Lược giải Kinh Pháp Hoa

Lược giải Kinh Pháp Hoa

Hải 11

Phân tích Phẩm Phương tiện: Giải Thích

II GIẢI THÍCH 

Chữ phương tiện có hai nghĩa: Nghĩa hẹp và nghĩa rộng.

a) Về nghĩa hẹp: Phương là phương pháp; tiện là thuận tiện, thích đáng. Phương pháp thuận tiện thích đáng để dẫn đến một mục đích, một ý muốn gọi đó là phương tiện.

b) Về nghĩa rộng: Trong kinh điển tả về cảnh giới giác ngộ của đức Phật thậm thâm vi diệu, duy chứng tự tri- chỉ có chứng mới biết được – Ngoài ra tất cả những cách thức trình bày thuyết giảng, dùng đến ngôn ngữ, sắc tướng… thậm chí cả đến sự ra đời của Phật cũng đều là phương tiện. Hay nói rộng hơn tất cả việc làm của Phật từ khi giáng sanh tại vườn Lâm-tỳ-ni… cũng là phương tiện. Đức Phật ra đời, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất và nói: “Thiên thượng thiên hạ duy Ngã độc tôn” hình tướng đó, lời dạy đó cũng là phương tiện. Nếu ngay lời nói đó chúng sanh ngộ được thâm ý Phật muốn nói, tức nhiên có thể ngay đó là một bài pháp mà Phật đã dạy quá đầy đủ. Nhưng, căn cơ chúng sanh không phải chỉ dùng chừng ấy đã ngộ được mà cần phải dẫn dụ thêm. Cho nên đức Phật mới trải qua những giai đoạn tu hành, thành đạo, thuyết pháp… và tùy căn cơ chúng sanh mà Phật thuyết có ba thừa… Tất cả những thứ đó đều là phương tiện. Và nếu khi nào chúng sanh chưa hiểu hết mục đích của Phật, cảnh giới giác ngộ mà đức Phật muốn trao cho, chỉ dạy cho, thì tất cả những pháp môn mà Phật chỉ dạy đó đều là những pháp môn phương tiện. Trong kinh có hai câu để chứng minh lời dạy của Phật là phương tiện:

1. “Nhất thiết Tu-đa-la như tiêu nguyệt chỉ”: Tất cả kinh giáo Ta dạy như ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay là phương tiện, mặt trăng là chân lý, là thật tướng mà Phật đã chứng ngộ (kinh Viên Giác, Lăng Nghiêm).

2. “Ngã sở thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp”: Pháp Ta nói như chiếc bè qua sông, Pháp còn phải bỏ huống chi là phi pháp (kinh Kim Cang).

Đó cũng để nói lên rằng giáo pháp Phật cũng chỉ là phương tiện. Ví dụ này trong Nikàya có ý rằng đức Phật dạy giáo pháp cốt để tu hành, đạt đến chỗ giải thoát giác ngộ giống như chiếc bè đưa qua sông, người có chiếc bè mà đem cất đi không dùng để qua sông, như vậy người đó là người ngu si không biết cách dùng bè. Thứ đến, khi qua sông rồi nghĩ rằng chiếc bè này, giúp ta qua sông vậy ta hãy mang nó theo, người ấy cũng là người ngu si không biết dùng bè. Kinh Kim Cang nói nghĩa sau vì kinh Kim Cang cốt phá tướng. Nikàya nhấn mạnh nghĩa trước vì nhằm vào sự thực hành. Với hai ví dụ đó nên chúng ta biết rằng tất cả lời Phật dạy và việc làm của Phật trong khoảng trời gian trước Pháp Hoa đều là phương tiện để đưa chúng sanh đạt tới cảnh giới giác ngộ mà Phật đã thành tựu.

Nhưng đức Phật đã khéo dùng phương tiện như vậy mà có chúng sanh thành tựu được, có chúng sanh không thành tựu được, phải chờ đến hội Pháp Hoa, một lần cuối cùng Phật khai thị mới giác ngộ. Cho nên trong hội Pháp Hoa, trước khi chúng sanh được chánh thức giác ngộ, được thọ ký, thì Phật đã thuyết pháp, phóng hào quang, hiện các thụy tướng…, tất cả các việc mà trong phẩm Tựa đã trình bày cũng là phương tiện. Nếu trong việc phóng hào quang của Phật, mà chúng sanh ngộ được, chắc Phật khỏi phải nói thêm phẩm Phương Tiện. Nhưng không ngộ được, Phật phải phương tiện dùng ngôn thuyết để giảng nói đạo lý, cảnh giới mà chúng sanh cần chứng ngộ. Trong đạo đức kinh có nói: “Đạo khả đạo phi thường đạo”. Đạo mà nói ra được, đạo đó không phải là đạo đích thực nữa. Đây nghĩa cũng vậy. Cho nên tất cả ngôn thuyết của Phật đều là phương tiện, gọi là đạo nhưng là đạo phương tiện chứ không phải là đạo đích thực. Phương tiện là vậy, mà chánh trong phẩm Phương Tiện này là phẩm đức Phật dùng ngôn ngữ để nói thẳng điều Ngài muốn nói, nhưng trước kia chưa nói. Nên phẩm này gọi là phẩm Phương Tiện. Trong đó Phật nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu: “Ta dùng vô số Phương tiện, chư Phật 10 phương dùng vô số phương tiện để khai đạo chúng sanh.”

Phẩm này rất dài , hơn cả 28 phẩm trong kinh Pháp Hoa, lý nghĩa trùng điệp, thâm sâu, nên phân khoa đại cương như phẩm Phương Tiện để cho dễ hiểu.