Luật xuất gia

Luật xuất gia

Trương Văn Chiến 16

III. DẠY PHÁP PHẦN THỨ BA (Ovàdavagga).

Có 10 điều học:

1) Dạy pháp cho Tỳ-khưu ni (bhikkhunovàda).

Tỳ-khưu mà Tăng không chỉ định, rồi đi dạy 8 điều trọng pháp cho Tỳ-khưu ni, phạm Ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư thấy các đại đức dạy đạo cho Tỳ-khưu ni được nhiều vật dụng, bèn rủ nhau đi dạy Tỳ-khưu ni.

Chú giải: Tỳ-khưu có đủ 8 chi:

  1. Thu thúc theo giới bổn.
    2. Học rộng.
    3. Thông cả 2 giới bổn.
    4. Tiếng thanh tao dễ nghe.
    5. Ðáng cho Tỳ-khưu ni kính mến.
    6. Có sức vừa dạy bảo Tỳ-khưu ni được.
    7. Tỳ-khưu ít khi phạm điều trọng pháp với Tỳ-khưu ni.
    8. Xuất gia được 20 hạ, hoặc nhiều hơn 20 hạ.

Ðều đủ cả 8 chi ấy mới mới nên chỉ định chi đi dạy Tỳ-khưu ni.

8 Trọng pháp là:

  1. Tỳ-khưu ni, dầu tu được 100 hạ cũng phải làm lễ Tỳ-khưu mới xuất gia trong một ngày.
    2. Không nên nhập hạ trong chỗ không có Tỳ-khưu.
    3. Nên cố ý hỏi ngày lễ phát lộ, sám hối và đến thọ giáo nơi Tỳ-khưu Tăng trong nửa tháng.
    4. Nhập hạ rồi nên hành phép tự tứ trong hai phái Tăng.
    5. Phạm trọng pháp (là Tăng tàn) rồi nên cho 2 phái Tăng giao hiệp lại.
    6. Phải tu bậc Thất xoa ma na thọ trì 6 giới trong 2 năm nơi 2 phái Tăng rồi mới được xuất gia lên Tỳ-khưu ni.
    7. Không được phép mắng nhiếc Tỳ-khưu.
    8. Tỳ-khưu ni không được dạy Tỳ-khưu.

Tỳ-khưu ni phải nên tôn kính thọ trì 8 trong pháp ấy cho đến trọn đời không được bỏ qua.

2) Mặt trời lặn (atthangata).

Dầu là Tỳ-khưu mà Tăng chỉ định khi mặt trời đã lặn mà còn dạy đạo đến Tỳ-khưu ni phạm Ưng đối trị .

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá ( Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do đại đức A la hán Culapanthaka dạy đạo cho Tỳ-khưu ni mến tài đức ngài, đưa ngài ra khỏi thành bị thành đóng cửa vào không được, làm cho thiên hạ nói xấu.

3) Tại chỗ ở của Tỳ-khưu ni (upassaya).

Tỳ-khưu đi dạy Tỳ-khưu ni nơi chỗ ở của cô, phạm Ưng đối trị, trừ ra dạy Tỳ-khưu ni có bịnh.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá Nigrodha gần thành Ca tỳ la vệ (Kapilavatthu), do phe Lục sư đi dạy cho phe 6 Tỳ-khưu ni tại chỗ ở của các cô.

4) Mong được tài vật (àmisa).

Tỳ-khưu nói xấu vị khác rằng đi dạy Tỳ-khưu ni rằng mong được tài vật phạm Ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư nói các đại đức đi dạy Tỳ-khưu ni vì muốn được lợi.

5) Cho y đến Tỳ-khưu ni (cìvaradàna).

Tỳ-khưu cho y đến Tỳ-khưu ni không phải bà con, phạm Ưng đối trị, trừ ra đổi y với nhau.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do 1 Tỳ-khưu cho cà sa đến Tỳ-khưu ni không phải bà con.

6) May y cho Tỳ-khưu ni (cìvarasibhana).

Tỳ-khưu tự mình may y hoặc dạy kẻ khác may y cho Tỳ-khưu ni không phải bà con Ưng đối trị .

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Udàyi may y cho Tỳ-khưu ni.

7) Rủ Tỳ-khưu ni đi chung đường (samvidhàna).

Tỳ-khưu rủ Tỳ-khưu ni đi chung đường, dầu chỉ đi xa 1 khoảng trong xóm cũng Ưng đối trị, trừ ra có đường nguy hiểm.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư rủ Tỳ-khưu ni đi chung đường.

8) Rủ Tỳ-khưu ni đi chung thuyền(nàvàbhirùhana).

Tỳ-khưu rủ Tỳ-khưu ni đi chung thuyền, đi ngược hoặc đi xuôi nước cũng phạm Ưng đối trị, trừ ra đi qua sông rạch.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư rủ Tỳ-khưu ni đi chung thuyền.

9) Dọn nấu ăn (paripàcana).

Tỳ-khưu đã biết thọ thực (vật ngọt, hoặc mặn) mà Tỳ-khưu ni dọn, dạy thiện tín dâng cúng, phạm Ưng đối trị, trừ ra thiện tín đã tính trước.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Trúc lâm tịnh xá (Vihàra veluvana) gần thành Vương xá (Ràjagaha) do Tỳ-khưu đề bà đạt đa (Davadatta) đã biết nhờ Tỳ-khưu ni nên được mời ăn mà còn đi dự.

10) Chỗ khuất mắt (rahonisajja).

Tỳ-khưu ngồi hoặc nằm trong chỗ khuất mắt với Tỳ-khưu ni phạm Ưng đối trị .

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Udàyi vào ngồi nơi kín với Tỳ-khưu ni (vợ trước).

  1. VẬT THỰC PHẦN THỨ TƯ (Bhojana vagga).

Có 10 điều học:

1) Nhà thí thực (àvasathapinda).

Vật thực trong phước xá mà họ bố thí không phân hạng người, Tỳ-khưu không bịnh chỉ được phép thọ thực 1 ngày rồi phải nghỉ, bỏ qua 1 ngày, thọ nữa mới được, nếu thọ thực liên tiếp đến ngày thứ 2, phạm Ưng đối trị .

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư đến thọ thực nhà thí thực ấy luôn khi, làm cho người chê trách.

Chú giải: Có bịnh tưởng là không bịnh hoặc nghi rồi phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Có bịnh biết là có bịnh, thọ thực 1 lần thọ thực cách 1, 2 ngày hoặc thọ rồi qua ngày sau đi khuất nơi khác mà có sự rủi ro, trở lại thọ nữa được, hoặc thí chủ thỉnh thọ luôn, hoặc họ để dành riêng cho Tỳ-khưu hoặc thọ ngoài 5 món ăn (cơm, bánh sốt, bánh nguội, thịt, cá) và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 3 chi:

– Cơm trong phước xá (àvasathapindatà).
– Không có bịnh (agilànàtà).
– Ở chờ ăn (anuvasitvàbhojanam).

Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị . Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomasikkhàpada).

2) Thọ thực chung nhiều vị (gànabhojana).

Nếu thí chủ họ thỉnh, cho biết tên vật thực 5 món là (cơm, bánh, sốt, bánh nguội, cá, thịt) một món nào, nếu Tỳ-khưu thọ vật thực ấy chung nhau từ 4 vị trở lên, rồi ăn chung hoặc ăn riêng, phạm Ưng đối trị, trừ ra có 7 duyên cớ này:

– Tỳ-khưu bịnh (gilànasamayo).
– Lễ dâng y (cìvaradànasamayo).
– Kỳ làm y (cìvarakàrasamayo).
– Ði đường xa (addhànagamanasamayo).
– Ði chung thuyền (nàvàtirùhanasamayo).
– Tỳ-khưu hội hợp quá số, vật thực không đủ dùng (mahàsamayo).
– Vật thực của các hạng xuất gia thỉnh thọ thực (samanabhattasamayo).

Có 1 trong 7 duyên cớ ấy thọ thực không phạm tội (trong điều học này chỉ lấy cớ đi thọ thực chung cùng nhau làm bằng).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Trúc lâm tịnh xá (Vihàra Veruvana) gần thành Vương xá (Ràjagaha) do phe Tỳ-khưu Đề bà đạt đa (Devadatta) dẫn đi thọ thực chung cùng nhau thường thường tìm xin vật ngon.

Chú giải: Dầu Tỳ-khưu lên tiếng xin ngay tên của vật thực rằng: người cho tôi xin cơm… cá… thịt … xin chung chỗ, hoặc khác chỗ, nhưng thọ trong 1 chỗ cùng nhau cũng phạm tội.

Thọ thực chung cùng nhau nhiều vị, trong khi thọ phạm Tác ác, ăn vào phạm Ưng đối trị, mỗi khi đã ăn vào khỏi cổ. Không phải thọ thực cchung nhiều vị mà tưởng là thọ chung, hoặc nghi rồi ăn, phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Không phải thọ thực chung nhiều vị biết là không phải, hoặc 2, 3 Tỳ-khưu thọ thực chung cùng nhau, hoặc nhiều Tỳ-khưu đi khuất thực rồi về ăn chung, hoặc thọ thực chung ngoài 5 món ăn, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 3 chi:

– Thọ thực chung nhiều vị (ganabhojanatà).
– Không có duyêncớ (samayàbhàvo).
– Ðã ăn vào khỏi cổ (ajjhoharanam).

Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị. Chỗ sanh tội (samutthànavidhi) như trong điều học thọ lông cừu (ekalakalomasikkhàpada).

3) Thọ thực nơi khác (paramparabhojana).

Tỳ-khưu đã chịu thỉnh đi thọ 1 trong 5 món ăn, trong 1 nơi nào, rồi không đi trong nơi ấy, trở lại đi thọ trong nơi khác phạm Ưng đối trị, trừ ra đã có cho Tỳ-khưu đi thế cho mình hoặc có 1 trong 3 duyên cớ này:

– Tỳ-khưu bịnh
– Lễ dâng y.
– Kỳ làm y.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Trúc lâm tịnh xá (Vihàraveluvana) gần thành Vương xá (Ràjagaha) do chư Tỳ-khưu đã chịu thỉnh rồi mà còn đi thọ thực nơi khác làm cho thí chủ bất bình.

Chú giải: Khi thọ vật thực nơi thí chủ thỉnh sau phạm Tác ác, khi ăn vào phạm Ưng đối trị (mỗi miếng ăn mỗi tội) trừ ra có 1 trong 3 duyên cớ đã nói. Không phải thọ thực nơi khác mà tưởng là phải, hoặc nghi, phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Biết không phải thọ thực nơi khác, đã chongười đi thọ thế cho mình, hoặc ăn chung 1 lượt, hoặc ăn theo vật thực đã thọ (thọ trước, ăn trước, thọ sau ăn sau), (ngoài 5 vật thực đã nói thì không kể) và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 3 chi:

– Vật thực của người khác (paramparabhojanatà).
– Không có duyên cớ (samaparabhojana).
– Ðã ăn vào (ajjhoharanam).

Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất (pathamakathina sikkhàpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm vì làm và không làm (kiriỳa kiriyà).

4) Thọ bánh (kànamàtà).

Tỳ-khưu vào xóm khuất thục, nếu có thí chủ họ đem bánh nhiều đến dâng, được phép thọ nhiều lắm đến 3 bát, nếu thọ quá hạn định, phạm Ưng đối trị. Bánh mà Tỳ-khưu đã thọ được 2 hay 3 bát ấy, phải chia sót cho Tỳ-khưu khác với, mới nên.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do chư Tỳ-khưu thọ bánh của mẹ nàng Kànà.

Chú giải: Tỳ-khưu đã thọ 2 bát, khi ra khỏi gặp Tỳ-khưu nơi phía ngoài nên nói “trong chỗ ấy tôi đã thọ 2 bát rồi, ngài chỉ nên thọ thêm 1 bát nữa”. Tỳ-khưu này thấy vị khác nên cho hay “Tỳ-khưu trước đã thọ 2 bát rồi, tôi cũng đã thọ 1 bát rồi ngài không nên thọ nữa”. Tỳ-khưu đã thọ trước 1 bát rồi, cũng phải nói lại với Tỳ-khưu khác như thế. Tỳ-khưu đã thọ 3 bát rồi, thấy vị khác đến ngăn cản không cho đến thọ nữa, nếu không ngăn cản, phạm Tác ác. Tỳ-khưu đã nghe vị khác ngăn cản mà còn đi đến thọ nữa, phạm Tác ác. Tỳ-khưu ấy về đến nhà ăn, hoặc đến nơi thường thọ thực, để cho mình 1 bát còn dư lại phải dâng đến Tăng, cho theo ý muốn mình không được (không nên cho đến người thân thiết). Tỳ-khưu thọ được 1 bát, không muốn cho ai cũng được tùy sở thích.

  1. Ngăn vật thực lần thứ nhất (pathama pavàranà).

Tỳ-khưu đương ăn, nếu có thí chủ đem trong 5 vật thực đến dâng, trong khoảng 2 hắc 1 gang mà không thọ gọi là “ngăn vật thực”. Tỳ-khưu đã ngăn vật thực không phải của Tỳ-khưu bịnh hoặc vật chưa làm theo luật ( vinaya kamma) phạm Ưng đối trị.

Chú giải: ngăn vật thực [*] có 5 chi:

– đương khi ăn (àsanampannàyati).
– vật ăn và vật ăn (5 thứ vật thực) (bhojanampannàyati).
– người dâng ở trong khoảng 2 hắc 1 gang (hatthapàsethito).
– họ dâng vật thực vào (abhiharati).
– ngăn ra (patikkhepopannàyati).

[*] 5 thứ vật thực, nhất là cơm và bánh làm bằng 7 thứ mễ.

Đều đủ cả 5 chi ấy mới gọi là ngăn. 7 thứ mễ hoặc bánh làm bằng 7 thứ mễ là vật sanh “ngăn vật thực” thịt và cá mà Tỳ-khưu đương ăn mà họ dâng thịt cá, dầu nhỏ bằng hột cải để trong đồ đựng, nếu Tỳ-khưu chưa ăn mà ngăn các vật thực khác, có thể làm cho sanh “ngăn vật thực” cũng không gọi là ngăn. Nhưng thịt và cá mà Tỳ-khưu đương ăn, 1 miếng còn trong tay, và trong bát, nếu Tỳ-khưu ngăn thịt, cá khác, gọi là ngăn cả 2 miếng. Cơm dầu 1 hột, vật thực trong bát, trong miệng và trong tay mà Tỳ-khưu còn tiếc rồi ngăn vật thực khác, gọi là ngăn. Nếu Tỳ-khưu không tiếc vật thực còn dư lại vật thực, vật thực ấy Tỳ-khưu không cố ý để ăn, hoặc muốn cho đến người khác, hoặc muốn đi ăn trong nơi khác, Tỳ-khưu ấy dầu ngăn cũng không gọi là ngăn.

Giải về hắc (hatthapàsa): Nếu Tỳ-khưu ngồi thì kể từ chỗ cuối cùng phía sau, nếu đứng kể từ gót chân, nằm nghiên bên nào, kể từ lưng bên ấy đến chỗ cuối cùng tay, chân của người dâng, ngồi hoặc đứng, hoặc nằm (trừ ra tay đưa ra dâng, được 2 hắc, 1 gang gọi là hắc). Họ đứng ở trong hắc rồi cúi dâng đến mà Tỳ-khưu ngăn ra mới gọi là “ngăn”. Nếu quá hắc mà ngăn thì không gọi là “ngăn”.

Giải về vật thực đến: Nếu Tỳ-khưu ngồi theo hàng ngũ, không đưa bát trong tay hoặc trên chân ra, chỉ nói “ngươi hãy lấy cơm” như thế, nếu Tỳ-khưu ngăn cũng không gọi là “ngăn”, dầu vật trong thúng đem để trước mặt rồi bạch như thế cũng vậy. Chỉ đến khi xúc cơm lên rồi Tỳ-khưu ngăn mới gọi là ngăn, dầu 2 người đồng nhau đở lên cũng gọi là ngăn. Khi họ dâng đến Tỳ-khưu ngồi theo hàng ngũ rồi Tỳ-khưu ở ngoài tiếp đập bát, gọi là ngăn vật mà họ dâng đến người khác, vì lẽ ấy, không gọi là ngăn.

Giải về cách ngăn: Trong vật mà họ dâng đến bằng lời, thì ngăn không được. Vật mà hạ dâng bằng thân, cũng phải ngăn bằng thân, như đưa tay ra chận ngăn hoặc nói “vừa rồi, đừng dâng nữa, như thế mớigọi là ngăn”.

Một người dâng canh thịt rằng “Bạch ngài, xin ngài thọ canh” Tỳ-khưu nghe, ngăn người ấy ra, như thế không gọi là ngăn, khi nào họ nói “Bạch ngài, xin ngài thọ canh thịt” mà Tỳ-khưu “ngăn” mới gọi là ngăn. Nếu họ nói “xin ngài thọ vật này” mà Tỳ-khưu ngăn cũng gọi là ngăn. Dầu họ làm thịt chút ít thịt bằng hột cải mà ngăn thì cũng gọi là ngăn. Họ nấu canh cá, thịt chung với mít và canh măng, rồi đem đến dâng rằng “Bạch ngài, xin ngài thọ canh mít, canh măng” nếu ngăn cũng không gọi là ngăn, vì họ nói tên của vật nên dùng, không sanh sự “ngăn” Nếu họ nói “xin ngài thọ canh cá, canh thịt” hoặc nói “hãy thọ vật này” mới gọi là ngăn.

Ngăn vật thực có 5 chi:

– Tỳ-khưu đương ăn.
– Họ đem vật thức đến dâng nữa.
– Họ ở trong hắc.
– Họ dâng vật thực vào.
– Tỳ-khưu ngăn vật thực.

Như thế gọi là ngăn.

Trong 4 oai nghi (nằm, đi, đứng, ngồi) Tỳ-khưu ngăn trong 4 oai nghi nào, đừng thay đổi oai nghi ấy, ăn không có tội.

Vật dùng mà không làm theo luật (vinaya kamma) và không phải là vật dư (anatiritta) dùng không được, vật thực đã làm theo luật và vật dư của Tỳ-khưu bịnh gọi là vật dư (atiritta) nên dùng được.

Bảy cách làm theo luật (vinaya kamma).

1- Các vật thực như trái cây hoặc củ mà người không được làm thành vật cho Tỳ-khưu dùng được (samanakappa) [*] và thịt không nên dùng, Tỳ-khưu người làm theo luật (vinaya kamma) lấy các vật không nên dùng ấy đem làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi” (alameta sabbam).

[*] cách thọ lãnh vật mà thí chủ dâng có 5:

– Vật mà người có sức lực bậc trung vừa dở lên rồi.
– Người dâng ở trong hắc
– Thí chủ nghiêng mình dâng vào
– Chư thiên, người hoặc thú dâng.
– Tỳ-khưu thọ lãnh vật ấy bằng thân hoặc bằng vật dính thân

2- Vật mà Tỳ-khưu, người làm theo luật chưa thọ, rồi làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”.

3- Vật mà Tỳ-khưu đem đến cho Tỳ-khưu, người làm theo luật, làm cho thành vật nên dùng, nhưng chưa dở lên, hoặc chưa dâng vào, rồi làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”.

4- Tỳ-khưu đem đến cho Tỳ-khưu trong bọn làm theo luật ấy ở ngoài hắc rồi làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”.

5- Một Tỳ-khưu nào làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”. nhưng Tỳ-khưu, người làm theo luật ấy, chưa ăn rồi làm theo luật rằng “tất cả vật này nên rồi”.

6- Tỳ-khưu, người làm theo luật được ăn rồi, đã ngăn vật thực rồi, đứng dậy khỏi chỗ ngồi rồi, đi làm theo luật cho vị khác rằng “tất cả vật này nên rồi”.

7- Tỳ-khưu người làm theo luật nói rằng “tất cả vật này nên rồi”.

Một trong 5 thứ vật thực nào, mà không phải là vật dư của Tỳ-khưu bịnh, vật không nên làm theo luật (7 cách trên) hoặc vật thực không phải là của dư của Tỳ-khưu bịnh, cả 2 vật thực ấy gọi là không phải của dư (anatiribhojana).

Không phải vật dư (anatiritta) là nói về vật không làm theo luật là:

– Vật mà không được làm cho thành vật nên.
– Vật mà Tỳ-khưu không được thọ, rồi làm cho ra vật nên.
– Vật mà Tỳ-khưu không được dở lên hoặc không được dâng vào gần cho Tỳ-khưu làm ra vật nên.
– Tỳ-khưu ở trong hắc rồi làm.
– Tỳ-khưu chưa được ăn rồi làm
– Tỳ-khưu đã ăn rồi, được ngăn vật thực rồi đứng dậy khỏi làm.
– Vật mà Tỳ-khưu không nói “tất cả vật này nên rồi”, và vật không phải của dư của Tỳ-khưu bịnh.

Cả 2 vật thực ấy gọi là “không phải vật dư” (anatiritta), “vật dư” (atiritta) là nói về vật đã được làm theo luật (vinaya kamma) là:

– Vật mà họ làm cho ra vật nên.
– Vật mà Tỳ-khưu thọ lãnh rồi làm cho ra vật nên.
– Vật mà Tỳ-khưu dở lên hoặc dâng vào gần cho làm ra vật nên.
– Tỳ-khưu ở trong hắc rồi làm.
– Tỳ-khưu đã ăn rồi mới làm.
– Vật mà Tỳ-khưu đã ăn, ngăn vật thực rồichưa đứng dậy khỏi chỗ ngồi, rồi làm.
– Vật mà Tỳ-khưu nói “tất cả vật này nên rồi” và vật dư của Tỳ-khưu bịnh.

Cả 2 thứ vật thực ấy gọi là vật dư (atiritta).

Tỳ-khưu ngăn cơm như có giải trên, nếu đã thay đổi oai nghi rồi thọ thực không phải của Tỳ-khưu bịnh, để dùng phạm Tác ác, vì thọ. Ăn vào, phạm Ưng đối trị mỗi miếng ăn. Nhất là thọ yàmakàlika [1] để làm vật thực, ăn ngoài bữa ăn, thế cho vật thực, vật dư của Tỳ-khưu bịnh mà tưởng là không phải của Tỳ-khưu bịnh, hoặc nghi, phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Thọ vật thực không phải của Tỳ-khưu bịnh vì nghĩ sẽ đem cho Tỳ-khưu khác làm kappiya cho, rồi mới dùng, thọ cho người khác, thọ yàmakàlika [1] sattàhakàlika [2], yàvajìvika [3] ngoài vật thực, dùng theo luật là đức Phật đã cho phép, và Tỳ-khưu bịnh không phạm tội.

[1] 8 thứ nước: nhất là nước xoài gọi là yâmakàlika dùng trong 1 ngày 1 đêm
[2] 5 thứ thuốc: sữa lỏng, sữa đặc, đường, mật ong, dầu gọi là sattàhakàlika là vật được phép để dùng trong 7 ngày
[3] ngoài vật thực và 2 thứ thuốc trên gọi là : yâvajìvika, vật được phép dùng cho đến hết

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 3 chi:

– Người ăn cơm và đã ra khỏi chỗ ngồi (pavàritabhàvo).
– Vật thực chưa làm kappiya không phải vật dư của Tỳ-khưu bịnh (amisassa anarittà).
– Ăn trong giờ (kàle ajjhoharanam).

Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị. Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học lễ dâng y lần thứ nhất. Chỉ khác nhau là điều học này “phạm vì làm là ngăn cản, phạm vì không làm là không được làm theo (kiriỳakiriyà) trước rồi mới nên ăn”.

6) Ngăn vật thực lần thứ nhì (dutiya pavàranà).

Tỳ-khưu biết rằng vị khác đã ngăn vật thực như thế, tính cáo tội vị ấy, rồi cố ý lấy vật thực không phải của Tỳ-khưu bịnh, hoặc không được làm theo luật (vinayakamma), đem nài nỉ hoặc ép, nếu vị ấy ăn, Tỳ-khưu nài nỉ hoặc ép lấy, phạm Ưng đối trị .

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu đem vật không phải của dư, đến nài ép Tỳ-khưu mà mình oán đó.

Chú giải: Tỳ-khưu nài nỉ hoặc ép dâng vật thực đến Tỳ-khưu khác phạm Tác ác, ăn vào Ưng đối trị.

Thể thức không phạm tội:

Cho vật thực dư của Tỳ-khưu bịnh, hoặc vì cho vì có lời rằng “ngài dạy học thành vật thực dư của Tỳ-khưu bịnh rồi sẽ dùng” hoặc đem cho người khác, hoặc như có yàmakàlika rồi nói “khi có duyên cớ sẽ dùng”,và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 5 chi:

– Tỳ-khưu đã ngăn cơm (pavàrittatà).
– Ðã biết Tỳ-khưu ấy ngăn cơm (pavàrittasannittà).
– Cố ý để cáo tội (asàdanàpekkhatà).
– Lấy vật không phải của dư của Tỳ-khưu bịnh đem cho (abhihatthumpavàranatà).
– Tỳ-khưu ấy đã ăn rồi (bhojanapariyosànam).

Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị .

Chỗ sanh tội (samutthànavidhi) như trong điều học trộm cắp (adinnàdànà sikkhàpada). chỉ khác nhau là điều học này thuộc về thọ khổ (dukkhavedanà).

7) Ăn vật thực sái giờ (vikàlabhojana).

Tỳ-khưu ăn vật thực trong khi sái giờ là từ chinh xế đến mặt trời mọc, phạm Ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Trúc lâm tịnh xá (Vihàra Veluvana) gần thành Vương xá (Ràjagaha) do phe Thập thất sư thọ thực sái giờ.

Chú giải: Thọ nhất là yàmakàlika để dùng làm vật thực trong khi sái giờ hoặc trong giờ, là từ sớm mai đến đúng ngọ, hoặc tưởng là sái giờ, phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội trong giờ biết là trong giờ, ăn không phạm, có duyên cớ ăn yàmakàlika trong khi sái giờ cũng được, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 3 chi:

– Trong lúc sái giờ (vikàlatà).
– Vật thực là yàmakàlika (vật ăn trong buổi sáng – từ mặt trời mọc tới đứng bóng) (yàvakàlikatà).
– Ðã ăn vào (ajjhoharanam).

Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội Ưng xả đối trị. Chỗ sanh tội (samutthàna vidhi) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomàsikkhàpada).

8) Vật thực để dành (sannidhikàraka).

Tỳ-khưu dùng vật thực đã thọ, rồi để dành cách đêm, phạm Ưng xả đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Velatthsisa ẩn tu trong rừng (thầy của đại đức Ananda) phơi cơm khô để ăn nhiều ngày.

Chú giải: Nếu rữa bát không sạch, lấy tay chùi thấy rõ dấu tay, đem phơi trong chỗ có nắng, hoặc thọ cháo nóng, mồ hôi bát chảy ra, Tỳ-khưu dầu ăn trong bát như thế, trong buổi mai ngày sau, phạm Ưng xả đối trị.

Vật nào mà Tỳ-khưu đã cho dứt đến Sa-di không còn tiếc rồi Sa-di cất giữ, Tỳ-khưu được vật ấy dùng cũng nên. Trong vật để cách đêm phạm Ưng xả đối trị. thọ yàmakàlika, sattàhakàlika và yàvajìvika để cách đêm làm vật thực, hoặc như vật thực, hoặc trong vật thực không phải để cách đêm, tưởng là vật để cách đêm, hoặc nghi đều phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Biết là vật không phải để cách đêm, cất yàvakàlika, sattàhakàlika và yàvajìvika, không quá hạn định, rồi dùng theo hạn định, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 3 chi:

– Vật thực dùng buổi sáng (anisam).
– Ðã thọ vật thực ấy rồi để cách đêm (sannidhibhàvo).
– Ðã ăn vật thực ấy vào (tassa ajjhoharanam).

Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị . Chỗ sanh tội (samutthànavidhi) như trong điều học thọ lông cừu (ekalomàsikkhàpada).

9) Vật thực quí (panìbhojana).

Tỳ-khưu không bịnh xin cơm chung với 9 vật thực quí là: mỡ lỏng, sữa lỏng, sữa đặc, dầu, mật ong, nước mía (đường), cá, thịt, sữa tươi, sữa chua, 1 vật quí nào nơi thiện tín không phải bà con, không phải người có yêu cầu đem ăn, phạm Ưng đối trị .

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi), do nhóm Lục sư xin 9 vật thực quí để ăn.

Chú giải: xin vật thực quí không chung với cơm phạm Tác ác. Xin cơm với cá, họ cho cơm với thịt không phạm tội. Có bịnh tưởng là không bịnh, nghi phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Biết mình có bịnh xin khi có bịnh, hết bịnh rồi ăn, hoặc ăn vật dư của Tỳ-khưu bịnh, xin nơi bà con, nơi người có yêu cầu, xin cho người khác hoặc đổi, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 4 chi:

– Cơm với vật thực quí (panìtabhojanatà).
– Không có bịnh (agilànatà).
– Xin được (katavinnattiỳapatilàbho).
– Ðã ăn vào (ajjhoharanam).

Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị.

Ðiều học này tội sanh do thân, thân khẩu, thân ý, thân khẩu ý, phạm vì làm (kiriyà) không khỏi phạm vì tưởng (nosannavimokkha) không cố ý cũng phạm (acitaka) phạm vì Phật cấm (pannattikavajja), thân nghiệp, khẩu nghiệp, có 3 tâm, 3 thọ.

10) Trừ ra tăm và nước trắng (dantapona).

Tỳ-khưu dùng vật thực mà người không dâng phạm Ưng đối trị, trừ ra nước trắng và tăm xỉa răng.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại phước xá trong rừng tuyết sơn gần thành Tỳ sa ly (Vesali), do Tỳ-khưu ẩn tu nơi mồ mả ăn vật thực của họ đem cúng mồ rồi bỏ nơi ấy, làm cho người chê trách.

Chú giải: Tỳ-khưu dầu thọ vật nhỏ nhem bằng cát bụi mà họ không dâng, thì phạm Tác ác, đã ăn vào khỏi cổ, phạm Ưng đối trị, trừ ra nước trắng và tăm. Nước không cần dâng, được phép dùng tuỳ thích. tăm không cần dâng, vì không phải là vật ăn vào khỏi cổ, nếu ăn vật qua khỏi cổ mà không hay biết cũng phạm Ưng đối trị; trong vật thọ mà người không dâng, phạm Ưng đối trị tưởng là chưa dâng hoặc nghi, phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Biết là vật mà họ đã dâng, ăn vào khỏi cổ không phạm tội: 4 thứ thuốc nước tiểu, phẩn, tro, đất, khi hữu sự là bị rắn mổ mà không có người hộ thì mình lấy dùng, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội hoặc có người hộ mà khó dạy mà không thể làm được. Khi không có tro Tỳ-khưu được phép đốt củi khô, củi khô không có, bẻ cây tươi đốt làm tro cũng nên.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 4 chi:

– Vật không có người dâng (apatiggahitakatà).
– Vật ấy đức Phật không cho phép (ananunnàtàta).
– Vật ấy không phải là abbohàrika như khói, lửa (dhumàdi abboharikabhàvo).
– Ðã ăn vào khỏi cổ (ajjhoharanam).

Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị . Chỗ sanh tội (samutthàna vidhi) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomàsikkhàpada).

  1. ÐẠO LÕA THỂ PHẦN THỨ NĂM (Accelakavagga).

1) Kẻ tu đạo lõa thể (Accelaka).

Tỳ-khưu tự tay mình hoặc dạy kẻ khác cho vật thực đến kẻ tu đạo lõa thể, tu ngoại đạo, Ưng đối trị (mỗi lần cho mỗi tội).

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại phước xá Kutàgàra trong rừng tuyết sơn, gần thành Tỳ sa li (Vesàli), do đại đức Ànanda cho bánh đến phụ nữ tu đạo lõa thể.

2) Rủ đi khuất thực (uyyojana).

Tỳ-khưu rủ vị khác, đi khuất thực cùng nhau tính làm quấy, rồi đuổi vị ấy trở về, phạm Ưng đối trị .

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Upananda rủ đệ tử người bạn đi khuất thực rồi đuổi về.

Chú giải: đuổi Sa-di, phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Ðuổi có duyên cớ như 2 vị ở chung chỗ cùng nhau, vật thực không vừa đủ nuôi mạng sống, hoặc thấy vật tốt cao giá, hoặc thấy phụ nữ rồi sanh lòng tham, khó chịu hoặc dạy đem vật chi đến Tỳ-khưu bịnh hoặc không tính làm quấy rồi đưa đi về, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 3 chi:

– Tính làm việc quấy (anàcàramàcaritukamatà).
– Ðuổi Tỳ-khưu vì sự lợi ích ấy (tadatthamevaupasam pannassanyojanata).
– Người bị đuổi đi khỏi chỗ (evàm uyyojetassa upacàràtikkamo).

Ðều đủ cả 3 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị:

Chỗ sanh tội (samutthànavidhi) như trong điều học trộm cắp (adinnàdànà sikkhàpada).

3) Chỉ có 2 vợ chồng (sabhojana).

Tỳ-khưu vào ngồi trong nhà không có người khác ngồi với, chỉ có 2 vợ chồng chủ nhà, Ưng đối trị .

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do Tỳ-khưu Upananda vào ngồi trong buồn của vợ người bạn.

4) Chỗ khuất mắt (rahopaticchanna).

Tỳ-khưu ngồi hoặc nằm trong chỗ khuất mắt với một người nữ không có người nam ngồi chung với phạm Ưng đối trị .

Ðiều học này gọi là (pathama rahonisajja) cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi), do Tỳ-khưu Upanada vào ngồi nơi khuất mắt với vợ người bạn.

Chú giải: dầu ngồi chung với phụ nữ mới đẻ trong ngày cũng phạm Ưng đối trị .

5) Chỗ khuất tai (rahonisajja).

Tỳ-khưu ngồi hoặc nằm chỗ khuất tai với một người nữ, phạm Ưng đối trị.

Ðiều học này gọi là “dutiya rahonisajja” cũng được.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá ( Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi), do Tỳ-khưu Upananda vào ngồi trong nhà với người bạn.

Chỗ sanh tội (samutthâna vidhi) của 2 điều học này như trong điều học “Bất cộng trụ thứ nhất” (pathama pàràjikasikkhàpada); ngoài ra, nên xem thêm điều học “Bất định”.

6) Đi nơi khác (càritta).

Tỳ-khưu được thỉnh đi thọ 1 trong 5 món ăn, rồi đi nơi khác, trước giờ ăn hoặc ăn rồi đi từ sớm mai đến đứng bóng phải cho Tỳ-khưu trong nơi ấy hay với, mới nên đi. Nếu không cho hay mà đi, phạm Ưng đối trị, trừ ra có 1 trong 2 duyên cớ, là: kỳ lễ dâng y, làm y.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Trúc Lâm tịnh xá ( vihàra veluvana) gần thành Vương xá (Ràjagaha), do Tỳ-khưu Upananda đã chịu thỉnh ăn mà còn đi đến các nhà thiện tín khác, làm cho chư sư phải chờ gần đến giờ, nên thọ thực không được vừa lòng.

Chú giải:

Dầu Tỳ-khưu đã chịu thỉnh để ăn cửa thí chủ rồi, hoặc chưa ăn,không từ giã Tỳ-khưu trong bọn rồi đi đến nơi khác từ sớm mai đến đứng bóng, khi đi bước thứ nhất phạm Tác ác, đi đến bước thứ nhì phạm Ưng đối trị .

Thể thức không phạm tội:

Biết là họ không mời, hoặc có một trong hai duyên cớ, từ giã Tỳ-khưu trong bọn, không từ giã đi về chùa, đi đến chỗ ở Tỳ-khưu ni, đi đến nơi ngoại đạo, đi đến nhà ăn, đi vì có tai hại, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 5 chi:

– Vui thích trong sự thỉnh đi ăn 1 trong 5 thứ vật thực (annatarenanimantana sàdiyanam).
– Không cho Tỳ-khưu trong bọn hay(santambhikkumannànucchatà).
– Ði đến nơi khác, khỏi nhà họ mời(annssagharassapavesanam).
– Chưa quá đứng bóng(majjhantikànatikkamo).
– Không có duyên cớ hoặc tai hại(samayassavà àpadànam và abhàvo).

Ðều đủ cả 5 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị .

Chỗ sanh tội (samutthànavidhi) như trong điều học “lễ dâng y lầ thứ nhất” (pathamakathina sikkhàpada). Chỉ khác nhau là điều học này, phạm vì làm là chịu thỉnh đi thọ thực, vì không làm là không từ giã Tỳ-khưu trong bọn (kiriyà kiriyà).

7) Chỉ được phép xin vật dụng theo hạn định (Mahànàma).

(*) Mahànàma là đức vua dòng Thích Ca, con nhà chú của đức Phật, tuổi lớn hơn đức Phật 1 tháng, đã đắc quả Tư đà hàm

Nếu thí chủ họ yêu cầu dâng 4 vật dụng có han 4 tháng hoặc định vật dụng, Tỳ-khưu không bịnh,nên xin trong hạn kỳ hoặc trong vật đã định thôi, xin quá hạn định ấy, phạm Ưng đối trị, trừ ra họ đã yêu cầu thêm hoặc họ yêu cầu luôn.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại tịnh xá nigrodha gần thành Ca tỳ la vệ (Kapilavatthu) xứ Sakya do phe Lục sư xin thuốc quá hạn.

Chú giải: Xin không quá hạn định tưởng là quá, hoặc nghi rồi xin, phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Biết là không quá hạn định, xin không phạm tội cần dùng cho biết thiệt, rồi xin trong hạn định hoặc xin nơi trong bà con và người đã yêu cầu vô hạn, hoặc xin cho kẻ khác, hoặc đổi, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này phạm tội vì dạy người khác (sànattika) có 4 chi:

– Họ yêu cầu đến Tăng (sanghapavàranata).
– Xin thuốc cho quá số định (tato uttaribhesajjavinnàtti).
– Không có bịnh ( agilànatà).
– Xin quá hạn kỳ (pariyantàtikkamo).

Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị . Chỗ sanh tội (samutthàna) như trong điều học làm mai dong (sancarittasikkhàpada).

8) Xem động binh (uyyutta).

Tỳ-khưu đi xem động binh ra trận, phạm Ưng đối trị, trừ ra khi có duyên cớ nên đi, là có bà con mang bịnh trong nơi ấy.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư xem động binh.

Chú giải: Voi vừa cho 12 người cỡi, ngựa vừa cho 3 người cỡi, xe vừa cho 4 người có cầm khí giới ngồi, gọi là động binh. Tỳ-khưu đứng trong nơi nào rồi thấy trong nơi ấy, ngó xem thường thường, phạm Ưng đối trị . động binh tưởng là đội binh thường, phạm Tác ác.

Thể thức không phạm tội:

Biết là không phải động binh rồi đi xem không phạm, ở nơi chùa rồi xem, hoặc gặp giữa đuờng rồi xem, hoặc có tai hại, và Tỳ-khưu điên đều không phạm tội.

Ðiều học này không phạm tội vì dạy người khác (anànattika) có 4 chi:

– động binh ra đi (uyyuttasenam).
– đi để xem (dassanatthàyagamanam).
– và xem trong các chỗ khác, ngoài khoảng trống mà đức Phật đã cho phép (annatradassanam).
– không có duyên cớ, hoặc tai hại (àpadàyavà abhàvo).

Ðều đủ cả 4 chi ấy mới phạm tội Ưng đối trị . Chỗ sanh tội (samutthànavidhi) như trong điều học thọ lông cừu (elakalomàsikkhàpada). Chỉ khác nhau là điều học này phạm tội vì đời (lokavajja), phạm vì ác tâm, có 3 thọ.

9) Ngụ trong cơ binh (senavàsa)

Nếu có duyên cớ, có thể đi được, Tỳ-khưu ngụ trong binh cơ ấy lâu lắm là trong 3 ngày, nếu ở quá hạn, phạm Ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư đi xem cơ binh.

10) Đi đến chiến trường (uyyodhika).

Trong khi ngụ trong cơ binh theo hạn định ấy, Tỳ-khưu đi đến chiến trường, hoặc nơi động binh, phạm Ưng đối trị.

Ðiều học này đức Phật cấm chế tại Kỳ viên tịnh xá (Vihàra Jetavana) gần thành Xá Vệ (Sàvatthi) do phe Lục sư đi đến chiến trường.