Niệm Phật chỉ nam

Niệm Phật chỉ nam

Lê Hà 12
Niệm Phật chính là phải ở chỗ ồn náo để rèn luyện, chẳng câu nệ đi đứng nằm ngồi. Ở nơi huyên náo có thể nhất tâm không loạn, một tiếng niệm Phật ấy còn hơn niệm nhiều tiếng ở nơi yên tịnh. Đó gọi là “tâm tịnh thì cõi nước thanh tịnh”.
Trọn ngày tuy bận rộn, lẽ nào lại không có một chút thời giờ rảnh rỗi? Sao không bớt thời gian uống trà, nói chuyện phiếm, để thâu nhiếp tâm tư mà niệm Phật? Người nhọc nhằn về tâm tư có thể nhờ đây để dưỡng tâm; người nhọc nhằn về sức lực cũng có thể nhờ danh hiệu Phật tích chứa sức mạnh. Việc ấy có lợi ích không tổn hại, còn có điều nào hơn đây nữa?
Phải nên gấp rút khẩn thiết chân thật, phát khởi sức lực dũng mãnh, duyên đời có thể buông bỏ thì buông bỏ, mạng người vô thường quyết đừng lưu luyến mà tự làm lầm mình. Dù có điều chưa có thể buông bỏ cũng chẳng ngại ông niệm Phật. Ví như có một việc khẩn thiết ở nơi lòng, tuy làm việc khác nhưng vẫn không sao quên được. Có thể niệm Phật như thế tự nhiên không có tạp niệm, cũng không đến nỗi một ngày nóng mười ngày lạnh. Còn có người tâm chân thật khẩn thiết, do thuở xưa nghiệp nặng nên bị ma nhiễu loạn. Có ma bên trong, ma bên ngoài. Ma bên trong là trong tâm khi tỉnh lúc mê, tất cả tham sân si ái, tâm này vừa lìa thì tâm kia lại khởi. Ma bên ngoài là gặp cảnh khó khăn đủ mọi chướng duyên, bức hại thân tâm, chẳng được an ổn, liền đối trước Phật phát nguyện, siêng năng cầu sám hối. Song, quan trọng ở chỗ tâm niệm Phật chẳng do ma sự mà thối lui, mặc cho mọi thứ chướng duyên, một câu Phật hiệu này quyết chẳng rời tâm ta. Sức ma tuy mạnh, dựa vào Vạn đức Hồng danh này chống cự với nó, chẳng tính lợi hại sống chết chỉ lo chuyên niệm, thề không thối lui, lâu ngày dài tháng tất được lòng từ bi của Phật âm thầm trợ giúp, chướng duyên tiêu tan, Tịnh duyên thành tựu. Phật chẳng phụ lòng người, ắt làm mãn nguyện chúng sinh.
Phương pháp niệm Phật quý ở chỗ đóng cửa âm thầm tu trì. Không luận là ngồi xếp bằng hay kinh hành niệm, trì thầm hay niệm ra tiếng, đều phải nhất tâm nắm chặt danh hiệu Phật, mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng, vừa cảm thấy lờ mờ liền gấp rút đề khởi sự tỉnh giác soi chiếu. Hoặc rơi vào vô ký, hoặc sa vào vọng tưởng, luôn luôn tỉnh giác, luôn luôn đề khởi, đem một câu Phật hiệu này huân vào áp bức ý căn, đoạn dứt hôn trầm tạp niệm, đó là con đường chân chánh của pháp niệm Phật. Không thể quá gấp, gấp thì khó được lâu dài; không thể quá hưỡn, trì hưỡn thì dễ rời rạc. Lại không thể trông mong nhập định, hoàn toàn chẳng để khởi ý niệm.
Nếu buông bỏ không niệm nơi miệng rất dễ rơi vào chỗ hôn trầm nhẹ. Bởi vì niệm Phật quan trọng ở nơi nhất tâm không loạn, lúc lâm chung hoàn toàn nhờ vào niệm này vào thẳng thai sen. Đến khi đạt đến chỗ nhất tâm cùng cực, chẳng mong Thiền định hiện tiền cũng tự hiện, đây là khi công phu thuần thục, hoàn toàn khác xa với người buông bỏ không niệm nơi miệng rơi vào chỗ hôn trầm nhẹ.
Còn như Thể cứu, niệm tức vô niệm thì không ngại vô niệm mà niệm. Một niệm này tức là Tam đế: Không, Giả, Trung; tức là bốn pháp giới Sự Lý; tức là hai môn quán Duy thức, Duy tâm; tức là tâm mầu nhiệm Niết-bàn, Thật tướng Vô tướng. Đó chính là pháp niệm Lý nhất tâm của bậc thượng căn, nhưng cũng không rời nhất tâm nắm chặt câu Phật hiệu, mỗi chữ mỗi chữ rõ ràng mà niệm. Đây là điều trọng yếu của phép tắc Trì danh nơi chánh hạnh.
 Lại cần phải tu rộng rãi về trợ hạnh:
   1. Lễ kính Tam Bảo: 
Năm vóc chuyên cần, tu rộng rãi về sự cúng dường, đó là việc bổn phận của người tu hành.
Người đời niệm Phật phần nhiều lười biếng, không chỉ hằng ngày chẳng thường lễ bái, thậm chí gặp Phật cũng không lạy, còn như tất cả sự cúng dường phần nhiều thiếu sót. Lý do chẳng qua là vì miệng niệm thì dễ, thân lễ bái thì khó; nói suông thì dễ, ra sức thực hành thì khó. Chẳng biết rằng, việc khó làm có thể làm được, điều đó mới đáng quý.
Tuy nói tu hành ở bên trong chẳng phải ở bên ngoài, nhưng dáng vẻ cung kính ở bên ngoài cũng không thể thiếu. Vả lại, ở ngay nơi bên ngoài có thể chứng tỏ ở bên trong, cho nên người xưa nói: “Người tu hành chân thật, xem hình vẽ, tượng gỗ đồng với Phật thật. Thương như cha mẹ, kính như quân vương, sớm chiều yết kiến, hết lòng thành kính, lạy xuống như núi đổ, đứng dậy tợ mây thăng, ra thì chấp tay vái chào. Người mà chấp tay vái chào thì dù xa trăm ngàn dặm cũng như thường ở trước mặt”.
Khi ăn lúc uống, trước phải nên cúng dường. Trong Văn Long Thơ Tịnh Độ nói: “Cúng Phật, trai Tăng, dâng hương, hiến hoa, treo phan, xây tháp, các việc sùng phụng Tam Bảo đều có thể hồi hướng Tây Phương”. Huống gì người cầu vãng sinh Tịnh độ, đã là đệ tử Tam Bảo, nếu không kính trọng Tam Bảo thì tâm cầu vãng sinh ấy ắt không chân thật khẩn thiết. Thế nên mọi người phải dốc hết tâm lực quyết đừng lười biếng lơ là!
 2. Sám hối nghiệp chướng: 
Sám là ăn năn lỗi đã qua, hối là chừa bỏ những lỗi lầm về sau. Người tu hành lấy sám hối làm chính yếu. Bồ-tát Phổ Hiền còn có lời nguyện về sám hối, huống gì kẻ phàm phu.
Do từ vô lượng kiếp đến nay, ba nghiệp thân miệng ý gây ra những lỗi lầm sâu nặng, đều có thể trở thành nhiều sự chướng ngại nên gọi là nghiệp chướng. Nếu không sám hối, nghiệp chướng không tiêu trừ, ví như áo nhơ cần phải giặt giũ, ví như gương dính bụi cần phải lau chùi. Nhơ hết áo sạch, bụi hết gương sáng, nghiệp chướng không còn thân tâm thanh tịnh.
3. Ngăn ác làm lành:
   Trong Văn Long Thơ Tịnh Độ nói: “Trì trai giới hoàn toàn, lại lễ Phật niệm Phật, đọc tụng kinh điển Đại thừa, hiểu Đệ nhất nghĩa, lấy đó hồi hướng Tây Phương tất lên Thượng phẩm Thượng sinh”
Nói “Trai” nghĩa là không ăn thịt, không uống rượu, không ăn ngũ tân.
Nói “Giới” nghĩa là không sát sinh, trộm cướp, tà dâm tức là ba nghiệp của thân; nói dối, nói lời thêu dệt, nói lưỡi đôi chiều, nói lời hung ác là bốn nghiệp của miệng; tham dục, sân hận, tà kiến là ba nghiệp của ý. Có thể giữ gìn không phạm đó là mười điều lành, nếu phạm không giữ gìn đó là mười điều ác.
Giữ bốn giới trước, thêm giới không uống rượu, đó là năm giới. Người giữ năm giới mà tu Tịnh độ cũng không mất phần vãng sinh Trung phẩm. Nếu không thể giữ năm giới thì phải giữ gìn giới sát. Sát sinh là điều đứng đầu trong năm giới. Không sát sinh là đại thiện, sát sinh là đại ác. Đại sư Liên Trì nói: “Xin khuyên người đời, đã là niệm Phật thì phải y theo lời Phật dạy, phải tích đức tu phước, phải hiếu thuận với cha mẹ, phải trung thành phụng sự quân vương, anh em phải yêu thương lẫn nhau, vợ chồng phải quý kính nhau. Phải chí thành thật thà giữ chữ tín, phải nhu hòa nhẫn nhục, phải công bình chánh trực, phải khéo vun bồi âm đức, phải từ bi thương xót tất cả, không sát hại sinh mạng, không lăng nhục người dưới, không áp bức dân thường. Nếu có tâm không tốt sinh khởi liền gắng sức niệm Phật, nhất định phải niệm cho thối lui tâm không tốt này. Như thế, mới là người niệm Phật chân chánh, nhất định được vãng sinh”.
 4. Cắt bỏ tình ái:
   Người đời đối với người cốt nhục phần nhiều thường ái luyến. Lại xem tài sản như tánh mạng, cũng đều tham đắm không quên.
Lòng trược thế bên đây nặng nề, tâm Tịnh độ bên kia tự nhiên nhẹ bổng. Đến lúc mạng chung, thần thức ắt đi về chỗ nặng. Ví như một cây to nghiêng nặng về bên nào, sau này lúc ngã đỗ sẽ tự nhiên ngã đỗ về bên ấy. Đó là lẽ tất nhiên.
Từ trước đến nay, vợ con cốt nhục đều là có duyên tụ hội, duyên hết ly tan. Sau khi ly tan, người này và kẻ kia đều không nhận ra nhau. Như ông từ nhiều đời đến nay, vợ con cốt nhục không ít, nhưng hiện giờ ở đâu? Ông vẫn còn thương yêu họ chăng? Nghĩ đến đây không thể không lạnh nhạt. Trong đó, lại có duyên ác tụ hội, quyến thuộc tức là oan gia, bất giác âm thầm bị hại, đâu không phải là thương yêu sai lầm rồi sao? Còn như các thứ tài sản và mọi điều ham thích chớp mắt đều trở thành không, càng phải nên nhìn thấu đáo.
5. Cởi mở oan kết:
   Phàm oán thù chưa kết không nên kết, như các việc sát sinh, trộm cướp, tà dâm, và lòng tham lam sân hận đều là nhân kết thành oán thù. Có thể cấm ngăn thì không kết, không kết thì không có oán thù, còn đã kết thì nên cởi mở.
Nếu như quyến thuộc trở thành oán thù, người ngoài bỗng nhiên chống đối mình, cho đến chó cắn rắn mổ chẳng phải là không có nguyên nhân, đều do oan trái đời trước, cần phải hoan hỉ chịu đựng cởi mở với chúng. Quyết không thể bên kia qua bên đây lại, càng kết càng sâu.
Tuy Tịnh độ là pháp môn vượt thoát theo chiều ngang, nhưng nếu có thể quyết tâm cầu vãng sinh thì dù cho kẻ oán thù lớn nhất cũng không thể ngăn trở ta vãng sinh. Nhưng cứu xét kỹ, chẳng bằng sớm nên cởi mở thì sẽ cảm thấy tâm không ngăn ngại.
Lại phải biết từ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, oán thù không ít, nhân duyên chưa gặp, đâu thể mỗi mỗi đều cởi mở được hết. Cần phải nhờ vào sự phát nguyện ở trước Phật, nguyện dùng công đức niệm Phật này làm lợi ích khắp cả oan gia oán thù. Nếu khi ta thành Phật thì độ những chúng sinh này trước. Dùng tâm từ bi tiêu trừ lòng oán hận cũ của những người kia, lại thêm nguyện lực thì thật có lợi ích, tự nhiên hóa hận thù thành ân đức.
6. Gắng sức mạnh mẽ:
   Hiện nay, người tu Tịnh độ cũng có người chẳng bằng ta, cũng có người hơn ta. Người không bằng ta quyết không nên so sánh với họ, nói ta hơn họ như thế không có tiến bộ. Cần phải so sánh với người hơn ta, nghĩ rằng ta với họ cùng niệm Phật như nhau, tại sao họ tinh tấn? Tại sao ta lười biếng? Vì sao họ chuyên nhất? Vì sao ta lại tán loạn? Kia đã trượng phu ta đây cũng vậy. Nếu không gắng sức mạnh mẽ, mắt nhìn họ đã vượt lên Cực Lạc, còn ta vẫn như cũ nổi chìm trong biển khổ.
Hiện nay gọi là đạo hữu bạn bè, nói cười thân thiết, nhưng chớp mắt đã phân chia Thánh phàm, cách xa như trời với vực. Lẽ nào lại chẳng hổ thẹn sao? Lẽ nào lại chẳng đau xót sao? Suy xét như thế, tự nhiên mạnh mẽ tiến tới, một đời giải quyết xong xuôi, không đợi đến đời sau.
Người tu hiện nay, có kẻ phát nguyện đời sau tiếp tục tu hành. Theo họ nói, tự lường xét đời nay công hạnh cạn mỏng, đời sau gia thêm công hạnh nữa mới mong thành tựu. Như thế thật là rất sai lầm! Trong kinh nói: “Một khi mất thân người, muôn kiếp khó được lại”, dù cho được thân người nhưng có thể bảo đảm còn biết tu hành chăng?
Lại theo họ nói, đời nay phát nguyện, nhờ vào nguyện lực này đời sau quyết định biết tu hành. Điều này lại sai lầm nữa! Đã phát nguyện đắc lực như thế, sao không phát nguyện hiện đời liền vãng sinh Tịnh độ, tự nhiên ắt được vãng sinh, cần gì phải đợi đến đời sau. Hơn nữa, đời này ông không cầu vãng sinh, đời sau lại có thể cầu vãng sinh chăng? Chẳng may, đời sau gặp chướng duyên khác không còn tu hành, như thế không chỉ chẳng thể vãng sinh mà cũng khó bảo đảm được không mất thân người. Cho nên, người xưa nói:
“Thân này chẳng chịu đời nay độ,
Lại đợi đời nào độ thân này”.
   Người niệm Phật quyết phải lập chí vững chắc, xem hiện cư trú nơi Ta-bà như người khách ở tạm, lại phải xem mình là người nơi Tịnh độ, phẩm bậc cao siêu biết chừng nào! Như thế, tự nhiên miên mật tinh tấn đến lúc chứng quả mới thôi. Đây là một pháp rất thiết yếu của sự vãng sinh Tịnh độ.
Lược nói như thế về sáu trợ hạnh trên, nếu nói rộng ra thì có vạn hạnh, đều ở nơi tâm khiêm tốn mong cầu lợi ích của mọi người, thật sự gắng sức đảm đang. Phàm là những việc có trợ giúp cho Tịnh duyên đều siêng năng làm là được rồi!