Luật Sa di và Sa di Ni

Luật Sa di và Sa di Ni

Trương Văn Chiến 28

SA DI LUẬT NGHI YẾU LƯỢC
(Bản Yếu Lược Về Giới Luật Và Uy Nghi Của Sa Di)

Bồ Tát Giới Đệ Tử, Vân Thê Tự, Sa Môn Châu Hoằng Tập
(Châu Hoằng, Vị Sa Môn Ở Chùa Vân Thê, Đệ Tử Thọ Bồ Tát Giới, Biên Tập)

(1)Phạn ngữ sa di, thử vân tức từ, vị tức ác hành từ, tức thế nhiễm nhi từ tế chúng sanh dã. Diệc vân cần sách, diệc vân cầu tịch. Luật nghi giả, thập giới luật chư uy nghi dã.

Phạn tự “sa di”, xứ này dịch nghĩa tức từ, là đình chỉ việc ác, thi hành từ bi: đình chỉ những sự ô nhiễm của thế tục mà từ bi tế độ chúng sanh. Cũng dịch cần sách, cũng dịch cầu tịch. Còn “luật nghi” là mười giới luật và các uy nghi.

THƯỢNG THIỆN: GIỚI LUẬT MÔN
(Chương Trước: Phần Giới Luật)

(2) Phật chế, xuất gia giả ngũ hạ dĩ tiền tinh chuyên giới luật, ngũ hạ dĩ hậu phương nãi thính giáo tham thiền. Thị cố sa di thế lạc, tiên thọ thập giới, thứ tắc đăng đàn thọ cụ. Kim danh vi sa di, nhi bổn sở thọ giới, ngu giả mang hồ bất tri, cuồng giả hốt nhi bất học, tiện nghĩ liệp đẳng, võng ý cao viễn, diệc khả khái hỷ. Nhân thủ thập giới lược giải sổ ngữ, sử mông học tri sở hướng phương. Hảo tâm xuất gia giả, thiết ý tuân hành, thận vật vi phạm. Nhiên hậu cận vi tỷ kheo giới chi giai thê, viễn vi bồ tát giới chi căn bản, nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ, thứ cơ thành tựu thánh đạo, bất phụ xuất gia chi chí hỷ. Nhược nhạo quảng lãm, tự đương duyệt Luật tạng toàn thư. Kỳ thập giới danh xuất Sa di thập giới kinh, Phật sắc Xá lợi phất vị La hầu la thuyết.

Phật qui định, người xuất gia 5 hạ về trước phải chuyên học và tinh tường về giới luật, 5 hạ về sau mới học hỏi giáo lý, tham cứu thiền học. Thế nên các vị sa di xuống tóc rồi, trước hết phải lãnh thọ 10 giới, kế đó mới bước lên giới đàn lãnh thọ cụ túc giới. Ngày nay, gọi là sa di mà đối với giới luật của mình lãnh thọ, người ngu thì mờ mịt không biết, kẻ cuồng thì xao lãng không học, liền nghĩ vượt bậc, mơ mòng cao xa, thật đáng bùi ngùi. Vì vậy mà tôi đem 10 giới lược giải vài lời, để người sơ học biết phương trời mà họ phải hướng tới. Những người xuất gia với tâm chí tốt, hãy thiết ý tuân hành, thận trọng đừng để vi phạm. Như vậy mới gần thì làm thềm làm thang cho tỷ kheo giới, xa thì làm rễ làm gốc cho bồ tát giới. Rồi nhân giới sanh định, nhân định phát tuệ, ngõ hầu thành tựu thánh đạo, không phụ chí hướng xuất gia. Nếu thích xem cho rộng thì nên tự cứu xét toàn văn các sách [nói về Sa di] trong Luật tạng. Danh hiệu 10 giới sau đây xuất từ kinh Sa di thập giới, Phật dạy tôn giả Xá lợi phất nói cho tôn giả La hầu la.

(3) Nhất viết bất sát sanh. Giải viết: Thượng chí chư Phật, thánh nhân, sư tăng, phụ mẫu, hạ chí quyên phi nhuyễn động, vi tế côn trùng, đãn hữu mạng giả bất đắc cố sát, hoặc tự sát, hoặc giáo tha sát, hoặc kiến sát tùy hỷ, quảng như Luật trung, văn phồn bất lục. Kinh tái, đông nguyệt sanh sắt, thủ phóng trúc đồng trung, noãn dĩmiên nhứ, dưỡng dĩ nị vật, khủng kỳ cơ đống nhi tử dã. Nãi chí lự thủy, phú đăng, bất súc miêu ly đẳng, giai từ bi chi đạo dã. Vi loại thượng nhiên, đại giả khả tri hỷ. Kim nhân bất năng như thị hành từ, phục da thương hại, khả hồ? Cố kinh vân, thi ân tế phạp, sử kỳ đắc an, nhược kiến sát giả, đương khởi từ tâm. Y, khả bất giới dư?

Một là không được sát sanh. Giải: Trên đến chư Phật, thánh nhân, sư tăng, cha mẹ, dưới đến quyên phi nhuyễn động, vi tế côn trùng, hễ có sinh mạng thì không được cố giết, bằng cách hoặc tự mình giết, hoặc bảo người giết, hoặc thấy người giết mà mừng theo, nói rộng như trong Luật tạng, vì văn nhiều nên không sao chép ra đây. Kinh ghi, mùa đông hay sinh chấy rận, hãy bắt bỏ trong ống tre, ủ ấm bằng bông, nuôi sống bằng đồ cáu bẩn, là sợ chúng đói lạnh mà chết đi. Cho đến lọc nước, che đèn, không nuôi mèo chồn vân vân, đều là đạo từ bi cả. Đối với loài nhỏ mà còn như thế, thì đối với loài lớn có thể nghiệm biết. Con người thời nay đã không thể thi hành từ bi như vậy, mà lại còn thương tổn, sát hại, như thế được chăng? Nên kinh đã dạy, thi ân cứu giúp, cho chúng được yên, nếu thấy bị giết, nên sinh từ tâm. Như thế không răn giữ được sao?

(4) Nhị viết bất đạo. Giải viết: Kim ngân trọng vật, dĩ chí nhất châm nhất thảo, bất đắc bất dữ nhi thủ. Nhược thường trú vật, nhược tín thí vật, nhược tăng chúng vật, nhược quan vật, dân vật, nhất thế vật, hoặc đoạt thủ, hoặc thiết thủ, hoặc trá thủ, nãi chí thâu thuế mạo độ đẳng, giai vi thâu đạo. Kinh tái, nhất sa di đạo thường trú quả thất mai, nhất sa di đạo chúng tăng bính sổ phiên, nhất sa di đạo chúng tăng thạch mật thiểu phần, câu đọa địa ngục. Cố kinh vân, ninh tựu đoạn thủ, bất thủ phi tài. Y, khả bất giới dư?

Hai là không được trộm cướp. Giải: Từ vật quí trọng như vàng bạc, cho đến một cây kim một ngọn cỏ, không được không cho mà lấy. Vật của thường trú, vật của tín thí, vật của tăng chúng, vật của quan, vật của dân, vật của tất cả, mà lấy bằng cách chiếm đoạt, lấy bằng cách trộm cắp, lấy bằng cách lừa gạt, cho đến trốn thuế, gạt đò vân vân, đều là trộm cướp. Kinh ghi, một sa di trộm trái của thường trú bảy quả, một sa di trộm bánh của chúng tăng vài cái, một sa di trộm đường phèn của chúng tăng chút ít, đều rơi vào địa ngục cả. Nên kinh đã dạy, thà là chặt tay, không lấy phi tài. Như thế không răn giữ được sao?

(5) Tam viết bất dâm. Giải viết: Tại gia ngũ giới duy chế tà dâm, xuất gia thập giới toàn đoạn dâm dục. Đãn can phạm thế gian nhất thế nam nữ, tất danh phá giới. Lăng nghiêm kinh tái, Bảo liên hương tỷ kheo ni tư hành dâm dục, tự ngôn dâm dục phi sát phi thâu, vô hữu tội báo, toại cảm thân xuất mãnh hỏa, sanh hãm địa ngục. Thế nhân nhân dục sát thân vong gia, xuất tục vi tăng khởi khả cánh phạm? Sanh tử căn bản, dục vi đệ nhất. Cố kinh vân, tuy dâm dật nhi sanh, bất như trinh khiết nhi tử. Y, khả bất giới dư?

Ba là không được dâm dục. Giải: Năm giới tại gia chỉ hạn chế tà dâm, còn mười giới xuất gia thì cấm hẳn dâm dục. Hễ can phạm đến hết thảy nam nữ trong thế gian thì gọi là phá giới cả. Trong kinh Lăng nghiêm ghi, tỷ kheo ni Bảo liên hương lén làm việc dâm dục, rồi chính mình tuyên ngôn, rằng dâm dục không phải giết thân ai, không phải trộm của ai, nên không có tội báo, do đó cảm ra thân xuất lửa dữ, đang sống mà vùi xuống địa ngục. Thế nhân vì dâm dục mà giết thân, mất nhà, xuất gia làm tăng sĩ há lại còn phạm? Căn bản sinh tử, dục là thứ nhất. Nên kinh đã dạy, dẫu dâm dật mà sống, không bằng trinh khiết mà chết. Như thế không răn giữ được sao?

(6) Tứ viết bất vọng ngữ. Giải viết: Vọng ngữ hữu tứ. Nhất giả vọng ngôn, vị dĩ thị vi phi, dĩ phi vi thị, kiến ngôn bất kiến, bất kiến ngôn kiến, hư vọng bất thật đẳng. Nhị giả ỷ ngữ, vị trang sức phù ngôn mỹ ngữ, diễm khúc tình từ, đạo dục tăng bi, đãng nhân tâm chí đẳng. Tam giả ác khẩu, vị thô ác mạ lị nhân đẳng. Tứ giả lưỡng thiệt, vị hướng thử thuyết bỉ, hướng bỉ thuyết thử, ly gián ân nghĩa, khiêu toa đấu tranh đẳng. Nãi chí tiền dự hâểu hủy, diện thị bối phi, chứng nhập nhân tội, phát tuyên nhân đoản, giai vọng ngữ chi loại dã. Nhược phàm phu tự ngôn chứng thánh, như ngôn dĩ đắc Tu đà hoàn quả, Tư đà hàm quả đẳng, danh đại vọng ngữ, kỳ tội cực trọng. Dư vọng ngữ, vị cứu tha cấp nạn, phương tiện quyền xảo, từ bi lợi tế giả, bất phạm. Cổ nhân vị hành kỷ chi yếu, tự bất vọng ngữ thỉ, huống học xuất thế chi đạo hồ? Kinh tái, sa di khinh tiếu nhất lão tỷ kheo độc kinh, thanh như cẩu phệ; nhi lão tỷ kheo giả thị A la hán, nhân giáo sa di cấp sám, cẩn miễn địa ngục, do đọa cẩu thân. Ác ngôn nhất cú, vi hại chí thử! Cố kinh vân, phù sĩ xử thế, phủ tại khẩu trung, sở dĩ trạm thân, do kỳ ác ngôn. Y, khả bất giới dư?

Bốn là không được nói dối. Giải: Nói dối có bốn. Một, nói dối trá, là phải bảo trái, trái bảo phải, thấy nói không, không nói thấy, dối trá không thật vân vân. Hai, nói thêu dệt, là trau chuốt lời nói phù phiếm, từ ngữ hoa mỹ khúc nhạc diễm lệ, lời ca tình tứ, dắt dẫn dục vọng, tăng thêm sầu bi, làm đãng tâm chí của người vân vân. Ba, nói thô ác, là nói thô tục, độc ác, mắng chửi người vân vân. Bốn, nói hai lưỡi, là đến người này nói người kia, đến người kia nói người này, ly gián ân nghĩa, khêu chọc và xúi bảo cho họ đấu nhau, tranh nhau vân vân. Cho đến trước khen sau chê, mặt phải lưng trái, chứng vào tội người, rêu rao lỗi người, đều thuộc loại vọng ngữ. Nếu phàm phu tự nói chứng được thánh quả, như nói đã được quả Tu đà hoàn, được quả Tư đà hàm vân vân, thì gọi là đại vọng ngữ, tội ấy rất nặng. Ngoài ra, vọng ngữ vì cứu hoạn nạn cấp bách cho kẻ khác, phương tiện quyền biến, từ bi mà ích lợi, cứu giúp, thì không phạm. Cổ nhân có nói, điều thiết yếu của việc sửa mình là bắt đầu từ sự không nói dối, huống chi người học đạo xuất thế? Kinh ghi, một sa di khinh cười một vị tỷ kheo già đọc kinh, rằng tiếng như chó sủa. Vị tỷ kheo ấy là bậc A la hán, nên dạy sa di cấp tốc sám hối, nhưng chỉ khỏi địa ngục, vẫn còn đọa làm thân chó. Một câu nói thô ác mà làm hại đến như thế đó! Nên kinh đã dạy, con người ở đời, búa nằm trong miệng, vì vậy chém mình, bởi lời nói ác. Như thế không răn giữ được sao?

(7) Ngũ viết bất ẩm tửu. Giải viết: Ẫm tửu giả, vị ẩm nhất thế năng túy nhân chi tửu. Tây vức tửu hữu đa chủng: cam giá, bồ đào, cập dữ bách hoa, giai khả tạo tửu. Thử phương chỉ hữu mễ tạo. Câu bất khả ẩm. Trừ hữu trọng bịnh, phi tửu mạc liệu giả, bạch chúng phương phục. Vô cố, nhất trích bất khả triêm thần. Nãi chí bất đắc khứu tửu, bất đắc chỉ tửu xá, bất đắc dĩ tửu ấm nhân. Nghi Địch tạo tửu, Vũ nhân thống tuyệt. Trụ tác tửu trì, quốc dĩ diệt vọng. Tăng nhi ẩm tửu, khả sỉ vưu thậm. Tích hữu ư bà tắc nhân phá tửu giới, toại tính dư giới câu phá. Tam thập lục thất, nhất ẩm bị diên, quá phi tiểu hỷ. Tham ẩm chi nhân tử đọa Phí thỉ địa ngục, sanh sanh ngu si, thất trí tuệ chủng, mê hồn cuồng dược liệt ư tì chẫm. Cố kinh vân, ninh ẩm dương đồng, thận vô phạm tửu. Y, khả bất giới dư?

Năm là không được uống rượu. Giải: Uống rượu là uống tất cả thứ rượu có khả năng làm say con người. Tây vức rượu có nhiều thứ: mía, nho, cùng với trăm hoa đều có thể làm rượu. Địa phương này chỉ có rượu làm bằng gạo. Tất cả đều không được uống. Trừ lúc có bịnh nặng, phi rượu không chữa được, thì phải tác bạch tăng chúng mới uống. Vô cớ thì một giọt cũng không được thấm môi. Cho đến không được ngửi rượu, không được dừng ở quán rượu, không được đem rượu cho người uống. Nghi Địch chế rượu, Vũ vương nhân đó đau xót tuyệt bỏ. Trụ vương làm hồ rượu, quốc gia vì thế diệt vong. Tăng sĩ mà còn uống rượu thì càng đáng sỉ nhục hơn nữa. Xưa có ưu bà tắc vì phá giới uống rượu mà luôn các giới khác đều phá. Ba mươi sáu lỗi, một việc uống rượu có đủ tất cả, tội ác không phải nhỏ. Kẻ ham uống rượu thì chết rồi phải đọa vào địa ngục Phân sôi, đời đời ngu si, mất giống trí tuệ, nên rượu là thuốc cuồng làm mê loạn tâm hồn còn dữ hơn cả đá tì, chim chẫm. Nên kinh đã dạy, thà uống nước đồng nấu chảy, thận trọng đừng phạm vào sự uống rượu. Như thế không răn giữ được sao?

(8) Lục viết bất trước hương hoa man, bất hương đồ thân. Giải viết: Hoa man giả, Tây vức nhân quán hoa tác man, dĩ nghiêm kỳ thủ; thử độ tắc tăng, nhung, kim, bảo, chế sức cân quan chi loại thị dã. Hương đồ thân giả, Tây vức quí nhân dụng danh hương vi mạt, linh thanh y ma thân; thử độ tắc bội hương, huân hương, chi phấn chi loại thị dã. Xuất gia chi nhân khởi nghi dụng thử. Phật chế tam y câu dụng thô sơ ma bố, thú mao tàm khẩu hại vật thương từ, phi sở ưng dã. Trừ niên cập thất thập, suy đồi chi thậm, phi bạch bất noãn giả, hoặc khả vi chi, dư câu bất khả. Hạ Vũ ác y, Công tôn bố bị, vương thần chi quí, nghi vi bất vi, khởi đắc đạo nhân phản tham hoa sức. Hoại sắc vi phục, phấn tảo tế hình, cố kỳ nghi hỷ. Cổ hữu cao tăng tam thập niên trước nhất lưỡng hài, huống phàm bối hồ. Y, khả bất giới dư?

Sáu là không được mang vòng hoa thơm hay dùng hương thơm xoa mình. Giải: Vòng hoa là người Tây vức xâu hoa làm vòng để trang sức đầu họ, còn quốc độ này là cái loại dùng lụa, nhung, vàng và các thứ quí báu mà chế tạo hay trang sức khăn mão. Dùng hương thơm xoa mình là kẻ sang ở Tây vức dùng danh hương làm bột, bảo thanh y xát vào mình, còn quốc độ này là cái loại đeo hương, xông hương, sáp và phấn. Người xuất gia đâu có nên dùng những thứ đó. Phật qui định ba pháp y đều dùng toàn vải gai thô sơ, còn lông thú miêÍng tằm thì hại sinh vật, tổn từ bi, không phải những thứ thích hợp với người xuất gia. Trừ tuổi đến bảy mươi, suy đồi quá lắm, phi lụa không ấm thì hoặc có thể dùng được, còn những kẻ khác đều không thể. Vũ vương nhà Hạ chỉ mặc áo xấu, Công tôn Hoằng chỉ dùng áo ngủ bằng vải, sang như đế vương đại thần, đáng dùng mà không dùng, thì người hành đạo đâu được ngược lại, ham phục sức hoa mỹ. Nên, lấy hoại sắc làm y phục, lấy phấn tảo che thân hình, vốn là sự thích nghi của người xuất gia. Xưa có vị cao tăng mà ba mươi năm chỉ mang một đôi giày, huống chi hạng phàm phu. Như thế không răn giữ được sao?

(9) Thất viết bất ca vũ xướng kỹ bất vãng quan thính. Giải viết: Ca giả khẩu xuất ca khúc; vũ giả thân vi hý vũ; xướng kỹ giả vị cầm sắt tiêu quản chi loại thị dã; bất đắc tự tác, diệc bất đắc tha nhân tác thời cố vãng quan thính. Cổ hữu tiên nhân, nhân thính nữ ca âm thanh vị diệu, cự thất thần túc. Quan thính chi hại như thị, huống tự tác hồ? Kim thế ngu nhân, nhân Pháp hoa hữu tì bà nao bạt chi cú, tứ học âm nhạc. Nhiên Pháp hoa nãi cúng dường chư Phật, phi tự ngu dã.?ng viện tác nhân gian pháp sự đạo tràng, do khả vi chi, kim vị sanh tử xả tục xuất gia, khởi nghi bất tu chánh vụ nhi cầu công kỹ nhạc? Nãi chí vi kỳ, lục bác, đầu trịch, xu bồ đẳng sự, giai loạn đạo tâm, tăng trưởng quá ác. Y, khả bất giới dư?

Bảy là không được ca, vũ, hòa tấu, biểu diễn, hay đi xem nghe. Giải: Ca là miệng hát các khúc ca, vũ là thân múa các điệu vũ, hòa tấu biểu diễn là cái loại đàn cầm đàn sắt ống tiêu ống quản. Không được chính mình tự làm những việc này, mà khi người khác làm, mình cũng không được cố đi xem và nghe. Xưa có tiên nhân vì nghe con gái hát, âm thanh tuyệt diệu, mà thốt nhiên mất liền thần túc. Cái hại xem nghe còn như thế, huống chi tự làm? Ngày nay, những kẻ ngu muội nhân kinh Pháp hoa có câu tì bà nao bạt nên tự ý phóng túng mà học âm nhạc. Nhưng trong kinh Pháp hoa nói, là để hiến cúng chư Phật, không phải tự vui. Do đó, những am viện ứng phó làm đạo tràng pháp sự trong nhân gian thì hoặc có thể làm được, còn nay vì vấn đề sanh tử mà thoát tục xuất gia, thì đâu có thể không tu tập việc chính, lại cầu học tập cho khéo về kỹ nhạc. Cho đến những việc đánh vi kỳ, lục bác, đầu trịch, xu bồ, vân vân, đều rối loạn đạo tâm, thêm lớn tội ác. Như thế không răn giữ được sao?

(10) Bát viết bất tọa cao quảng đại sàng. Giải viết: Phật chế thằng sàng cao bất quá Như lai bát chỉ. Quá thử tức phạm. Nãi chí tất thể điêu khắc, cập sa quyến trướng nhục chi loại, diệc bất nghi dụng. Cổ nhân dụng thảo vi tòa, túc ư thọ hạ; kim hữu sàng tháp diệc ký thắng hỷ, hà cánh cao quảng, túng tứ huyễn khu. Hiếp tôn giả nhất sanh hiếp bất trước tịch, Cao phong Diệu thiền sư tam niên lập nguyện bất triêm sàng đắng, Ngộ đạt thọ trầm hương chi tòa thượng tổn phước nhi chiêu báo. Y, khả bất giới dư?

Tám là không được ngồi giường cao và rộng lớn. Giải: Phật qui định giường giây cao không quá tám ngón tay của Ngài. Quá cỡ ấy thì phạm. Cho đến cái loại sơn vẽ chạm trổ và màn nệm bằng sa lụa cũng không nên dùng. Phật mà dùng cỏ làm đồ ngồi, đêm nghỉ dưới cây; nay ta có giường có chõng cũng đã hơn rồi, sao lại phải cao rộng để phóng túng xác huyễn. Hiếp tôn giả một đời hông không dính chiếu, Cao phong Nguyên diêểu thiền sư ba năm lập nguyện không dính giường ghế, Ngộ đạt quốc sư nhận pháp tọa trầm hương còn tổn phước mà rước họa. Như thế không răn giữ được sao?

(11) Cửu viết bất phi thời thực. Giải viết: Phi thời giả, quá nhật ngọ phi Tăng thực chi thời phận dã. Chư thiên tảo thực, Phật ngọ thực, súc sanh ngọ hậu thực, quỉ dạ thực. Tăng nghi học Phật, bất quá ngọ thực. Ngạ quỉ văn oản bát thanh, tắc yết trung hỏa khởi, cố ngọ thực thượng nghi tịch tịnh, huống quá ngọ hồ. Tích hữu cao tăng, văn lân phòng tăng ngọ hậu cử thoán, bất giác thế khấp, bi Phật pháp chi suy tàn dã. Kim nhân thể nhược đa bịnh, dục sác sác thực giả, hoặc bất năng trì thử giới, cố cổ nhân xưng vãn thực vi dược thạch, thủ liệu bịnh chi ý dã. Tất dã tri vi Phật chế sanh đại tàm quí, niệm ngạ quỉ khổ thường hành bi tế, bất đa thực, bất mỹ thực, bất an ý thực, thứ cơ khả nhĩ. Như hoặc bất thiên, đắc tội di trọng. Y, khả bất giới dư?

Chín là không được ăn phi thời. Giải: Phi thời là quá giờ ngọ thì không phải giờ ăn của tăng sĩ. Chư thiên ăn buổi sáng, Phật ăn giờ ngọ, súc sanh ăn sau giờ ngọ, quỉ ăn ban đêm. Tăng nên học Phật, không ăn quá giờ ngọ. Ngạ quỉ nghe tiếng chén bát thì trong cổ họng lửa nổi lên, nên ăn đúng giờ ngọ mà còn phải yên tịnh, huống quá giờ ngọ ấy. Xưa có vị cao tăng nghe vị tăng sĩ ở phòng bên cạnh, sau giờ ngọ mà thổi bếp, bất giác rơi lụy khóc thầm, buồn nỗi suy tàn của Phật pháp. Con người thời nay, có kẻ mình yếu, nhiều bịnh, muốn ăn luôn luôn, hoặc không thể giữ giới này, nên cổ nhân gọi bữa ăn chiều là thuốc, là lấy cái ý chữa bịnh. Nhưng quyết định phải biết trái với sự qui định của Phật mà phát sanh sự hổ thẹn to lớn, nghĩ nhớ nỗi thống khổ của ngạ quỉ mà thường hành từ bi, không ăn nhiều, không ăn ngon, không ăn một cách yên dạ, mới có thể tạm được. Nếu không thì đắc tội càng nặng. Như thế không răn giữ được sao?

(12) Thập viết bất tróc trì sanh tượng kim ngân bảo vật. Giải viết: Sanh tức kim dã. Tượng, tợ dã; tợ kim giả ngân dã. Vị kim sắc sanh bản tự hoàng; ngân khả nhiễm hoàng, tợ kim dã. Bảo giả thất bảo chi loại dã. Giai trưởng tham tâm, phương phế đạo nghiệp. Cố Phật tại thế thời, Tăng giai khất thực, bất lập yên thoán, y phục phòng thất tất nhậm ngoại duyên, trí kim ngân ư vô dụng chi điểa. Tróc trì thượng cấm, thanh khả tri hỷ. Sừ kim bất cố, thế nho thượng nhiên, Thích tử xưng bần, súc tài hề dụng? Kim nhân bất năng câu hành khất thực, hoặc nhập tòng lâm, hoặc trú am viện, hoặc xuất viễn phương, diệc vị miễn hữu kim ngân chi phí. Tất dã tri vi Phật chế sanh đại tàm quí, niệm tha bần phạp thường hành bố thí, bất doanh cầu, bất súc tích, bất phiến mại, bất dĩ thất bảo trang sức y khí đẳng vật, thứ cơ khả nhĩ. Như hoặc bất nhiên, đắc tội di trọng. Y, khả bất giới dư?

Mười là không được nắm giữ sanh tượng (vàng bạc) bảo vật. Giải: Sanh là vàng. Tượng là tương tự; tương tự với vàng là bạc. Nghĩa là sắc của vàng sanh ra vốn tự vàng, còn bạc có thể nhuộm sắc vàng nên tương tự với vàng. Bảo là cái loại bảy thứ quí báu. Tất cả đều tăng trưởng tham tâm, trở ngại và phế bỏ đạo nghiệp. Nên khi Phật tại thế, tăng sĩ đều khất thực, không lập bếp núc, áo cơm phòng thất đều tùy ngoại duyên, đặt vàng bạc vào vị trí vô dụng. Nắm giữ mà còn cấm thì sự thanh bạch có thể biết được. Bừa nhằm vàng mà không ngoái lại để ngắm, nho sĩ thế gian còn như thế, Thích tử tự xưng bần đạo thì chứa của làm gì? Người xuất gia thời nay không phải ai cũng khất thực, mà hoặc nhập tòng lâm, hoặc ở am viện, hoặc đi phương xa, cũng không khỏi cần đến tiền bạc. Nhưng quyết định phải biết trái với sự qui định của Phật mà phát sanh sự hổ thẹn to lớn, nghĩ nhớ nỗi nghèo thiếu của người khác mà thường hành bố thí, không mưu cầu, không dồn chứa, không buôn bán, không dùng bảy thứ quí báu trang sức những vật y phục, đồ dùng, vân vân, mới có thể tạm được. Nếu không thì đắc tội càng nặng. Như thế không răn giữ được sao?

HẠ THIÊN: UY NGHI MÔN
(Chương Sau: Phần Uy Nghi)

(13) Phật chế, sa di niên mãn nhị thập, dục thọ cụ túc giới thời, nhược vấn, bất năng cụ đối sa di sự giả, bất ưng dữ cụ túc giới. Đương vân, khanh tác sa di, nãi bất tri sa di sở thi hành! Sa môn sự đại nan tác; khanh thả khứ thục học, đương tất văn tri, nãi ưng thọ cụ túc giới. Kim thọ khanh cụ túc giới, nhân vị Phật pháp dị hành, sa môn dị tác. Cố đương tiên vấn. Dĩ hạ điều tắc, ư sa di uy nghi chư kinh, cập cổ thanh qui, kim Sa di thành phạm trung tiết xuất. Hựu Tuyên luật sư Hành hộ luật nghi, tuy giới tân học tỷ kheo, hữu khả thông dụng giả diệc tiết xuất. Lương dĩ mạt pháp nhân tình đa chư giải đãi, văn phồn tắc yểm, do thị san phồn thủ yếu, nhưng phân loại dĩ tiện độc học. Gian hữu vị bị, tùng nghĩa bổ nhập nhất nhị. Kỳ hữu nhạo quảng lãm giả, tự đương kiểm duyệt toàn thư.

Phật qui định, sa di tuổi đầy hai mươi, khi muốn lãnh thọ cụ túc giới, nếu chất vấn mà người nào không thể phúc đáp đầy đủ về việc sa di, thì không nên truyền thọ cụ túc giới cho người ấy. Nên bảo, ông làm sa di mà không biết việc sa di phải làm, huống chi việc sa môn là việc lớn, khó làm. Ông hãy đi học cho thuộc, phải nghe và biết đủ cả, mới nên lãnh thọ cụ túc giới. Bây giờ truyền thọ cụ túc giới cho ông thì người ta bảo Phật pháp dễ tu, sa môn dễ làm. Vì vậy nên phải chất vấn trước. Nhữngđiều tắc dưới đây là trích ra từ các bản kinh nói về uy nghi sa di, từ bản thanh qui đời xưa và sách Sa di thành phạm đời nay. Tác phẩm Hành bộ luật nghi của Tuyên luật sư tuy để răn bảo các vị tỷ kheo mới học, nhưng điều nào có thể thông dụng thì cũng trích ra. Vì lòng người thời đại mạt pháp lắm sự biếng nhác, nghe nhiều thì chán, do đó mà tôi lọc bỏ những điều phồn toái, trích lấy những chỗ chính yếu. Nhưng vẫn phân loại để tiện cho việc học đọc. Tựu trung có chỗ nào chưa đủ, tôi theo ý nghĩa mà phụ thêm một vài điều. Ai thích xem cho rộng thì nên tự cứu xét toàn văn các sách [trên đây].

Kính Đại Sa Môn Đệ Nhất
(Thứ 1, Kính Đại Sa Môn)

(Từ đây sắp đi, nguyên văn chữ Hán, dịch âm cũng như dịch nghĩa, dấu * để xếp loại các việc (có khi 1 việc là 1 loại, có khi 2 việc sắp lên là 1 loại). Như vậy dấu * ấy không có ý nghĩa thông thường của nó).

(14) Bất đắc hoán đại sa môn tự * Bất đắc đạo thính đại sa môn thuyết giới * Bất đắc chuyển hành thuyết đại sa môn quá * Bất đắc tọa kiến đại sa môn quá bất khởi, trừ độc kinh thời, bịnh thời, thế phát thời, phạn thời, tác chúng sự thời * Hành hộ vân, ngũ hạ dĩ thượng tức xà lê vị, thập hạ dĩ thượng tức hòa thượng vị. Tuy tỷ kheo sự, sa di đương dự tri chi.

Không được gọi tên chữ của đại sa môn * Không được lén nghe đại sa môn thuyết giới Không được nói chuyền lầm lỡ của đại sa môn * Không được ngồi thấy đại sa môn đi qua mà không đứng dậy, trừ lúc đọc kinh, lúc bịnh, lúc cắt tóc, lúc ăn cơm, lúc làm việc tăng chúng * Hành hộ viết, 5 hạ sắp lên là điểa vị xà lê, 10 hạ sắp lên là địa vị hòa thượng. Dầu là việc của tỷ kheo, sa di cũng phải biết trước.

Sự Sư Đệ Nhị
(Thứ 2, Thờ Thầy)

(15) Đương tảo khởi. Dục nhập hộ, đương tiên tam đàn chỉ * Nhược hữu quá, hòa thượng a xà lê giáo giới chi, bất đắc hoàn nghịch ngữ * Thị hoà thượng a xà lê đương như thị Phật * Nhược sử xuất bất tịnh khí, bất đắc thóa, bất đắc nộ nhuế * Nhược lễ bái, sư tọa thiền bất ưng tác lễ, sư kinh hành bất ưng tác lễ, sư thực, sư thuyết kinh, sư xơ xỉ, sư tháo dục, sư miên tức đẳng, câu bất ưng tác lễ. Sư bế hộ, bất ưng hộ ngoại tác lễ. Dục nhập hộ tác lễ, ưng đàn chỉ tam biến; sư bất ứng, ưng khứ * Trì sư ẩm thực, giai đương lưỡng thủ bổng. Thực tất, liễm khí đương từ từ * Thị sư, bất đắc đối diện lập, bất đắc cao xứ lập, bất đắc thái viễn lập; đương linh sư tiểu ngữ đắc văn, bất phí tôn lực *

Nên dậy sớm. Muốn vào cửa, trước hết nên đàn chỉ 3 lần * Nếu có lỗi, hòa thượng hay xà lê răn dạy thì không được nói trả, nói nghịch * Chiêm ngưỡng hòa thượng và xà lê, nên như chiêm ngưỡng Phật * Nếu bảo đổ đồ bất tịnh thì không nên nhổ nước miếng, không nên giận tức * Nếu lễ bái thì thầy ngồi thiền không nên làm lễ, thầy kinh hành không nên làm lễ, thầy thọ thực, thầy thuyết kinh, thầy đánh răng, thầy tắm rửa, thầy ngủ nghỉ vân vân, đều không nên làm lễ. Thầy đóng cửa, không nên ở ngoài cửa làm lễ. Muốn vào cửa làm lễ, nên đàn chỉ 3 lần; thầy không trả lời thì nên đi * Cầm đồ uống đồ ăn của thầy đều nên bưng 2 tay. Ăn rồi, dọn đồ thì phải từ từ * Hầu thầy, không được đứng đối diện, không được đứng chỗ cao, không được đứng quá xa; phải đứng sao để thầy nói nhỏ mình nghe được, khỏi phí sức thầy *

(16) Nhược thỉnh vấn Phật pháp nhân duyên, đương chỉnh y lễ bái, hiệp chưởng hồ quị; sư hữu ngữ, trừng tâm đế thính, tư duy thâm nhập. Nhược vấn gia thường sự, bất tu bái quị, đãn đoan lập sư trắc, cứ thật thân bạch. Sư nhược thân tâm quyện, giáo khứ ưng khứ, bất đắc tâm tình bất hỷ, hiện ư nhan sắc * Phàm hữu phạm giới đẳng sự, bất đắc phú tàng, tốc nghệ sư tiền ai khất sám hối. Sư hứa tắc tận tình phát lộ, tinh thành hối cải, hoàn đắc thanh tịnh * Sư ngữ vị liễu, bất đắc ngữ * Bất đắc hý tọa sư tòa, cập ngọa sư sàng, trước sư y mạo đẳng * Vị sư trì đạt thư tín, bất đắc tư tự chiết khán, diệc bất đắc dữ nhân khán. Đáo, bỉ hữu vấn, ưng đáp tắc thật đối, bất ứng đáp tắc thiện từ khước chi. Bỉ lưu, bất đắc tiện trú, đương nhất tâm tư sư vọng qui * Sư đối tân, hoặc lập thường xứ, hoặc ư sư trắc, hoặc ư sư hậu, tất sử nhĩ mục tương tiếp, hầu sư sở tu * Sư tật bịnh, nhất nhất dụng tâm điều trị, phòng thất bị nhục, dược nhĩ chúc thực đẳng * Trì y, thọ lý, tẩy hoán, hồng sái đẳng, cụ ư luật trung, tư bất phồn lục.

Nếu xin hỏi Phật pháp thì phải sửa y, lễ bái, chắp tay, hồ quì; thầy có dạy thì lắng lòng nghe kỹ suy nghĩ vào sâu. Nếu hỏi việc thường của trú xứ thì không cần lạy quì, chỉ đứng ngay thẳng cạnh thầy, cứ thật trình bày. Nếu thầy mệt mỏi cơ thể hay tâm trí, bảo đi thì nên đi, không được lòng dạ không vui, hiện ra sắc mặt * Phàm có những việc phạm giới vân vân, không được che giấu, phải cấp tốc đến trước thầy, thiết tha xin sám hối. Thầy chấp nhận thì tận tình phát lộ, chân thành hối cải, phục hồi thanh tịnh * Thầy nói chưa xong, không được nói * Không được ngồi chơi chỗ ngồi của thầy, nằm chơi giường thầy, dùng chơi áo mão của thầy, vân vân * Vì thầy đi đưa thư, không được tự lén mở coi, cũng không được cho người coi. Đến, người nhận có hỏi, nên trả lời thì trả lời thành thật, không nên trả lời thì khéo từ khước. Họ lưu giữ thì không được ở liền, phải nhất tâm nhớ thầy mong về * Thầy tiếp khách thì hoặc đứng chỗ thường đứng, hoặc đứng cạnh thầy, hoặc đứng sau thầy, phải làm cho tai mắt tiếp nhau, hầu thầy cần dùng * Thầy đau ốm thì nhất nhất chú ý chăm sóc, như phòng thất, chăn nệm, thuốc thang, cháo cơm vân vân * Cầm áo, đưa giày, giặt rửa, sấy phơi, vân vân, thì dạy đủ cả trong Luật, ở đây không chép nhiều.

(17) Phụ.- Phàm thị sư, bất mạng tọa bất cảm tọa, bất vấn bất cảm đối, trừ tự hữu sự dục vấn. Phàm thị lập, bất đắc ỷ bích kháo trác, nghi đoan thân tề túc trắc lập * Dục lễ bái, nhược sư chỉ chi, nghi thuận sư mạng, vật bái * Phàm sư dữ khách đàm luận thiệp đạo thoại, hữu ích thân tâm giả, giai đương ký thủ * Sư hữu sở sử linh, nghi cập thời tác biện, bất đắc vi mạn * Phàm thụy miên, bất đắc tiên sư * Phàm nhân vấn sư húy, đương vân thượng mỗ tự hạ mỗ tự * Phàm đệ tử, đương trạch minh sư, cửu cửu thân cận, bất đắc ly sư thái tảo; như sư thật bất minh, đương biệt cầu lương đạo. Thiết ly sư, đương ức sư hối, bất đắc túng tình tự dụng, tùy thế tục lưu hành bất chánh sự; diệc bất đắc trú thị tỉnh náo xứ, bất đắc trú thần miếu, bất đắc trú dân phòng, bất đắc trú cận ni tự xứ, bất đắc dữ sư các trú nhi hành thế pháp trung nhất thế ác sự.

Phụ.- Phàm hầu thầy, thầy không bảo ngồi thì không dám ngồi, không hỏi thì không dám thưa, trừ mình có việc muốn hỏi. Phàm đứng hầu thì không được dựa vách, tựa ghế, mà nên mình ngay thẳng, chân tề chỉnh, đứng cạnh thầy * Muốn lễ bái, mà thầy ngăn lại thì nên thuận theo mạng lịnh của thầy, đừng lạy * Phàm thầy cùng khách đàm luận mà lời nói liên hệ Phật pháp, hữu ích thân tâm, thì đều nên nhớ lấy * Thầy có sai khiến gì thì nên kịp thời làm cho xong, không được trái, nhác hay khinh thường * Phàm ngủ nghỉ, không được trước thầy * Phàm ai hỏi tên húy của thầy, nên nói trên chữ x, dưới chữ x * Phàm đệ tử thì phải chọn bâểc minh sư, thân cận cho lâu, không được rời thầy quá sớm ; nếu thầy quả thật bất minh thì phải tìm riêng vị lương đạo. Giả sử rời thầy thì phải ghi nhớ giáo huấn của thầy, không được buông thả, tự chuyên, tùy theo dòng đời mà làm việc bất chính; cũng không được ở chỗ ồn náo là chợ giếng, không được ở miếu thần, không được ở phòng ốc dân chúng, không được ở chỗ gần chùa ni, không được cùng thầy mỗi người ở một nơi mà làm tất cả việc xấu trong thế gian.

Tùy Sư Xuất Hành Đệ Tam
(Thứ 3, Theo Thầy Đi Ra)

(18) Bất đắc quá lịch nhân gia. Bất đắc chỉ trú đạo biên cọng nhân ngữ. Bất đắc tả hữu cố thị, đương đê đầu tùy sư hậu * Đáo đàn việt gia, đương trú nhất diện, sư giáo tọa ưng tọa. Đáo tha tự viện, sư lễ Phật, hoặc tự lễ, bất đắc thiện tự minh khánh * Nhược sơn hành, đương trì tọa cụ tùy chi. Nhược viễn hành, bất đắc tương ly thái viễn. Nhược độ thủy, đương trì trượng từ thí thiển thâm * Trì bình, huề tích đẳng, cụ như Luật trung, văn phồn bất lục. Phụ * Nhược ngẫu phân hành, ước ư mỗ xứ hội, bất đắc hậu thời * Sư thọ trai, đương thị lập xuất sanh; trai tất, phục thị lập thâu sấn.

Không được ghé qua nhà người khác. Không được dừng ở bên đường cùng người nói chuyêển. Không được ngoái nhìn hai bên, mà nên cúi đầu đi theo sau thầy * Đến nhà đàn việt, nên đứng một bên thầy, thầy dạy ngồi thì nên ngồi. Đến tự viện khác, thầy lạy Phật hoặc mình lạy, đều không được tự ý đánh khánh * Nếu đi núi thì phải cầm tọa cụ theo thầy. Nếu đi xa thì không được rời nhau quá xa. Nếu lội nước thì phải cầm gậy từ từ dò thử cạn sâu * Những việc cầm bình, mang gậy vân vân, dạy đủ trong Luật, văn nhiều nên ở đây không chép. Phụ * Ngẫu nhiên tách nhau mà đi, hẹn ở chỗ nào gặp nhau, thì không được đến sau giờ hẹn * Thầy thọ trai thì phải đứng hầu xuất sanh, thọ trai xong lại phải đứng hầu thâu nhận đồ hiến cúng.

Nhập Chúng Đệ Tứ
(Thứ 4, Nhập Chúng)

(19) Bất đắc tranh tọa xứ. Bất đắc ư tòa thượng diêu tương hô ngữ tiếu * Chúng trung hữu thất nghi, đương ẩn ác dương thiện. Bất đắc phạt lao, hiển kỷ chi công * Phàm tại xứ, thụy bất tại nhân tiền, khởi bất tại nhân hậu * Phàm tẩy diện, bất đắc đa sử thủy. Sát nha thổ thủy, tu đê đầu dẫn thủy hạ, bất đắc phún thủy tiễn nhân. Bất đắc cao thanh tỷ di ẩu thổ. Bất đắc ư điện tháp, cập tịnh thất tịnh địa tịnh thủy trung thế thóa, đương ư tích xứ * Khiết trà thang thời, bất đắc chích thủ ấp nhân. Bất đắc hướng tháp tẩy xỉ, cập hướng hòa thượng, a xà lê đẳng *

Không được tranh chỗ ngồi. Không được trên chỗ ngồi mà gọi vói nhau, nói hay cười * Trong chúng có ai mất uy nghi, nên ẩn ác dương thiện. Không được khoe cái mệt để tỏ cái công của mình * Phàm ở chỗ nào, ngủ không trước người, dậy không sau người * Phàm rửa mặt, không được sử dụng nước nhiều. Đánh răng nhổ nước, phải cúi đầu đưa nước xuống, không được phun nước tạt ướt người. Không được lớn tiếng hỉ mũi, nôn ọe, khạc nhổ. Không được nơi điện tháp, và trong nhà sạch, đất sạch, nước sạch mà hỉ nước mũi, nhổ nước miếng, phải nơi chỗ khuất * Khi uống trà nước, không được dùng một tay còn lại mà xá chào người. Không được xoay về phía tháp mà tẩy răng, hay xoay về phía hòa thượng, xà lê vân vân *

(20) Phàm văn chung thanh, hiệp chưởng mặc niệm vân:

Văn chung thanh,
Phiền não khinh,
Trí tuệ trưởng,
Bồ đề sanh,
Ly địa ngục,
Xuất hỏa khanh,
Nguyện thành Phật,
Độ chúng sanh,
Án già ra đế da sa ha *

Bất đắc đa tiếu, nhược đại tiếu; cập kha khiếm, đương dĩ y tụ yểm khẩu. Bất đắc cấp hành * Bất đắc tương Phật đăng tư tựu kỷ dụng. Nhược nhiên đăng, đương hảo dĩ tráo mật phú, vật linh phi trùng đầu nhập. Cúng Phật hoa, thủ khai viên giả, bất đắc tiên khứu; trừ ủy giả phương cúng tân giả; ủy giả bất đắc khí địa tiễn đạp, nghi trí bình xứ * Bất đắc văn hô bất ứng; phàm hô, câu nghi dĩ niệm Phật ứng chi * Phàm thập di vật, tức đương bạch tri sự tăng.

Phàm nghe tiếng chuông thì chắp tay, niệm thầm như sau:

Nghe tiếng chuông,
Phiền não nhẹ,
Trí tuệ lớn,
Bồ đề sanh,
Thoát địa ngục,
Vượt hầm lửa,
Nguyện thành Phật,
Độ chúng sanh.
Án già ra đế da sa ha *

Không được cười nhiều hoặc cười lớn, và ngáp thì phải lấy tay áo bưng miệng. Không được đi gấp gáp * Không được đem đèn của Phật dùng riêng cho mình. Nếu thắp đèn, phải khéo lấy lồng che kín, đừng để loại phi trùng gieo vào. Hoa cúng Phật thì lấy thứ nở vừa và không được ngửi trước ; loại trừ thứ héo mới cúng thứ mới ; thứ héo cũng không được bỏ xuống đất dẫm đạp lên, mà nên đặt ở chỗ khuất * Không được nghe gọi mà không trả lời, và nghe gọi thì trả lời toàn bằng tiếng niệm Phật * Phàm nhặt của rơi thì tức khắc phải bạch vị tri sự.

(21) Phụ.- Bất đắc dữ niên thiếu sa di kiết hữu * Bất đắc tam y cẩu giản. Bất đắc đa tác y phục, nhược hữu dư đương xả. Bất đắc biện tinh trí thao phất, ngoạn khí đẳng, trang điểm giang hồ, thủ tiếu thức giả. Bất đắc trước sắc phục, cập loại tục nhân y sức đẳng. Bất đắc bất tịnh thủ đáp y. Phàm thượng điện, tu thúc phược khố miệt, bất đắc phóng ý tự tiện * Bất đắc nhàn tẩu. Bất đắc đa ngôn. Bất đắc tọa thị đại chúng lao vụ, tị lại thâu an * Bất đắc tư thủ chiêu đề trúc mộc, hoa quả, sơ thái, nhất thế ẩm thực cập nhất thế khí vật đẳng * Bất đắc đàm thuyết triều đình công phủ chánh sự đắc thất, cập bạch y gia trường đoản hảo ác * Phàm tự xưng, đương cử nhị tự pháp danh, bất đắc vân ngã cập tiểu tăng * Bất đắc nhân tiểu sự tranh chấp. Nhược đại sự nan nhẫn giả, diệc tu tâm bình khí hòa, dĩ lý luận biện; bất khả tắc từ nhi khứ. Động khí phát thô, tức phi hảo tăng dã.

Phụ.- Không được cùng sa di thiếu niên kết bạn * Không được đối với 3 pháp y mà cẩu thả thiếu sót. Không được sắm nhiều y phục, nếu có thừa thì nên bỏ ra mà cho. Không được sắm giây và phất tốt bền, đồ chơi vân vân, trang điểm theo thói giang hồ, chuốc lấy sự chê cười của thức giả. Không được mặc y phục có màu sắc chính, dùng phục sức giống thế tục. Không được tay không sạch mà đắp y. Phàm lên điện thì phải buộc ống quần, không được buông lung tự tiện * Không được đi dạo. Không được nói nhiều. Không được ngồi nhìn đại chúng làm việc mệt nhọc, mà mình tránh, nhác, cầu an * Không được lấy riêng của chiêu đề như tre cây, hoa trái, rau lá, mọi thứ đồ uống đồ ăn, mọi thứ đồ vật vân vân * Không được bàn tán sự lợi và sự hại của việc chính trị thuộc triều đình công sở, và những sự hay dở tốt xấu của người bạch y * Phàm tự xưng thì nên nói hai chữ pháp danh, không được nói ta và tiểu tăng * Không được nhân việc nhỏ mà tranh chấp. Nếu việc lớn khó nhẫn thì cũng phải tâm bình tĩnh, khí ôn hòa, lấy lẽ thảo luận; không được thì từ mà đi. Nổi giận nói thô thì không phải tăng sĩ có tư cách.

Tùy Chúng Thực Đệ Ngũ
(Thứ 5, Theo Chúng Thọ Thực)

(22) Văn kiền chùy thanh, tức đương chỉnh y phục * Lâm thực chú nguyện, giai đương cung kính * Xuất sanh, phạn bất quá thất liệp, miến bất quá nhất thốn, man đầu bất quá chỉ giáp hử; đa tắc vi tham, thiểu tắc vi xan; kỳ dư sơ thái đậu hủ bất xuất. Phàm xuất sanh, an tả chưởng trung, tưởng niệm kệ vân: Nhữ đẳng quỉ thần chúng, Ngã kim thí nhữ cúng, Thử thực biến thập phương, Nhất thế quỉ thần cọng * Phàm dục thực, tác ngũ quán tưởng: nhất kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ; nhị thỗn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng; tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông; tứ chánh sự lương dược, vị liệu hình khô; ngũ vị thành đạo cố, phương thọ thử thực *

Nghe tiếng kiền chùy là phải chỉnh đốn y phục * Lúc ăn, chú nguyện thì phải cung kính * Xuất sanh thì cơm không quá bảy hạt, bún không quá một tấc, bánh không quá cỡ móng tay; nhiều là tham, ít là lẫn; ngoài ra, rau lá và đậu hủ không xuất sanh. Phàm xuất sanh thì để trong tay trái, tưởng niệm bài kệ sau đây:

Chúng quỉ thần các người,
Nay tôi cho cúng phẩm,
Cúng phẩm này khắp cả,
Quỉ thần cùng hưởng thụ *

Sắp ăn, phải làm năm quán tưởng: một, xét kể công lao nhiều ít và ước lượng lý do của thực phẩm; hai, nghĩ kỹ đức hạnh của mình đủ hay thiếu để ứng thọ sự cúng dường; ba, đề phòng tâm lý, tránh những tội lỗi mà tham sân si vẫn làm chủ yếu; bốn, chính vì lấy thực phẩm làm dược phẩm tốt để trị liệu thân hình khô yếu; năm, vì thành đạo nghiệp mới ứng thọ thực phẩm này *

(23) Vô ha thực hảo ác. Bất đắc dĩ thực tư sở dữ, nhược trích dữ cẩu * Lai ích thực, bất đắc ngôn bất dụng; nhượcdĩ bão, đương dĩ thủ nhượng khước chi * Bất đắc trảo đầu, sử phong tiết lạc lân báttrung. Bất đắc hàm thực ngữ. Bất đắc tiếu đàm tạp thoại. Bất đắc tước thực hữu thanh * Như dục khiêu nha, dĩ y tụ yểm khẩu. Thực trung hoặc hữu trùng nghị, nghi mật yểm tàng chi, mạc linh lân đơn kiến sanh nghi tâm * Đương nhất tọa thực, bất đắc thực ngật, ly tòa, cánh tọa thực. Bất đắc thực ngật, dĩ thủ chỉ quát oản bát thực * Phàm thực, bất đắc thái tốc, bất đắc thái trì. Hành thực vị chí, bất đắc sanh phiền não. Hoặc hữu sở nhu, mặc nhiên chỉ thọ, bất đắc cao thanh đại hoán. Bất đắc oản bát tác thanh * Bất đắc thực tất tiên khởi * Nhược vi tăng chế, văn bạch chùy, bất đắc kháng cự bất phục * Phạn trung hữu cốc, khử bì thực chi * Bất đắc kiến mỹ vị sanh tham tâm, tứ khẩu thực. Bất đắc thiên chúng thực.

Không được la rầy đồ ăn tốt xấu. Không được lấy đồ ăn cho riêng, hoặc trích cho chó * Người đến thêm đồ ăn, không được bảo không dùng; nếu no rồi thì phải lấy tay từ khước * Không được lấy móng tay gãi đầu, làm cho gió thổi hắt mạt vụn rơi trong bát của người ngồi bên cạnh. Không được ngậm đồ ăn mà nói. Không được cười bàn chuyện tạp. Không được nhai đồ ăn ra tiếng * Muốn khêu răng, phải lấy tay áo che miệng. Trong đồ ăn hoặc có sâu kiến, nên kín đáo che giấu đi, đừng để người ngồi đơn bên cạnh thấy, sanh nghi ngại * Phải ngồi ăn một lần mà thôi, không được ăn xong, rời chỗ ngồi rồi, lại ngồi ăn nữa. Không được ăn xong, lấy ngón tay vét chén bát mà ăn * Phàm ăn, không được quá mau, không được quá chậm. Người đi thêm đồ ăn chưa đến, không được sanh phiền não. Hoặc có cần gì, thì yên lặng dùng ngón tay mà trao ý, không được lớn tiếng gọi to. Không được khua chén bát ra tiếng * Không được ăn rồi dậy trước * Nếu trái qui chế tăng chúng, nghe bạch kiền chùy, không được kháng cự bất phục * Trong cơm có lúa thì bỏ vỏ mà ăn * Không được thấy mỹ vị thì sanh tham tâm, phóng túng miệng mà ăn. Không được ăn riêng tăng chúng.

Lễ Bái Đệ Lục
(Thứ 6, Lễ Bái)

(24) Lễ bái, bất đắc chiếm điện trung ương, thị trú trì vị. Hữu nhân lễ Phật, bất đắc hướng bỉ nhân đầu tiền kính quá * Phàm hiệp chưởng, bất đắc thập chỉ sâm si, bất đắc trung hư, bất đắc tương chỉ sáp tỷ trung, tu bình hung, cao đê đắc sở * Bất đắc phi thời lễ bái, như dục phi thời lễ, tu đãi nhân tịnh thời * Sư lễ Phật, bất đắc dữ sư tịnh lễ, đương tùy sư hậu viễn bái. Sư bái nhân, bất đắc dữ sư đồng bái. Tại sư tiền, bất đắc dữ đồng loại tương lễ. Tại sư tiền, bất đắc thọ nhân lễ. Kỷ thủ trì kinh tượng, bất đắc vị nhân tác lễ. Phụ * Phàm lễ bái, tu tinh thành tác quán. Giáo liệt thất chủng lễ, bất khả bất tri.

Lễ bái thì không được chiếm chỗ chính giữa điện Phật, vì đó là vị trí của vị trú trì. Có người lạy Phật, không được hướng tới trước đầu người ấy mà đi tắt * Phàm chắp tay, không được mười ngón so le, không được trống rỗng ở giữa, không được đưa ngón tay cắm vào lỗ mũi, phải để tay ngang ngực, cao thấp đúng chỗ * Không được lễ bái không phải lúc; muốn lễ bái không phải lúc thì phải đợi lúc mọi người yên tĩnh * Thầy lạy Phật, không được cùng thầy lạy ngang nhau, mà phải theo sau thầy và lạy cách xa. Thầy xá lạy người, không được cùng thầy đồng xá lạy. Trước thầy, không được cùng đồng bậc lạy nhau. Trước thầy, không được nhận người lạy. Tay mình cầm kinh tượng thì không được lạy người. Phụ * Phàm lễ bái, phải tinh thành mà quán tưởng. Giáo lý liệt kê bảy cách lạy, không thể không biết.

Thính Pháp Đệ Nhất
(Thứ 7, Nghe Pháp)

(25) Phàm ngộ quải thượng đường bài, nghi tảo thượng đường, mạc đãi pháp cổ đại lôi. Chỉnh lý y phục, bình thị trực tiến. Tọa tất đoan nghiêm. Bất đắc loạn ngữ, bất đắc đại khái thóa. Phụ * Phàm thính pháp, tu văn nhi tư, tư nhi tu. Bất đắc chuyên ký danh ngôn dĩ tư đàm bính. Bất đắc vị hội xưng hội, nhập nhĩ xuất khẩu. Niên thiếu sa di giới lực vị cố, nghi cánh học Luật, bất đắc tảo phó giảng diên.

Phàm thấy treo bảng thượng đường thì nên sớm lên pháp đường, đừng chờ pháp cổ đánh lớn. Bằng cách chỉnh đốn y phục, nhìn ngang tầm mắt, tới thẳng pháp đường. Ngồi, phải thẳng và nghiêm. Không được nói bậy, không được ho và nhổ lớn. Phụ * Phàm nghe pháp, phải nghe mà nghĩ, nghĩ mà tu. Không được chuyên nhớ danh ngôn để cung cấp cho việc đàm luận. Không được chưa lãnh hội xưng lãnh hội, vào tai ra miệng. Sa di tuổi nhỏ, giới lực chưa bền chắc, thì phải học Luật nữa đã, không được đến pháp tịch sớm.

Tập Học Kinh Điển Đệ Bát
(Thứ 8, Học Tập Kinh Điển)

(26) Nghi tiên học luật, hậu học tu đa la, bất đắc vi việt. Phàm học nhất kinh tu tiên bạch sư, kinh hoàn cánh bạch biệt học mỗ kinh * Bất đắc khẩu xuy kinh thượng trần. Bất đắc kinh án thượng bao tàng trà mạt, tạp vật. Nhân duyệt kinh, bất đắc cận bỉ án tiền kinh hành. Phàm kinh tịch tổn hoại, nghi tốc tu bổ * Sa di bản nghiệp vị thành, bất đắc tập học ngoại thư, tử, sử, trị thế điển chương.

Phải trước học Luật, sau học Kinh, không được trái vượt thứ tự ấy. Phàm học kinh nào thì phải bạch thầy trước, kinh ấy xong thì lại bạch mà học kinh khác * Không được dùng miêểng thổi bụi trên kinh, Không được trên bàn kinh mà cất để trà mạt, tạp vật. Người xem kinh, không được đi qua gần trước bàn của họ. Phàm kinh sách hư hỏng, phải cấp tốc tu bổ * Sa di mà việc chính chưa thành thì không được học tập sách vở của dị giáo, của tư tưởng gia, của sử truyện, của chính trị.

(27) Phụ.- Bất đắc giản ứng phó đạo tràng kinh tập học. Bất đắc tập học ngụy tạo kinh điển * Bất đắc tập học mạng thư, tướng thư, y thư, binh thư, bốc thệ thư, thiên văn thư, địa lý thư, đồ sấm thư, nãi chí lô hỏa hoàng bạch, thần kỳ quỉ quái, phù thủy đẳng thư. Bất đắc tập học tuyên quyển đả kệ. Bất đắc tập học ngoại đạo thư, trừ trí lực hữu dư, vị dục tri nội ngoại giáo thâm thiển giả, khả dĩ thiệp liệp, nhiên vật sanh tập học tưởng * Bất đắc tập học thi từ. Bất đắc trước tâm học tự cầu công, đãn thơ tả đoan khải túc hỷ * Bất đắc ô thủ chấp trì kinh. Đối kinh điển như đối Phật, bất đắc hý tiếu. Bất đắc án thượng lang tạ quyển trật. Bất đắc cao thanh động chúng. Bất đắc tá nhân kinh khán bất hoàn, cập bất gia ái trọng dĩ trí tổn hoại.

Phụ.- Không được chọn kinh ứng phó đạo tràng mà học tập. Không được học tập kinh điển ngụy tạo * Không được học tập sách coi số, sách coi tướng, sách thuốc, sách quân sự, sách bói, sách thiên văn, sách địa lý, sách sấm truyền, cho đến những sách luyện đan, thần kỳ quỉ quái, phù thủy vân vân. Không được học tập cách xướng kinh họa kệ. Không được học tập sách ngoại đạo, trừ trí lực có thừa, vì muốn biết sự sâu cạn của nội giáo và ngoại giáo, thì có thể đọc qua, nhưng không sanh ý tưởng học tập * Không được học tập thi từ. Không được để tâm tập chữ cho đẹp, chỉ viết cho ngay ngắn là đủ * Không được tay dơ mà cầm nắm kinh điển. Đối với Kinh như đối với Phật, không được giỡn cười. Không được trên bàn kinh để quyền pho bừa bãi. Không được đọc kinh lớn tiếng động chúng. Không được mượn kinh của người để coi mà không trả, lại không gia tâm quí trọng để đến nỗi hư hỏng.

Nhập Tự Viện Đệ Cửu
(Thứ 9, Vào Tự Viện)

(28) Phàm nhập tự môn, bất đắc hành trung ương, tu duyên tả hữu biên hành; duyên tả tiên tả túc, duyên hữu tiên hữu túc * Bất đắc vô cố đăng đại điện du hành. Bất đắc vô cố đăng tháp. Nhập điện tháp đương hữu nhiễu, bất đắc tả chuyển. Bất đắc điện tháp trung thế thóa. Nhiễu tháp hoặc tam tạp, thất tạp, nãi chí thập tạp, bách tạp, tu tri biến số * Bất đắc dĩ lạp trượng đẳng ỷ điện bích.

Phàm vào cửa chùa, không được đi chính giữa. Phải ven theo bên trái bên phải mà đi. Ven bên trái thì trước bước chân trái, ven bên phải thì trước bước chân phải * Không được vô cớ lên đại diện dạo chơi. Không được vô cớ lên tháp. Vào điện tháp, phải đi vòng quanh bên phải, không được đi vòng quanh bên trái. Không được trong điện tháp mà hỉ nước mũi, nhổ nước miếng. Nhiễu tháp thì hoặc 3 vòng, 7 vòng, cho đến 10 vòng, 100 vòng, và phải biết số vòng ấy * Không được đem nón gậy vân vân để dựa vào vách điện Phật.

Nhập Thiền Đường Tùy Chúng Đệ Thập
(Thứ 10, Vào Nhà Thiền Với Đồng Chúng)

(29) Đơn thượng, bất đắc đẩu y bị tác thanh phiến phong, sử lân đơn động niệm. Hạ sàng mặc niệm kệ vân:

Tùng triêu dần đán trực chí mộ,
Nhất thế chúng sanh tự hồi hộ;
Nhược ư túc hạ táng thân hình,
Nguyện nhữ tức thời sanh tịnh độ *

Bất đắc đại ngữ cao thanh. Khinh thủ yết liêm tu thùy hậu thủ. Bất đắc đà hài tác thanh. Bất đắc đại khái sấu tác thanh. Bất đắc lân đơn giao đầu tiếp nhĩ giảng thuyết thế sự * Hoặc hữu đạo bạn thân tình tương khán, đường trung bất đắc cửu thoại; tương yêu lâm hạ thủy biên, nãi khả khuynh tâm đàm luận * Nhược khán kinh, tu đoan thân trừng tâm mặc ngoạn, bất đắc xuất thanh * Nhị bản minh, tức nghi tảo tiến đường. Qui vị, mặc niệm kệ vân:

Chánh thân đoan tọa,
Đương nguyện chúng sanh,
Tọa bồ đề tòa,
Tâm vô sở trước.

Trên đơn, không được rủ áo chăn ra tiếng, phát gió, làm người trên đơn bên cạnh động niệm. Xuống giường thì niệm thầm bài kệ sau đây:

Từ sáng giờ dần suốt đến tối,
Hết thảy chúng sanh tự tránh giữ;
Nếu rủi mất mạng dưới chân tôi,
Cầu nguyện tức thì sanh tịnh độ *

Không được to lời lớn tiếng. Nhẹ tay thả sáo phải đỡ tay phía sau. Không được kéo giày ra tiếng. Không được ho khan ho đàm lớn ra tiếng. Không được cùng người trên đơn bên cạnh chụm đầu, kề tai, bàn tán thế sự * Hoặc có pháp hữu thân tình đến thăm, thì trong thiền đường không được nói chuyện lâu; hãy mời đến dưới cây hay bên suối mới có thể khuynh tâm đàm luận * Nếu xem kinh, phải thẳng mình, lắng lòng, yên lặng nghiền ngẫm, không được đọc ra tiếng * Bảng đánh 2 tiếng thì nên sớm tới thiền đường. Đến ngồi chỗ của mình thì niệm thầm bài kệ sau đây:

Thẳng mình ngồi ngay,
Nên nguyện chúng sanh,
Ngồi tòa bồ đề,
Tâm không vướng mắc.

(30) Phụ.- Bất đắc xuyên đường trực quá * Thượng đơn hạ đơn câu đương tế hạnh, vật linh lân đơn động niệm * Bất đắc đơn thượng tả văn tự, trừ chúng khán kinh giáo thời. Bất đắc đơn thượng tương tụ bãi trà, dạ tọa tạp thoại. Bất đắc đơn thượng phùng bổ y bị. Bất đắc miên ngọa cọng lân đơn thuyết thoại, động chúng.

Phụ.- Không được xuyên thiền đường mà đi thẳng * Lên đơn xuống đơn đều phải nhẹ nhàng, đừng làm người trên đơn bên cạnh động niệm * Không được trên đơn viết chép, trừ khi cả chúng coi kinh điển. Không được trên đơn xúm nhau bày trà, ngồi đêm, nói tạp. Không được trên đơn may vá áo chăn. Không được nằm ngang, cùng người trên đơn bên cạnh nói chuyện, động chúng.

Chấp Tác Đệ Thập Nhất
(Thứ 11, Làm Việc)

(31) Đương tích chúng tăng vật. Đương tùy tri sự giả giáo lệnh, bất đắc vi lệ * Phàm tẩy thái, đương tam dịch thủy. Phàm cấp thủy, tiên tịnh thủ * Phàm dụng thủy, tu đế thị hữu trùng vô trùng, hữu, dĩ mật la lự quá phương dụng; nhược nghiêm đông, bất đắc tảo lự thủy, tu đãi nhật xuất. Phàm thiêu táo, bất đắc nhiên hủ tân * Phàm tác thực, bất đắc đới trảo giáp cấu * Phàm khí ác thủy, bất đắc đương đạo, bất đắc cao thủ dương bát; đương ly địa tứ ngũ thốn, từ từ khí chi. Phàm tảo địa, bất đắc nghịch phong tảo, bất đắc tụ khôi thổ an môn phiến hậu * Tẩy nội y, tu thập khứ kỷ sắt phương tẩy. Hạ nguyệt, dụng thủy bồn liễu tu phúc, nhược ngưỡng tức trùng sanh. Phụ * Bất đắc nhiệt thang bát địa thượng * Nhất thế mễ miến sơ quả đẳng, bất đắc khinh khí lang tạ, tu gia ái tích.

Phải thương tiếc vật của tăng chúng. Phải tùy giáo lịnh của vị tri sự, không được trái, ngang * Phàm rửa rau, phải 3 lần đổi nước. Phàm múc nước, trước phải sạch tay * Phàm dùng nước, phải nhìn kyՠcó trùng không trùng, có thì lấy là dày lọc đi mới dùng ; mùa đông lạnh lắm thì không được lọc nước sớm, phải chờ mặt trời mọc. Phàm đốt bếp, không được đốt củi thối mục * Phàm làm đồ ăn, không được để bẩn trong móng tay * Phàm đổ bỏ nước dơ, không được đổ ra đường đi, không được cao tay dơ lên đổ xuống bắn ra ; phải cách đất bốn năm tấc từ từ đổ bỏ nước ấy. Phàm quét đất, không được quét ngược gió, không được dồn đất bụi vào sau cánh cửa * Giặt áo trong, phải nhặt bỏ rận chấy mới giặt. Những tháng hè, dùng chậu nước rồi, phải lật úp xuống, nếu để ngửa ra là sinh trùng. Phụ * Không được nước sôi đang nóng mà rót bắn trên đất * Tất cả gạo bột, rau trái vân vân, không được khinh bỏ bừa bãi, phải gia tâm quí tiếc.

Nhập Dục Đệ Thập Nhị
(Thứ 12, Vào Nhà Tắm)

(32) Tiên dĩ thang tẩy diện. Tùng thượng chí hạ, từ từ tẩy chi * Bất đắc thô táo, dĩ thang thủy tiễn lân nhân. Bất đắc dục đường tiểu di. Bất đắc cọng nhân ngữ tiếu ; Nhân thiên bảo giám vân, nhất sa di nhập dục hý tiếu, toại cảm Phất thang địa ngục chi báo. Bất đắc tẩy tích xứ * Phàm hữu sang tiển, nghi tại hậu dục; hoặc hữu khả úy sang, vưu nghi hồi tﬠmiễn thích nhân nhãn. Bất đắc tứ ý cửu tẩy, phương ngại hậu nhân. Phụ * Thoát y trước y, an tường tự tại * Dục tiền, tiên tẩy tịnh, tu tế hạnh; bất đắc dĩ tẩy tịnh thủy nhập dục phũ * Thang lãnh nhiệt, y lệ kích bang, bất đắc đại hoán.

Trước, lấy nước nóng rửa mặt. Rồi từ trên đến dưới, từ từ mà rửa * Không được tinh nghịch, lấy nước nóng tạt người bên cạnh. Không được trong nhà tắm mà tiểu giải. Không được cùng người nói cười ; sách Nhân thiên bảo giám nói, một sa di vào tắm mà giỡn cười nên cảm ra quả báo địa ngục Sôi sục. Không được rửa chỗ kín * Phàm có ghẻ nhọt ghẻ lở thì nên tắm sau ; hoặc có ghẻ nhọt đáng sợ, càng nên tránh đi, khỏi gớm mắt người. Không được mặc ý lắm rửa lâu, trở ngại người sau. Phụ * Cởi áo mặc áo nên thung dung tự tại * Trước khi tắm phải tẩy tịnh, và tẩy tịnh thì phải giữ tế hạnh ; không được đem nước tẩy tịnh đổ vào vạc nước tắm * Cần nước nóng đã nguội hay còn nóng thì y lệ mà đánh mõ dài, không được gọi lớn.

Nhập Xí Đệ Thập Tam
(Thứ 13, Vào Nhà Xí)

(33) Dục đại tiểu tiện tức đương hành, mạc đãi nội bức thảng thốt. Ư trúc can thượng quải trực chuyết, triệp linh tề chỉnh, dĩ thủ cân hoặc yêu thao hệ chi, nhất tác ký nhận, nhị khủng đọa địa. Tu thoát hoán hài lý, bất khả tịnh hài nhập xí * Chí, đương tam đàn chỉ, sử nội nhân tri. Bất đắc bách xúc nội nhân sử xuất. Dĩ thượng, phục đương tam đàn chỉ, mặc niệm vân:

Đại tiểu tiện thời,
Đương nguyện chúng sanh,
Khí tham sân si,
Quyên trừ tội pháp *

Bất đắc đê đầu thị hạ. Bất đắc trì thảo họa địa. Bất đắc nỗ khí tác thanh. Bất đắc cách bích cọng nhân thuyết thoại. Bất đắc thóa bích * Phùng nhân bất đắc tác lễ, nghi trắc thân t?hi. Bất đắc duyên lộ hành hệ y đới. Tiện tất, đương tịnh tháo thủ, vị tháo bất đắc trì vật. Tẩy thủ mặc niệm vân:

Dĩ thủy quán chưởng,
Đương nguyện chúng sanh,
Đắc thanh thịnh thủ,
Thọ trì Phật pháp.
Án chủ ca ra da sa ha.

Phụ.- Nhược tiểu giải, diệc yếu thâu khởi y tụ. Hựu bất khả trước thiên sam tiểu giải.

Muốn đại diện tiểu tiện là nên đi ngay, đừng đợi trong cơ thể bức bách mà thảng thốt. Ở trên sào tre, treo áo trực chuyết thì phải gấp xếp cho tề chỉnh, lấy khăn tay hoặc dây lưng buộc áo ấy, một là làm dấu nhận biết, hai là sợ rơi xuống đất. Phải cởi đổi giày dép, không được mang giày dép sạch vào nhà xí * Đến nhà xí, phải ba lần đàn chỉ để cho người ở trong đó biết. Không được thúc bách người ở trong đó cho họ phải ra. Đã lên nhà xí, lại phải ba lần đàn chỉ, niệm thầm:

Đại tiện tiểu tiện,
Nên nguyện chúng sanh,
Xả tham sân si,
Loại trừ tội lỗi *

Không được cúi đầu nhìn xuống. Không được cầm cỏ vẽ đất. Không được rán hơi ra tiếng. Không được cách vách cùng người nói chuyện. Không được nhổ nước miếng vào vách * Gặp người không được thi lễ, phải nghiêng mình tránh họ. Không được ven theo đường vừa đi vừa buộc áo, dải. Tiện lợi hoàn tất, phải rửa tay thật sạch, chưa rửa thì không được cầm nắm đồ vật. Rửa tay thì niệm thầm:

Lấy nước rửa tay
Nên nguyện chúng sanh,
Được tay thanh tịnh,
Nhận giữ Phật pháp
Án chủ ca ra da sa ha.

Phụ.- Tiểu giải, cũng phải vén tay áo lên. Lại không được mặc áo thiên sam mà tiểu giải.

Thụy Ngọa Đệ Thập Tứ
(Thứ 14, Nằm Ngủ)

(34) Ngọa, tu hữu hiếp, danh cát tường thụy. Bất đắc ngưỡng ngọa phúc ngọa, cập tả hiếp ngọa * Bất đắc dữ sư đồng thất đồng tháp, hoặc đắc đồng thất, bất đắc đồng tháp. Diệc bất đắc dữ đồng sự sa di cọng tháp * Phàm quải hài lý, tiểu y đẳng, bất đắc quá nhân đầu diện. Phụ * Bất đắc thoát lý y ngọa. Bất đắc thụy sàng thượng tiếu ngữ cao thanh * Bất đắc thánh tượng cập pháp đường tiền huề niệu khí quá.

Nằm, phải nghiêng hông bên phải, gọi là cách ngủ cát tường. Không được nằm ngửa, nằm sấp, và nằm nghiêng hông bên trái * Không được cùng thầy đồng phòng đồng giường, hoặc được đồng phòng mà không được đồng giường. Cũng không được cùng sa di đồng sự chung giường * Phàm treo giày, tất, áo nhỏ vân vân, không được quá đầu và mặt người. Phụ * Không được cởi áo trong mà nằm. Không được trên giường ngủ cười nói lớn tiếng * Không được trước thánh tượng và pháp đường mà mang đồ tiểu tiện đi qua.

Vi Lô Đệ Thập Ngũ
(Thứ 15, Quanh Lò Lửa)

(35) Bất đắc giao đầu tiếp nhĩ thuyết thoại. Bất đắc đàn cấu nị hỏa trung. Bất đắc hồng bồi hài miệt * Bất đắc hướng hỏa thái cửu, khủng phương hâểu nhân. Xảo noãn, tiện nghi qui vị.

Không được giao đầu tiếp tai nói chuyện. Không được gảy búng cáu bẩn vào trong lửa. Không được hơ sấy giày, tất * Không được hơ lửa quá lâu, sợ trở ngại người sau. Hơi ấm, liền nên về chỗ.

Tại Phòng Trung Trú Đệ Thập Lục
(Thứ 16, Ở Trong Phòng)

(36) Canh tương vấn tấn, tu tri đại tiểu * Dục trì đăng hỏa nhập, dự cáo phòng nội tri, vân hỏa nhập; dục diệt đăng hỏa, dự vấn đồng phòng nhân, cánh dụng đăng phủ. Diệt đăng hỏa, bất đắc khẩu xuy. Niệm tụng, bất đắc cao thanh * Nhược hữu bịnh nhân, đương từ tâm thỉ chung khán chi. Hữu nhân thụy, bất đắc đả vật tác hưởng, cập cao thanh ngữ tiếu * Bất đắc vô cố nhập tha phòng viện.

Chào hỏi nhau, phải biết lớn nhỏ * Muốn cầm lửa đèn vào, phải bảo trước trong phòng biết, rằng tôi cầm lửa đèn vào; muốn tắt lửa đèn, phải hỏi trước người cùng phòng còn dùng nữa không. Tắt lửa đèn, không được dùng miệng mà thổi. Tụng niệm thì không được lớn tiếng * Nếu có bịnh nhân thì nên từ tâm coi sóc từ đầu đến cuối. Có người ngủ thì không được đụng đồ ra tiếng, và lớn tiếng nói cười * Không được vô cớ vào phòng khác.

Đáo Ni Tự Đệ Thập Thất
(Thứ 17, Đến Chùa Ni)

(37) Hữu dị tòa phương tọa, vô dị tòa bất đắc tọa. Bất đắc vi phi thời chi thuyết. Nhược hoàn, bất đắc thuyết kỳ hảo xú * Bất đắc thư sớ vãng lai, cập giả tá tài cát tẩy hoán đẳng. Bất đắc thủ vị tịnh phát. Bất đắc bình xứ cọng tọa. Phụ * Vô nhị nhân, bất đắc đan tiến * Bất đắc bỉ thử tống lễ. Bất đắc chúc thác ni tăng nhập hào quí gia hóa duyên, cập cầu niệm kinh sám đẳng. Bất đắc dữ ni tăng kết bái phụ mẫu, tỷ muội, đạo hữu.

Có chỗ ngồi khác mới ngồi, không có chỗ ngồi khác thì không được ngồi. Không được nói không phải lúc. Về, không được nói sự tốt xấu của họ * Không được thư từ qua lại, và mượn nhờ may vá giặt rũ vân vân. Không được chính tay mình cạo tóc cho họ. Không được cùng ngồi chỗ khuất. Phụ * Không phải hai người thì không được đến một mình * Không được lễ vật qua lại. Không được dặn nhờ ni tăng đến nhà hào quý mà khuyến hóa, cầu tụng kinh sám vân vân. Không được cùng ni tăng kết làm cha mẹ, chị em, pháp hữu.

Chí Nhân Gia Đệ Thập Bát
(Thứ 18, Đến Nhà Người)

(38) Hữu dị tòa đương tọa, bất nghi tạp tọa. Nhân vấn kinh, đương tri thời; thận vật vi phi thời chi thuyết * Bất đắc đa tiếu * Chủ nhân thiết thực, tuy phi pháp hội, diệc vật thất nghi quy * Vô phạm dạ hành * Bất đắc không thất nội hoặc bình xứ, dữ nữ nhân cọng tọa cọng ngữ. Bất đắc thư sớ vãng lai đẳng, đồng tiền * Nhược nghệ tục tỉnh thân, đương tiên nhập trung đường lễ Phật, hoặc gia đường thánh tượng đoan trang vấn tấn, thứ phụ mẫu quyến thuộc đẳng, nhất nhất vấn tấn. Bất đắc hướng phụ mẫu thuyết sư pháp nghiêm, xuất gia nan, tịch liêu đạm bạc, gian tân khổ khuất đẳng sự; nghi vị thuyết Phật pháp, linh sanh tín tăng phước. Bất đắc dữ thân tộc tiểu nhi đẳng cửu tọa cửu lập, tạp thoại hý tiếu; diệc bất đắc vấn tộc trung thị phi hảo ác. Nhược thiên vãn tác túc, đương độc xử nhất tháp, đa tọa thiểu ngọa, nhất tâm niệm Phật; sự ngật tức hoàn, bất đắc lưu liên.

Có chỗ ngồi khác mới nên ngồi, không được ngồi tạp. Người ta hỏi kinh thì phải biết lúc, thận trọng đừng làm cái việc nói không phải lúc * Không được cười nhiều * Chủ nhân thiết trai, dẫu không phải pháp hội, cũng đừng bỏ nghi thức * Đừng phạm cái lỗi đi đêm * Không được ở trong nhà vắng, hoặc ở chỗ khuất, cùng phụ nữ ngồi với nhau, nói với nhau. Không được thư từ qua lại vân vân, như trước đã nói * Đến nhà tục thăm người thân, phải trước hết vào nhà chính lạy Phật, hoặc đến trước tượng thánh trong nhà nghiêm chỉnh chắp tay, thứ đến cha mẹ bà con vân vân, nhất nhất chào hỏi. Không được hướng về cha mẹ nói những việc như cái nghiêm của phép thầy, cái khó của xuất gia, cô liêu đạm bạc, gian nan khổ sở, vân vân; nên vì cha mẹ nói Phật pháp, làm cho cha mẹ phát sinh tín tâm và tăng trưởng phước đức. Không được cùng thân tộc, thiếu niên vân vân, ngồi lâu đứng lâu, nói tạp giỡn cười; cũng không được hỏi đến những việc phải trái tốt xấu trong thân tộc. Nếu trời tối, ngủ lại, thì phải dùng riêng một giường, ngồi nhiều nằm ít, nhất tâm niệm Phật; việc xong về liền, không được lưu luyến.

(39) Phụ.- Bất đắc tả hữu tà thị. Bất đắc tạp ngữ. Nhược dữ nữ nhân ngữ, bất đắc đê thanh mật ngữ. Bất đắc đa ngữ * Bất đắc trá hiện uy nghi, giả trang thiền tướng, cầu bỉ cung kính. Bất đắc cuống thuyết Phật pháp, loạn đáp tha vấn, tự mại đa văn, cầu bỉ cung kính * Bất đắc tống hạp lễ, hiệu bạch y vãng hoàn. Bất đắc quản nhân gia vụ. Bất đắc tạp tọa tửu tịch. Bất đắc kết bái bạch y nhân tác phụ mẫu tỷ muội. Bất đắc thuyết tăng trung quá thất.

Phụ.- Không được nhìn hai bên một cách bất chính. Không được nói tạp. Nói với phụ nữ thì không được thấp tiếng nói thầm. Không được nói nhiều * Không được trá hiện uy nghi, giả trang thiền tướng, mong họ cung kính. Không được nói dối trá chánh pháp của Phật, đáp rối loạn lời hỏi của người, tự khoe đa văn, cầu họ cung kính * Không được biếu tặng lễ vật, học đòi sự giao hảo của người đời. Không được lo liệu việc nhà của người. Không được ngồi xen tiệc rượu. Không được cùng người đời kết làm cha mẹ chị em. Không được nói lỗi lầm trong tăng chúng.

Khất Thực Đệ Thập Cửu
(Thứ 19, Khất Thực)

(40) Đương dữ lão thành nhân câu. Nhược vô nhân câu, đương tri sở khả hành xứ * Đáo nhân môn hộ, nghi thẩm cử thác, bất đắc thất uy nghi. Gia vô nam tử, bất khả nhập môn * Nhược dục tọa, tiên đương chiêm thị tòa tịch: hữu đao binh bất nghi tọa, hữu bảo vật bất nghi tọa, hữu phụ nhân y bị trang nghiêm đẳng bất nghi tọa * Dục thuyết kinh, đương tri sở ưng thuyết thời, bất ưng thuyết thời * Bất đắc thuyết dữ ngã thực linh nhĩ đắc phước. Phụ * Phàm khất thực, bất đắc ai cầu khổ sách. Bất đắc quảng đàm nhân quả, vọng bỉ đa thí * Đa đắc vật sanh tham trước, thiểu đắc vật sanh ưu não * Bất đắc chuyên hướng thục tình thí chủ gia cập thục tình am viện xứ sách thực.

Nên cùng bậc lão thành đi chung. Nếu không có bâểc lão thành đi chung thì phải biết chỗ có thể đi * Đến cửa ngõ của người, phải xét kỹ cử động, không được để mất uy nghi. Nhà không có đàn ông thì không được vào cửa * Nếu muốn ngồi, trước hết phải xem kỹ chỗ ngồi: có khí giới không nên ngồi, có đồ quí không nên ngồi, có y phục và đồ trang sức vân vân của phụ nữ không nên ngồi * Muốn nói kinh, phải biết lúc đáng nói, lúc không đáng nói * Không được nói cho tôi đồ ăn thì làm cho người được phước. Phụ * Phàm khất thực, không được khẩn khoản nài nỉ. Không được nói nhiều về nhân quả, mong họ cho nhiều * Được nhiều đừng sanh tham trước, được ít đừng sanh phiền não * Không được hay đến nhà thí chủ thân tình hoặc chỗ am viện thân tình mà đòi hỏi thực phẩm.

Nhập Tụ Lạc Đệ Nhị Thập
(Thứ 20, Vào Chỗ Dân Cư)

(41) Vô thiết duyên, bất đắc nhập * Bất đắc trì hành. Bát đắc diêu tý hành. Bất đắc sác sác bàng thị nhân vật hành. Bất đắc cọng sa di tiểu nhi đàm tiếu hành. Bất đắc dữ ni tăng tiền hậu hỗ tùy hành. Bất đắc dữ túy nhân cuồng nhân tiền hậu hỗ tùy hành. Bất đắc cố thị nữ nhân. Bất đắc nhãn giác bàng khán nữ nhân * Hoặc phùng tôn túc thân thức, câu lập hạ bàng, tiên ý vấn tấn. Hoặc phùng hý huyễn kỳ quái đẳng, câu bất nghi khán, duy đoan thân chánh đạo nhi hành * Phàm ngộ thủy khanh, thủy khuyết, bất đắc khiêu việt; hữu lộ đương nhiễu hành, vô lộ, chúng giai khiêu việt tắc đắc. Phi bịnh duyên cập cấp sự, bất đắc thừa mã, nãi chí hý tâm tiên sách trì sậu. Phụ * Phàm ngộ quan phủ, bất luận đại tiểu, câu nghi hồi tỵ Ngộ đấu tránh giả diệc viễn t?hi, bất đắc trụ khán * Bất đắc hồi tự khoa trương sở kiến thành trung hoa mỹ chi sự.

Không có lý do cần thiết thì không được vào * Không được đi như chạy. Không được đi mà lay động cánh tay. Không được đi mà luôn luôn nhìn qua hai bên những người và vật. Không được đi mà cùng sa di hay thiếu niên nói cười. Không được đi mà cùng phụ nữ trước sau theo nhau. Không được đi mà cùng ni tăng trước sau theo nhau. Không được đi mà cùng người say người khùng trước sau theo nhau. Không được cố nhìn phụ nữ. Không được dùng khóe mắt nhìn qua phụ nữ * Gặp tôn túc, thân thức, thì nên đứng chỗ thấp hoặc đứng một bên, chào hỏi trước. Gặp những sự kỳ lạ như trò chơi, ảo thuật vân vân, đều không nên xem; chỉ thẳng mình ngay đường mà đi * Phàm gặp nước hố, nước lở, không được nhảy qua; có đường khác thì nên đi vòng quanh, không có đường khác mà mọi người cùng nhảy qua thì được. Không phải lý do bịnh và việc khẩn cấp thì không được cỡi ngựa, cho đến đùa giỡn ra roi cho ngựa chạy. Phụ * Phàm gặp quan quyền, bất luận lớn nhỏ, đều nên tránh đi. Gặp kẻ đánh nhau cãi nhau, cũng nên tránh xa, không được dừng ngó * Không được về chùa khoa trương những sự hoa mỹ trong thành thị mà mình đã thấy.

Thị Vật Đệ Nhị Thập Nhất
(Thứ 21, Mua Đồ)

(42) Vô tranh quí tiện. Vô tọa nữ tứ. Nhược vi nhân sở phạm, phương tiện t?hi, vật tùng cầu trị. Dĩ hứa giáp vật, tuy phục cánh tiện, vô xả bỉ thủ thử, linh chủ hữu hận * Thận vô bảo nhậm trí khiên phụ.

Không tranh đắt rẻ. Không ngồi hàng quán phụ nữ. Nếu bị người xúc phạm thì phương tiện tránh đi, đừng theo mà mưu cầu giá rẻ. Đã hứa mua vật của ai, thì dẫu vật của người khác rẻ hơn cũng đừng bỏ vật ấy lấy vật này, làm cho chủ vật ấy tức giận * Thận trọng, đừng bảo lãnh kẻo dẫn đến lỡ lầm và mắc nợ.

Phàm Sở Thi Hành Bất Đắc Tự Dụng Đệ Nhị Thập Nhị
(Thứ 22, Làm Gì Cũng Không Được Tự Ý)

(43) Xuất nhập hành lai, đương tiên bạch sư. Tác tân pháp y, đương tiên bạch sư; trước tân pháp y, đương tiên bạch sư. Thế đầu, đương tiên bạch sư. Tật bịnh phục dược, đương tiên bạch sư. Tác chúng tăng sự, đương tiên bạch sư. Dục hữu tư cụ chỉ bút chi bối, đương tiên bạch sư. Nhược phúng khởi kinh bối, đương tiên bạch sư. Nhược nhân dĩ vâểt huệ thí, đương tiên bạch sư dĩ nhiên hậu thọ; kỷ vật huệ thí nhân, đương tiên bạch sư, sư thính nhiên hậu dữ. Nhân tùng kỷ giả tá, đương tiên bạch sư, sư thính nhiên hậu dữ; kỷ dục tùng nhân tá vật, đương tiên bạch sư, sư thính đắc khứ * Bạch, sư thính bất thính, giai đương tác lễ; bất thính, bất đắc hữu hận ý. Phụ * Nãi chí đại sự, hoặc du phương, hoặc thính giảng, hoặc nhập chúng, hoặc thủ sơn, hoặc hưng duyên sự, giai đương bạch sư, bất đắc tự dụng.

Ra vào đi về, phải bạch thầy trước. Sắm pháp y mới, phải bạch thầy trước; mặc pháp y mới, phải bạch thầy trước. Cạo đầu, phải bạch thầy trước. Tật bịnh uống thuốc, phải bạch thầy trước. Làm việc tăng chúng, phải bạch thầy trước. Muốn có đồ riêng thuộc loại giấy bút, phải bạch thầy trước. Tụng kinh tán kệ, phải bạch thầy trước * Ai đem đồ cho mình, phải bạch thầy mới nhận; mình đem đồ cho ai, phải bạch thầy, thầy chấp thuận mới cho. Ai mượn đồ, phải bạch thầy trước, thầy chấp thuận mới cho mượn; mình mượn đồ của ai, phải bạch thầy trước, thầy chấp thuận mới mượn * Bạch thầy, thầy chấp thuận hay không chấp thuận, đều phải làm lễ. Thầy không chấp thuận, không được có ý giận hờn. Phụ * Cho đến việc lớn như du học, như nghe giảng, như nhập chúng, như giữ chùa, như những việc kết thiện duyên với Tam bảo, đều phải bạch thầy, không được tự ý.

Tham Phương Đệ Nhị Thập Tam
(Thứ 23, Đi Học Xa)

(44) Viễn hành yếu giả lương bằng * Cổ nhân tâm địa vị thông, bất viễn thiên lý cầu sư. Phụ * Niên ấu giới thiển, vị hứa viễn hành; như hành, bất đắc dữ bất lương chi bối đồng hành * Tu vị tầm sư phỏng đạo, quyết trạch sanh tử, bất nghi quan sơn ngoạn thủy, duy đồ du lịch quảng viễn, khoa thị ư nhân * Sở đáo chi xứ, yết phóng hành lý, bất đắc kính nhập điện đường. Nhất nhân khán hành lý, nhất nhân tiên tiến vấn tấn, thủ thường trú tiến chỉ, phương khả an đốn hành lý nhập nội.

Đi xa cần nhờ bạn tốt * Người xưa tâm địa chưa thông suốt thì không ngại đi xa ngàn dặm mà cầu thầy. Phụ * Tuổi nhỏ giới cạn thì chưa cho đi xa; nếu đi, không được cùng những kẻ không tốt đi chung * Phải vì tìm thầy hỏi đạo, giải quyết sanh tử, không nên nhìn non ngắm nước, chỉ toan tính du lịch rộng xa để khoe khoang với người * Đến đâu thì để hành lý xuống, không được vào thẳng điện Phật, hay giảng đường, tăng đường. Phải một người coi hành lý, một người vào trước chào hỏi, tiếp nhận qui củ tiến chỉ của thường trú chỗ ấy mới có thể thu xếp hành lý vào phía trong.

Y Bát Danh Tướng Đệ Nhị Thập Tứ
(Thứ 24, Danh Tướng Y Bát – mà Sa Di Phải Biết Trước)

(45) Ngũ điều y, Phạn ngữ an đà hội, thử vân trung túc y, diệc vân hạ y, diệc vân tạp tác y. Phàm tự trung chấp lao phục dịch, lộ đồ xuất nhập vãng hoàn, đương trước thử y. Đáp y kệ vân:

Thiện tai giải thoát phục,
Vô thượng phước điền y,
Ngã kim đảnh đới thọ,
Thế thế bất xả ly.
Án tất đà da sa bà ha.

Pháp y 5 điều, Phạn ngữ là an đà hội, xứ này dịch trung túc y, cũng dịch hạ y, cũng dịch tạp tác y. Phàm chấp lao phục dịch trong chùa, ra vào qua lại ngoài đường nên mang pháp y này. Bài kệ mang pháp y này là:

Lành thay áo giải thoát,
Áo ruộng phước tối thượng,
Nay tôi kính tiếp nhận,
Đời đời không rời bỏ.
Án tất đà da sa bà ha.

(46) Thất điều y, Phạn ngữ uất đa la tăng, thử vân thượng trước y, diệc vân nhập chúng y. Phàm lễ Phật, tu sám, tụng kinh, tọa thiền, phó trai, thính giảng, bố tát, tự tứ, đương trước thử y. Đáp y kệ vân:

Thiện tai giải thoát phục,
Vô thượng phước điền y,
Ngã kim đảnh đới thọ,
Thế thế thường đắc phi.
Án độ ba độ ba sa bà ha.

Pháp y 7 điều, Phạn ngữ là uất đa la tăng, xứ này dịch thượng trước y, cũng dịch nhập chúng y. Phàm lạy Phật, tu sám, tụng kinh, tọa thiền, phó trai, nghe giảng, bố tát, tự tứ, nên mang pháp y này. Bài kệ mang pháp y này là:

Lành thay áo giải thoát,
Áo ruộng phước tối thượng,
Nay tôi kính tiếp nhận,
Đời đời thường khoác mặc.
Án độ ba độ ba sa bà ha.

(47) Nhị thập ngũ điều y, Phạn ngữ tăng già lê, thử vân hợp, diệc vân trùng, diệc vân tạp toái y. Phàm nhập vương cung, thăng tòa thuyết pháp, tụ lạc khất thực, đương trước thử y. Hựu thử y cửu phẩm: hạ phẩm hữu tam, vị cửu điều, thập nhất điều, thập tam điều; trung phẩm hữu tam, vị thập ngũ điều, thập thất điều, thập cửu điều; thượng phẩm hữu tam, vị nhị thập nhất điều, nhị thập tam điều, nhị thập ngũ điều. Đáp y kệ vân:

Thiện tai giải thoát phục,
Vô thượng phước điền y,
Ngã kim đảnh đới thọ,
Quảng độ chư quần mê.
Án ma ha ca ba bà tra tất đế sa bà ha.

Pháp y 25 điều, Phạn ngữ là tăng già lê, xứ này dịch là hợp, cũng dịch là trùng, cũng dịch là tạp toái y. Phàm vào vương cung, thăng tòa thuyết pháp, khất thực phường khóm [truyền giới, thuyết giới] nên mang pháp y này. Lại nữa, pháp y này có 9 bậc: bậc thấp có 3, là 9 điều, 11 điều và 13 điều; bậc vừa có 3, là 15 điều, 17 điều và 19 điều; bậc cao có 3, là 21 điều, 23 điều và 25 điều. Bài kệ mang pháp y này là:

Lành thay áo giải thoát,
Áo ruộng phước tối thượng,
Nay tôi kính tiếp nhận, ( *)
Hóa độ cho tất cả.
Án ma ha ca ba bà tra tất đế sa bà ha.

( *) Tỳ ni chép: phụng hành lịnh Như lai.

(48) Bát, Phạn ngữ bát đa la, thử vân ứng lượng khí, vị thể sắc lượng tam, giai ứng pháp cố. Thể dụng ngõa thiết nhị vật, sắc dĩ dược yên huân trị, lượng tắc phân thượng trung hạ.

Bát, Phạn ngữ là bát đa la, xứ này dịch là ứng lượng khí, là vì thể chất, màu sắc, dung lượng, cả 3 đều thích ứng chánh pháp. Thể chất thì dùng 2 thứ đất và sắt, màu sắc thì bôi thuốc mà xông khói, dung lượng thì chia lớn vừa nhỏ.

(49) Cụ, Phạn ngữ ni sư đàn, thử vân tọa cụ, diệc vân tùy túc y. Khai cụ kệ vân:

Tọa cụ ni sư đàn,
Trưởng dưỡng tâm miêu tánh,
Triển khai đăng thánh địa,
Phụng trì Như lai mạng.
Án đàn ba đàn ba sa bà ha.

Cụ, Phạn ngữ là ni sư đàn, xứ này dịch là tọa cụ, cũng dịch là tùy túc y. Bài kệ mở cụ là:

Tọa cụ ni sư đàn,
Nuôi lớn lúa tâm tánh,
Mở ra lên thánh địa,
Phụng hành lịnh Như lai.
Án đàn ba đàn ba sa bà ha.