vượt khỏi ngôn từ và tư tưởng. Nhưng quả thực là hoàn toàn khờ dại khi tưởng ra rằng ngọn đèn ấy là mọi sự. (D.T.Suzuki).

 

*Trong sự giao tiếp hằng ngày ta mang nợ ngôn từ biết bao nhiêu. Và tuy thế, do từ ngôn từ, không những về luận lí mà cả về mặt tâm linh, ta phải chịu những hậu quả trầm trọng biết bao nhiêu! Ánh sáng của Tâm bị che phủ hết trong ngôn từ và với ngôn từ. Quả thực, tâm tạo ra ngôn từ, và bây giờ tưởng ngôn từ là những thực tính độc lập với cái tạo ra nó, tâm trở thành vướng víu trong ngôn từ, và như kinh bảo, bị nuốt chửng trong những cơn sóng của luân hồi. (D.T.Suzuki).

 

*Toàn bộ giáo lí Phật giáo, hay cả toàn thể đạo học Đông phương, nói về tri kiến tuyệt đối, tri kiến chỉ đạt được trong thế giới vô niệm, trong đó sự thống nhất toàn thể mọi nhị nguyên đối lập là sự chứng thực sinh động. (F.Capra).

 

*Một câu nói của thiền sư (đã chứng ngộ), nếu hành giả lĩnh hội được, là đủ để tu hành đến giải thoát. (…) Bao nhiêu kinh điển, bao nhiêu pháp tu, đức Phật đều dạy xoay quanh cái trục: chận đứng tâm suy nghĩ lăng xăng. (Thích Thanh Từ – thiền sư).

 

*Tất cả mọi công án là phát ngôn của ngộ (sambodhi), không qua trung gian tri thức; đó là cái đặc tính kì lạ và khó hiểu của chúng. (D.T.Suzuki).

 

*Tối kị nhằm trong ngôn cú tạo kế sống. Vì sao? Vì bánh in đâu có nước. Người ta phần nhiều rơi vào ý thức. Cần phải nhắm về trước khi ngữ cú chưa sinh để hội lấy, mới được đại dụng hiện tiền tự nhiên thấy được. (Bích Nham Lục).

 

*Nên nhớ rằng chúng ta đã đi sang bờ bên kia của tri thức, và rằng những gì được nói ra đều được nói sau bước nhảy. (D.T.Suzuki).

 

*Cái tối của hang động trở thành ánh giác khi bừng lên ngọn đuốc chiếu diệu tâm linh. (…) Trí thức thông thường không đưa chúng ta đến đó được, vì chúng ta không sống trong trí thức, mà sống trong ý chí. Đúng như lời huynh Lawrence (nhà thần học) luận về chân lí: “Ta phải phân biệt kĩ hành động của trí thức và hành động của ý chí; loại đầu tương đối có một giá trị mỏng manh, loại sau mới là tất cả”. (D.T.Suzuki).

 

*Không (trong Bát-nhã) là thành quả của trực giác tâm linh, chứ không phải là hậu quả của suy luận. (D.T.Suzuki).

 

*Người học kinh, xem giáo lí, mỗi câu mỗi câu đều phải uyển chuyển xoay về nơi mình để làm sáng tỏ tánh giác. (Bá Trượng – thiền sư).

 

3)Phần C:

*Ngộ là ngộ bằng trí tuệ, và trí tuệ phát ra từ ý chí – ý chí muốn tự tri tự giác, và tự thực hiện trong chính nó. (…) Ta nên ghi nhận, cái bị huỷ diệt ở đây là cái già và cái chết, chứ không phải cái sống; vì chính xuyên qua giác ngộ cái sống ấy, lần đầu tiên, khôi phục lại tinh thần tự do và tinh lực sáng tạo nguyên thuỷ.  (D.T.Suzuki).

 

*Nhìn vào bên trong, chúng ta biết có cái tâm chân thật ở trong. Tâm này thấy sự rong ruổi của ý thức, thấy được vọng niệm (về đạo về đời) khi dấy khi lặng. Nếu không có tâm ấy, chúng ta làm sao biết được khi có vọng khi không vọng, lúc có ý thức lúc không ý thức. Cái biết được vọng, quyết định cái đó không phải vọng. Vọng thì khi sinh khi diệt, cái thấy rõ sự sinh diệt của vọng quả là không phải sinh diệt. Vọng dấy lên do vin theo bóng dáng trần cảnh nên có tướng mạo, thuộc về nhân duyên. Cái biết vọng, chưa từng dấy lên, chưa từng theo trần cảnh, nên không liên hệ đến nhân duyên. (…) Nhận ra cái đó là thấy tâm chân thật ở trong. (Thích Thanh Từ).

 

*Chỗ ông dừng một niệm là cây Bồ-đề (tánh giác); ông một niệm không thể dừng được là cây vô minh. (Lâm Tế – thiền sư).

 

*Bản ngã – một ảo tưởng – là kết quả của bộ não bị quy định, bị chương trình hoá. (David Bohm – giáo sư tiến sĩ vật lí).

 

*Tri kiến lập tri tức vô minh bổn, tri kiến vô kiến tự tức Niết bàn. (Kinh Lăng Nghiêm).

 

*Nếu được bạn lành vạch bày liền đốn ngộ cái “biết” không-lặng. Cái “biết” không có niệm, không hình tướng thì đâu có gì là ngã tướng nhân tướng. (Tông Mật – thiền sư).

 

*Nếu nhân “một niệm dấy lên”, vô minh đi vào đời ta, thì sự thức tỉnh của một niệm (hoặc tư tưởng) khác phải chấm một dấu chấm hết cho vô minh, và quyết định cơ giác ngộ. Và trong trạng thái ấy không còn một tư tưởng nào là đối tượng của bất cứ ý thức luận lí hoặc suy luận kinh nghiệm nào; vì trong giác ngộ, người nghĩ, sự nghĩ và ý nghĩ đều hoà tan trong một hành vi duy nhất là kiến chiếu trong thực thể của chính mình. (D.T.Suzuki).

 

*Chỉ cần dứt vọng niệm (về đạo về đời), bặt tư lự thì Phật (tánh giác) tự hiện tiền. (Hoàng Bá – thiền sư).

 

*Tự tri là thấy mình, nhìn thấy tâm trí mình từ giây phút này đến giây phút  khác trong lăng kính của tương giao tương hệ của mình đối với tài sản, đối với những sự việc, đối với con người, đối với những ý tưởng… (…) Đây là việc chính yếu: khi mà tôi chưa hiểu được mình, tôi không thể có được căn bản để suy tư, và tất cả sự tìm kiếm của tôi chỉ là vô vọng hão huyền. (…) Chính sự kiện ý thức trực tiếp về hiện thể (cái đang là) là chân lí rồi. (…)Đừng phân tích tâm thức để tâm trí tĩnh lặng. (J.Krishnamurti).

 

*Đoạn trừ thời gian không phải là một tiến trình; mọi phương pháp, mọi phương thức đều kéo dài thời gian. Thời gian dừng bặt chính là sự dừng bặt của mọi tư tưởng, mọi cảm thức. (…) Quán chiếu không xuất phát từ kinh nghiệm mà từ cái Không. (J.Krishnamurti). 

 

*Này thiện tri thức, nếu trong các ông hàng hữu học, mỗi lần niệm khởi trong tâm, hãy hồi quang phản chiếu (tận nguồn tâm). Khi niệm diệt trong tâm, sự phản quán tâm cũng tự diệt, đó là vô niệm. Vô niệm hoàn toàn thoát ngoài các duyên ngoại cảnh, bởi vì nếu còn có cảnh duyên nào thì không thể là vô niệm được. (…) Nếu khởi chánh chân Bát nhã quán chiếu thì trong khoảng một sát na vọng niệm đều diệt. Nếu biết tự tánh, một phen ngộ tức đến quả vị Phật. (Huệ Năng – Lục Tổ Thiền tông).

 

*Nếu để cho tâm chẳng nghĩ gì hết, đó là diệt niệm, tức bị pháp trói buộc, gọi là thấy một bên. (Huệ Năng).

 

*Vô niệm của Lục Tổ Huệ Năng khác hẳn với vô thức của các nhà tâm lí học từ căn để. Vô niệm có ý nghĩa về siêu hình. (D.T.Suzuki).

 

*Thiền có nghĩa là tỉnh thức: thấy biết rõ ràng những gì anh đang làm, những gì anh đang suy nghĩ, những gì anh đang cảm thọ; biết rõ mà không lựa chọn, chỉ quan sát và biết. Thiền là biết rõ sự điều kiện hoá của chính mình (…). Thiền như thế đem lại một đặc tính hoàn toàn im lặng của tâm. Một người có thể thuyết giảng về đặc tính này, nhưng chỉ là vô nghĩa nếu đặc tính đó không tồn tại. (J.Krishnamurti).

 

*Mục tiêu của việc tu thiền là nhận ra tự tánh (tức Phật tánh) và giải thoát khỏi mê lầm phiền não. Làm thế nào để nhận ra được? Có thể được, vì tự tánh là tự tri. (D.T.Suzuki).

 

*Tự tánh chính là Phật, và Phật là tự tánh. Vì thế thấy tánh là thành Phật. (Vân Cư Tích – thiền sư).

 

*Không thể đặt tên, nên nói vô niệm vượt ngoài ngôn ngữ. (…) Giống như tấm gương sáng, nếu có vật thì hiện hình, nếu không vật thì không bóng. Khi tôi nói về vật ở trước gương và cái chiếu soi của gương, thì thực tế cái chiếu soi đó là một cái gì bất biến thường hằng thuộc vào bản chất của gương, và không can dự vào sự kiện vật có hiện hữu hay không hiện hữu trước gương. (…) Kiến chiếu cái Không chính là cái thấy chân thực và là cái thấy thường hằng. (Thần Hội – thiền sư).

 

*Ví dụ khi bạn nhìn mặt trời lặn và tư tưởng xen vào, thì hãy rõ biết điều này. Hãy rõ biết về cảnh mặt trời lặn và tư tưởng xen vào. Đừng xua đuổi tư tưởng. Hãy rõ biết mà không phân biệt lựa chọn toàn bộ sự việc: mặt trời lặn và tư tưởng xen vào. Lúc đó bạn sẽ khám phá được, nếu bạn thực sự rõ biết, không một ý muốn nào để loại trừ tư tưởng, để chống trả với sự xen vào can dự của tư tưởng. Nếu bạn không làm bất cứ điều gì đã kể trên thì tư tưởng sẽ im bặt. (J.Krishnamurti).

 

*Bảo rằng quá trình giác ngộ là đốn nghĩa là có một cú nhảy vọt (…). Cú nhảy vọt về mặt luận lí là tiến trình lí luận thông thường khựng lại một cách đột ngột (…). Tiến trình này gián đoạn đột ngột, và đồng thời bất khả tư nghì; đó là kiến tánh. (D.T.Suzuki).

 

*Nhược ngộ tịch vi lạc / Thử sinh nhàn hữu dư. (Nếu ngộ tịch là lạc / Đời này nhàn có dư). (Vương Duy – thiền thi sĩ).

 

*Vì là vô tâm vô niệm nên cái thấy mới thực là thấy. (…) Lí vô ngã không đúc kết từ suy luận duy lí mà là một sự kiện thực tế. (…) Các lí luận gia cần nhớ rằng tôn giáo là sự kiện thực nghiệm (…). (D.T.Suzuki).

 

*Khi tỉnh giác mà có nỗ lực thì hết tỉnh giác. (…) Để nhận thức một cái gì đẹp đẽ sâu xa, không phải chỉ có tâm lặng im, mà còn có khoảng không bao la trong tâm. (J.Krishnamurti).

 

*Những hành động vô tác (không có sự cố gắng nào) là do từ cái Không. (Kinh Lăng Già).

 

*Mười phương thế giới thu vào một điểm hiện tiền; quá khứ, hiện tại, vị lai tụ trong một niệm đương thời. Dù ở giữa hàng chư thiên cũng không có niềm vui nào so được với đây; ở loài người lại càng hiếm lắm. Sự tiến bộ như thế trong đời sống tâm linh có thể thâu đạt được chỉ trong vài bữa, nếu hành giả dốc lòng tu tập. (Bạch Ẩn – thiền sư).

 

*Thấy được tất cả các sự vật đúng như thật các sự vật nghĩa là thể nghiệm rằng không có gì được trông thấy ngoài chính cái Tâm. (Kinh Lăng Già).

 

*Người trí xem năm uẩn là những cấu trúc của tưởng. (…) Ba cõi không gì khác hơn là sự phân biệt. (…) Khi một sự chuyển hoá (chuyển y) xảy ra thì có một trạng thái vô tưởng vốn là cảnh giới của người trí. (…) Khi người ta nhận biết rằng không có gì ngoài những thứ được thấy từ chính cái Tâm thì sự phân biệt về hữu và phi hữu đứt đoạn. (Kinh Lăng Già).

 

*Vô tướng nghĩa là sự biến mất của phân biệt. (Kinh Lăng Già).

 

*Được gia trợ bởi năng lực của chư Phật, chư Bồ-tát Ma-ha-tát đang ở cấp độ thứ nhất của mình (sơ địa) sẽ đạt đến Bồ-tát Tam-ma-địa gọi là Ánh sáng đại thừa (phát quang địa), thuộc về chư Bồ-tát Ma-ha-tát. (Kinh Lăng Già).

 

*Thể chứng duy tâm là mục đích của Lăng Già, và điều này được thực hiện khi phân biệt bị loại trừ, tức là, khi người ta đạt được một trạng thái vô phân biệt trong đời sống tâm linh của mình. (…) Duy tâm là duy a-lại-da, là “chỉ có tâm”. (D.T.Suzuki).

 

*Khi bộ não yên lặng thì sự nhận thức (tức cái nhìn sâu sắc trực tiếp vào vấn đề, và không có sự can thiệp của vận hành tư tưởng) bắt nguồn từ tinh thần của vũ trụ. Lúc đó có tình thương và lòng nhân từ độ lượng. Phát sinh sự chuyển hoá trong tế bào não, loại bỏ đau khổ. Tinh thần đó ảnh hưởng trực tiếp đến nhân loại. (J.Krishnamurti).

 

*Thoại (lời nói) từ tâm khởi, tâm là đầu (ở trước) của thoại. Niệm từ tâm khởi, tâm là đầu của niệm. Vạn duyên đều từ tâm khởi, tâm là đầu của vạn duyên. Sự thật, “thoại đầu” tức là “niệm đầu”; trước niệm chính là tâm. Nói thẳng, trước khi một niệm chưa sinh là thoại đầu, Do đây, chúng ta biết khán thoại đầu tức là quán tâm. Khán “trước khi cha mẹ chưa sinh, mặt thật xưa nay là gì?” là quán tâm. (Hư Vân – thiền sư).

 

*Người học đạo hay quán một câu thoại đầu như gieo hòn gạch xuống hồ sâu muôn trượng, rơi thẳng tận đáy; được vậy trong bảy ngày, nếu không khai ngộ, lão tăng xin dâng thủ cấp. (Cao Phong – thiền sư).

 

*Chứng ngộ là cái nhìn soi thẳng vào vô thức. (D.T.Suzuki).

 

*Hãy cứ thực tình nhắm đến biển tánh của mình mà tu tập, không cần tam minh lục thông. Cớ sao không? Vì đó như là mép rìa của thực tại. (Ngưỡng Sơn – thiền sư).

 

*Nếu người thật ngộ được bản tâm thì họ tự biết; tu cùng không tu là lời nói hai đầu. (Quy Sơn – thiền sư).

 

*Chứng ngộ là tri kiến về một sự vật cá biệt, và đồng thời về thực tại đằng sau sự vật đó, nếu có thể nói là “đằng sau”. (…) Như thế ngộ là một hình thái của tri giác, một thứ tri giác nội tại, phát hiện trong phần sâu thẳm nhất của ý thức. Đó là ý nghĩa của đặc tính tự tri; tức là sự thực tối hậu. (D.T.Suzuki).

 

*Bất cứ chân lí nào mà triết lí rao giảng đều vô hiệu, chẳng thể mở ra cho người đọc một cái nhìn mới mẻ. Nhưng khi người ta nghiên cứu kinh Phật, chúng chứa đựng những lời lẽ của những tâm hồn sâu sắc nhất của tôn giáo, người ta được lôi cuốn hướng vào trong những tàng ẩn sâu của tâm thức; cuối cùng họ mới tin chắc rằng những lời lẽ ấy quả thực giao tiếp với căn cơ của thực tại. (…) Nhưng nếu mới làm quen với các kinh này thì cần phải thấy con đường được chỉ điểm, và phải biết tìm kiếm bản thân sự vật ở nơi nào. Không có chỉ điểm này hẳn là chúng ta không thể biết tập trung những nỗ lực của mình như thế nào và ở đâu. Vì vậy kinh nói: “Ta vừa là đạo sư vừa là chân lí”. (D.T.Suzuki).

 

*Chẳng nghĩ thiện chẳng nghĩ ác, chính khi ấy là làm gì? (Ngưỡng Sơn).

 

*Khuyên các ông, không gì hơn là thôi hết đi, vô sự đi. Tâm vừa khởi một niệm tức là quyến thuộc nhà ma, là kẻ tục phá giới. (Đức Sơn – thiền sư).

 

*Đạt vọng, vốn chân; biết chân, tưởng diệt. (Kinh Lăng Già Tâm Ấn).

 

*Hỏi: Huyễn vốn nào chân? Đáp: Huyễn vốn nguyên chân. Hỏi: Chính khi huyễn làm sao hiển bày? Đáp: Tức huyễn liền hiển. Hỏi: Thế ấy thì trước sau chẳng lìa huyễn? Đáp: Tìm huyễn tướng không thể được. (Tào Sơn – thiền sư).

 

*Chân lí ở trong cái đang là, và đó chính là vẻ đẹp của chân lí. (…) Nhân đức là việc đối mặt với hiện thể; và đối diện với sự kiện là một trạng thái hạnh phúc tuyệt trần. (J.Krishnamurti).

 

*Phàm phu tức Phật, phiền não tức Bồ-đề. (Huệ Năng).

 

*Ngoài chúng sinh, tìm đâu ra Phật? (…) Nắm cái vô niệm trong cái niệm. (Bạch Ẩn – thiền sư).

 

*Tri huyễn tức li, li huyễn tức giác. (Kinh Viên Giác).

 

*Biết rõ đường lối tu hành, hạ thủ công phu tu tập, phát trí tuệ là Trí Vô Sư. Trí này tương tự với “huệ” trong ba môn “giới, định, huệ”. (Thích Thanh Từ).

 

*Con đường trước tiếng, nghìn thánh chẳng truyền; học giả nhọc hình như khỉ bắt bóng. (Đại Huệ – thiền sư).

 

*Vân Nham dựng cây phất tử hỏi một ông sư: Nghe chăng? (Thiền Sư Trung Hoa).

 

*Ngài Văn Thù nói với Văn Hỉ: Người nếu không chấp tâm đâu cần thọ giới. (Thiền Sư Trung Hoa).

 

*Bạn vẫn thiền được khi làm việc, khi ngồi trong xe buýt, khi lắng nghe tiếng hót chim muông, khi nhìn khuôn mặt vợ mình con mình… (J.Krishnamurti).

 

*Khi các ngài được dạy cho đặt nghi tình vào cái nghĩa của niệm Phật, hãy cứ tự nhiên mà chú tâm ngay trên chỗ “ai” niệm Phật. (Bản Thiện – thiền sư).

 

*Nói theo thuật ngữ Phật giáo, khách trần phân biệt bao phủ mặt gương bản lai trong sáng của đài gương giác ngộ ở nội tâm. (D.T.Suzuki).

 

*Trong đời sống tôn giáo của chúng ta, tính thụ động xuất hiện như là cao điểm của tính chủ động tích cực (…). (D.T.Suzuki).

 

*Là một cái riêng sáng hiện bày rõ ràng ở trước mắt ông, nó biết thuyết pháp, nghe pháp. Nếu thấy được như thế đã cùng Phật, Tổ không khác. Chỉ trong tất cả thời đừng cho gián đoạn, chạm mắt đều phải. (…) Chỉ vì tình sanh trí cách, vọng dấy thể sai. (Lâm Tế).

 

*Ba gian nhà cỏ từ xưa ở / Một vạch thần quang muôn cảnh nhàn / Chớ đem phải quấy đến ta biện / Sống tạm, bàn quanh chẳng dính gì. (Pháp Nhãn – thiền sư).

 

*Tột trước cùng sau trở về niệm hiện tiền. (Kinh Lăng Già Tâm Ấn).

 

*Pháp môn vô niệm thuộc về hàng thánh nhân, nhưng nếu phàm phu tự tu tập theo đó, họ không còn là phàm phu nữa. (…) Ai quán vô niệm, kẻ ấy tức thì tăng trưởng phước đức nhiều như cát sông Hằng. (…) Ai quán vô niệm, kẻ ấy ôm trọn vạn vật trong lòng mình. (…) “Vô” có nghĩa là vô nhị tướng, “niệm” là niệm Chân như. (Thần Hội).

 

*Kì cùng, chủ đề của các kinh Bát-nhã ba-la-mật là Bồ-tát hạnh, tức thực hành Bát-nhã ba-la-mật để nhờ đó chứng đắc vô thượng chính giác. (D.T.Suzuki).

 

*Theo Lục tổ, Bát-nhã là tên đặt cho Tự tánh hoặc Vô niệm, khi Tự tánh tự nhận biết mình, hoặc đúng hơn là hành vi tự nhận biết chính mình. (D.T.Suzuki).

 

*Bây giờ nếu các ngài khảo sát mối bận tâm lo lắng của các ngài thì các ngài sẽ thấy rằng sự bận bịu ấy đã được hình thành trên sự đố kị, thèm muốn; nó không phải chỉ là một phương tiện để mưu sinh mà thôi. (…) Thế giới chỉ là sự phóng rọi ra bên ngoài những gì thầm kín bên trong tâm hồn chúng ta; do đó muốn tìm hiểu thế giới, chúng ta phải tìm hiểu chính chúng ta (…). (J.Krishnamurti).