PHẦN THỨ BA – TUỆ
MÔ TẢ VỀ ÐẤT CHO TUỆ SINH TRƯỞNG
-ooOoo-
CHƯƠNG XIV – MÔ TẢ VỀ CÁC UẨN
(Khandha niddesa)
A- TUỆ:
Sau khi kết thúc phương pháp tu tập về ÐỊNH, giờ đây, trình bày cách thức tu tập về TUỆ. Tuệ có nhiều loại và nhiều khía cạnh, nhưng ở đây chủ yếu là trình bày về cái tuệ thuộc quán trí đưa đến đạo lộ siêu việt.
Tuệ là hiểu biết, tương tự với nó có tưởng tri và thức tri. Nhưng tưởng tri chỉ là sự nhận biết một đối tượng như xanh hay vàng. Thức tri vừa biết đối tượng ấy xanh, hay vàng, vừa biết cả bản chất cuả đối tượng ấy. Còn Tuệ vừa biết đối tượng theo cách đã nói, vừa hướng đến một đạo lộ siêu thế do tinh tấn. Tưởng tri ví như một đứa trẻ khi nhìn đồng tiền, chỉ biết đó là một vật kim loại, có hình vẽ. Thức tri như người nhà quê không thể phân biệt đó là tiền giả hay thật. Tuệ như người đổi tiền, biết rõ tính chất và giá trị của đồng tiền. Tuy thế, sự khác nhau giữa chúng rất tế nhị, khó mà phân biệt rằng: “đây là tưởng tri, đây là thức tri và đây là tuệ”.
Nếu phân tích chi tiết thì tuệ có một loại, 2 loại, 3 loại và 4 loại.
* Tuệ một loại: là nó có đặc tính đi sâu vào tự tính của các pháp.
* Tuệ hai loại: là thế gian và xuất thế gian. Tuệ thế gian là liên hệ đến đạo lộ thế gian; Tuệ xuất thế gian là tuệ liên hệ đến đạo lộ siêu thế.
* Tuệ ba loại: văn tuệ, tư tuệ và tu tuệ. Văn tuệ: tuệ có được do nghe người khác. Tư tuệ: Tuệ có được do sự suy nghĩ của mình. Tu tuệ: Tuệ phát sinh nhờ tu thiền định và đạt đến an lạc.
Tuệ ba loại (thứ hai) là tuệ có một đối tượng hữu hạn; tuệ có một đối tượng đại hành và tuệ có một đối tượng vô lượng. Tuệ khởi lên liên hệ với các pháp Dục giới là tuệ có đối tượng hữu hạn. Tuệ khởi lên liên hệ với các pháp Sắc giới hay Vô sắc giới là tuệ có đối tượng đại hành. Tuệ sinh khởi liên hệ đến Niết bàn là tuệ có đối tượng Vô lượng.
* Tuệ bốn loại: Tuệ phát sinh liên hệ đến chân lý về khổ gọi là khổ trí. Tuệ phát sinh do biết nguồn gốc của khổ, gọi là Khổ tập trí. Tuệ phát sinh liên hệ đến sự diệt khổ, gọi là khổ diệt trí. Tuệ phát sanh liên hệ đến đạo lộ đưa đến diệt khổ: gọi là khổ diệt đạo trí. Ngoài ra còn có 4 loại tuệ khác được gọi là 4 biện tài, đó là: Trí biết về nghĩa, gọi là biện tài về nghĩa. Trí biết về pháp gọi là biện tài về pháp. Trí biết về các ngôn từ, gọi là biện tài về từ. Trí biết về các loại trí, gọi là biện tài về trí.
- NĂM UẨN:
Bây giờ đến lượt trình bày về 5 uẩn. Năm uẩn là: Sắc, thọ, tưởng, hành, và thức.
- Sắc uẩn:
Trước hết nói về sắc uẩn. Bất cứ pháp nào có đặc tính bị quấy nhiễu bởi lạnh nóng v.v… đều bao gồm trong sắc uẩn. Nếu đem phân loại thì có sắc uẩn thuộc một loại, hai loại, và bốn loại. Một loại là nó có đặc tính bị quấy nhiễu. Hai loại là: đại chủng sắc và sở tạo sắc.
Ðại chủng sắc có 4 loại: địa đại, thủy đại, hỏa đại và phong đại. (Xem lại chương XI).
Sở tạo sắc có 24 loại: 1. Mắt; 2. Tai; 3. Mũi; 4. Lưỡi; 5. Thân; 6. sắc; 7. Thanh; 8. Hương; 9. Vị; 10 Nữ căn; 11. Nam căn; 12. Mạng căn; 13. Tâm cơ; 14. Thân biểu; 15. Ngữ biểu; 16. Không giới; 17. Khinh khoái; 18. Nhu nhuyến; 19. Kham nhậm; 20. Sinh; 21. Trú; 22. Lão; 23. Vô thường; 24. Ðoàn thực.
- Mắt: Ðặc tính của nó là sự nhạy cảm của 4 đại trước sự va chạm với sắc pháp.
2.Tai: Ðặc tính của nó là sự nhạy cảm của 4 đại khi tiếp xúc với âm thanh.
3. Mũi: Ðặc tính của nó là sự nhạy cảm của 4 đại khi tiếp xúc với mùi hương.
4. Lưỡi: Ðặc tính của nó là sự nhạy cảm của 4 đại khi tiếp xúc với vị.
5. Thân: Ðặc tính của nó là tính nhạy cảm của 4 đại khi xúc chạm những vật sờ được.
Một số luận sư cho rằng: “Trong con mắt, hỏa thịnh; trong lỗ tai, phong thịnh; trong lỗ mũi, địa thịnh; trong lưỡi, thủy thịnh; trong thân thì 4 đại quân bình”.
Ví dụ: Như những con rắn, cá sấu, chim, chó, chồn hoang thường hướng về những nơi chúng hay lui tới là tổ kiến, nước, không gian, làng mạc, nghĩa địa v.v… Cũng thế, tai, mắt, v.v.. hướng đến những hành xứ riêng của chúng là sắc, thanh v.v…
- Sắc: Có đặc tính là đập vào mắt. Nhiệm vụ nó là làm đối tượng cho nhãn thức.
7.Thanh: Có đặc tính là đập vào tai. Nhiệm vụ nó là làm đối tượng cho nhĩ thức.
8. Mùi: có đặc tính là đập vào mũi. Nhiệm vụ nó là làm đối tượng cho tỉ thức.
9. Vị: Có đặc tính là đập vào lưỡi. Nhiệm vụ nó là làm đối tượng cho thiệt thức.
10. Nữ căn: Có đặc tính là nữ tánh. Nhiệm vu nó là phân biệt với nam giới.
11. Nam căn: Có đặc tính là nam tánh. Nhiệm vụ nó là phân biệt với nữ giới.
12. Mạng căn: Có đặc tính là duy trì các loại sắc câu sinh. Nhiệm vụ nó là làm cho các sắc ấy sinh ra.
13. Tâm cơ: Có đặc tính là làm điểm tựa cho ý giới và ý thức giới. Nhiệm vụ nó là làm phương tiện cho chúng.
14. Thân biểu: Nó làm nhân cho sự di chuyển tới lui. Nhiệm vụ nó là bày tỏ ý định.
15. Ngữ biểu: Nó làm nhân cho sự phát ngôn. Nhiệm vụ nó là bày tỏ nguyện vọng.
16. Không giới: Có đặc tính là định giới hạn cho sắc. Nhiệm vụ nó là bày ra những ranh giới của sắc.
17. Khinh khoái: Có đặc tính là không chậm chạp. Nhiệm vụ nó là xua tan tính nặng nề của sắc.
18. Nhu nhuyến: Có đặc tính là không cứng đờ. Nhiệm vụ nó là xua tan tính cứng đờ của sắc.
19. Kham nhậm: Có đặc tính là dễ sử dụng thuận tiện cho hành vi của thân. Nhiệm vụ nó là xua tan tính khó sử dụng.
20. Sanh: Có đặc tính là dựng nên. Nhiệm vụ nó là làm cho các sắc pháp nổi lên đầu tiên.
21. Trụ: Nó được biểu hiện bằng sự không gián đoạn. Nhiệm vụ nó là giữ lại.
22. Già: Có đặc tính là làm chín muồi sắc pháp. Nhiệm vụ nó là tiếp tục dẫn đến sự chấm dứt.
23. Vô thường: Có đặc tính là tan rã hoàn toàn. Nhiệm vụ nó là làm cho sắc pháp chìm xuống.
24. Ðoàn thực: Có đặc tính là làm dưỡng chất. Nhiệm vụ nó là nuôi dưỡng các loại sắc.
Như vậy, Ðại chủng sắc gồm 4 thứ, Sở tạo sắc gồm 24 thứ, tất cả có 28 thứ thuộc về sắc pháp. Tính chất của chúng là vô nhân, tách rời nhân, hữu duyên, hữu lậu, thuộc thế gian v.v… Nó thường có 2 phương diện: nội sắc và ngoại sắc; thô và tế; xa và gần; sở tạo và phi sở tạo; tịnh sắc và phi tịnh sắc; căn sắc và phi căn sắc; hữu chấp thủ và vô chấp thủ v.v…
Năm thứ: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, gọi là nội sắc; vì chúng sinh ra như một phần của toàn thể con người. Những gì còn lại là ngoại sắc; vì chúng ở ngoài con người. Năm thứ trên cọng thêm sắc, thanh, hương, vị, và địa, hỏa, phong thành 12 thứ được xem là thô sắc; vì chúng có sự tiếp xúc. Còn lại là tế sắc, vì chúng ngược lại. Cái gì tế gọi là viễn sắc (sắc xa); vì chúng khó vào sâu. Cái gì thô gọi là cận sắc (sắc gần); vì chúng dễ vào. Bốn đại chủng, đoàn thực và 13 thứ khởi từ mắt, thành 18 thứ, gọi là tịnh sắc; vì chúng là điều kiện để nhận biết các sắc pháp v.v… Còn lại là phi tịnh sắc; vì ngược với tịnh sắc. Tịnh sắc, nam căn, nữ căn và mạng căn, gọi là căn sắc; vì tính nổi bật của chúng. Còn lại là phi căn sắc; vì ngược lại với căn sắc. Những thứ đề cập sau đây, kể như nghiệp sinh, gọi là hữu chấp thủ; còn lại là vô chấp thủ.
Về loại thô sắc, thì một vật có thể thấy được gọi là sắc hữu kiến, hữu đối; còn lại là vô kiến, hữu đối. Tất cả tế sắc là vô kiến, vô đối.
Lại nữa, sắc thuộc 4 loại là: Kiến, văn, giác, tri. Sắc xứ được thấy, vì là đối tượng của sự thấy, nên thuộc về kiến. Thanh xứ được nghe, vì là đối tượng của sự nghe, nên thuộc về văn. Hương, vị, xúc xứ được biết, vì là đối tượng của cảm giác, nên thuộc về giác. Các sắc còn lại đều là đối tượng nhận thức của tâm, nên thuộc về tri.
Nói chung, Sắc uẩn hay Sắc pháp ở đây được chia thành 2 loại, Ðại chủng sắc và Sở tạo sắc, gồm có 28 thứ. Thế nhưng, các luận điển của Ðại Thừa (Duy thức) chia Sắc pháp thành 2 loại là căn và trần gồm 11 thứ như sau: Nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, và thân căn (5 căn). Sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần và pháp trần (6 trần).
- Tâm uẩn (Thức uẩn)
Trong 5 uẩn, một uẩn đầu thuộc về sắc, đã được đề cập ở trên, 4 uẩn còn lại thuộc về tâm, giờ đây sẽ bàn đến. Cái gì có đặc tính cảm thọ, thuộc về thọ uẩn. Cái gì có đặc tính tri giác, tưởng tượng, thuộc về tưởng uẩn. Cái gì có đặc tính tạo tác, thuộc về hành uẩn. Cái gì có đặc tính phân biệt, thuộc về thức uẩn. Trong các uẩn trên, thức uẩn là trọng tâm của tất cả. Ở đây, Thức có nghĩa như là tâm hay ý.
Theo bản luận, tâm thức được phân tích thành 3 phương diện là thiện, bất thiện và bất định, gồm có tất cả 89 thứ.
Thiện tâm: được chia theo 4 cõi là Dục giới; Sắc giới; Vô sắc giới và Siêu thế.
Thiện tâm ở Dục giới với hỉ, xả, trí và nhắc bảo, gồm có 8 thứ sau đây:
1/ Câu hữu với hỉ, tương ưng với trí, cần nhắc bảo.
2/ Câu hữu với hỉ, tương ưng với trí, không cần nhắc bảo.
3/ Câu hữu với hỉ, không tương ưng với trí, cần nhắc bảo.
4/ Câu hữu với hỉ, không tương ưng với trí, không cần nhắc bảo.
5/ Câu hữu với xả, tương ưng với trí, cần nhắc bảo.
6/ Câu hữu với xả, tương ưng với trí, không cần nhắc bảo.
7/ Câu hữu với xả, không tương ưng với trí, cần nhắc bảo.
8/ Câu hữu với xả, không tương ưng với trí, không cần nhắc bảo.
Giải thích:
- Khi một người sung sướng nghĩ rằng: “Bố thí có công đức lớn”, và bố thí không do dự; đó là tâm câu hữu với hỉ, tương ưng với trí,không cần nhắc bảo.
- Khi một người sung sướng hài lòng như trên, nhưng hành động do dự, cần được người khác nhắc bảo; đó là tâmcần nhắc bảo.
- Khi một em bé muốn làm việc thiện, nhưng phải được người lớn cổ vũ; đó là tâmcần nhắc bảo.
- Khi một em bé bắt chước người lớn, làm việc thiện một cách tự nhiên; đó là tâmkhông cần nhắc bảo.
5 – 8. Tương tự 4 trường hợp trên, nhưng không có hỉ; đó là tâm câu hữu với xả.
Ðó là 8 thiện tâm thuộc Dục giới. Giờ đây đề cập đến 5 thiện tâm thuộc sắc giới, như sau:
9/. Tương ưng với cả 5 thiền chi (tâm Sơ thiền).
10/. Tương ưng với tứ, hỉ, lạc, nhất tâm (tâm Nhị thiền).
11/. Tương ưng với hỉ, lạc, nhất tâm (tâm Tam thiền).
12/. Tương ưng với lạc, nhứt tâm (tâm Tứ thiền).
13/. Tương ưng với xả và nhất tâm (tâm Ngũ thiền).
Ðó là 5 thiện tâm thuộc Sắc giới, theo hệ thống Ngũ thiền. Bây giờ đề cập đến 4 thiện tâm Vô sắc giới:
14/. Tương ưng với Không vô biên xứ.
15/ – 17/. Tương ưng với Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ và Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Và đây là 4 thiện tâm thuộc Siêu thế:
18/ – 21/. Tương ưng với 4 đạo lộ thuộc 4 thánh quả.
Như vậy, Thiện tâm gồm có tất cả 21 thứ.
Bất thiện tâm: tâm nầy chỉ thuộc Dục giới, liên hệ đến 3 yếu tố, là tham, sân và si, gồm có 12 thứ.
Trước hết là tâm bất thiện liên quan đến tham gồm 8 thứ:
22/. Câu hữu với hỉ, tương ưng với tà kiến, không cần nhắc bảo.
23/. Câu hữu với hỉ, tương ưng với tà kiến, cần nhắc bảo.
24/. Câu hữu với hỉ, không tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo.
25/. Câu hữu với hỉ, không tương ưng tà kiến, cần nhắc bảo.
26/. Câu hữu với xả, tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo.
27/. Câu hữu với xả, tương ưng với tà kiền, cần nhắc bảo.
28/. Câu hữu với xả, không tương ưng tà kiến, không cần nhắc bảo.
29/. Câu hữu với xả, không tương ưng tà kiến, cần nhắc bảo.
Tiếp theo đây là Tâm bất thiện liên quan đến sân, gồm 2 thứ:
30/. Câu hữu với ưu, tương ưng với hận, cần nhắc bảo.
31/. Câu hữu với ưu, tương ưng với hận, không cần nhắc bảo.
Bây giờ đến tâm bất thiện liên quan đến si, gồm 2 thứ:
32/. Câu hữu với xả, tương ưng với nghi.
33/. Câu hữu với xả, tương ưng với trạo cử.
Ðó là 12 thứ bất thiện tâm thuộc Dục giới.
Tâm bất định: Loại này chia theo 2 phương diện là tâm dị thục và tâm duy tác. Tâm dị thục lại xếp theo 4 cõi là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới và Siêu thế. Tâm thuộc Dục giới có 2 loại là Thiện dị thục và Bất thiện dị thục. Thiện dị thục lại chia thành 2 loại là hữu nhân và vô nhân.
Thiện dị thục vô nhân: là tâm không có tham v.v… làm nhân cho quả dị thục, gồm có 8 thứ:
34/ – 38/. Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, và thân thức.
39/. Ý giới, có nhiệm vụ tiếp thọ.
40/. – 41/. Hai ý thức giới với nhiệm vụ suy đạt v.v…
Nhãn thức (34) có đặc tính được hỗ trợ bởi con mắt, và nhận biết sắc pháp.
Ý giới (39) có đặc tính là nhận biết sắc, kế tiếp nhãn thức.
Ý thức giới (40-41) có đặc tính là nhận biết 6 loại đối tượng; nhiệm vụ của nó là suy đạt.
Tâm dị thục vô nhân (40) tương ưng với hỉ, có 2 vị trí trong lộ trình tâm là: khởi lên ở 5 căn môn (Ngũ môn hướng tâm) gọi là tâm suy đạt; khởi lên ở cuối tốc hành tâm, gọi là tâm đồng sở duyên.
Tâm (41) tương ưng với xả, có 5 vị trí là: ở tâm suy đạt; đồng sở duyên; kiết sinh; hữu phần; tử tâm.
Thiện dị thục hữu nhân là những tâm tương ưng với vô tham, vô sân, vô si, làm nhân cho quả dị thục, từ tâm (42) – (49). Nó có 8 loại, liên quan đến hỉ, xả, trí và nhắc bảo, y như thiện tâm thuộc Dục giới từ (1) – (8).
Bất thiện dị thục: Loại này chỉ có vô nhân, gồm 7 thứ:
50/. -54/. Nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức.
55/. Ý giới nhiệm vụ tiếp thọ.
56/. Ý thức giới với nhiệm vụ suy đạt, có 5 vị trí, về đặc tính v.v.. tương tự như thiện dị thục vô nhân (34-41).
Chỗ khác nhau giữa Thiện dị thục và Bất thiện dị thục là Thiện dị thục thì chỉ có những đối tượng khả ý hoặc khả ý trung tính, còn Bất thiện dị thục thì chỉ có những đối tượng bất khả ý, hoặc bất khả ý trung tính. Như vậy, tâm dị thục Dục giới có tất cả 23 thứ.
Tâm dị thục Sắc giới gồm có 5 thứ:
57/. – 61/. Giống như tâm thiền (9-13) . Nhưng, chỗ khác nhau là tâm nầy khởi lên như một kiết sinh, hữu phần và tử tâm.
Tâm dị thục Vô sắc giới gồm có 4 thứ:
62/. -65/. Các tâm nầy thuộc Không vô biên xứ v.v.. Như (14-17). Sự sinh khởi của nó cũng được xếp loại như đã nói về tâm sắc giới.
Tâm dị thục Siêu thế gồm có 4 thứ:
66/. – 69/. Ðây là quả của những tâm tương ưng với 4 đạo lộ, như các tâm (18-21), sẽ đề cập ở chương XXII.
Như vậy, tâm dị thục trong cả 4 cõi gồm có 36 thứ.
Tâm duy tác được chia theo 3 cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới. Dục giới gồm 2 loại, vô nhân và hữu nhân.
Duy tác vô nhân là tâm không có tham v.v.. làm nhân cho quả dị thục, gồm 2 loại:
70/. Ý giới có đặc tính làm tiền đạo cho nhãn thức.
71/. – 72/. Ý thức giới nầy gồm có 2 là chung và không chung. Chung (71) là câu hữu với xả. Không chung (72) là câu hữu với hỉ.
Như vậy tâm duy tác vô nhân thuộc Dục giới gồm có 3 thứ.
Duy tác hữu nhân ? Dục giới, gồm 8 thứ:
73/. -80/ . Giống như thiện tâm ở Dục giới (1-8). Nhưng, chỗ khác nhau là thiện tâm chỉ khởi lên ở bậc phàm phu hữu học, còn duy tác tâm hữu nhân thì khởi nơi vị A la hán.
Như vậy, tâm duy tác ở Dục giới gồm có 11 thứ.
Tâm Duy tác ở Sắc giới có 5 thứ: 81/. – 85/.
Tâm Duy tác ở Vô sắc giới có 4 thứ: 86/. – 89/.
Cả hai loại nầy đều giống thiền tâm Sắc giới và Vô sắc giới. Nhưng tâm duy tác thì chỉ khởi lên nơi A la hán.
Như vậy, tâm Duy tác ở cả 3 cõi gồm có 20 thứ.
Tóm lại, Thiện tâm gồm có 21; Bất thiện tâm gồm có 12; Bất định dị thục có 36; Bất định duy tác có 20; tổng cộng thành 89 tâm. Xem đồ biểu dưới đây:
BẢNG LIỆT KÊ TÓM TẮT 89 LOẠI TÂM
- THIỆN
DỤC
GIỚI CÓ 8 |
1. | Câu hữu hỉ | tương ưng trí | không cần nhắc |
2. | -nt- | -nt- | cần nhắc | |
3. | -nt- | không tương ưng trí | không cần nhắc | |
4. | -nt- | -nt- | cần nhắc | |
5. | Câu hữu xả | tương ưng trí | không cần nhắc | |
6. | -nt- | -nt- | cần nhắc | |
7. | -nt- | không tương ưng trí | không cần nhắc | |
8. | -nt- | -nt- | cần nhắc |
SẮC GIỚI CÓ 5 |
9. | Sơ thiền |
10. | Nhị thiền | |
11. | Tam thiền | |
12. | Tứ thiền | |
13. | Ngũ thiền (tốc hành tâm chứng thiền) | |
VÔ SẮC GIỚI CÓ 4 |
14. | Không vô biên |
15. | Thức vô biên | |
16. | Vô sở hữu xứ | |
17. | Phi tưởng phi phi tưởng xứ (chứng định) | |
SIÊU THẾ CÓ 4 |
18. | Dự lưu đạo |
19. | Nhất lai đạo | |
20. | Bất hoàn đạo | |
21. | A la hán đạo (sát na chứng đạo) |
Tổng kết thiện tâm cả 4 cõi có 21
- BẤT THIỆN (CHỈ CÓ Ở DỤC GIỚI)
Gốc ở THAM: 8 |
22. | Câu hữu hỉ | tương ưng tà kiến | không cần nhắc |
23. | -nt- | -nt- | cần nhắc | |
24. | -nt- | không tương ưng tà kiến | không cần nhắc | |
25. | -nt- | -nt- | cần nhắc | |
26. | Câu hữu xả | tương ưng tà kiến | không cần nhắc | |
27. | -nt- | -nt- | cần nhắc | |
28. | -nt- | không tương ưng tà kiến | không cần nhắc | |
29. | -nt- | -nt- | cần nhắc | |
Gốc ở SÂN: 2 |
30. | Câu hữu ưu | tương ưng hận | không cần nhắc |
31. | -nt- | -nt- | cần nhắc | |
Gốc ở SI: 2 |
32. | Câu hữu xả | tương ưng nghi | |
33. | Câu hữu xả | tương ưng trạo cử |
Tổng cộng bất thiện tâm có 12
III. BẤT ÐỊNH
- DỤC GIỚI
- THIỆN DỊ THỤC
34-38 | nhãn… thân thức, lạc | vô nhân |
39 | (tiếp thọ) ý giới | vô nhân |
40 | (suy đạt) ý thức giới câu hữu hỉ | vô nhân |
41 | (suy đạt, sở duyên, câu hữu hỉ kiết sanh, Hữu phần, tử) ý thức giới câu hữu xả |
vô nhân |
42-49 | thiện dục giới (giống tâm 1-8), ở Ðồng sở Duyên, Kiết sanh |
hữu nhân |
THIỆN DUY TÁC
70 | Ý giới có đặc tính làm tiền đạo cho nhãn thức. | vô nhân |
71-72 | 71. Ý thức giới, câu hữu với xả (5 môn hướng, xác định tâm, ý môn hướng)
72. Ý thức giới (tốc hành tâm) |
vô nhân |
73-80 | Giống như thiện tâm ở Dục giới (1-8 tốc hành tâm). Nhưng khởi nơi vị A la hán. | hữu nhân |
- BẤT THIỆN DỊ THỤC (CHỈ CÓ VÔ NHÂN)
50-54 | nhãn nhĩ tỉ thiệt thân thức, khổ |
55 | ý giới (tiếp thọ) |
56 | ý thức giới (suy đạt, Ðồng sở Duyên, Kiết sanh, Hữu phần, tử) |
- SẮC GIỚI
57-61 | năm thiền tâm như Tâm 9-13, ở kiết sanh, hữu phần, tử tâm tốc hành, dị thục. |
81-85 | như Tâm 9-13, duy tác, khởi nơi vị A la hán. |
- VÔ SẮC GIỚI
62-65 | bốn Ðịnh vô sắc, như Tâm14-17, ở Kiết Sanh, Hữu phần, tử, tốc hành tâm, dị thục |
86-89 | như Tâm 14-17, duy tác, khởi nơi vị A la hán. |
- SIÊU THẾ
66 | Dự lưu quả (sát na chứng quả) |
67 | Nhất lai quả (nt) |
68 | Bất hoàn quả (nt) |
69 | A la hán quả (nt) |
Tổng kết Dị thục tâm có 36 thuộc cả 4 cõi. Duy tác có 20. Từ Tâm 72 đến 89 chỉ có ở bậc A la hán.
Luận Duy Thức, đại diện cho các luận điển của Ðại thừa, chia vạn pháp trong vũ trụ thành 100 thứ là: 11 Sắc pháp, 83 Tâm pháp (8 Tâm vương, 51 Tâm sở, 24 Tâm bất tương ưng) và 6 Vô vi pháp. Về Sắc pháp, như đã so sánh ở phần Sắc uẩn kể trên. Về Tâm pháp gồm 83 thứ, nếu cộng với 6 vô vi pháp sẽ thành 89 thứ như số lượng của Thanh Tịnh Ðạo luận đã đề cập.
- Thọ uẩn.
Thế nào là Thọ uẩn? Bất cứ cái gì có đặc tính được cảm nhận, gọi là Thọ uẩn. Thông thường Thọ gồm có 3 loại là: lạc thọ, khổ thọ và xả thọ (bất khổ bất lạc thọ); hoặc nó được xếp theo 3 loại là: thiện, bất thiện và bất định; hoặc được chia thành 5 loại là: thân lạc, thân khổ, tâm hỉ, tâm ưu và xả.
Lạc: có đặc tính là cảm nhận một vật xúc chạm đáng ưa thích. Nó được biểu hiện bằng sự vui sướng của thân. Khổ có đặc tính là cảm thọ một vật được xúc chạm không đáng ưa. Nó có biểu hiện là sự đau đớn của thân. Hỉ có đặc tính là cảm thọ một đối tượng đáng ưa thích. Nó được biểu hiện bằng sự vui mừng trong tâm. Ưu có đặc tính là cảm thọ một đối tượng không đáng ưa. Xả có đặc tính là cảm thọ một đối tượng không vui không khổ. Nó được biểu hiện bằng sự an tĩnh. Ðó là những giải thích về Thọ uẩn.
- Tưởng uẩn
Thế nào là Tưởng uẩn? Bất cứ cái gì có đặc tính tri giác, tưởng tượng, đều thuộc về Tưởng uẩn. Ở đây, tưởng cũng được xếp thành 3 loại là: thiện, bất thiện, và bất định. Cái gì tương ưng với thiện tâm, gọi là thiện, tương ưng với bất thiện tâm, gọi là bất thiện. Tưởng không thể tách rời với tâm, nên nó có cùng một cách phân loại như tâm, nghĩa là gồm 89 loại.
Về đặc tính, tưởng chỉ có một là nhận biết. Nhiệm vụ nó là ghi nhận một dấu hiệu để làm điều kiện cho lần sau có thể nhận diện được, như “đây là một thứ như trước “. Ðó là những giải thích về Tưởng uẩn.
- Hành uẩn
Thế nào là Hành uẩn? Bất cứ cái gì có đặc tính tạo tác, gọi là Hành uẩn. Theo đặc tính thì Hành chỉ có một, nhưng theo loại thì có 3 là: thiện, bất thiện và bất định.
Hành tương ưng với 89 loại tâm:
Trước hết, tương ưng với thiện tâm thuộc Dục giới có 27 tâm sở biến hành, 4 tâm sở bất định và 5 tâm sở không thường, tổng cọng là 36 tâm sở hành.
27 tâm sở biến hành:
(1) Xúc (Phasso)
(2) Tư (Cetanà)
(3) Tầm (Vitakko)
(4) Tứ (Vicàra)
(5) Hỉ (Pìti)
(6) Tinh tấn (Viriyam)
(7) Mạng căn (Jìvitindriyam)
(8) Ðịnh (Samàdhi)
(9) Tín (Saddhà)
(10) Niệm (Sati)
(11) Tàm (Hiri)
(12) Quí (Ottapam)
(13) Vô tham (Alabho)
(14) Vô sân (Adoso)
(15) Vô si (Amoha)
(16) Tâm sở thư thái (Kàyapassaddhi)
(17) Tâm thư thái (Cittapassaddhi)
(18) Tâm sở khinh an (Kàyalahutà)
(19) Tâm khinh an (Cittalahutà)
(20) Tâm sở nhu nhuyến (Kàyamudutà)
(21) Tâm nhu nhuyến (Cittamudutà)
(22) Tâm sở kham nhậm (Kàyakammannatà)
(23) Tâm kham nhậm (Cittakammannatà)
(24) Tâm sở tinh luyện (Kàyapàgunnatà)
(25) Tâm tinh luyện (Cittapàgunnatà)
(26) Tâm sở chánh trực (Kàyujjukatà)
(27) Tâm chánh trực (Cittujjukatà)
4 Tâm sở bất định:
(28) Dục (Chanda)
(29) Thắng giải (Adhimokkha)
(30) Tác ý (Manikàra)
(31) Trung tánh (Tatramajjattatà)
5 Tâm sở không thường:
(32) Bi (Karunà)
(33) Hỉ (Mudità)
(34) Vô thân ác hạnh
(35) Vô ngữ ác hạnh
(36) Tâm tà mạng.
Trên đây khi nói tâm thư thái, khinh an v.v… thì chỉ có tâm được như vậy, còn khi nói tâm sở thư thái, khinh an v.v… thì cả cơ thể vật lý cũng được như vậy. Ðó là chỗ khác nhau giữa tâm thư thái… và tâm sở thư thái.
Bây giờ đề cập đến các tâm sở tương ưng với tâm bất thiện có nguồn gốc từ tham. Loại này gồm có 13 tâm sở biến hành và 4 tâm sở bất định, thành ra 17 thứ.
13 Tâm sở biến hành là: Xúc, tư, tầm, tứ, hỉ, tinh tấn, mạng căn, định, vô tàm, vô quí, tham, si, tà kiến. 4 bất định là: Dục, thắng giải, trạo cử và tác ý. Ðó là những tâm sở tương ưng với tâm bất thiện.
Tiếp theo đây là những tâm sở tương ưng với tâm bất thiện có nguồn gốc từ sân. Loại nầy có tất cả 18 thứ: 11 tâm sở biến hành, 4 tâm sở bất định và 3 tâm sở không thường.
11 Tâm sở biến hành là: Xúc, tư, tầm, tứ, tinh tấn, mạng căn, định, vô tàm, vô quí, sân, si. 4 Tâm sở bất định (xem trên), và 3 tâm sở không thường là: Tật đố, xan lẫn và trạo hối.
Lại có 13 tâm sở tương ưng với tâm bất thiện có gốc từ si, sau đây: 11 tâm sở biến hành (xem ở trên); 2 tâm sở bất định: Trạo cử, tác ý.
Về các tâm sở tương ưng với tâm bất định dị thục gồm có 2 loại là hữu nhân và vô nhân. Những tâm sở nào tương ưng với tâm dị thục vô nhân, gọi là các hành vô nhân. Những tâm sở nào tương ưng với tâm dị thục hữu nhân, gọi là các hành hữu nhân.
Các tâm sở tương ưng với tâm dị thục Sắc giới (57-61), với tâm dị thục Vô sắc giới (62-65) và tâm dị thục Siêu thế (66-69) là tương tự các tâm sở tương ưng với thiện tâm cùng loại (9-21).
Các tâm sở tương ưng với tâm bất định duy tác cũng được chia thành 2 loại là vô nhân và hữu nhân. Những tâm sở nào tương ưng với các tâm duy tác vô nhân (70-72), gọi là các hành vô nhân. Những tâm sở nào tương ưng với các tâm duy tác hữu nhân (73-80), gọi là các hành hữu nhân.
Các tâm sở tương ưng với tâm duy tác Sắc giới (81-85) và tâm duy tác Vô sắc giới (86-89) cũng tương tự như các tâm sở tương ưng với thiện tâm (9-17).
Trên đây là phần trình bày về các tâm sở thuộc về hành.
Sau đây là vài giải thích thêm để làm sáng tỏ 5 thủ uẩn. Giữa uẩn và thủ uẩn khác nhau thế nào? Uẩn là được nói lên mà không phân biệt. Thủ uẩn là nói để phân biệt những uẩn bị chấp thủ và còn lậu hoặc. Chẳng hạn, khi nói sắc thì đó chỉ là một pháp đơn thuần. Nhưng khi sắc đó làm đối tượng cho sự chấp thủ, thì nó được gọi là thủ uẩn. Thọ, tưởng, hành và thức cũng thế, khi chúng không còn lậu hoặc chi phối, thì chúng chỉ là những pháp đơn thuần. Nhưng khi chúng còn lậu hoặc và là cơ sở cho sự chấp thủ, thì chúng được gọi là Thủ uẩn.
Ở đây, ta có thể ví dụ Sắc thủ uẩn như cái phòng bệnh, vì nó là chỗ cư trú; Thọ thủ uẩn, ví như cơn bệnh, vì nó đem lại đau khổ; Tưởng thủ uẩn ví như sự kích thích của cơn bệnh, vì nó làm sinh khởi cảm thọ tương ưng với tham; Hành thủ uẩn ví như dùng thứ thuốc không thích hợp, vì nó là nguồn gốc phát sinh ra bệnh; Thức thủ uẩn ví như người bệnh, vì nó không bao giờ thoát khỏi thọ và cơn bệnh.
Lại nữa, 5 uẩn lần lượt được ví như lao ngục, hình phạt, tội lỗi, người trừng phạt và người gây tội.
Lại thêm một ví dụ khác: Sắc ví như đống bọt; Thọ ví như bong bóng nổi trên mặt nước; Tưởng ví như ảo ảnh; Hành ví như thân cây chuối; Thức ví như trò ảo thuật.
Nếu một người thấy Nội sắc là bất tịnh, thì hiểu rõ về thức ăn đoàn thực. Một người thấy Thọ là khổ, thì hiểu rõ xúc thực. Một người thấy Tưởng, Hành là vô ngã, thì hiểu rõ tư niệm thực. Một người thấy Thức là vô thường, thì hiểu rõ thức thực. Người ấy từ bỏ tà kiến thấy thường trong vô thường, vượt bộc lưu vô minh, thoát kiết sử vô minh, giải thoát vô minh lậu, bẻ gãy hệ phược của sự bám vào lễ nghi tế tự. Người ấy sẽ không chấp thủ tà kiến, thoát khỏi kiến thủ.
Ðến đây, kết thúc chương XIV “mô tả các uẩn”, trong sự tu tập về Tuệ.