Chết đi về đâu

Chết đi về đâu

Vương Thị Xuân 66

Chùa Đức Quang, Sài Gòn, ngày 14-10-2006) Ghi chép: Nguyệt Vạn Hòa

Cơn bão Xangsane – cơn bão lớn nhất từ nhiều thập kỷ qua đã tàn phá nặng nề miền Trung, cướp đi mạng sống, gây thiệt hại cho mùa màng, gia súc, tài sản, cùng nhiều thiệt hại khác về vật chất lẫn tinh thần. Toàn nước Việt Nam đang mở rộng những bàn tay từ bi không phân biệt tôn giáo hay địa vị xã hội, cùng đến và chia sẻ nỗi đau bằng tình thương yêu đồng loại. Các đoàn từ thiện Phật giáo từ khắp mọi miền đất nước đang ngày đêm vận động trên tinh thần “nhường cơm xẻ áo”“lá lành đùm lá rách”chia sẻ phần nào nỗi đau về phương diện vật chất cho những gia đình lâm nạn.

TỬ NẠN – MỘT LOẠI HÌNH HOẠNH TỬ

Đoàn từ thiện trực thuộc Ủy ban nhân dân phường 13, quận Phú Nhuận đã lên đường với 800 phần quà gồm thực phẩm, quần áo, mền và tiền mặt nhanh chóng đến với đồng bào bị lũ lụt tại miền Trung. Rủi ro thay trên đường đi, đoàn đã gặp sự cố tai nạn giao thông thảm khốc. 13 người trong đoàn với số lượng tử vong lên đến 12, trong đó gồm Chủ tịch Ủy ban phường và các cán bộ phường đều chết ngay tại hiện trường. Chỉ còn lại duy nhất một người sống sót, đó là Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc phường 13. Tai nạn diễn ra vào lúc 2:35 phút sáng ngày 13.10. 2006 tại xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.

Tai nạn đã để lại nỗi thương tiếc và đau xót cho rất nhiều người. Ông Phạm Ngọc Thuý – người sống sót duy nhất cho biết, sau cú va chạm mạnh, toàn bộ những người trên xe không còn ai sống sót, máu chảy bê bết. Người dân ở vùng lân cận nghe tiếng va chạm quá lớn đã chạy ra giúp đỡ, kịp đưa ông đến bệnh viện cấp cứu. Xe của đoàn từ thiện đã bị một chiếc xe khách đi ngược chiều từ hướng Đà Lạt – Huế va vào, nhưng rất may tài xế và những hành khách trên xe đó chỉ bị thương, không có người tử vong.

Trước sự kiện này, các phương tiện báo chí, cơ quan đoàn thể và cộng đồng xã hội trên toàn quốc đã có lời chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân trước khổ đau của sinh ly tử biệt, khi mà các nạn nhân đang làm việc nghĩa cho cuộc đời. Bên cạnh đó, chắc chắn trong nhân gian cũng sẽ có những lời nhận định, đánh giá, mà đôi lúc thiếu sự hiểu biết về nhân quả nghiệp báo trong đạo Phật. Điều này làm thui chột không ít những tấm lòng làm việc nghĩa mà bị lâm nạn như tình huống vừa nêu.

Một số người lý giải rằng, có lẽ trong đời kiếp nào đó ở quá khứ, các nạn nhân này từng tạo thảm nạn cho người khác, nhưng vì không biết sám hối nên quả báo đã xảy ra với họ trong lúc đang thực hiện nghĩa cử cao đẹp. Lý giải như thế chẳng những không phản ánh được sự hiểu biết về kiến thức nhân quả, mà ngược lại làm băng giá những tấm lòng vàng của người cao thượng, bằng thái độ bàng quan và làm ngơ trước nỗi đau của kẻ khác.

Thực ra, không nên xác định người bị tử nạn trong lúc làm từ thiện có gốc rễ từ hạt giống nhân bất thiện nào đó trong quá khứ liên hệ đến cái chết và mạng sống. Vì không ai có thể biết rõ những chuyện xảy ra trong quá khứ. Lý giải một cách chủ quan gắn liền với gốc rễ nghiệp của quá khứ vô tình tạo ra học thuyết định mệnh. Đây là điều mà đức Phật đã nỗ lực tháo gỡ trong suốt mấy mươi năm hoằng pháp của Ngài. Ngài hướng dẫn mọi người không nên tin theo định nghiệp, dẫn đến định mệnh, có sự an bày, sắp đặt của Thượng đế hay đấng Thần linh, nếu muốn có đời sống hạnh phúc. Đức Phật đã xác quyết trong kinh điển rằng, ai chủ trương và tin vào học thuyết định mệnh chi phối đời sống hạnh phúc hoặc khổ đau của con người thì người đó đang tự dấn thân vào con đường của nỗi khổ niềm đau. Nếu tất cả mọi hạt giống tốt xấu từng gieo trồng trong quá khứ đều không thay đổi, tạo ra khuynh hướng quản định thì cuộc đời này đâu còn có hạnh phúc, làm việc bất hạnh phải gánh chịu khổ đau lâu dài.

 Bản chất của nhân quả lệ thuộc nhiều vào duyên, thuận và nghịch  cũng  đều  là  duyên.  Duyên  là  các  yếu  tố  bao  gồm  điều kiện, môi trường, giáo dục, tâm lý, và những tác động của gia đình, xã hội thông qua sự giao tế với bạn bè và bản thân đương sự. Quá trình con người sống trên cuộc đời này và những đời kiếp trong quá khứ đều tiếp xúc với vô số duyên khác nhau. Sự tác động của duyên đa chiều và phức tạp làm cho tâm, hành vi, lời nói và việc làm của con người thay đổi. Đồng thời, bản chất của nghiệp cũng từ đó mà thay đổi.

Lý giải hợp lệ nhất trong tình huống thảm nạn của người làm công tác từ thiện nên dựa vào kinh Dược Sư. Bởi trong bản kinh này, đức Phật nêu ra chín loại hình hoạnh tử, mà trong đó có loại hình chết bất đắc kỳ tử khi nghiệp và tuổi thọ chưa kết thúc. Tác động của nghiệp chết bất đắc kỳ tử diễn ra trong tình huống gắn liền với sự bất cẩn của con người, được lý giải như là sự rủi ro và định mạng. Chết chìm trong lòng biển, chết do núi đè, chết do té hầm, chết do tai nạn giao thông đều thuộc về cái chết bất đắc kỳ tử. Nếu phân tích các dữ liệu được báo chí đưa tin sẽ thấy rõ tai nạn diễn ra vào giờ khuya 2:35 phút, đây là thời điểm mà các tài xế dễ ngủ gục. Hành khách trên xe từ 12 giờ trở đi đều chìm vào giấc ngủ, chỉ còn lại tài xế phải thức trắng, cùng với tư thế ngồi không được thoải mái suốt chặng đường dài, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng mỏi mệt; và trong một giây phút bất cẩn đã đưa hành khách vào thảm nạn.

Như vậy, tình huống chết bất đắc kỳ tử này thuộc về rủi ro do bất cẩn của người tài xế. Hoặc nói cách khác, có một số tình huống hoạnh tử bắt nguồn từ sự bất cẩn, sai sót dẫn đến tai nạn. Cái chết đã làm cho nhiều người phải chia tay với người thân, người thương để lại khổ đau cho những người còn sống. Là người Phật tử, nếu lý giải sự kiện tử nạn của người làm việc nghĩa từ gốc rễ định nghiệp sẽ làm cho nhiều người chán nản với đạo Phật. Hiểu sai về học thuyết nghiệp dẫn đến những lý giải sai và không thích hợp, xã hội sẽ hiểu sai về một đạo Phật chủ trương yếm thế. Từ đó về sau, những người làm việc nghĩa luôn cân nhắc kỹ lưỡng, bởi làm việc nghĩa mà để định nghiệp diễn ra trên nền tảng nhân quả giữa quá khứ và hiện tại chắc chắn sẽ làm họ không hài lòng. Trong tình huống tử nạn trên, xuất hiện ít nhất ba phản ứng tâm lý khác nhau.

TỬ NẠN – THÁI ĐỘ VÀ CÁC PHẢN ỨNG TÂM LÝ 

Thứ nhất, phản ứng từ phía xã hội thì lẫn lộn, khen ngợi và nhận định một cách máy móc cũng có. Người Phật tử đứng trước cảnh sinh ly tử biệt, phản ứng đầu tiên là thể hiện lòng từ bi bằng một phút mặc niệm để cầu nguyện cho các hương hồn ra đi trong trạng thái thiếu sự chuẩn bị được siêu thoát. Đối với những tình huống chết một cách đột ngột, nên làm lễ cầu siêu tập thể, chỉ cần mỗi người có tấm lòng là có thể thiết lập trai đàn cầu siêu giúp cho các nạn nhân. Niệm một câu thần chú Vãng Sanh, hoặc trì danh hiệu đức Phật A-di-đà bằng cả tấm lòng, truyền hết năng lượng từ bi và phước báu của ta mong các hương linh đừng tiếc nuối về gia đình, gia tài, sự nghiệp để về cảnh giới an lành của chư Phật. Nghĩa cử cao thượng này dù rất đơn giản nhưng mang ý nghĩa rất lớn, là hành trang công đức giúp cho người ra đi.

Thứ hai, phản ứng từ phía gia đình các nạn nhân cũng là một phản ứng lẫn lộn. Nhiều gia đình tự giằng xé lương tâm bằng những từ “giá mà” hoặc “phải chi”. Chẳng hạn: “phải chi mấy ngày trước tôi tìm cách ngăn cản con thì hôm nay nó đâu bị chết”“muốn làm từ thiện thì có thể gởi tiền đến các cơ quan chuyển dùm, đâu cần phải đích thân đi…”“phải chi tôi yêu cầu nó đi vào ban ngày thì nó đâu có chết” v.v.. Đây là mệnh đề đặt giả thuyết về tình huống xảy ra, và ước nguyện của gia đình thân nhân đi ngược hoàn toàn với những tình huống đó. Điều này càng làm cho nỗi đau thêm dâng trào, thân nhân của người tử nạn không muốn thừa nhận cái chết đã diễn ra với người thân của họ. Sự tiếc nuối kéo theo những giọt nước mắt, nỗi đau, và

trạng thái căng thẳng. Trong trường hợp những người thân từng có quan hệ không tốt với người quá cố sẽ cảm thấy ân hận, tự trách móc bản thân:“phải chi mấy ngày vừa qua mình không xích mích với nhau, có lẽ người đó sẽ không đi từ thiện thì đâu xảy ra hậu quả như vậy.” Các phản ứng trên được kinh điển đạo Phật xác định, đó là tình thương yêu thiếu tính cách xây dựng và dẫn đạo bởi quy luật sống và chết, khiến khổ đau của người quá cố gia tăng. Người chết khi cảm nhận tình thương yêu của người còn lại không hướng họ về con đường siêu sanh thoát hoá thì cảm xúc yêu thương đó sẽ kéo dài tình trạng thân trung ấm, tức là cảnh giới trung gian giữa cái chết và một đời sống mới trong tiến trình tái sanh.

Một phản ứng khác lại cảm thấy rất hãnh diện, tự hào vì người thân hi sinh trong lúc thực hiện nghĩa cử cao thượng cho xã hội, cộng đồng. Nỗi đau vẫn có, nhưng họ biết cách chuyển hoá nỗi đau bằng tâm lý tích cực. Khuynh hướng tâm lý tích cực hoàn toàn phù hợp với đạo lý nhà Phật về bản chất và giá trị đời sống thông qua cách thức sống như thế nào. Riêng cái chết có thể liên hệ đến nhiều yếu tố như quy luật nhân quả, rủi ro do bất cẩn, và nhiều tình huống khác. Vì vậy, đừng bận tâm về cách chết thương tâm hay chết thư thái, nhẹ nhàng để qui kết vào tình huống nghiệp nặng hay nhẹ. Trong nỗi khổ niềm đau của người được nhận, nếu thiên về cách giải thích tiêu cực về định nghiệp, định mệnh sẽ làm cho nỗi đau gia tăng gấp bội. Điều cần thiết nên chia sẻ là cái chết của người bị thảm nạn trên đường làm từ thiện là cái chết xứng đáng.

Trong suốt tám năm (từ 1994 đến 2002) tôi du học tại Ấn Độ, năm nào cũng theo dõi tin tức báo chí về những chuyến hành hương và làm từ thiện của người dân Ấn Độ. Mỗi năm, báo chí đều đưa tin những chuyến hành hương và từ thiện như thế thường gặp sự cố về tai nạn và chết dọc đường. Lúc ấy, có một mẩu tin đăng trên báo khiến tôi rất tâm đắc. Đó là gia đình một nạn nhân gặp nạn trong chuyến hành hương đã viết bài chia sẻ. Phần đầu nói về nỗi buồn và nước mắt của cuộc chia ly, vĩnh biệt người thân, và phần tiếp theo nói về niềm hãnh diện tự hào với một câu rất ấn tượng:“chúng tôi rất vui mừng vì người thân của chúng tôi được rước về Phạm Thiên”. Phạm Thiên là Chúa Trời theo quan niệm Ấn Độ giáo.

Niềm tin tôn giáo giúp họ tâm niệm rằng, trong lúc thực hiện nghĩa cử cao đẹp mà qua đời thì người đó sẽ được tái sanh vào cảnh giới cõi trời, cho nên chẳng có gì phải đau buồn. Tuy nỗi đau buồn, mất mát chắc chắn phải có bởi tình người, nhất là tình thân khó mà ngăn được dòng cảm xúc, nhưng niềm vui mừng, hãnh diện trước việc làm của người quá cố thì cận tử nghiệp này sẽ quyết định tiến trình tái sanh cho người ra đi. Nếu trong quá khứ ta từng có người thân bị tử nạn khi công tác từ thiện xã hội, hoặc do tai nạn giao thông, thiên tai, lũ lụt v.v… thì nên quan niệm tương tự như thế. Không để cho nỗi buồn chi phối, mà hãy tìm cách phóng thích, chuyển hóa nó bằng khuynh hướng và suy nghĩ tích cực thì kẻ còn lẫn người mất đều cảm thấy an vui.

Thứ ba, phản ứng từ bản thân người làm từ thiện gặp tử nạn. Với tình huống 12 người gặp thảm nạn chết tại chỗ thì không ai đo lường được dòng cảm xúc và phản ứng tâm lý của họ như thế nào.

Đặt giả thuyết thứ nhất, những người này đang thiếp đi trong một giấc ngủ dài trên xe, và đến giữa khuya thì tai nạn xảy ra. Họ không hay biết hoặc ý thức về tai nạn xảy ra nhưng cái chết đã xuất hiện. Niềm hân hoan trong những ngày đi vận động các nhà hảo tâm đóng góp đã khiến họ giữ được trạng thái vui mừng, hạnh phúc cho đến lúc cái chết diễn ra. Tiến trình cận tử nghiệp trong an vui, hạnh phúc khi giúp đỡ người khác là hành trang quý báu, chắc chắn một trăm phần trăm rằng những người này khi tái sanh làm lại con người, trong tâm họ đã có sẵn cơ nghiệp, hạt giống làm từ thiện và hạnh phúc với việc từ thiện.

Mất mát đó có thể để lại nỗi đau cho người thân của họ, nhưng bản thân người ra đi lại không ân hận, nuối tiếc, vì họ đã làm được việc đáng tán thán và có giá trị cho đời sau.

Đặt giả thuyết thứ hai, trong tình huống cái chết xảy ra trong vài phút sau đó, tức là các nạn nhân có thể rơi vào trạng thái hôn mê, rồi tiếp theo cái chết đến từ từ, ít nhất là vài giây sau tai nạn. Trong tình huống này, bản thân nạn nhân – người không có lập trường dễ bị lay động và khuynh đảo niềm tin. Trạng thái nuối tiếc sự sống bắt đầu xuất hiện trong tâm,“phải chi mình không đi từ thiện thì đâu bị chết như vậy”. Chính tâm lý nuối tiếc này làm cho con đường tái sanh của các nạn nhân gặp nhiều trở ngại. Họ chưa sẵn sàng ra đi, và đến lúc tái sanh ở đời sau sẽ mang theo quán tính thói quen luôn dè dặt trước nghĩa cử cao thượng khi phải dấn thân làm việc thiện, mà không lý giải được tại sao. Có thể họ thích công việc từ thiện, nhưng khi được mời gọi thì họ luôn dè dặt, từ chối bằng cách này hay cách khác. Mong rằng các nạn nhân bị thảm nạn vừa qua không có cảm giác nuối tiếc vì nghĩa cử cao thượng đó.

Đề cập đến ba phản ứng tâm lý từ cộng đồng, người thân, và chính bản thân của nạn nhân để thấy rõ các góc độ tâm lý diễn ra ở mỗi người. Tình thương yêu và sự hiểu biết nhân quả sẽ giúp người Phật tử gần gũi với cuộc đời, dấn thân vào xã hội bằng mọi cách. Ai không có của thì đóng góp bằng tấm lòng, không trực tiếp thì gián tiếp bằng nhiều hình thức như vận động, khuyến tấn, tán thán để chất liệu của lòng từ bi được gieo rắc khắp nơi.

BẢN CHẤT NGHIỆP VÀ THỌ MẠNG

Trong bản chất của nghiệp có những tính chất chung và riêng. Sự khác nhau giữa tính chất chung và riêng liên hệ đến phước lực tuổi thọ và đời sống. Nó là sự kết nối của một quá trình liên hệ đến nhiều kiếp sống đời trước và hiện tại. Có nhiều loại hình nghiệp chung (cộng nghiệp) và nghiệp riêng (biệt nghiệp). Dưới đây, tôi chỉ phân tích đến nghiệp chung và nghiệp riêng liên hệ đến tuổi thọ và mạng sống.

Tu nan va tu tu 1

Bản chất của nghiệp liên hệ đến tuổi thọ và mạng sống là thái độ và hành động tôn trọng mạng sống của người khác, các loài vật và thậm chí là môi trường sinh thái. Người phát tâm ăn chay trường thấy rõ các loài động vật cũng có tình thương yêu đời sống như con người. Chỉ có điều chúng không thể chia sẻ về quyền được sống và cần sự bảo hộ như con người. Người từng có quá trình gieo hạt giống tạo sự sống, chẳng hạn như nghề bảo vệ rừng để rừng khỏi bị cháy, đồng thời giúp cho muông thú và côn trùng sống tại đó không bị chết cháy; hoặc người làm công tác đắp bờ đê chống lũ, người tuyên truyền kêu gọi hòa bình, người khuyến tấn, hướng dẫn và giúp đỡ người khác ăn chay v.v… tất cả đều là những người đang thực hiện gieo hạt giống về mạng sống và tuổi thọ.

1. Nghiệp riêng (Biệt nghiệp)

Nghiệp riêng về phước lực tuổi thọ được tích chứa ở những người sống sót thông qua các tai nạn trong khi những người đồng nạn khác đều chết, cho thấy năng lực hạt giống về mạng sống ở người đó quá nhiều, dù cái chết bất đắc kỳ tử có diễn ra vẫn không thể cướp đi mạng sống của họ. Người không gieo trồng hạt giống bảo vệ mạng sống nhưng cũng không phá hoại mạng sống thì tuổi thọ và nghiệp lực tuổi thọ chỉ ở mức trung bình. Vì vậy, khi sự cố tai nạn xảy ra thì họ cũng như bao nhiêu người bị nạn khác, không thể níu kéo được sự sống. Dựa vào tính chất chung và riêng của nghiệp cho thấy không có định mệnh hoặc định nghiệp. Mạng sống con người do chính hành vi, suy nghĩ và cuộc đời của người đó tạo ra. Dĩ nhiên, nó chịu sự tác động và chi phối của con người xung quanh, người trực tiếp hay gián tiếp liên hệ đến cái chết và sự sống.

2. Nghiệp chung (Cộng nghiệp)

Cứ hằng ngày, hằng giờ, ta thường nghe đến những sự kiện chết tập thể rất thương tâm và đau lòng. Tất cả đều liên hệ đến nghiệp chung. Trong thời hiện đại, chúng ta có cơ hội tạo nghiệp chung khá nhiều mà không biết. Phương tiện truyền thanh, truyền hình, internet là chất xúc tác để nghiệp chung được diễn ra. Trước đây, khi một sự kiện xảy ra ở địa điểm nào đó trên trái đất thì chỉ cư dân nơi đó mới biết rõ thông tin, nhưng ngày nay nhờ phương tiện vệ tinh, truyền hình, truyền thanh và báo chí, người ta nắm rõ chi tiết từng sự kiện một. Thái độ phản ứng trước những sự kiện có thể cùng vui hay buồn, cùng đồng tình hay phản đối, cùng tán thán hay chỉ trích. Tất cả những hành động“cùng” này được gọi là cộng nghiệp.

Ví dụ khi đưa tin trực tiếp về vụ tai nạn máy bay xảy ra tại NewYork vừa qua với sự sốt sắng của những người làm công tác cứu hộ rất quý và đáng trân trọng. Sự cố đã dẫn đến cái chết cho ngôi sao bóng chày tên Korirido và người hướng dẫn lái máy bay của anh. Chiếc máy bay này đã lao vào một tòa nhà cao 50 tầng ở New York, trong đó có hai tầng bị bốc cháy đó là tầng thứ 39 và

40. Chiếc máy bay này cất cánh từ sân bay Tentênovo, NewJesey bay được 15 phút trước khi đâm vào tòa nhà, chỉ có hai người chết nhưng bị thương đến 21 người trong đội cứu hộ. Xem truyền hình trực tiếp về vụ tai nạn, nhìn thấy nghĩa cử cao đẹp của những người dấn thân, nếu ai phát khởi tâm niệm tán thán về sự dũng cảm của đội cứu hộ thì xem như người đó đang gieo cộng nghiệp về bảo hộ tuổi thọ và sự sống. Dù không trực tiếp làm công việc này, nhưng việc tùy hỷ công đức, khởi tâm niệm chia buồn, tụng câu thần chú hay niệm danh hiệu Phật v.v… tất cả những hành động trên đều tạo ra cộng nghiệp có ý nghĩa trong đời sống. Muốn được như thế, đòi hỏi người xem truyền hình phải có lòng từ bi, có sự hướng dẫn và thực tập từ bi để gieo nghiệp tích cực.

Khi nghe tin tức về chiến tranh, chúng ta có khuynh hướng đứng  về  phe  liên  minh  và  đối  lập  với  phe  còn  lại.  Cuộc  chiến nào cũng có chánh nghĩa và phi nghĩa, nhưng cái chết vẫn thuộc về người dân vô tội. Đứng trước cái chết dù của bên nào, người Phật tử nên khởi lên tâm niệm từ bi, thương yêu và chia sẻ. Thực hiện được như thế là tạo cộng nghiệp tốt giúp ta có phước báu về mạng sống và tuổi thọ. Trong tình huống về sự cố tai nạn, nghiệp riêng về lòng từ bi chỉ bị thương tật chứ không bị hoạn nạn, bởi nó được tiếp tục nuôi lớn. Trái lại, nếu đứng về phía một liên minh, ta nguyền rủa kẻ xâm lăng, tạo tội lỗi giết chóc, không thể hiện được tình thương với các binh sĩ nằm xuống của phe ấy, lúc đó lòng từ bi bị thương tổn, ta hài lòng với sự giết chóc là xem như đã tạo một nghiệp chung về giảm tuổi thọ. Điều này rất tế nhị và khó nhận biết, bởi nó liên hệ đến chủ nghĩa yêu nước, chính sách quốc gia, thể chế chính trị v.v… Cái chết nào cũng mang lại khổ đau như nhau, nếu các chiến sĩ ấy không được cầu siêu thì sự tái sanh của họ sẽ lại tiếp tục mang khổ đau cho những người khác, vì nghiệp đó chưa được chuyển hóa hoàn toàn.

Nghiệp chung và nghiệp riêng tạo ra khuynh hướng về tuổi thọ và mạng sống của con người ở hiện tại và tương lai. Dù là cộng nghiệp hay biệt nghiệp, dù được cộng nghiệp hay biệt nghiệp giúp đỡ thì người Phật tử là thân nhân của người tử nạn nên quan niệm đây là nghĩa cử cao thượng. Không nên chán nản, thất vọng và lý giải sai lầm về cái chết liên hệ đến việc làm từ thiện. Các nhà làm từ thiện hãy mạnh dạn và dấn thân nhiều hơn để cuộc đời vơi bớt khổ đau. Đừng vì sự cố tai nạn làm thui chột lòng thương yêu của chúng ta.

TỬ TÙ – DƯỚI CÁI NHÌN PHẬT GIÁO

Vào ngày 12 -10 -2006, các phương tiện báo chí đưa tin về tử tù Nguyễn Thị Oanh sinh năm 1967, bị xử tử hình về tội buôn 20 bánh heroin, đang chờ ngày thụ án tại trại giam tỉnh Hoà Bình đã mang thai. Sự kiện này đã gây chấn động trong dư luận, bởi theo qui định của luật pháp Việt Nam và thế giới

cho phép giảm án tử hình đối với tử tù đang mang thai vì tính chất nhân đạo. Bà được giam trong phòng biệt giam có không gian từ 6-9m2, mọi sinh hoạt hằng ngày ngay cả tiểu tiện đều diễn ra trong khoảng không gian đó. Mỗi ngày, người làm công tác quét dọn vệ sinh và đưa cơm vào cho tử tù đều phải qua sự giám sát chặt chẽ của những cán bộ quản giáo. Theo qui định của trại giam, phòng biệt giam nữ chỉ có người nữ mới được phép vào làm công việc dọn dẹp vệ sinh. Nghịch lý thay, có một phạm nhân nam tên Nguyễn Tường Thiên lại được cán bộ trại giam cho phép thực hiện công việc này mỗi ngày trong thời gian nhiều tháng, kết quả là bà mang thai được 3 tháng. Vụ việc xảy ra khiến cho một thiếu uý và một cán bộ quản giáo tại đây bị bắt giam vì tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn tiếp tay cho hành vi sai trái, gây hậu quả nghiêm trọng.

Hình thức giảm án tử hình xuống tù chung thân đối với người có thai mang tính chất nhân đạo hoàn toàn phù hợp với đạo lý nhà Phật. Ngày nay, trên thế giới có một số quốc gia bãi bỏ hoàn toàn khung hình phạt tử hình. Bởi việc xử tử hình sẽ không giúp cho người ăn năn, hối cải có cơ hội làm mới cuộc đời, ngoại trừ sự ăn năn, hối hận về phương diện cảm xúc. Tử tù muốn thể hiện sự hồi đầu cụ thể bằng hành động cũng không có điều kiện, vì cái chết đã cận kề. Nền tảng giáo dục đạo đức Phật giáo nhấn mạnh đến hai phương diện: trừng phạt và giáo dục. Luật pháp trong xã hội lại thiên về sự trừng phạt, còn giáo dục chỉ mang tính hỗ trợ vì nó không thuộc trách nhiệm của trại giam. Ngay cả người làm công tác quản giáo tại trại giam cũng không được huấn luyện về tâm lý tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo giúp người phạm tội có cơ hội tháo gỡ nỗi khổ niềm đau đã gây cho con người và xã hội nói chung.

Trong mỗi ngôi chùa Bắc tông luôn thờ hai hình ảnh. Từ phía chánh điện nhìn ra, bên trái thờ tượng ngài Hộ Pháp – tượng trưng cho ông Thiện, bên phải thờ tượng ngài Tiêu Diện Đại Sĩ – tượng trưng cho ông Ác. Gọi ông Ác không có nghĩa là ngài Tiêu Diện Đại Sĩ chuyên làm việc xấu ác, mà ngài tượng trưng cho luật pháp xã hội để trừng trị kẻ xấu ác, khi biện pháp giáo dục đạo đức trở nên bất lực, không thể chuyển hóa được kẻ xấu. Ngược lại, hình ảnh ngài Hộ Pháp lại tượng trưng cho nền tảng giáo dục và đạo đức. Nói cách khác, giáo dục trong Phật giáo dựa trên nền tảng ứng dụng cả hai khuynh hướng cùng một lúc. Có những con người chỉ cần áp dụng hình thức giáo dục đạo đức là có thể chuyển hóa họ lánh ác làm lành, tự động từ bỏ việc xấu ác trong quá khứ. Chuyển hóa về nhận thức dẫn đến chuyển hóa về hành vi, kết quả là họ đã làm mới cuộc đời. Đây là những người có căn cơ tốt, hạt giống lành, phương tiện thuận lợi, và sự hỗ trợ tích cực. Bên cạnh đó, cũng có những người mà kinh A-di-đà gọi đó là người tính tình cang cường, khó hóa độ, và việc hoá độ về phương diện đạo đức (đức dục) không đủ sức. Lúc đó, khung hình phạt về phương diện luật pháp và hình sự mới thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, đạo Phật không chấp nhận khung hình phạt tử hình. Bởi vì giết chết một con người sẽ khiến người đó bị uất hận, khi mà tâm chưa thật sự chuyển hóa và nhất là chưa nhìn thấy việc làm sai trái của mình wần chuyển hóa. Chính vì thế, nên kết hợp cả hai phương diện giáo dục, vừa hình phạt và vừa truyền bá đạo đức song hành với nhau. Nếu chỉ áp dụng duy nhất khung hình phạt, người ta có thể sợ mà không làm. Chẳng hạn như nhìn thấy các loại hình tra tấn dã man, sống trong ngục tù phải đối diện với bóng tối, không có tự do, không có phương tiện giải trí, không được sinh hoạt như một người bình thường v.v… có thể vì sợ nên họ không dám tái phạm nữa. Thế nhưng gốc rễ của hành vi phạm tội vẫn chưa được khắc phục nếu họ mãn hạn tù.

NHÀ TU TRONG NHÀ TÙ

Tại  những  quốc  gia  mà  Phật  giáo  được  xem  là  quốc  giáo như Thái Lan, tử tù và tù nhân được huấn luyện về đạo đức và thực tập thiền định. Hướng dẫn về đạo đức và Phật pháp, đặc biệt về nhân quả nghiệp báo giúp họ ý thức rằng, mỗi hành vi sẽ kéo theo phản ứng tốt xấu. Chính họ là người phải gánh chịu hoàn toàn những hành động do mình tạo ra, không thể trốn chạy được. Hiểu nhân quả, họ sẽ không dám làm. Trong các nhà tù có ứng dụng phương pháp của Phật giáo, người ta cho treo những câu kệ về nhân quả ở mỗi phòng giam, chẳng hạn như:“Phàm làm việc gì cũng nên nghĩ đến hậu quả của nó”, chắc chắn phạm nhân sẽ sợ, không dám làm. Khi phải đối diện với khổ đau, tù tội, phạm nhân mới cảm thấy ăn năn, hối hận. Những bài kệ về giáo dục nhân quả chính là chiếc phao đạo đức cứu vớt, để họ bám vào và từ bỏ tội ác bằng thái độ sám hối chân thành. Điều này tốt cho họ lẫn cộng đồng về sau.

Thái Lan là quốc gia áp dụng phương pháp giáo dục thông qua hình ảnh ngài Hộ Pháp, bằng việc thỉnh mời các vị giảng sư, pháp sư vào các trại tù giảng dạy cho phạm nhân, hướng dẫn họ tu Bát Quan Trai, làm công tác từ thiện xã hội v.v… Những tù nhân phạm tội nhẹ sẽ được người quản giáo dẫn đi làm công quả tại những ngôi chùa khác, và có người giám sát chặt chẽ. Số phạm nhân phạm tội ăn cắp được dẫn đến các trung tâm để làm từ thiện, bằng cách đích thân trao tặng những phần quà cho người đang có nhu cầu. Cảm xúc khi nhìn thấy người khác hạnh phúc vì nhận được một phần quà như vậy khiến họ biết trân quý tài sản được làm ra từ mồ hôi nước mắt. Từ đó về sau, họ không có suy nghĩ muốn cướp đi những tài sản không thuộc về mình.

Điều này tạo nên gốc rễ về lòng nhân ái, nếu ta biết kích thích, tạo chất xúc tác thích hợp thì hạt giống đó sẽ trổi dậy mãnh liệt. Về sau, họ không còn tái diễn lại hành động tội ác nữa. Sau khi học Phật pháp xong, tù nhân được tổ chức thi giáo lý ngay trong tù. Ai được điểm cao và có sự sáng tạo về khuynh hướng đổi đời, người đó sẽ được giảm án. Khuynh hướng sáng tạo  giúp  phạm  nhân  có  hướng  suy  nghĩ  tích  cực.  Nó  như  một phương  châm  làm  thay  đổi  cuộc  đời  họ  về  sau.  Phương  pháp tâm lý trong giáo dục tại Thái Lan rất ấn tượng và hiệu quả.

Ngoài ra, các trại giam còn nhấn mạnh đến phương pháp giáo dục thiền định cho phạm nhân. Đây là hình thức giáo dục mang tính chất tịnh nhiều hơn. Trước nhất, phạm nhân phải trải qua kinh nghiệm đối diện với khổ đau do chính mình gây ra bằng sự tù đày. Ý thức về tội lỗi như sự mặc cảm khiến phạm nhân có nhu cầu ăn năn sám hối. Hằng ngày, phạm nhân được hướng dẫn phương pháp thiền tập, và phải thực tập ngồi thiền vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Phương pháp thực tập thiền ở đây khá đơn giản. Họ được hướng dẫn ngồi trong tư thế hoa sen bán phần hoặc trọn phần, còn được gọi là tư thế bán già hoặc kiết già. Tư thế hoa sen bán phần (bán già), nghĩa là bàn chân này nằm lên trên bàn chân khác. Tùy vào sự thuận chân của mỗi người để có thể lựa chọn đặt bàn chân nào lên trên, và điều này không có sự qui định bắt buộc. Tư thế hoa sen toàn phần (kiết già), nghĩa là hai chân bắt chéo vào nhau, lòng bàn chân trái nằm trên đùi phải và lòng bàn chân phải nằm trên đùi trái. Đây là tư thế giao thoa âm dương tạo năng lực giúp hành giả nhiếp tâm dễ dàng. Vì Thái Lan là quốc gia theo truyền thống Phật giáo Nam tông, nên các phạm nhân được hướng dẫn thực tập phương pháp thiền quán, với nhiều cách thức buông xả nỗi khổ niềm đau.

Thứ nhất, buông xả về tội lỗi, giúp họ quán tưởng về sự ăn năn, hối cải tội lỗi mình từng gây ra cho người và xã hội. Thứ hai, thực tập lòng từ bi. Lòng từ bi phải được trải rộng khắp mười phương, từ con người, loài vật đến môi trường thiên nhiên. Giúp phạm nhân có được chất liệu yêu sự sống, yêu con người, nhìn thấy nỗi đau của người khác cũng chính là nỗi đau của mình. Thứ ba, là quán tình thân. Phạm nhân được thực tập quán tất cả người nam từng là cha, ông, chú, bác, cậu, anh trai, em  trai,  con  trai,  cháu  trai  v.v…  của  mình  trong  một  kiếp  nào đó, và quán tất cả người nữ từng là bà, mẹ, cô, dì, thím, mợ, chị gái, em gái, con gái, cháu gái v.v… Thực tập như thế để thấy nỗi khổ đau dễ tác động và ảnh hưởng đến bản thân mình nhiều nhất. Vì vậy, họ không còn có động cơ muốn gây khổ đau cho những người thân của mình. Nếu quan niệm tất cả mọi người trong xã hội đều là người thân thì không ai muốn gây tội lỗi để họ bị khổ đau. Thứ tư, quán “sau cơn mưa trời lại sáng” là cách thức giúp phạm nhận thấy rằng, cuộc đời của họ không phải vứt bỏ, chỉ cần biết ăn năn, hối lỗi là có thể làm mới cuộc đời.

Dùng hình ảnh bầu trời sáng xua đi bóng đêm mịt mờ. Khi xoá mây mù thì vầng nhật nguyệt sẽ chiếu rạng. Sử dụng nhiều hình ảnh để kết nối sự hướng thượng, lúc đó hiệu ứng giáo dục thực sự mang lại kết quả cao. Hướng dẫn thiền quán là tạo cơ hội giúp phạm nhân có đời sống tốt trong cuộc đời. Tôi đã có hai năm kinh nghiệm thực hiện công việc này tại các trung tâm cai nghiện, trại tù v.v… Cứ mỗi lần đến, đoàn chúng tôi không chỉ đơn thuần làm công tác từ thiện bằng cách tặng quà, chương trình ca nhạc, mà tặng cho họ bài pháp thoại để làm mới đời sống. Luật pháp và sự trừng phạt không thể giúp phạm nhân hồi đầu, mà trái lại hận thù càng gia tăng, tình trạng đại bàng xuất hiện khắp trại tù. Chỉ có lòng từ bi, nhân quả của đạo lý nhà Phật mới có thể giúp họ chuyển hóa. Tôi nhận thấy những chương trình từ thiện như thế rất thành công trong thời gian vừa qua.

Tu nan va tu tu 2

VUA TẦN-BÀ-SA-LA VÀ ÁN OAN TỬ TÙ

Ngày xưa thời của đức Phật, hoàng hậu Vi-đề-hi khi mang thai thái tử A-xà-thế đã được các nhà tiên tri tiên đoán rằng, đây là đứa con nghịch tử cần phải giết đi, thế nhưng vua Tần-bà-sa- la lại không nghe. Mặc dù ông rất thương A-xà-thế và muốn cho con được lên ngôi sớm hơn, A-xà-thế lại không tin thiện chí của vua cha sẽ nhường ngôi, nên đã ba lần bày mưu lập kế soái ngôi vua. Lần cuối cùng, âm mưu của A-xà-thế đã thành công. Ông giam nhốt vua cha trong ngục tù cho đến chết. Ở đây, tôi không phân tích về góc độ nhân quả nghiệp báo, mà chỉ chia sẻ về thái độ và tâm lý của người bị tù oan – vua Tần-bà-sa-la.

Đặt giả thuyết trong lúc bị giam trong ngục tù, vua Tần-bà- sa-la khởi lên nỗi oán hận, chẳng hạn như: “phải chi ta nghe lời nhà tiên tri cách đây mấy mươi năm thì hôm nay đâu phải chịu án oan tử tù từ đứa con ngỗ nghịch này”“giá mà ta giết nó ngay khi phát hiện ý định muốn soái ngôi thì đâu phải chịu cảnh giam nhốt như thế”. Nếu những câu“phải chi”“giá mà” của vua thể hiện sự hối hận thì hành động thiện và thái độ bảo vệ sự sống của nhà vua trước đây xem như mất hết. Sử sách đã ghi lại hoàn toàn trái ngược với giả thuyết, vua Tần-bà-sa-la rất hân hoan trong những ngày cuối đời. Dù A-xà-thế đã ra lệnh cấm tất cả mọi người không được phép vào thăm, ngay cả mẹ ruột của mình – hoàng hậu Vi-đề-hi. Ngoài ra, ông còn cả cấm việc mang lương thực vào trong tù cùng mọi phương diện tạo sự sống cho vua cha.

Những giờ phút cuối đời, vua Tần-bà-sa-la đã hướng về đức Phật, phát nguyện thọ trì Bát Quan Trai với tâm niệm từ bi hỷ xả, rộng lượng tha thứ, mong cho nghiệp oan khiên oán trái giữa ông và con trong quá khứ được tháo gỡ hết và kết thúc tại đây. Thông qua nghiệp tử tù này, con ông sẽ hồi đầu, chuyển ý, trở thành bậc minh quân cho thiên hạ. Ông không hề có nỗi niềm oán hận. Ông niệm Phật và nghĩ đến những việc lành từng gieo trồng trong quá khứ khiến ông hạnh phúc hơn. Đây là trạng thái tâm lý rất tốt và cần thiết đối với người bị tù oan, chết oan do tình ngay lý gian, oan khiên oán trái, trù dập v.v… cần tu tập để hoá giải tất cả.

Tu nan va tu tu 3

Tóm lại, trong tình huống bị tử nạn, cần quan niệm rằng đó là nghiệp hoạnh tử, và không được phép chán nản hay thất vọng trước những hành vi, nghĩa cử cao thượng đó. Hãy tiếp tục hành động, đừng sợ cái chết thì cái chết sẽ từ chối chúng ta. Trong tình huống tử tù do phạm pháp hình sự, hoặc do oan khiên oán trái thì về phương diện cảm xúc, người tử tù phải ăn năn, hối hận và có nỗ lực hóa giải nghiệp tiền kiếp. Có như thế, đời sống hằng ngày trong tù được vơi bớt khổ đau, không còn tình trạng một ngày ở tù bằng nghìn thu ở ngoài. Nhiều người đã thực sự thay đổi bản thân khi trải nghiệm thời gian ở tù, nhất là được ngồi tù chung với các vị tu sĩ Phật giáo. So sánh hình ảnh giữa các nhà sư ngồi tù vì liên hệ đến chính thể, chính trị, hoặc bị oan khiên oán trái và những phạm nhân bình thường hoàn toàn trái ngược. Các nhà sư rất thản nhiên, sống hạnh phúc và không oán hận. Ngược lại, các phạm nhân thì bị khủng hoảng tinh thần, tâm thần và uất hận. Tất cả đều tùy thuộc vào lối suy nghĩ và hướng giải quyết vấn đề của mỗi chúng ta.