QUYỂN THỨ NHẤT
PHẨM PHỤNG BÁT
THỨ HAI
Đức Phật bảo Ngài Xá Lợi Phất: “Nếu đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật có thể làm những công đức ấy thời bốn vị Thiên Vương đều rất vui mừng mà nghĩ rằng chúng ta phải đem bốn cái bát dâng lên Bồ Tát như những bát mà chư Thiên Vương thuở trước đã dâng cho Phật thuở trước.
Lúc đó trời Đao Lợi nhẫn đến trời Tha Hóa Tự Tại cũng rất hoan hỷ mà nghĩ rằng chúng ta phải hầu hạ cúng dường Bồ Tát để hàng Thiên chúng được thêm đông và giảm bớt hàng A tu la.
Chư Thiên trong cõi Đại Thiên, từ cõi Tứ Vương đến cõi Sắc Cứu Cánh đều rất vui mừng mà nghĩ rằng chúng ta phải cẩn thỉnh Bồ Tát chuyển pháp luân.
Nầy Xá Lợi Phất! Lúc vị đại Bồ Tát nầy thật hành Bát nhã ba la mật Tăng ích sáu ba la mật, các thiện nam tử và thiện nữ nhơn đều tự vui mừng mà nghĩ rằng chúng ta phải làm cha mẹ, vợ con, thân tộc, họ hàng cho người nầy.
Lúc đó trời Tứ Vương nhẫn đến trời Sắc Cứu Cánh đều rất vui mừng mà tự nghĩ rằng chúng ta phải tìm cách làm cho Bồ Tát nầy xa lìa dâm dục, từ sơ phát tâm luôn là đồng nhơn, chớ để vị nầy hội hiệp với sắc dục, nếu hưởng thọ ngũ dục thời sẽ chướng ngại sanh về Phạm Thiên huống là quả Vô thượng Bồ đề.
Nầy Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát cần phải là người đoạn dục xuất gia mới đáng được Vô thượng Bồ đề, chẳng phải là người không đoạn dục mà được”.
Ngài Xá Lợi Phất thưa: “Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát cần phải có cha mẹ, vợ con, thân tộc, họ hàng chăng?”
Đức Phật nói: “Nầy Xá Lợi Phất! hoặc có Bồ Tát có cha mẹ, vợ con, thân tộc. Hoặc có Bồ Tát từ khi sơ phát tâm đoạn dục tu hạnh đồng nhơn mãi đến thành Vô thượng Bồ đề chẳng phạm sắc dục. Hoặc có Bồ Tát dùng phương tiện lực hưởng thọ ngũ dục xong mới xuất gia thành Vô thượng Bồ đề.
Ví như nhà ảo thuật giỏi khéo dùng phương ảo thuật hóa ra cảnh ngũ dục rồi vui đùa trong đó. Ý ông nghĩ thế nào, nhà ảo thuật có thiệt hưởng thọ cảnh ngũ dục ấy chăng?”
– Bạch đức Thế Tôn! Không ạ.
– Nầy Xá Lợi Phất! cũng vậy đại Bồ Tát dùng phương tiện lực hóa ra cảnh ngũ dục rồi ở trong đó hưởng thọ để độ chúng sanh.
Đại Bồ Tát nầy chẳng nhiễm ngũ dục, lại dùng nhiều cách quở trách ngũ dục: Ngũ dục là lửa cháy, ngũ dục là nhơ nhớp xấu xa, ngũ dục là thứ phá hoại, ngũ dục như oán thù.
Do đây nên biết rằng vì độ chúng sanh mà Bồ Tát hưởng thọ ngũ dục.
– Bạch đức Thế Tôn! Đại Bồ Tát phải thực hành Bát nhã ba la mật thế nào?
– Nầy Xá Lợi Phất! Lúc thật hành Bát nhã ba la mật, đại Bồ Tát chẳng thấy danh tự Bồ Tát, chẳng thấy Bát nhã ba la mật, cũng chẳng thấy là mình có thật hành Bát nhã ba la mật cùng không thật hành Bát nhã ba la mật.
Tại sao vậy? Vì Bồ Tát là danh tự Bồ Tát, tánh vốn rỗng không. Trong tánh không chẳng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức, rời lìa sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng chẳng có tánh không, tánh không tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Tại sao vậy? Vì chỉ có danh tự gọi là bồ đề, chí có danh tự gọi là Bồ Tát, chỉ có danh tự gọi là tánh không.
Tại sao vậy? Vì thật tánh của các pháp vốn là không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh.
Đại Bồ Tát thật hành Bát nhã ba la mật như vậy cũng chẳng thấy sanh, chẳng thấy diệt, cũng chẳng thấy cấu, chẳng thấy tịnh.
Tại sao vậy? Vì danh tự là những pháp do nhơn duyên hòa hiệp làm thành, chỉ do nhớ tưởng phân biệt giả danh mà nói thôi.
Vì thế nên đại Bồ Tát lúc thật hành Bát nhã ba la mật chẳng thấy tất cả danh tự. Vì chẳng thấy nên chẳng chấp trước.