Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương

Kinh Thủ Lăng Nghiêm Trực Chỉ Đề Cương

Trương Văn Chiến 17

THAY LỜI TỰA

Vấn đề SẮC KHÔNG, KHÔNG SẮC trong nền giáo lý của đạo Phật là một hệ tư tưởng siêu tuyệt, thăm thẳm chiều sâu và chất ngất chiều cao. Lý giải vấn đề được sáng tỏ, thể nhập vấn đề một cách chính xác và đích thực bằng tư duy, bằng trí tuệ của mình, người đệ tử Phật, bấy giờ mới hạ thủ công phu, mới có thể khởi hành chuyến đi, trên con đường Bồ đề, Niết bàn vô thượng mà đích đến chính mình đã biết rõ rồi!

SẮC chẳng khác KHÔNG , KHÔNG chẳng khác SẮC. SẮC là KHÔNG, KHÔNG là SẮC , dựa trên sự phân chia liệt loại của tiền bối cổ kim thì nguồn giáo lý đó thuộc hệ tư tưởng Bát Nhã của Đại thừa. Nó là then chốt trong hệ tư tưởng Bát Nhã của Đại thừa. Nó là then chốt của toàn bộ giáo lý Đại thừa liễu nghĩa của Phật giáo. Trong kinh Bát Nhã Phật dạy: Chừng nào chưa lý giải được vấn đề SẮC KHÔNG, KHÔNG SẮC của Bát Nhã, chưa đủ khả năng tư duy quán chiếu Bát Nhã, chưa thể nhập THỰC TƯỚNG BÁT NHÃ thì ngày thành Phật còn hun hút xa xăm.

Ở kinh Thủ Lăng Nghiêm nầy Phật thuyết minh: TÁNH CỦA CÁC ĐẠI VỐN KHÔNG NGĂN NGẠI GÌ NHAU, NHẰM KHAI THỊ CHƠN LÝ SẮC KHÔNG, KHÔNG SẮC . Đọc Thủ Lăng Nghiêm Kinh Trực Chỉ Đề Cương tập hai nầy, lần lượt độc giả sẽ lý giải vững vàng về “chơn lý sắc không, không sắc” ấy. Chẳng những thế, độc giả còn có thể nắm vững vấn đề “có” “không” “thật” “giả” của ĐẤT, NƯỚC, LỬA, GIÓ của HƯ KHÔNG , của CÁI THẤY và của thức TÁNH PHÂN BIỆT của vạn loại hữu tình và vô tình, qua giáo lý NHƯ LAI TÀNGduyên khởi.

ĐỊA THỦY, HỎA, PHONG, KHÔNG, KIẾN, THỨC gọi chung qua cái từ “thất đại”, chúng là những hiện tượng biểu hiện từ bản thể Như Lai tàng. Bản thể duyên khởi sanh ra hiện tượng, hiện tượng duyên diệt quy về bản thể. Dù duyên khởi sanh ra, hay duyên diệt quy về, tánh chất của thất đại vẫn là “bất biến”. Dù “bất biến” nhưng thường biểu hiện qua trạng thái “tùy duyên”. Dù có “tùy duyên” nhưng “tùy duyên” trong chu trình “bất biến”.

Nhận thức rõ vấn đề SẮC KHÔNG qua chân lý: “TÁNH SẮC CHÂN KHÔNG, TÁNH KHÔNG CHÂN SẮC, THANH TỊNH BẢN NHIÊN CHÂU BIẾN PHÁP GIỚI, TÙY CHÚNG SANH TÂM, ỨNG SỞ TRI LƯỢNG TUẦN NGHIỆP PHÁP HIỆN” … của Kinh Thủ Lăng Nghiêm, độc giả sẽ cảm nhận cái ý vị thâm trầm của bài tụng:

“Chơn tánh hữu vi không
Duyên sanh cố như huyễn
Vô vi vô khởi diệt
Bất thật hư không hoa”

Nghĩa là:

Cái tánh thực của các pháp hữu vi vốn là không. Chúng là pháp duyên sanh, cho nên như huyễn, không thật. Pháp vô vi thực lý cũng chẳng có gì. Nó chỉ có danh mà không có thật, như hoa đốm giữa không trung.

Quán triệt chân lý ấy, thì vấn đề SẮC KHÔNG, KHÔNG SẮC qua nhãn quan của người đạt đạo trở thành trò hí luận bất tương can.

Viết tại HUỲNH MAI TỊNH THẤT
Ngày 10 tháng 4 năm 1993
Thích Từ Thông Pháp Sư