Luật xuất gia

Luật xuất gia

Trương Văn Chiến 18

NHỮNG ÐIỀU HỌC NGOÀI GIỚI BỔN

TRỌNG TỘI (Thullaccaya).

Thullaccaya dịch là “Trọng tội” hay là tội xấu, nghĩa là: tội trọng hay tội xấu hơn các tội khác (ngoài tội Bất cộng trụ và Tăng tàn).

Giải về Trọng tội có hai điều:

1) Tỳ-khưu không bỏ.

2) Không nên chia tài sản trọng của tăng, nếu bỏ hoặc chia, phạm Trọng tội,vì Phật có cấm rằng: tài sản trọng có 5 phần:

Phần thứ nhất:

1) Àràmo: vườn, trái cây, bông cây.
2) Aràmàvatthu: đất vườn

Phần thứ nhì:

3) Vihàro: thất, nhà.
4) Vihàravatthu: đất chùa, thất

Phần thứ ba:

5) manco: vườn.
6) pitham: bàn nhỏ thấp dài.
7) bhisi: nệm.
8) bimbohanam: gối.

Phần thứ tư (các vật trong phần này đều làm bằng kim loại):

9) lohakimbhi: nồi.
10) lohabhànakam: cân
11) lohavàrako: thùng lớn
12) lohakajàham: chậu
13) vàsi: dao nhỏ
14) pharasu: búa
15) kuthàri: rìu
16) kuddàro: xuổng
17) nikhàdanam: vá

Phần thứ năm:

18) vali: dây
19) velu: tre (dài 8 ngón tay ngón tay trở lên).
20) munjam: cỏ óng
21) pabbajjan: cỏ năn nỉ
22) tinam: các thứ cỏ để che lợp (từ 1 bó trở lên).
23) mattika: đất sét
24) dàrubhandam: vật dụng làm bằng cây
25) mattikàbhandam: vật dụng làm bằng đất.

Tất cả 25 món ấy, món nào thí chủ đã dâng đến “Giáo hội”, hoặc phát sanh trong “Giáo hội” đều gọi là tài sản trọng của “tăng già” (garubhanda) nghĩa là: Tăng già hoặc nhóm (2,3 Tỳ-khưu) hoặc 1 Tỳ-khưu nên không bỏ, không nên chia, dầu bỏ dầu chia cũng không gọi là bỏ, là chia của ấy cũng còn là của “tăng già” như cũ. Tỳ-khưu nào,vì chấp mình làm lớn, bỏ hoặc chia của “tăng già” như thế phạm Trọng tội (thullaccaya). Nếu cố ý bỏ, hoặc chia, cho luật sư trừng phạt theo giá của vật. Nếu làm sanh sự lợi ích đến “tăng già”, đem đổi vật bền chắc, theo phép, hoặc vật cao giá hơn, hoặc dùng vật thấp hèn đổi lấy gạo để ăn, hoặc để tu bổ chùa, thất… trong cơn đói cũng nên.

Tất cả tài sản trọng của “tăng già” một món nào chẳng hạn, Tỳ-khưu lấy dùng riêng cho mình, nên kiếm vật khác bằng giá, hoặc cao giá hơn đem thế lại mới nên; nồi bát tách bình trà, ô … bằng kim loại; đũa, thuốc nhỏ mắt … ống khoá, chìa khoá vật bằng kim loại; hoặc bằng cây đang làm, nên chia được, dây, tre … đem làm việc cho”Tăng già”. Hoặc cho tháp thờ, rồi còn dư, đem dùng làm việc cho Tỳ-khưu cũng nên.

Ðây chỉ giải vắn tắt, nếu muốn học cho rộng, tìm thêm trong phẩm Catutthasàmantapàsàdikà.

Lại nữa không nên cho ai mổ trong chỗ kín, hoặc mổ gần chỗ kín cách chừng lối 2 ngón, nếu thoa thuốc không cấm.

Ðiều học này phạm vì cố ý(sacittaka).

Không nên lõa thể, không nên mặc y làm bằng lá tranh, bằng vỏ cây, bằng tóc người, bằng lông đuôi của thú, bằng lông cánh chim, da cọp, y làm bằng vỏ gai.

Không nên lạm dụng chạm vào chỗ kín thú cái.

Không gấp làm lễ Phát lồ (Uposatha) hoặc Tự tứ (Pavàranà) vì cố ý cho Tỳ-khưu khác không làm được. Tỳ-khưu nào phạm các điều trên đây gọi là phạm Trọng tội (thullaccaya.).

TÁC ÁC (Dukkata).

Tỳ-khưu không nên mặc y phục như kẻ thế.

Không nên mặc y màu xanh, vàng nhợt.

Không nên mặc y may đường chỉ xuôi (không có cắt may đường ngang, nghĩa là không có “điều”).

Không nên mặc y có bông hoa thêu thùa, không nên chỉ mặy y nội và y vai trái mà đi, vào xóm, trừ ra có duyên cớ mới được phép để y 2 lớp lại (y tăng dà lê);.

Không nên mang dép đi vào xóm nếu không có bịnh.

Không nên mang dép 2 lớp, dép rơm, guốc, giày hàm ếch, giày thêu, giày có nhiều màu (là có màu đỏ, đen, sậm, trắng), da cọp, da beo, da voi, da cá nược.

Không nên thoa phấn sức dầu, soi hình trong kiến và trong nước, nếu vô bịnh.

Không nên đeo vòng cà rá.

Không nên cho ai hớt tóc hớt râu, nhổ tóc bạc.

Không nên xem nhan sắc phụ nữ.

Không nên lấy cây mà kỳ mình trong khi tắm.

Không nên đâu lưng nhau mà kỳ, trong khi tắm.

Không nên máng bát lên nhánh cây.

Không nên chứa đốn ăn còn dư trong bát.

Không nên lấy bát còn ước đem cất.

Không nên ngồi chung nghế hoặc chung chiếu cùng phụ nữ, hoặc bán nam bán nữ, hoặc kẻ thấy trai biến ra gái, thấy gái biến ra trai (có cả 2 bộ sanh trược khí).

Không nên ngồi chung giường chung ghế cùng Tỳ-khưu tu lâu hơn 3 hạ.

Không nên nằm ngồi chỗ cao và rộng, chỗ có lót nệm gòn, nệm bông và tọa cụ bằng lông cừu tốt.

Không nên dùng gối lớn dài quá nửa mình.

Không nên ngồi chỗ có trải lót trước, nếu chưa xem xét.

Không nên nằm chỗ có treo bông hoa.

Không nên ngồi chỗ của vị Tỳ-khưu lâu năm, thường hay ngồi.

Không nên lạy 10 hạng người:

  1. Tỳ-khưu tu sau mình.
    2. Sa-di và kẻ thế.
    3. Tỳ-khưu tu lâu năm hơm mà hành sái theo kinh luật.
    4. Phụ nữ.
    5. Bán nam bán nữ.
    6. Tỳ-khưu phạm phép “Tăng tàn”.
    7. Tỳ-khưu đáng cho Giáo hội phạt lại như trước, vì đang khi bị phạt mà lại phạm thêm phép Tăng tàn.
    8. Tỳ-khưu đang sửa mình để cho Giáo hội giao thiệp lại như trước.
    9. Tỳ-khưu đang hành phạt sửa lỗi để cho Giáo hội giao thiệp lại.
    10. Tỳ-khưu đã bị hành phạt rồi, mà Giáo hội đang chứng cho nhập vô Giáo hội lại.

Không nên lấy đồ lót trải ngủ của Tỳ-khưu nào đem dùng nơi khác.

Không nên bảo Tỳ-khưu nào đứng dậy trong khi vị ấy đang ăn.

Không nên đuổi Tỳ-khưu nào có bịnh đi ra khỏi chỗ ở mà phải nên săn sóc.

Không nên cấm vị khác ngủ đậu, nếu vị ấy có bịnh chút ít.

Không nên thọ lãnh thịt và cá tươi.

Không ăn thịt mà mình biết hoặc nghe hoặc thấy họ giết để cho mình ăn. Nếu có 1 trong 5 hạng người xuất gia thấy giết thì không nên ăn.

Không nên học hoặc dạy kẻ khác những việc ngoại đạo.

Không nên nói đạo trong chỗ đông người, nếu có mặt vị Tỳ-khưu trưởng lão mà ngài chưa thỉnh nói.

Không nên tụng kinh kéo dài như giọng hát.

Không nên không cho mượn vải lọc nước (nếu có vị khác muốn mượn).

Không nên làm cho tài vật của thí chủ bố thí ít phước (vì sự tà mạng).

Không nên đem đồ khuất thực cho kẻ thế ăn trước mình (trừ ra cho cha, mẹ vua, kẻ cướp, người sắp vào tu).

Không nên làm thầy thuốc.

Không nên làm kẻ đi thơ.

Không nên bợ đở kẻ thế mong được lợi.

Không nên trồng kiểng.

Không nên đánh đờn, thổi kèn, đánh cờ.

Không nên lấy đá cục, đá sỏi thảy mà chơi.

Không nên vô cớ mà leo cây.

Không nên đốt rừng.

Không nên dùng bát làm bằng cây, thau, đồng, nhất là bát có màu xanh và đen sậm

Không nên lấy cây dài quá 8 ngón tay, hoặc cụt hơn 4 ngón tay mà chà răng.

Không nên rù quến người xuất gia làm điều vô đạo.

Không nên nhuộm y bằng nước nghệ, nước cây dan, nước cây vàng lồ.

Không nên động đến hình tượng phụ nữ, đồ nữ trang, 7 thứ lúa, 10 thứ ngọc thạch, đờn, kèn, trống, trái còn trên cây và khí giới, nhất là đao, gươm, súng.

Không nên cầm lấy những vật đựng đồ mà thí chủ chưa dâng cúng.

Tỳ-khưu đi xa mới đến, phải lột giày, sập dù, và không nên ngồi gần trưởng thượng.

Không nên cấm vị mới tu ngồi phải chỗ.

Không nên làm cho nước văng đầy y các vị ngồi gần.

Không nên ra vô lật đật, khi đi khất thực.

Không nên đứng xa hoặc gần người dâng cơm lắm.

Không nên lật đật thọ lãnh vật thực.

Không nên dòm, ngó mặt người thí chủ.

Không nên quét, giủ, đập đồ chỗ có người hoặc gần các vị khác, hoặc gần nước uống hay phía trên gió.

Không nên dạy ai học, hoặc tụng kinh, thuyết pháp mà chưa bạch cùng vị trưởng thượng trong lúc ở chung.

Không nên nhúm lữa, hoặc tắt lữa, đóng hoặc mở cửa sổ mà không bạch cùng vị trưởng lão, trừ ra ngài có cho phép trước.

Không nên đi đụng nhằm, hoặc phất y trúng nhằm vị trưởng lão.

Không nên đi vào nhà xí mà còn chấp tôn ti thượng hạ.

Không nên đi vào nhà xí lật đật nếu cửa đóng thì phải gõ cửa.

Không nên cởi y ở ngoài nhà xí.

Không nên đại tiện, rặn nghe lớn tiếng.

Không nên đại tiện hoặc tiểu tiện phía ngoài lỗ xí.

Không nên nên khạc nhổ, hỉ mũi ngoài lỗ xí.

Không nên dùng cây có gai, cây mụt mà chùi.

Không nên rửa nghe lớn tiếng.

Không nên để nước dư trong lon, nếu nhà xí dơ quét rửa cho sạch.

Không nên đi ra nhà xí lật đật.

Không nên chưa mặc y mà ra khỏi nhà xí.

Không nên đi xem hát đờn kèn.

Không nên mặc y nội, thiếu dây lưng mà đi vào xóm.

Không nên mở cửa mà tay còn cầm bát.

Không nên ngủ chung cùng nhau trên chỗ có trải lót.

Không nên ăn tỏi, không có món chi trộn chung.

Không nên đi trên chỗ ngồi, chỗ nằm, nhất là: đi trên giường ghế và chỗ đẹp hoặc có sơn phết, nếu chân chưa rửa hoặc còn ướt, hoặc còn mang giày.

Không nên dựa vách nhà có tô vôi hoặc sơn phết và nhổ nước miếng nơi ấy.

Không nên trải tọa cụ, trước khi nằm trên chỗ ngủ sạch sẽ của Giáo hội.

Không nên để tóc dài quá 2 ngón tay, hoặc lâu hơn 2 tháng mới cạo.

Không nên để râu, lông mũi, móng tay, móng chân dài quá.

Không nên đánh bóng móng tay và móng chân.

Không nên ăn vật chi nếu chưa quán tưởng.

Không nên ăn thịt voi, thịt ngựa, thịt chó, thịt rắn,, thịt sư tử, thịt beo, thịt gấu, thịt chó rừng, thịt cọp.

Các Tỳ-khưu nào đã phạm nhằm những phép đã kể trên, gọi là phạm Tác ác (dukkata).

ÁC KHẨU (Dubbhàsita)

Tỳ-khưu không nên mắng chửi làm cho người hổ thẹn.

Không nên chơi với vị khác, hoặc trong bọn hay nói xiên xéo rằng “Mày là vua, ngươi là Bà la môn, cháu là thú, anh là bậc thông minh, ngươi là kẻ trộm cướp”. Kêu danh hiệu giễu chơi như cách ấy, phạm tội ác khẩu (Dubbhàsita) (mỗi tiếng mỗi tội).

CHÚ GIẢI 10 ÐIỀU LẦM LẠC

Sau khi Phật diệt độ 100 năm. 700 vị đại A la hán cu hội lần thứ nhì, có đại đức Sabbakàmithero làm tọa chủ để giải quyết 10 lầm lạc sau này:

1) MUỐN ÐỂ TRONG ỐNG BẰNG SỪNG ÐƯỢC PHÉP ĂN (kappati singilonakappo).

Luật dạy rằng: Trong các món được phép ăn buổi sáng, nếu Tỳ-khưu thọ lãnh rồi để dành qua ngày khác đemra ăn lại, phạm Ưng đối trị .

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “muối để dành trong ống làm bằng sừng, nếu qua ngày khác đem ra ăn với đồ lạt cũng được không phạm.

2) XẾ BÓNG 2 NGÓN TAY CÒN ĂN ÐƯỢC (kappatidvangulakappo).

Luật dạy rằng: Trong các món buổi mai, nếu xế bóng mà Tỳ-khưu đem ra ăn, phạm Ưng đối trị .

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Nếu chính xế qua 2 ngón tay cũng còn ăn được không phạm”.

3) ÐI VÀO XÓM CÒN ĂN ÐƯỢC (kappatigàmantarakappo).

Luật dạy rằng: Nếu Tỳ-khưu ăn rồi, đi khỏi nơi ấy mà còn ăn nữa, phạm Ưng đối trị .

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Ta đi vào trong xóm, ăn nữa cũng được, không phạm”.

4) Ở CHUNG CHỒ LÀM PHÉP “SÁM HỐI” (kappati àsàsa kappo).

Luật dạy rằng: Chỗ ở thuộc về Giáo hội, Tỳ-khưu không nên làm phép “sám hối” riêng (làm lễ Uposatha), nếu làm thì phạm Tác ác.

Phép sám hối ấy cũng không kết quả chi.

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Làm như thế cũng được, không phạm”.

5) LÀM PHÉP SÁM HỐI THEO Ý MÌNH CŨNG ÐƯỢC (kappati anuma tikappo).

Luật dạy rằng: Tỳ-khưu làm phép sám hối (làm lễ Uposatha) phải hiệp nhau nơi chỗ của Giáo hội hành đạo vào ngồi đâu mặt nhau, nếu có vị nào đau phải cho hay rồi mới nên hành. Bằng chẳng tuân theo đây gọi là hành theo phe đảng, phạm Tác ác.

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Không cần phải hiệp chung cùng nhau như thế. Ai đến trước sám hối lần lần cũng được, không phạm”.

6) LÀM THEO THÓI QUEN CŨNG ÐƯỢC (kappati ácinna kappo).

kinh luật đã dạy phân minh chỉ cho biết: sao là trật, sao là trúng. Những việc hành động theo ý riêng ông thầy của mình, nếu đúng theo kinh luật thì nên hành theo, bằng không đúng tròn chẳng nên nghe.

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Trò làm theo thói quen của ông thầy cũng được, không phạm.”

7) SỮA TƯƠI ÐỂ CHUA THIỆT CHUA DÙNG CŨNG ÐƯỢC (kappati amathitakappo).

sữa tươi để lâu 1 lát chẳng còn chất sữa như hồi mới nặn ra, như ng chưa đến nổi chua.

luật dạy rằng: Tỳ-khưu ngăn thực rồi, đi khỏi nơi ấy mà còn dùng sữa như vậy thì phạm Ưng đối trị .

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Dùng được, không phạm”.

8) RƯỢU MỚI, CHƯA THIỆT MẠNH UỐNG CŨNG ÐƯỢC (kappati jalogimpàtum).

luật dạy rằng: rượu mới bỏ men vào, chua thành rượu thiệt, nếu Tỳ-khưu uống thì Ưng đối trị .

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Rượu ấy Tỳ-khưu uống cũng được, không phạm”.

9) TỌA CỤ KHÔNG CÓ BÌA DÙNG CŨNG ÐƯỢC (kappati adasakam nisìdana).

luật dạy rằng: Tỳ-khưu làm tọa cụ, phải làm cho có bìa, bằng không, phạm Ưng đối trị .

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Không cần làm cho có bìa dùng cũng được, không phạm”.

10) CẢM XÚC VÀNG BẠC CŨNG ÐƯỢC (kappati jàtarùparajatam).

luật dạy rằng:Tỳ-khưu không nên thọ lãnh hoặc cảm xúc đến vàng bạc, nếu thọ lãnh, hoặc cảm xúc, thì phạm Ưng đối trị .

luật cho phép Tỳ-khưu cảm xúc đến 4 món vật dụng: áo ca-sa, vật thực, chỗ ở, thuốc ngừa bịnh, nhưng cấm cảm xúc đến vàng bạc.

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka lại nói “Tỳ-khưu thọ lãnh hoặc cảm xúc đến vàng bạc cũng không phạm”.

* * *

Các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka khởi nói 10 điều lầm lạc này giờ nào là Phật pháp suy đồi giờ nấy, làm cho xúc động đến tất cả chư vị A la hán. các ngài hội hiệp lại để chỉnh đốn Phật pháp và quyết rằng 10 của các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtaka nói trên là tà đạo, trái hẳn với Phật pháp đã có điểm giải phân minh từ lúc ấy rồi.

Những người xuất gia tu Phật, chẳng nên hành theo của các Tỳ-khưu xứ Vajjiputtakađã nói trên.

14 PHÁP HÀNH (VATTA 14)

1) NHỮNG VIỆC CỦA TỲ-KHƯU XA MỚI ÐẾN PHẢI HÀNH (àgantukavatta).

Tỳ-khưu ở nơi khác mới đến,muốn vào chùa phải làm như sau đây:

Nếu có mang giày phải cổi ra và xách đi.

Nếu che dù thì sập xuống.

Nếu đội khăn thì lấy xuống và cởi y trùm mình ra (mặc vừa vai mặc) rồi mới đi chầm chậm vào chùa, thấy các Tỳ-khưu nhóm ở nơi nào phải đi ngay vào nơi ấy, để bát xuống và ngồi chỗ mình nên ngồi, hỏi thăm nước uống, nước tắm. Nếu cần dùng nước uống, nước rửa thì được phép dùng. Phải rửa chơn, một tay xối, một tay rửa: hỏi giẻ chùi châm mà chùi, lấy giẻ khô chùi trước giẻ ước chùi sau, rồi đem đi phơi.

Nếu thầy tu lâu năm hơn thì mình phải lạy trước bằng mình cao hạ hơn thì vị kia phải làm lễ mình trước.

Hỏi thăm chỗ ở, chỗ đi khuất thực cho gần hay xa, đi sớm hay là đi trưa, chỗ nào không nên đi (là nhà không tin Phật pháp và quen cho có 1 vá cơm hoặc một hoặc 2 vị xin).

Hỏi cho biết có vị nào đắc thánh, mà còn ở thế đã có Giáo hội nhận.

Hỏi thăm nhà xí. hỏi thăm chỗ mà Giáo hội đã dạy phải vào phải ra, cho biết giờ vô, ra đặng ngừa thú dữ người ác.

Nếu thất cất trệt bỏ trống, thì phải gõ cửa chờ 1 chặp đã, rồi xô cửa xem xét khắp nơi, rồi mới nên bước vào, e có sự hại. Nếu thất ấy có rác, bụi tên gường, quét được thì phải quét.

Nếu không làm theo đây thì phạm Tác ác.

2) NHỮNG VIỆC TỲ-KHƯU Ở CHÙA PHẢI HÀNH (àvàsikavatta).

Tỳ-khưu ở chùa phải lo cho có nước uống, nước tắm, ván lót, giẻ chùi chân sẵn để cho các vị ở phương xa đến dùng.

Nếu Tỳ-khưu ở xa mới đến, tu lâu năm hơn mình, mình phải đi rước y bát, lót chỗ ngồi và chỉ chỗ vừa cho người nghỉ, mình phải lạy trước. Nếu vị ở xa tu ít hạ hơn, thì bảo vị ấy để đồ xuống theo chỗ, vị ấy phải làm lễ mình trước. Mình phải chỉ chỗ nào nên đi, chỗ nào là nhà vị đã đắc thánh quả mà Giáo hội đã nhận, chỉ nhà xí và nơi nhà Giáo hội đã dạy đi vô ra có giờ định.

Nếu vị ở xa cao hạ hơn dầu mình có bận việc may y hay đang làm việc gì khác phải dẹp lại đó, dầu đang khi quét hoặc rửa tháp cũng vậy. Nếu vị ở xa biết điều, nên để cho mình làm việc càng tốt. đang khi làm thuốc cho Tỳ-khưu bịnh nếu bịnh ấy vừa vừa thì để đó mà đi tiếp rước. Nếu bịnh nặng thì lo thuốc trước đã. Nếu vị ở xa biết điều, nên để cho mình lo thuốc. Nếu dâng nước 1 lần vị ở xa uống hết phải đem thêm. Nếu quạt nên quạt dưới chân 1 lần. Nếu vị ở xa dạy thôi quạt thì quạt trở xuống, nếu đến 3 lần thì để quạt xuống.

Nhữnng lời trên đây là dạy phận mình phải ở với vị cao hạ hơn. Nếu tu ít năm hơn, nên chỉ nước uống, nước tắm, chỗ nào, bấy nhiêu cũng được.

3) NHỮNG VIỆC CỦA TỲ-KHƯU RA ÐI ÐÁNG PHẢI HÀNH (gamikavatta).

Tỳ-khưu có việc đi xa khỏi chùa, phải dẹp cất đồ trong thất của mình, dẹp giường, ghế của Giáo hội và đóng cửa thất và giao cho Tỳ-khưu hoặc Sa-di, hoặc người chức việc trong chùa, hay thí chủ nào cũng được.

Nếu không có ai thì lấy 4 cục đá làm dấu, để kê chân giường, chồng ghế lên chiếu, gối, chồng lên ghế, cây, ván chất lại cho có chỗ, đóng cửa sổ hết rồi mới nên đi. Nếu thất ấy dột thì lợp dặm lại, nếu dặm không được, phải lấy đồ (chiếu, gối, mền, giường) để lên trên 4 cục đá xa vách, chỗ không dột. Nếu thất dột gần hết phải đem các món ấy gởi trong xóm. Nếu không cần đem gởi phải kê giường lên trên 4 cục đá để chính giữa thất, gối, chiếu, đệm để lên trên như trước và lấy cỏ, lá cây, đậy lên, rồi mới nên ra đi. đây là nói thất lợp bằng lá.

4) NHỮNG VIỆC CỦA TỲ-KHƯU Ở TRONG NHÀ ĂN PHẢI HÀNH (anumodanavatta).

đức Phật cho phép Tỳ-khưu đọc kinh trong nhà ăn. Vị trưởng lão đọc kinh trước, các vị ngồi kế chờ tiếp, rồi đến mấy vị sau đọc tiếp nữa, hoặc vị cả dạy vị nhỏ đọc cũng được, mấy vị ngồi kế đó chờ. vị cả cùng mấy vị khác đi ra trước cũng được (không cầnphải ngồi chờ).

Nếu vị cả bảo, thôi chúng ta đi, ngài ở lại, vị nhỏ lại bạch: dạ ngài đi đi. Nếu vị nhỏ không trả lời các vị lớn tính ra chờ bên ngoài cũng được. Ra ngoài rồi nên bảo trò mình, chờ vị kia đọc kinh rồi đã, nói như vậy càng tốt. Nếu thí chủ mời 1 vị nào đọc kinh theo ý họ, vị ấy đọc cũng vô lỗi. Nếu thí chủ thỉnh thuyết pháp, thì nên bạch cho vị cả hay trước. Một nữa, các vị ngồi chờ ấy, muốn đi đại tiện hay tiểu tiện phải từ giả vị ngồi gần mình, rồi mới nên đi.

5) NHỮNG VIỆC TỲ-KHƯU CHỊU MỜI ĂN PHẢI HÀNH(bhattaggavatta):

Nếu có thí chủ mời trai tăng, Tỳ-khưu mặc y cho đúng phép, mang bát theo đi thong thả không nên đi trước vị lớn.

Phải mặc y cho kín giữ theo 75 điều ưng học pháp, đi đứng cho tề chỉnh, ngồi cho nghiêm trang không nên ngồi khoanh tay,(không nên ngồi gần đụng vị cả, chỗ ngồi ngang nhau). Nếu chỗ ngồi rộng rãi, phải ngồi chừa cách 1, 2 chỗ ngồi xa hơn vị cả. Nếu chiếu chật hẹp,không dám ngồi gần,vị cả nên cho phép ngồi. Nếu vị cả không nói, nên bạch rằng: chỗ ngồi đây trọng lắm.Nếu đã nói như vậy, mà vị cả không trả lời, sẽ ngồi không lỗi, chỉ một mình vị cả lỗi thôi. Nếu vị nhỏ không bạch mà vẫn ngồi là phạm phép.

Không nên ngồi trên y 2 lớp.

Nếu thí chủ dâng nước rửa bát, phải 2 tay bợ mà thọ lãnh nước theo phép (nếu tay không dính cơm). Phải rửa bát cho tử tế không nên động khua nghe tiếng. Nếu có ống nhổ thì đổ vào đó cho êm ái bằng không thì đổ xuống đất cho dè dặt, sợ e văng nước trúng nhằm vị khác.

Không nên thọ lãnh cơm đầy bát, để dành chỗ đựng đồ ăn .

Vị cả phải dạy thí chủ nên đem cơm chia ra cho đủ. Nếu đổ ăn vừa đủ 1, 2 vị thì nên làm thinh. Khuất thực chỉ phải nhìn xem trong bát (lãnh 2 phần đồ ăn, 2 phần cơm). Nếu thí chủ chia vật thực chưa đủ cho các vị, vị cả chưa nên ăn. Ðây nói về nhà ăn chật hẹp.

Nếu nhà ăn rộng rãi vừa cho các vị ngồi ăn, các Tỳ-khưu ngồi 1 bên, thí chủ ngồi 1 bên, phải ăn thong thả, theo 75 điều ưng học pháp. Nếu tay dơ, không nên cầm chém nước mà uống. Nếu các Tỳ-khưu ăn chưa xong, vị cả không nên lãnh nước rửa bát, đến khi đi ra khỏi nhà ăn vị nhỏ phải ra trước (vị lớn ra sau) bởi nhà ăn chật hẹp. Khi ra khỏi rồi, phải đứng chờ vị cả, phải theo phép, (lớn trước, nhỏ sau). Không nên đi gần nhau lắm, đi chừa cách khoảng 1 người qua lọt.

Không nên vừa đi vừa chơi. Phải giữ theo 75 điều ưng học pháp cho đến khi về tới chùa.

6) NHỮNG VIỆC CỦA TỲ-KHƯU ÐI KHUẤT THỰC PHẢI HÀNH (pindacàrikavatta).

Tỳ-khưu lúc ra đi khuất thực phải mặc y cho đúng, theo phép như đã nói trên, lấy bát mang vào xóm, đi chậm rải, trùm mình cho kín, giữ theo 75 điều Ưng học pháp, đi ngay hàng. Khi đến xóm phải nghĩ rằng: “Mình đi vào phía này, ra phía này”.

Không nên đi vô, ra lật đật, không nên đứng xa hoặc gần thí chủ lắm. Không nên quay mình lật đật, xem chủ nhà thọ thí cơm hay không. Nếu họ thôi làm việc và đứng dậy, bưng thau cơm, hoặc mời thì hiểu rằng họ chịu dâng, nên đứng chờ. Nếu họ để cơm thì phải dùng tay trái đở y, tay mặt bợ bát đưa ra và dở nắp bát bằng tay trái và bợ bát luôn. Không nên xem mặt thí chủ, chỉ biết họ chịu dâng cùng không. Nếu họ cầm thau cơm, hoặc vá cơm, họ mời mình đứng lại thì rõ họ chịu dâng. Nếu họ để bát rồi thì đậy bát lại, bỏ y xuống quanh mình đi cho tề chỉnh, giữ theo 75 điều ưng học pháp.

Vị nào trở về chùa trước phải trải lót nhà ăn, lo rửa chân, giẻ chùi chân, rửa chén dành để đồ ăn, nước uống, nước rửa cho đủ sẳn. Ði khuất thực trở về hiệp nhau rồi ăn, đổ bỏ đồ ăn dư nơi trống, hoặc đổ xuống nước nào không có côn trùng (sợ nó chết). Quét nhà ăn cho sạch, vị nào thấy nước uống, nước xài, hoặc nước trong nhà xí không có, nên gánh đổ cho đầy, gánh 1 mình không nổi, gọi vị khác tiếp với.

7) NHỮNG VIỆC CỦA TỲ-KHƯU ẨN TU TRONG RỪNG PHẢI HÀNH (àrannikavatta).

Tỳ-khưu ẩn tu nơi rùng phải thức cho sớm, sửa soạn mang bát vào xóm, mang y vai trái, đóng cửa thất rồi ra đi. Gần đến xóm, nếu có mang dép, phải lột ra gỏ đất cho tử tế, trùm mình cho kín theo phép. Ðến khi trở về, nếu ngoài xóm không có nước thì ăn trong xóm. Nếu có nước ngoài xóm, nên ăn ngoài xóm, rồi rửa bát cho sạch, mang bát và đắp y vai trái, mang dép vào mà đi (đây nói trong rừng vắng vẻ không ai thấy, nếu đi vào xóm thì không nên). Mặc như vậy, trong phải có lót mồ hôi, rồi trở về rừng.

Lại nữa, Tỳ-khưu ở trong rừng phải xách nước uống, nước xài để dành nếu không có lu, lấy ống tre mà đựng và phải nhúm lửa để dành (ngừa khi hữu sự), có ống quẹt thì không cần, ở rừng hoặc đi đàng xa cũng phải vậy. Nếu có bạn, không có lửa cũng không cần, chỉ có gậy, phải biết xem phương hướng (ngừa sự lạc đường).

8) NHỮNG VIỆC CỦA TỲ-KHƯU Ở THẤT PHẢI HÀNH (senàsanavatta).

Tỳ-khưu ở chùa, ở thất, nếu dơ phải quét. Khi quét phải lấy y bát để có nơi và đem tọa cụ, chiếu, nệm, giường ra ngòai cho tử tế. Nếu trong thất có rác, váng nhện, phải quét ở tên trước, vách cửa làm bằng cây có sơn phết, nên rửa chùi cho sạch, đổ rác cho có nơi. Không nên đập quét bụi bay gần thất vị khác, gần nước uống, nước xài, không nên giũ đập trên gió; đệm có đóng móc phải phơi cho hết rồi đem vào để chỗ cũ. Giẻ chùi chân cũng phải đem phơi, phải chùi giũ giường, ghế cho sạch; chiếu gối tọa cụ cũng vậy.

Ðem y bát cất cho có nơi, gió thổi bụi vào phía nào đóng cửa phía ấy. Mùa lạnh trưa phải mở cửa, tối phải đóng; mùa nóng khi ngủ mở cửa cho mát. Sân nhà ăn, nhà bếp có rác nhiều phải quét cho sạch. Không có nước uống nước sài phải gánh cho có, nước rửa nhà xí cũng vậy. Trong thất có Tỳ-khưu lớn tuổi, nếu muốn đọc kinh, nói kinh, hoặc làm việc khác (trừ ra mở cửa cái) phải bạch với vị trưởng lão mới nên làm. Bạch 1 lần mà vị cả cho phép, không cần bạch nữa cũng được.

9) CÔNG VIỆC PHẢI HÀNH Ở NHÀ BẾP (jantaghararavatta).

Tỳ-khưu nào nhóm lữa trong nhà bếp, nếu có vị trưởng lão cấm không cho chất củi nhiều mà chẳng vâng theo thì phạm Tác ác. Không nên đóng cửa nhà bếp và ngồi chờ, nếu không vâng lời thì phạm Tác ác. Vị nào đến nhà bếp trước thấy tro nhiều phải hốt đổ . Có rác phải quét cho sạch. Thiếu nước phải đổ cho đầy rồi mới nên vào nhà bếp. Không nên ngồi gần đụng vị trưởng lão; nếu siêng bóp mình cho ngài. Ði ra nên lấy ghế đem ra, đóng cửa trước, sau rồi mới nên đi. Không nên tắm trước vị trưởng lão và tắm phía trên gió; không nên đi trước ngài, nhà bếp dơ phải quét rồi tắt lữa rồi mới nên đi ra.

Phật cho phép hơ mình nếu có bịnh.

10) CÔNG VIỆC PHẢI HÀNH TRONG NHÀ XÍ (vaccakutivatta).

Phật dạy Tỳ-khưu, đi đại tiểu tiện mà không rửa thì phạm Tác ác. Nếu có nước mà không có chỗ kín, thì múc nước đem đến chỗ kín mà rửa. Không có đồ múc phải lấy bát mà múc. Không có bát thì mới gọi là không đồ múc. Nếu nơi ấy trống trải lắm thì đi kiếm nơi kín khác. Ði tới trước mà không có nước, gần đến giờ khuất thực nên kiếm cây mà chùi, rồi đi khất cũng được.

Lại nữa Tỳ-khưu vào nhà xí, không nên câu chấp tôn ti, thượng hạ, câu chấp phạm Tác ác. Phật cho phép ai đến trước vào trước, đến sau vào sau. Ði đến nhà xí phải lên tiếng (tằn hắn hoặc ho). Nếu có ai ở trong phải tằn hắn trả lời. Vào nhà xí phải máng y khuất đà la tăng ở ngoài.

Không nên đi vào lật đật.

Không nên cổi y trước khi vào.

Không nên rặn lớn tiếng.

Không nên đại tiểu tiện và xỉa răng.

Không nên đại tiện hay tiểu tiện ngoài lỗ xí.

Không nên khạc nhổ, hỉ mũi ngoài lỗ xí.

Không nên dùng cây nhọn, cây mục, cây gai, cây có lỗ mà chùi.

Không nên bỏ cây chùi vào lỗ xí, chùi đứng dậy mặc y lại không nên đi ra lật đật.

Không nên chưa mặc y mà đi.

Không nên để dư nước lại trong ống, nếu có uống thuốc xổ để giành nước trong ống thì không sao.

Nhà xí dơ phải quét cho sạch, có nước không có đồ múc, hoặc có đồ múc mà không có nước mới gọi là không có chi. Nếu có giỏ đựng cây chùi thì đem đi đổ. Nhà xí hàng ba, hoặc sân nhà xí dơ, phải quét cho sạch, phải gánh nước để trong nhà xí.

11) BỔN PHẬN TRÒ ÐỐI VỚI THẦY HOÀ THƯỢNG (upajjhàyavatta).

Tỳ-khưu hoặc Sa-di phải giữ cho tròn bổ phận đối với ông thầy hoà thượng. Sớm mai thức dậy, nếu có mang dép lột ra và mặc y chừa vai trái, lấy tăm xỉa răng, nước rửa mặt dâng cho thầy, dọn dẹp chỗ ngủ và chỗ ngồi.

Có cháo phải đem cho thầy dùng: phải dâng và dọn dẹp đồ ăn, phải thủ lễ theo phép (không nên khua chén bát) và dâng nước rửa. Thầy muốn đi vào xóm, phải lấy y vai trái, y 2 lớp và dây lưng đem dâng. Thầy muốn cho trò đi theo, trò phải mặc y theo phép và đi theo sau. Không nên đi theo gần hoặc xa lắm, đi vừa cho thầy kêu nói. Bát của thầy đầy cháo hoặc cơm, phải đổi bát cho mình.

Thầy đang nói chuyện không nên nói xía vào. Thầy nói gần phạm lỗi, phải nhắc thầy bằng cách này: “Bạch thầy! Nói vậy có phạm lỗi chăng?” Chẳng nên cãi bằng lời vô lễ. Lúc trở về, trò phải về trước dọn dẹp chỗ ngồi, múc nước rửa chân, kiếm cây kê để rửa chân. Thầy về đến phải ra rước bát, lấy y đem cho thầy đổi và đem ra hong 1 lát rồi xếp cất; phải xếp vắn 1 lớp, lớp sau xếp cho bằng lại (bìa 1 bên, xếp qua chừa 4 ngón tay, rồi xếp lớp sau cho bằng nhau). Lấy dây lưng xế để vào y vai trái.

Nếu có cơm mà thầy muốn ăn, phải dâng nước rồi mới dâng đồ ăn và ngồi xem chừng, ngừa thiếu thốn. Thầy ăn rồi dọn bát cất cho có nơi không nên động khua. Lấy nước rửa chùi cho khô, đem phơi 1 lát đừng phơi lâu và đem y, bát cất cho tử tế. Thầy đi ra khỏi rồi dọn dẹp chỗ ăn. Thầy muốn tắm, phải lo cho có sẳn nước. Thầy muốn tắm nước lạnh phải có nước lạnh, nước nóngphải có nước nóng. Thầy muốn vào nhà bếp, đem ghế cho thầy ngồi, lấy y cất cho có nơi và đi theo vào bếp. Phải đấm bóp cho thầy. Lúc thầy trở ra cũng phải làm y theo phép (xem trong việc nhà bếp). Thầy tắm phải xối nước, kỳ cho thầy tắm rồi lấy y dâng lên, chùi lau cho thầy, dâng y cho thầy, lấy ghế đem cất, xem chừng nước rửa chân,giẻ chùi chân có sẵn. Nếu muốn học chữ Phạn, phải bạch thầy cho, thất của thầy có rác, phải quét cho sạch.

Thầy buồn muốn hoàn tục, phải khuyên thầy đi chỗ này chỗ nọ cho thầy giải buồn hoặc nói kinh cho thầy nghe. Nếu thầy bất bình phải khuyên lơn thầy, hoặc kiếm Tỳ-khưu khác khuyên dùm cũng được. Thầy làm theo tà kiến phải thức tỉnh thầy hoặc cậy các Tỳ-khưu khác khuyên dùm. Thầy phạm lỗi nặng (Tăng tàn), bị phạt cấm phòng hoặc phạm lỗi nhỏ, phải lo tính chừng để cho Giáo hội đuổi thầy. Tính cho thầy ở lại, xin Giáo hội phạt tội nhẹ. Nếu Giáo hội phạt rồi nên liệu tính cho thầy hành đạo cho mau được tấn hoá, đừng để cho Giáo hội phạt nữa.

Y dơ thì giặc cho sạch, nhuộm, giủ, chải. Khi nhuộm phải trở qua, trở lại cho đều, phơi phải xem chừng, khô đem cất. Muốn đem y bát hoặc vật gì cho 1 vị nào, hoặc muốn cạo tóc cho ai, đều phải bạch cho thầy hay trước. Không nên thọ lãnh y, bát hoặc vật gì của ai mà mình chưa bạch cùng thầy hay biết. Không nên theo 1 bên vị nào khác cũng chẳng nên để cho ai theo 1 bên mình. Không nên đem đồ ăn cho ai. Không nên đi theo ai nghịch với thầy mình. Muốn vào xóm phải bạch với thầy, rồi mới nên đi. Không đi lâu. Ði khuất thực, phải bạch với thầy, thầy cho phép mới nên đi.

Những việc nói trên đây, thầy cho phép thì việc chi cũng được, bằng không cho, phải nài nỉ đến 3 lần, thầy cho thì đi bằng không thì thôi. Lại nữa, nếu thầy dốt nát không thông đạo lý, trò muốn học chữ Pali hoặc phép tham thiền mà thầy không biết, chỉ biết ngăn cấm, thầy như vậy, dầu có cấm đến đâu, cãi lời cũng được. Thầy đau phải nuôi cho trọn đời, không nên bỏ thầy. Nếu có vị khác ở nuôi, phải đi kiếm thuốc cho vị ấy, để chữa bịnh cho thầy.

12) BỔN PHẬN CỦA THẦY HÒA THƯỢNG PHẢI Ở CÙNG TRÒ (saddhimvihàrikavatta).

bổn phận của thầy phải đối với trò là phải dạy cho trò học kinh luật, học phép thiền định. Phải thường khuyên lơn nhắc nhở trò. Nếu y, bát hoặc các vật dụng nào mà thầy có dư phải chia cho trò. Phải giúp đở cho trò mau được tấn hoá trên đường đạo đức. Trò có bịnh, thầy phải hết lòng chăm nom, y như lúc trò chăm sóc cho thầy vậy. Trừ ra khi đi ra khỏi chùa không cần phải cho trò hay.

13) BỔN PHẬN CỦA TRÒ PHẢI Ở CÙNG VỊ A XÀ LÊ LÀ THẦY NƯƠNG TỰA (àcariyavatta).

Trò phải làm cho tròn bổn phận cùng thầy mà mình nương tựa, y theo các mà mình cùng ông thầy hoà thượng vậy.

14) BỔN PHẬN CỦA VỊ A XÀ LÊ Ở CÙNG TRÒ (Antevàsikavatta).

ông thầy mà mình nương tựa cũng phải ở cùng trò, như hòa thượng đối với trò vậy.

Trong 14 phép hành kể trên, nếu vị nào không tuân theo, thì phạm điều Tác ác (phạm nhằm 1 điều là 1 tội).