Phương trời thong dong

Phương trời thong dong

Vương Thị Xuân 66

Hỏi: Kính bạch thầy, con muốn đi tu nhưng ba mẹ không cho phép với ba lý do sau đây:

Thứ nhất, đi tu là bất hiếu với cha mẹ. Thứ hai, đi tu là trốn tránh trách nhiệm với xã hội đối với một người công dân. Thứ ba, đi tu sẽ tổn phước vì mình sẽ được nhiều người cung kính. Con biết quan niệm này là không đúng nhưng con không đủ sức thuyết phục cha mẹ. Kính mong thầy phân giải để con về thưa lại, mong cha mẹ con đồng ý cho phép con xuất gia.

Đây là câu hỏi có cách lý luận rất hay. Nếu ai không hiểu được đạo lý của người xuất gia, dễ dàng bị thuyết phục bởi những quan niệm này. Nho giáo có câu: “Bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại”.

Trên cuộc đời này, mặc dù có rất nhiều loại bất hiếu, nhưng có ba loại bất hiếu chính. Trong đó không kế thừa nòi giống là bất hiếu lớn nhất. Người Trung Hoa thường quan niệm rằng con trai mới nối dõi tông đường, con gái chỉ là người bên ngoài họ tộc. Quan niệm đó làm cho nhiều người trong xã hội có thái độ trọng nam khinh nữ. Chính từ khuynh hướng này, một số người quan niệm rằng không nên đi tu, chỉ cần làm vai trò của một người tại gia. Đó mới là đứa con hiếu thảo.

Nhà Phật dạy về sự hiếu thảo có hai phương diện: Hiếu thảo về vật chất và hiếu thảo về tinh thần. Hiếu thảo về vật chất được thể hiện bằng cách thức ta cung phụng, chăm sóc cha mẹ. Nhất là khi cha mẹ già yếu, ta lo về thuốc thang, từng miếng ăn, giấc ngủ v.v… Sự hiếu thảo về tinh thần ta phải làm bổn phận của một người con với vai trò mình đang có. Như là một học sinh, phải đi học, chấp hành đúng những qui định nhà trường. Là người công dân, phải thực hiện đúng nghĩa vụ đối với nhà nước như việc nộp thuế, lao động công ích v.v…. Việc đi tu không phải là bất hiếu mà là sự trả hiếu ở mức độ cao hơn. Vì khi trở thành một sư cô, một vị thầy đúng đắn, có đạo lực và hành trì, không chỉ làm lợi ích cho cha mẹ mà còn đem lại lợí ích cho nhiều người khác. Bản thân đức Phật ra đi bằng con đường như thế. Khi Ngài từ bỏ ngôi vua để đi tu, nhiều người cho rằng thái tử Tất-đạt-đa là người con bất hiếu, một người chồng, người cha bất nhân, bất nghĩa. Ngài đã trở thành một vị Phật, không chỉ làm lợi ích cho nước Sakya, mà cho toàn cõi Ấn Độ suốt cả chiều dài lịch sử hai mươi mấy thế kỷ qua. Ngày nay, có hàng ngàn, hàng triệu đệ tử của đức Phật được an lạc hạnh phúc thông qua con đường xuất gia. Nếu là một ông vua, không chắc ta được các thần dân cung kính. Do đó, ta không nên sợ hãi cho rằng xuất gia là bất hiếu.

Thứ hai, khi nói “xuất gia là không làm tròn bổn phận của một người công dân trong xã hội”, lại càng không đúng. Nếu tất cả mọi người trên đời cùng làm một công việc xã hội, làm sao có thể phát triển được. Cần phải có nhiều người đóng góp cho nhiều ngành nghề khác nhau trong xã hội như: nhà giáo, kỹ sư, bác sĩ, nông dân v.v… và tương tự, cũng cần có những người đóng góp về mặt tâm linh để giúp cho cuộc đời vơi bớt khổ đau. Mỗi người có một vai trò khác nhau để đóng góp cho xã hội. Việc đi tu không phải là người trốn tránh trách nhiệm của một công dân mà gánh vác trách nhiệm lớn, rộng hơn với tinh thần vô ngã, vị tha.

Thứ ba, cho rằng “đi tu được mọi người cung kính là tổn phước”, điều này càng không đúng. Khi Phật tử cúng dường, nghĩa là họ đã mài con dao phước báu của họ sắt bén. Nếu người tu không biết cách để tạo phước cho người đặt con dao lên cục đá mài đó, thì họ làm cho cục đá mài của mình ngày càng bị mòn đi. Đức Phật đưa ra một ẩn dụ như sau: Có một con ong đậu trên một bông hoa. Nó không làm hại đến hương sắc của bông hoa mà chỉ hút nhụy bông rồi đi, nếu con ong đó lấy luôn cả cánh hoa và bông hoa mang đi, xem như nó đã làm cho bông hoa đó hư. Đức Phật nói, người tu cũng vậy, khi đi khất thực hoặc được người khác cúng dường, chỉ nhận vừa đủ dùng. Chẳng hạn như họ cúng dường cho ta ba bộ y, chỉ cần nhận một bộ. Đây là cách làm giảm bớt lòng tham, không để cho tăng trưởng. Cách này nuôi lớn hạt giống phước báu của người khác. Ta chỉ nhận những gì cần nhận và mang ơn họ đã tạo điều kiện cho ta tu tập tốt. Đồng thời, ta xin hồi hướng tất cả những công đức ta đã làm để họ có được an vui và hạnh phúc.

Như vậy, trong cái nhận của ta cũng có cái trả. Khi được người khác cung kính, không phải như thế mà mình tổn phước, vì ta không lạm dụng lòng tôn kính. Trong tôn giáo, nếu ai lợi dụng lòng tin của người khác xem như họ đang tự làm khổ chính mình. Ta không lạm dụng mà biết đủ và tu tốt phước báu sẽ được gia tăng. Đừng sợ rằng phước báu bị mất khi trở thành người tu. Khi được người khác tặng quà, ta vẫn nhận. Khi nhận xong, ta có thể đem tặng lại cho người. Làm như thế, xem như ta đã tạo niềm vui cho những người khác được gieo trồng phước báu. Đồng thời, ta cũng có điều kiện giúp cho phước báu của mình tăng trưởng thêm, xem như ta tạo được hai phước báu cùng một lúc.

Khi sang Hoa Kỳ, tôi có dịp và trao đổi với một thanh niên có nguyện vọng xuất gia, nhưng cha mẹ anh không cho với một lý do đơn giản, vì họ nhìn thấy một số vị xuất gia ở bên Mỹ đã ra đời. Dĩ nhiên, nếu không được thầy bạn chăm sóc, không được học giáo lý thì hạt giống có sẵn không thể trưởng thành và bị chết đi. Có lần, cha mẹ cậu thanh niên ấy tìm đến tôi và tôi đã giải thích với họ như sau:

Tại sao ta không có niềm tin từ chính đứa con của mình, chưa chắc nó sẽ lặp lại vết xe cũ của những vị xuất gia không thành công. Tại sao ta lại có thái độ bi quan về con mình sẽ không làm được những điều lớn, vĩ đại hơn những người khác. Nếu ta có những suy nghĩ tích cực, biết cách tư vấn, sẽ có thể giúp con mình phấn chấn lên. Ngược lại, những suy nghĩ tiêu cực có thể làm cho con mình bị mặc cảm. Sau khi nghe tôi giải thích, gia đình đồng ý cho con của họ xuất gia.

Các bậc cha mẹ nên có cái nhìn tích cực để khuyến khích con em của mình. Trong cuộc đời tốt và xấu luôn lẫn lộn với nhau. Viên sỏi có thể lẫn lộn với thỏi vàng. Đừng vì những viên sỏi mà ta bỏ lỡ cơ hội, đánh mất đi những thỏi vàng. Đừng vì những cái gai trên đóa hồng mà ta đánh mất cơ hội thưởng thức nó. Đừng vì một số phần tử thất bại mà ta quy nạp rằng tất cả đều không thành công. Đây là sự nhìn nhận sai lầm. Trong dân gian có câu: “Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi”.

Có lẽ chúng ta chưa may mắn được tiếp xúc với những người hoàn thiện, nên ta mất niềm tin về người tốt việc tốt. Cái nhìn lệch lạc đó làm ta đánh mất niềm tin về cơ hội xuất gia của mình. Cho nên, cách nhìn nhận vấn đề là yếu tố rất quan trọng.

Trong nhà Phật với Bát Chánh Đạo, cái nhìn chân chính, là yếu tố dẫn đầu chứ không phải là niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo, sự cầu nguyện hay trì chú v.v… Trong tất cả các pháp tu, ta đặt biệt cần chú ý về trí tuệ. Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo, yếu tố trí tuệ chiếm sáu đến bảy phần. Yếu tố tín ngưỡng trong đạo Phật được xem là một phần rất nhỏ. Chủ yếu là trí tuệ, phấn đấu vươn lên, kiên trì và tinh tấn.

Nhà Phật quy định, một người chưa đủ mười tám tuổi muốn xuất gia phải được sự đồng ý của cha mẹ. Khi đủ tuổi rồi, chúng ta được quyền lựa chọn lý tưởng của mình. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người đi tu mới chỉ năm hoặc sáu tuổi, cha mẹ không đồng ý mà họ vẫn trốn đi tu. Khi họ tu tập có kết quả, cha mẹ nào lại không hoan hỷ. Đây là điều tôi muốn nói với quý vị, đừng nên đợi tuổi già rồi mới đi tu, khi đó ta không có đủ sức lực đóng góp như thời còn trẻ. Nếu ai đã vào tuổi xế chiều cứ tiếp tục tu tập, đừng mặc cảm. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nhắn gửi đến những vị xuất gia trẻ thông qua con đường tu học của mình, hãy tìm cơ hội để phục vụ các giá trị tâm linh nhằm mang lại lợi ích cho tha nhân, cộng đồng và xã hội.