Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật

Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật

Trương Văn Chiến 43

PHẦN III

18. Nhất Thể Đồng Quán

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như Lai có nhục nhãn chăng?

– Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai có nhục nhãn.

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như Lai có thiên nhãn chăng?

– Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai có thiên nhãn.

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như Lai có huệ nhãn chăng?

– Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai có huệ nhãn.

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như Lai có pháp nhãn chăng?

– Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai có pháp nhãn.

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như Lai có Phật nhãn chăng?

– Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai có Phật nhãn.

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như số cát trong sông Hằng kia, Phật nói là cát chăng?

– Bạch Thế Tôn, đúng thế! Như Lai nói là cát.

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Như có những sông Hằng nhiều bằng số cát trong một sông Hằng, rồi lại có cõi Phật nhiều bằng số cát trong những sông Hằng ấy, như thế có phải là nhiều chăng?

– Bạch Thế Tôn, rất nhiều.

Phật bảo Tu Bồ Đề:

– Bao nhiêu thứ tâm niệm của chúng sanh trong cõi Phật ấy, Như Lai đều biết rõ. Tại sao? Như Lai nói các tâm, đều là phi tâm, thị danh là tâm (nghĩa ba câu). Tại sao? Tu Bồ Đề! Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc (Phá chấp tâm là thật có).

Lược Giải

Để lược giải nghĩa Ngũ nhãn, có bài kệ rằng:

Thiên nhãn thông phi ngại,
Nhục nhãn ngại phi thông.
Pháp nhãn duy quán tục,
Huệ nhãn liÂu tri không.
Phật nhãn như thiên nhật,
Chiếu dị thể hoàn đồng.

Dịch nghĩa:

Thiên nhãn thông chẳng ngại,
Nhục nhãn ngại chẳng thông.
Pháp nhãn hay quán tục (tục đế),
Huệ nhãn thấu rõ không (chơn đế).
Phật nhãn như ngàn nhật (mặt trời),
Chiếu dị (khác) thể vẫn đồng. (Lược giải hết)

19. Pháp Giới Thông Hóa

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Nếu có người đem thất bửu chất đầy tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí, người ấy nhờ nhân duyên đó, được phước đức nhiều chăng?

– Bạch Thế Tôn, đúng thế! Người ấy nhờ nhân duyên đó, được phước đức rất nhiều.

– Tu Bồ Đề! Nếu phước đức có thật thì Như Lai chẳng nói được phước đức nhiều. Vì phước đức vốn chẳng thật nên Như Lai nói được phước đức nhiều.

20. Ly Sắc Ly Tướng

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Có thể nhờ sắc thân đầy đủ thấy Phật chăng?

– Bạch Thế Tôn, không. Chẳng nên nhờ sắc thân đầy đủ mà thấy Phật. Tại sao? Như Lai nói sắc thân đầy đủ, tức phi sắc thân đầy đủ, thị danh sắc thân đầy đủ (nghĩa ba câu).

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Có thể nhờ các tướng đầy đủ thấy Như Lai chăng?

– Bạch Thế Tôn, không. Chẳng nên nhờ các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai. Tại sao? Như Lai nói các tướng đầy đủ, tức phi các tướng đầy đủ, thị danh các tướng đầy đủ (nghĩa ba câu).

21. Phi Thuyết Sở Thuyết

– Tu Bồ Đề! Ngươi chớ nói Như Lai có nghĩ rằng “Ta phải có thuyết pháp,” đừng nghĩ vậy. Tại sao? Nếu người nào nói Như Lai có thuyết pháp tức là phỉ báng Phật, chẳng hiểu lờI nói của ta. Tu Bồ Đề! Nói thuyết pháp là vô pháp để thuyết, thị danh thuyết pháp (nghĩa ba câu).

Bấy giờ, Huệ Mạng Tu Bồ Đề thưa Phật rằng:

– Bạch Thế Tôn! Những chúng sanh đời vị lai nghe được pháp này sanh lòng tin chăng?

Phật bảo:

– Tu Bồ Đề! Những chúng sanh ấy là phi chúng sanh, phi bất chúng sanh. Tại sao? Tu Bồ Đề! Chúng sanh cho là chúng sanh, Như Lai nói phi chúng sanh, thị danh chúng sanh (nghĩa ba câu).

Ghi Chú:

Huệ Mạng: Pháp thân là thể của tự tánh, huệ mạng là dụng của tự tánh; sự nghiệp hoằng pháp độ sanh chẳng gián đoạn gọi là huệ mạng.

(Ghi chú hết)

22. Vô Pháp Khả Đắc

Tu Bồ Đề thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn! Phật đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là vô sở đắc chăng?

– Đúng thế! Đúng thế! Tu Bồ Đề! Ta ở nơi pháp Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, thật chẳng đắc một chút gì cả, thị danh Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác (nghĩa ba câu).

23. Tịnh Tâm Hành Thiện

– Lại nữa, Tu Bồ Đề! Pháp ấy bình đẳng, chẳng có cao thấp, gọi là Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Vì vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả mà tu tất cả thiện pháp, thì liền được Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tu Bồ Đề! Như Lai nói thiện pháp tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp (nghĩa ba câu).

24. Phước Trí Vô Tỷ

– Tu Bồ Đề! Nếu có người đem thất bửu chất đầy bằng núi Tu Di chúa trong tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí, với người thọ trì đọc tụng Kinh Bát Nhã Ba La Mật này, cho đến chỉ hành theo tứ cú kệ, và giảng giải cho người khác nghe, thì phước đức bố thí so với phước đức thọ trì chẳng bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn ức, cho đến toán số thí dụ cũng chẳng thể sánh bằng.

25. Hóa Vô Sở Hóa

– Tu Bồ Đề! Các ngươi chớ cho Như Lai có nghĩ rằng “Ta phải độ chúng sanh. ” Tu Bồ Đề, đừng nghĩ vậy! Tại sao? Thật chẳng có chúng sanh mà Như Lai độ. Nếu nói Như Lai có độ chúng sanh, thì Như Lai mắc vào bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Tu Bồ Đề! Như Lai nói có ngã tức phi có ngã, mà phàm phu chấp là có ngã. Tu Bồ Đề! Như Lai nói phàm phu tức phi phàm phu, thị danh phàm phu (nghĩa ba câu).

26. Pháp Thân Phi Tướng

– Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Có thể dùng ba mươi hai tướng để quán Như Lai chăng?

Tu Bồ Đề đáp:

– Đúng thế! Đúng thế! Có thể dùng ba mươi hai tướng quán Như Lai.

Phật bảo Tu Bồ Đề:

– Nếu dùng ba mươi hai tướng để quán Như Lai thì Chuyển Luân Thánh Vương cũng là Như Lai sao? (Chuyển Luân Thánh Vương cũng có ba mươi hai tướng)

Tu Bồ Đề thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn, như con hiểu ý nghĩa lời Phật, thì chẳng nên dùng ba mươi hai tướng để quán Như Lai.

Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã,
Thị nhơn hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai.

Dịch nghĩa:

Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh cầu ta.
Là người hành tà đạo,
Chẳng thể thấy Như Lai.

Lược Giải:

Nếu dùng sắc thấy ta,
Dùng âm thanh cầu ta.
Là người hành tà đạo,
Chẳng thể thấy Như Lai.

Chữ Ta ở đây là tự tánh Phật. Tự tánh bất nhị, chẳng có năng sở, nên chẳng phải sở thấy sở cầu. Nếu đuổi theo căn trần để thấy để cầu là hành theo tà đạo, chẳng thể đạt đến kiến tánh.

(Lược giải hết)

27. Vô Đoạn Vô Diệt

– Tu Bồ Đề! Nếu ngươi nghĩ rằng: “Như Lai vì chẳng nhờ tướng đầy đủ mới đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác,” Tu Bồ Đề, đừng nghĩ như vậy! Nói Như Lai vì chẳng nhờ tướng đầy đủ mới đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là chẳng đúng.

Tu Bồ Đề! Nếu ngươi nghĩ như thế thì người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác là nói các pháp đoạn diệt sao! Đừng nghĩ vậy. Tại sao? Vì người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nơi pháp chẳng nói tướng đoạn diệt.

Lược Giải

– Phần 20 nói “Chẳng nên nhờ các tướng đầy đủ mà thấy Như Lai” là phá chấp sắc tướng. Phần 27 nói “Chớ nên nghĩ rằng Như Lai vì chẳng nhờ tướng đầu đủ mới đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác” là phá chấp phải lìa sắc tướng. Vì chấp sắc tướng và chấp lìa sắc tướng đều chẳng thể đạt đến kiến tánh.

(Lược giải hết)

28. Bất Thọ Bất Tham

– Tu Bồ Đề! Nếu Bồ Tát đem thất bửu chất đầy những thế giớI như số cát sông Hằng dùng để bố thí, với Bồ Tát biết tất cả pháp vô ngã, được thành tựu pháp nhẫn (lòng tin vững chắc), thì Bồ Tát này được công đức hơn Bồ Tát kia. Tại sao? Tu Bồ Đề, vì các Bồ Tát này chẳng thọ phước đức.

Tu Bồ Đề thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn! Sao nói Bồ Tát chẳng thọ phước đức?

– Tu Bồ Đề! Vì Bồ Tát làm việc phước đức chẳng sanh khởI lòng tham, cho nên nói chẳng thọ phước đức.

29. Oai Nghi Tịch Tịch

– Tu Bồ Đề! Nếu có người nói rằng “Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm” thì người ấy chẳng hiểu được ý nghĩa lời ta nói. Tại sao? Vì Như Lai chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như Lai.

Lược Giải

Tự tánh cùng khắp không gian và thời gian, khắp không gian thì chẳng có khứ lai, nên gọi là Như Lai, khắp thời gian thì chẳng có gián đoạn (chẳng có sanh diệt), nên gọi là Niết Bàn. (Lược giải hết)

30. Nhất Hợp Tướng Lý

– Tu Bồ Đề! Nếu có thiện nam tín nữ, đem cõi tam thiên đại thiên thế giới nghiền nát ra thành vi trần, ý ngươi thế nào? Những vi trần chúng có phải nhiều chăng?

Tu Bồ Đề thưa rằng:

– Bạch Thế Tôn, rất nhiều. Tại sao? Nếu những vi trần chúng là thật có thì Phật chẳng nói là vi trần chúng. Tại sao? Vì Phật nói vi trần chúng, tức phi vi trần chúng, thị danh vi trần chúng (nghĩa ba câu). Bạch Thế Tôn! Như Lai nói tam thiên đại thiên thế giới, tức phi thế giới, thị danh thế giới. Tại sao? Nếu thế giới thật có, tức là nhất hợp tướng. Như Lai nói nhất hợp tướng, tức phi nhất hợp tướng, thị danh nhất hợp tướng (nghĩa ba câu).

31. Tri Kiến Bất Sanh

– Tu Bồ Đề! Nếu có người nói Phật thuyết ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến là thật, Tu Bồ Đề! Ý ngươi thế nào? Người ấy có hiểu được ý nghĩa lời ta nói chăng?

– Bạch Thế Tôn, không! Người ấy chẳng hiểu ý nghĩa của Như Lai nói. Tại sao? Như Lai nói ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức phi ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, thị danh ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến (nghĩa ba câu).

– Tu Bồ Đề! Người phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đối với tất cả pháp nên tri như thế, kiến như thế, tín giải như thế, chẳng sanh pháp tướng. Tu Bồ Đề! Như Lai nói pháp tướng, tức phi pháp tướng, thị danh pháp tướng (nghĩa ba câu).

32. Ứng Hóa Phi Chơn

– Tu Bồ Đề! Nếu có người đem thất bửu chất đầy vô lượng A Tăng Kỳ thế giới dùng để bố thí, với thiện nam tín nữ phát tâm Bồ Đề thọ trì đọc tụng Kinh này, cho đến chỉ hành theo tứ cú kệ, và giảng giải cho người khác nghe, thì phước đức hơn người kia. Vậy phải giảng giải như thế nào? Nên giảng giải như thế này: Như như bất động, chẳng nên chấp nơi tướng. Tại sao?

Nhất thiết hữu vi pháp,
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.

Dịch nghĩa:

Tất cả pháp hữu vi,
Như mộng, huyễn, bọt, bóng,
Như sương mù, điện chớp,
Nên quán theo như thế. .

Phật thuyết Kinh này xong, trưởng lão Tu Bồ Đề với các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và tất cả thế gian, trời, người, A Tu La, nghe lời Phật thuyết, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

Lược Giải

Như Như Bất Động, chẳng nên chấp nơi tướng: Theo lời Phật thì hai chữ Như Như là như thật tế, là như bản thể của tự tánh. Hai chữ Bất Động chẳng phải đối với động mà nói bất động, vì tự tánh bất nhị, chẳng có biến chuyển nên nói bất động. Về bề mặt thì chẳng thể diÂn tả, nếu tả theo bề trái thì chẳng động chẳng tịnh, chẳng thêm chẳng bớt, chẳng lớn chẳng nhỏ, chẳng một chẳng nhiều… Nên chỉ có thể nói là Như Như Bất Động. Tất cả những đối đãi như động – tịnh, lớn – nhỏ, v. v… cho đến Bồ Đề – Niết Bàn đều là tướng, chẳng chấp nơi tướng mới được gọi là Như Như Bất Động.