Thường đề Bồ Tát

Thường đề Bồ Tát

Đỗ Quang Huy 65
Vô Tướng Hảo Phật
   Vô Tướng Hảo Phật là vị Đại sư thứ tư kế tục trụ trì Phật pháp sau khi Phật diệt độ. Tên Ngài là Ưu-ba-cúc-đa, sau khi xuất gia, hoằng truyền Phật pháp, độ sinh vô số. Tuy sắc thân của Ngài chưa được đầy đủ phước đức tướng hảo trang nghiêm như các đức Phật, nhưng Ngài có trí đức cao thâm tợ như các đức Phật, có biện tài vô ngại và thuyết pháp thiện xảo khiến người người khâm phục năm vóc sát đất. Kể từ lúc Ngài hóa đạo, các bậc Thánh được giải thoát rất nhiều, nếu dùng thẻ tre để đếm thì phải chất đầy hết hang đá cao lớn sáu trượng. Vì thế, các bậc giáo giới đương thời một lòng tôn sùng ngưỡng mộ, xưng tán Ngài là Vô Tướng Hảo Phật. Đây là một vinh dự cao thượng một đời ít có, trong lịch đại Hiền Thánh của Phật giáo dường như cũng không từng thấy có nhiều. Vị Đại sư Ưu-ba-cúc-đa Vô Tướng Hảo Phật này lai lịch ra sao? Làm thế nào mà Ngài lại được tên tuổi vinh dự như vậy? Xin mời xem văn dưới đây sẽ rõ.
   1. Trồng căn lành đời trước
   Căn cứ truyền thuyết Phó Pháp Tạng Nhân Duyên, Đại sư đã nhiều đời nhiều kiếp tìm cầu đạo thoát khổ, chỉ vì chưa gặp được minh sư, cho nên lầm vào đường rẽ không có phương pháp để đạt được chánh quả. Lúc Phật còn tại thế, Đại sư sinh làm đồ chúng của Ni-kiền ngoại đạo, tên gọi là Tát-già. Nhờ nhiều đời tu đạo, tuy chẳng phải chánh hạnh, nhưng Tát-già cũng chẳng ham ưa chỗ luyến ái vinh hoa hư ảo của người đời, nhìn thấu danh lợi thế gian là gốc trói buộc khổ não của nhân loại, hay đem lòng chán ghét xa lìa, cho nên đạt được trí huệ siêu việt hơn người. Luận bàn nhiều khiến người thần tìm đến, lập hạnh nhiều khiến đồng đạo khâm phục.
Một lần nọ, Tát-già nghe nói đức Phật lãnh đạo đệ tử Hiền Thánh rất đông, đang giảng pháp giáo hóa độ chúng sinh tại Kỳ Viên nước Xá-vệ. Tát-già ôm ấp tâm cống cao, rêu rao với đồ chúng đồng đạo là mình muốn đến chỗ Phật để cùng biện luận chân lý. Một vài người đồng đạo vốn biết đức Phật là bậc cao minh, được cả trời, người tôn kính, nên đã nói với Tát-già rằng:
– Ông cùng với Phật biện luận sợ rằng cũng giống như lửa đom đóm mà tranh với ánh sáng mặt trời. Phật có người đệ tử tên là Xá-lợi-phất có trí tuệ tuyệt vời, không những người nghe tên khâm phục mà ở trong chúng đệ tử Phật cũng là bậc tôn kính, trí tuệ bậc nhất. Nếu như ông biện luận với Xá-lợi-phất mà thắng được cũng là rất khó rồi, huống chi là biện luận với Phật.
Tát-già xưa nay tưởng rằng đồng đạo cũng mong muốn ông cùng với Phật biện luận để đề cao uy danh và trình độ của mình, biểu hiện một ít trí dũng siêu quần, không ngờ lại bị đồng đạo tưới cho một chậu nước lạnh, khiến cho niềm tự tin bị lay chuyển, lửa ngạo mạn bị dập tắt. Ông sợ biện luận sẽ bị thua. Hơn nữa, một số đồng đạo là bậc trí nhân Ni-kiền trước đây từng tôn vinh ông nay đã táng thất, điều này càng làm cho ông mất hứng thú. Cho nên, ông không còn đặt vấn đề biện luận với Phật nữa. Có người khinh chê ông rằng đã nói mà không dám làm. Kỳ thật, ông đã giác ngộ rồi, nên không muốn thực hiện nữa. Mặc cho chúng đương thời nói những lời gièm chê xấu xa, chi bằng giấu cái dốt để giữ gìn cái tốt đẹp là hơn. Đây chính là cái chỗ thông minh của ông, không hổ thẹn là một người trí trong Ni-kiền ngoại đạo.
Không chỉ như thế, ông còn nghe những người đồng đạo rất xem trọng, ca ngợi trí tuệ của Xá-lợi-phất, mặc dù họ cách xa Ngài và không cùng đạo với Ngài. Ông tự nghĩ nếu như mình có được trí tuệ như Xá-lợi-phất, chắc chắn sẽ được mọi người tôn kính biết bao! Nghĩ đến điều này, trong lòng ông chợt phát khởi một niềm hy vọng mà không hề nói cho ai hay biết. Một hôm, ông âm thầm lặng lẽ đến Kỳ Viên, cầu mong gặp Phật và xin rằng:
– Kính mong đức Phật hãy độ con xuất gia và xin Ngài ban cho con được trí tuệ như Xá-lợi-phất.
Đức Phật không hề ngạc nhiên trước việc người ngoại đạo Ni-kiền xin xuất gia, nhưng Ngài biết chí nguyện của ông ta vừa bày tỏ là không thể thành tựu được, liền giải thích cho ông biết rằng:
– Ông muốn xuất gia, Ta rất hoan nghênh việc này. Thế nhưng, ông muốn Ta cho ông trí tuệ giống như Xá-lợi-phất, điều đó là việc không thể làm được.
Tát-già nghe xong, rất thất vọng và quay trở về. Ông cứ tưởng rằng Phật có thể cho ông trí tuệ, cho nên ông đã đem cái ý nghĩ hết sức kỳ quặc của mình để phát tâm xuất gia, hy vọng sẽ không nhọc mệt bao nhiêu mà thành được một người có trí tuệ, khiến cho đồng đạo ngạc nhiên, tôn sùng ngưỡng mộ cũng giống như Xá-lợi-phất vậy. Ông đâu biết rằng, trí tuệ của Xá-lợi-phất có được là do sự tinh cần tu học. Có thể nói, ông là người thông minh nhất đời lại mơ hồ một lúc ư! Có lẽ đương thời chỉ có một mình ông là có cái tư tưởng ấy! Ông đến một cách âm thầm, rồi lại âm thầm ra về, những người đồng đạo không hề hay biết sự việc này. Thế nhưng, sau khi ông quay về, Phật mới nói với chúng đệ tử rằng:
– Ni-kiền Tát-già đến cầu xuất gia và muốn Ta cho ông ấy trí tuệ nhưng không được, do vậy ông ấy thất vọng mà về. Ta quan sát nhân duyên xuất gia của ông ta chưa thành thục. Tương lai sau khi Ta diệt độ một trăm năm, do nhiều đời có tâm nguyện mong cầu trí tuệ, đến lúc ấy, ông ta liền được sáng suốt, thiện căn đã thành thục, sẽ xuất gia tu học và trở thành một vị A-la-hán đại lực hoằng dương Phật pháp nơi thế gian. Đuốc tuệ chiếu soi, quảng hóa chúng sinh, Phật pháp sẽ có một thời hưng thịnh.
Đại chúng nghe rồi, biết thiện căn của Tát-già chẳng phải thường, tuy hiện đời theo ngoại đạo, nhưng tương lai sẽ làm bậc Thánh như lời Phật thọ ký. Họ đồng sinh tâm hy hữu mà ca ngợi chúc lành. Phật cùng đại chúng nói việc ấy rồi, về sau, tin này xoay vần lưu truyền không ngừng.
   2. Sinh vào gia đình buôn bán
   Một trăm năm sau Phật nhập diệt, trong thành nước Ma-đột-la ở Ấn Độ, có một trưởng giả tên Cúc-đa, bình sinh lấy việc buôn bán làm nghề nghiệp, cốt ở chỗ giàu có vinh thân. Ông sinh được ba người con, người lớn nhất tên là A-phu-ba-cúc-đa, người kế tên Nan-đà-cúc-đa, người con út tên Ưu-ba-cúc-đa. Tiền thân của người con út chính là Ni-kiền Tát-già. Cúc-đa trưởng giả lúc đầu là tiểu thương nhân, đem sức cần lao khắc khổ để làm giàu. Sau khi thành gia lập nghiệp, nhờ có trí thông minh, tính siêng năng và nhờ sự hỗ trợ của ba người con, sự nghiệp của ông phát triển một cách thuận ý. Trong số ba người con, Ưu-ba-cúc-đa trẻ tuổi nhưng lại tài ba xuất sắc hơn, tánh tình rất từ hòa, khẩu tài lanh lợi nên được trưởng giả yêu mến nhất. Lại do chàng có thể cách đoan chánh, phẩm hạnh thiện lương nên được bà con hàng xóm và dân buôn hoan hỷ ngưỡng mộ.
Khi được 22 tuổi, Ưu-ba-cúc-đa bắt đầu học tập việc buôn bán trong một tiệm buôn của trưởng giả. Lúc mời chào khách hàng, chàng đều biểu hiện hành động khéo léo tài giỏi. Chàng tiếp đãi khách hàng rất ân cần lễ phép, lời nói ôn hòa dịu dàng, thường hay bán rẻ hàng hóa, hoặc cho thêm khách hàng chút ít. Những nhân viên sợ mất lợi nhuận nhưng không dám ngăn cản mà chỉ báo cho trưởng giả biết. Đương nhiên trưởng giả chẳng hài lòng lắm về việc buôn bán kiểu này và rầy la chàng một trận. Thế nhưng, chàng vẫn đối đãi rộng rãi với khách hàng, không chịu cải đổi chút nào hết. Cũng giống như người bạn tốt, thấy khách ra đi với lòng hoan hỷ, chàng mới an vui như vừa giúp họ làm một việc tốt đẹp vậy. Tư cách rộng rãi này được khách hàng truyền tụng tuyên dương. Những khách hàng nghe tiếng đến mua hàng ngày càng đông, khiến việc buôn bán ngày càng thịnh vượng. Tuy tiền lời kiếm được vốn rất ít, nhưng nước nhỏ giọt lâu ngày cũng đầy bình, tích tiểu thành đa, khiến cho tài nguyên ngày một lớn dần. Lúc ấy, những nhân viên kỳ cựu mới chịu khâm phục trí tuệ đặc biệt của ông chủ trẻ tuổi. Trưởng giả lấy làm hổ thẹn, vô cùng cảm mến Ưu-ba-cúc-đa, tuy niên thiếu mà có cái nhìn xa rộng và vui mừng bất tận vì sự thành công của con mình.
Lúc Ưu-ba-cúc-đa thành nhân, do nhờ có tri thức quảng đại, chàng tiếp xúc với sự việc một cách rộng rãi, bắt đầu quan sát sự khổ vui của người đời, nêu lên những vấn đề hiện thực một cách chi ly, suy tư trong tâm rất kỹ càng, minh bạch. Vào lúc này, Phật pháp lưu hành rất phổ biến. Từ các thành phố lớn cho đến thị trấn nhỏ, nơi nào cũng có chùa chiền Phật giáo và Tăng đoàn hoằng pháp. Do vậy, đôi lúc rảnh rỗi, Ưu-ba-cúc-đa thường đến thăm chùa cảnh, được nghe một đôi chút Phật pháp và hiểu được nhân sinh vốn vô thường.
Có một lần, vào buổi sớm mai, đang trên đường đến tiệm buôn, chàng gặp một vị Tăng, đó chính là Tôn giả Thương-na Hòa-tu, vị Đại sư kiệt xuất lãnh đạo Tăng đoàn Phật giáo thời bấy giờ. Ngài nhận lãnh sứ mạng hoằng truyền Phật pháp, thường đi giáo hóa bốn phương, vì Phật pháp trụ nơi đời vị lai mà tìm kiếm bậc nhân tài lãnh đạo. Theo chỉ thị của Tôn giả A-nan, Đại sư Thương-na Hòa-tu được biết, theo lời huyền ký của đức Phật, trưởng giả Cúc-đa ở nước Ma-đột-la tương lai có người con tên Ưu-ba-cúc-đa xuất thế, nên độ cho xuất gia, giao phó trách nhiệm lớn trụ trì Phật pháp. Cũng bởi lý do này nên hai mươi năm trước, Tôn giả đã cùng với trưởng giả Cúc-đa kết bạn. Lúc ấy, việc buôn bán của trưởng giả Cúc-đa đang thời hưng thịnh với sự giúp đỡ tích cực của hai người con đầu. Thương-na Hòa-tu muốn xin một trong hai người con của trưởng giả xuất gia, nhưng vì việc buôn bán cần phải có người trợ giúp nên ông đã khéo léo từ chối. Nhưng ông cũng có lời hứa rằng: “Nếu như sinh đứa con thứ ba, nhất định sẽ thỏa mãn ý nguyện của Đại sư, tùy Đại sư cho nó xuất gia”. Đại sư biết chẳng thể nào cưỡng cầu được, đành phải chờ đợi đến sau này.
Lần này, tình cờ gặp Ưu-ba-cúc-đa trên đường đi. Thấy Ưu-ba-cúc-đa có biểu hiện oai nghi khác thường, Đại sư liền hỏi thăm. Được biết đây chính là con thứ ba của trưởng giả Cúc-đa, người mà Ngài đang tìm cầu. Đại sư nhớ đến lời ước hẹn hai mươi năm về trước mà lòng vui mừng khôn xiết, nhưng e ngại trưởng giả lại đoạn tuyệt lời ước. Do vậy, Đại sư muốn gây tâm lý cảm thông trước với Ưu-ba-cúc-đa và khai thị pháp yếu khiến cho chàng phát khởi tâm chí xuất gia, không ưa các việc thế gian. Đại sư liền hướng về Ưu-ba-cúc-đa nói:
– Trông ngươi có vẻ thanh tịnh, nhưng không biết trong tâm ngươi có thanh tịnh không?
Ưu-ba-cúc-đa nghe rồi, quả nhiên bị lời nói này tác động gây chú ý, ông muốn tìm hiểu và hỏi:
– Thưa Đại sư, Ngài nói tâm con là có thanh tịnh không, con chẳng rõ điều này. Thế nào là tâm thanh tịnh? Thế nào là tâm không thanh tịnh?
Thương-na Hòa-tu thấy chàng phát khởi nghi vấn, biết đây là người dũng cảm khí khái, chẳng phải hạng thanh niên tầm thường. Ngài liền vì chàng mà giải đáp:
– Tâm đối với sự vật, không sinh khởi tưởng niệm tham, sân, si, ấy là thanh tịnh. Ngược lại, khi gặp sự vật ưa thích thì sinh tâm tham đắm, vật không ưa thích thì sinh giận ghét, không tìm hiểu nguyên nhân sự vật một cách rõ ràng mà vọng sinh tham sân ấy là si, mà còn tự cho là phải, đó là mạn, đấy tức là hiện tượng tâm không thanh tịnh. Làm người không những thân phải thanh tịnh mà tâm cũng phải thanh tịnh, như vậy mới là một người hoàn mỹ! Đủ biết, xa lìa tâm niệm không thanh tịnh, đó tức là bỏ ác gần thiện, là hành vi của bậc trí. Ngươi hãy tự mình quan sát: Đối với các sự vật thế gian, có khởi tâm tham, sân, si mạn không? Như vậy, có thể biết là tâm mình thanh tịnh hay không thanh tịnh. Bây giờ, ta muốn hỏi ngươi: Tâm của ngươi rốt cuộc là thanh tịnh hay không thanh tịnh? Hay là thanh tịnh thì ít mà không thanh tịnh thì nhiều?
Ưu-ba-cúc-đa hiểu được tâm lý có những vấn đề như thế này, song từ trước đến giờ chàng chưa hề nghĩ đến một cách rõ ràng như vậy. Chàng tuy vào đời không lâu, đối với tình cảm hoạt động thế sự như lời Thương-na Hòa-tu nói, những điều đó có chút thanh tịnh hay không thanh tịnh, dường như đều có lỗi, mà cái sau tợ hồ như nhiều lỗi hơn cái trước. Thế nhưng, chàng không bao giờ lưu ý tới, mặc cho các hoạt động lùi vào quá khứ. Hiện tại, với câu hỏi tâm mình tịnh hay bất tịnh, chàng không biết phải đáp như thế nào cho đúng. Chàng nghĩ: “Chỉ có từ hiện tại mà bắt đầu lưu ý đến hoạt động của tâm tịnh hay bất tịnh mới có thể biết một cách minh xác và trả lời cho Đại sư được. Nhưng phải ghi nhận hoạt động tâm linh tịnh và bất tịnh như thế nào? Tâm niệm trong một ngày không biết đã là bao nhiêu rồi, huống gì một tháng, một năm. Điều này, làm sao mà ghi nhận cho được đây?”. Chàng thấy không biện pháp nào thông minh hơn là hướng về Đại sư mà thỉnh giáo:
– Thưa Đại sư! Con không biết tâm con là tịnh hay bất tịnh, do vì xưa nay chưa có chú ý đến vấn đề này. Con nghĩ, bây giờ phải bắt đầu lưu tâm đến hoạt động tâm lý của chính mình, đợi cho đến khi biết rõ tâm mình rồi con mới có thể phúc đáp cho Đại sư. Mong Ngài chỉ thị cho con phải dùng phương pháp nào để mà theo dõi?
– Ngươi chưa trả lời vấn đề của ta được, cũng tốt. Ngươi muốn theo dõi hoạt động của tâm tịnh hay bất tịnh, ta sẽ chỉ cho một phương pháp: Hãy lấy một số đá sạn màu đen và màu trắng, dùng hai cái đấu để đựng. Lúc nào tâm khởi niệm bất tịnh liền bỏ một hạt đá sạn màu đen vào một cái đấu. Nếu như tâm niệm sinh khởi là tịnh liền lấy một hạt sạn màu trắng bỏ vào một cái đấu khác. Làm như vậy trong khoảng bảy ngày, đem hai cái đấu ra so sánh xem được bao nhiêu đen trắng thì biết được kết quả như thế nào.
Ưu-ba-cúc-đa nghe được biện pháp này, rất lấy làm vui mừng, lễ tạ từ biệt Thương-na Hòa-tu, hẹn bảy ngày sau sẽ gặp lại, rồi chàng đi vội đến tiệm buôn. Lúc ấy, Đại sư cũng lên đường tiếp tục công việc hoằng hóa.
   3. Hiến thân cho Phật giáo
   Sau khi Ưu-ba-cúc-đa lãnh thọ lời khai đạo của Thương-na Hòa-tu, tư tưởng của chàng bắt đầu có sự thay đổi mới mẻ. Trước đây, chàng chỉ nghĩ đông nghĩ tây, u u mê mê, hoạt động đối nhân đối vật mặc tình mặc ý, dù có nhiễm tịnh, tốt xấu đều không quan tâm lắm, ấy chính là tấm lòng chân thật thuần khiết của người thanh niên. Hiện tại, chàng thực hành theo phương pháp của Thương-na Hòa-tu chỉ dạy mà lưu tâm đến sự động niệm của tâm. Chàng bắt đầu phát hiện những điều mới mẻ. Khi tâm niệm hoạt động, chàng cố gắng ghi nhận và bỏ các hạt sạn đen, trắng. Trong ngày đầu, hoàn toàn là sạn đen cả. Chàng tự nghĩ đến hoạt động sôi nổi của con người là do tham, sân, si, mạn lôi kéo, không thấy có một niệm thanh tịnh phát khởi. Điều này, khiến cho chàng càng cố gắng thêm, muốn chế ngự tâm niệm bất thiện, rốt cuộc cũng không thể làm theo như ý được. Chàng có đôi chút ngạc nhiên về tâm của mình, cuồng động không nghe lời cũng như con ngựa rong ruổi nơi đồng hoang, nếu như không gia tâm quán chiếu ràng buộc, há chẳng phải thành ra vọng động bất tịnh, sai khiến thân và miệng tạo ác nghiệp ư? Thảo nào trên cuộc đời này, không biết bao nhiêu người làm điều xằng bậy mà không biết hồi tâm sám hối, há chẳng phải như lời tục vẫn thường nói là do tập quán mà tự nhiên thành ư? May mắn là chàng vẫn chưa rơi vào tình cảnh chứa nhóm ác nghiệp đến nỗi khó cải đổi. Từ trong chỗ khai thị của Thương-na Hòa-tu, chàng phát giác ra tính trọng yếu của tâm niệm chẳng nên để phóng túng. Bắt đầu công phu trị tâm, buộc niệm, quả thật là thâm diệu vô cùng, nên chàng cũng có đôi chút giác ngộ rằng: Hành vi thiện ác của người đời cảm thọ khổ hay vui đều là căn bản của hết thảy mọi vấn đề nơi thế gian. Dường như chàng đã thấy được đôi chút quang minh mà các người thanh niên bình thường khác chưa thấy được. Chàng rất phấn khởi hân hoan vô hạn về niềm hy vọng và sức tinh tấn của mình. Chàng không ngừng tập trung ý chí, quan sát xoay chuyển vọng động của tâm niệm khiến cho nó phát sinh thiện niệm. Đến giữa ngày thứ hai, đã có một số hạt sạn trắng lác đác xuất hiện trong cái đấu trống rỗng. Tuy nó chưa được bao nhiêu so với số hạt đen, nhưng điều này khiến chàng hoan hỷ và tăng thêm lòng tự tin, bởi vì tâm có thể từ nhiễm ô mà chuyển thành bạch tịnh. Chàng miên man theo dõi tâm viên nhảy nhót của mình, ra sức chế ngự và hướng nó về chỗ thanh tịnh. Trải qua nhiều ngày phấn đấu, dần dần, chàng đã khống chế được nó. Đến ngày thứ bảy, chàng có thể cột trói tâm viên một cách như ý. Nhờ vậy mà từ chỗ nhiều sạn đen trở nên ít dần đến chỗ trắng toàn bộ. Công phu trị tâm buộc niệm của chàng đã thành công một cách phi thường. Chàng đã có thể khiến cho tâm niệm xa lìa bất tịnh mà hiển hiện tâm thanh tịnh. Nhưng công phu này mới chỉ là việc chế ngự bước đầu giúp cho nội tâm thanh tịnh mà thôi, vẫn chưa phải là đạt đến chỗ công hạnh thanh tịnh tự tại trong việc đối nhân tiếp vật, điều này còn cần phải tiến tu thêm nữa.
Sau bảy ngày, theo lời ước hẹn, Thương-na Hòa-tu đến thành Ma-đột-la để gặp Ưu-ba-cúc-đa. Đại sư nghe Ưu-ba-cúc-đa trình bày kinh nghiệm tu trì và kết quả trị tâm nhiếp niệm trong bảy ngày qua. Đại sư biết chàng đã thành tựu một cách dị thường, vì trong bảy ngày mà có thể tu dứt niệm ác bất tịnh, trụ nơi thiện định thanh tịnh. Điều này không phải là người bình thường có thể làm được, đủ chứng tỏ thiện căn của chàng rất sâu dầy. Ở thế gian, có một số người vào đạo, không cần quan sát thiện căn huệ lực sâu cạn hay dầy mỏng, mà chỉ cốt cầu pháp vô thượng cao sâu mầu nhiệm, mong muốn mau chóng thành Phật tác Tổ. Điều này, nói lên người tu đã không tự lượng sức mình mà người dạy cũng chẳng biết quan sát căn cơ.
Đại sư Thương-na Hòa-tu ban đầu dạy Ưu-ba-cúc-đa buộc niệm bằng cách bỏ hạt sạn đen và trắng, thấy đã đạt được kết quả tốt đẹp, lúc đó mới vì chàng mà nói thêm một tầng sâu hơn nữa là pháp thanh tịnh Tứ chân đế, khổ, tập, diệt, đạo xuất thế gian. Sau khi nghe giảng dạy, Ưu-ba-cúc-đa liền giác ngộ rằng: Tất cả khổ vui nơi thế gian đều là pháp vô thường biến hoại, đều bởi hoạt động của tham, sân, si, mạn mà tạo thành kết quả, chỉ có tu theo thiện pháp xuất thế mới có thể siêu thoát khổ não và thống khổ vô thường bại hoại, đạt đến chỗ thanh tịnh tự do và giải thoát. Từ trong lý giải này, tâm chàng bừng sáng, không còn tham ái cảnh giới sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, liền chứng quả Tu-đà-hoàn, ra khỏi thế gian bước vào dòng Thánh. Đối với việc chứng ngộ của chàng, Thương-na Hòa-tu hết lời khen ngợi và khuyến khích chàng không được tự mãn mà phải cầu tiến hơn nữa thì mới thâu hoạch được kết quả lớn hơn. Chàng lắng nghe và phấn khởi vô cùng, rồi cáo biệt Đại sư ra về, trong lòng tràn ngập niềm vui nghe pháp.
Một ngày nọ, có người tớ gái trang điểm xinh đẹp từ trong thành đến mua hoa, Ưu-ba-cúc-đa cũng ưu đãi như những khách hàng thường ngày, bán cho cô ta hoa đẹp với giá thấp. Người tớ gái đem hoa về cho nữ chủ nhân. Thấy hoa đẹp mà giá lại thấp, người chủ hỏi lại người tớ gái và được biết là do Ưu-ba-cúc-đa bán cho, khiến cô ta nghĩ ngợi không yên. Nguyên nữ chủ nhân này tên là Bà-tu-đạt, thường được gọi là Đóa hoa giao tiếp. Cô vốn là một kỹ nữ lẳng lơ, không biết bao nhiêu người đàn ông, trai trẻ trong thương trường đã bị tan nát sự nghiệp trong vòng tay của cô. Nghe danh tiếng Ưu-ba-cúc-đa, cô tưởng chàng cũng giống như những kẻ ham mê sắc đẹp nên muốn giao hảo. Cô liền sai người tớ gái mời chàng đến vui chơi. Thế nhưng, chàng vốn là người chẳng ham đắm thanh sắc, vả lại cũng biết cô là người không đàng hoàng, chẳng có ý tốt nên chàng liền từ chối lời mời. Không bao lâu, nữ nhân Bà-tu-đạt vì hại người lấy của nên bị phép nước khép tội xử xẻo tai mũi, chặt tay chân vứt ra ngoài bãi tha ma. Tin tức lan truyền khắp thành Ma-đột-la, có người mắng nhiếc rằng chết như vậy cũng chưa hết tội, đủ biết cô ta hại người không phải là ít. Cũng có người nói cô chết quá thê thảm, tuy cô thật đáng ghét nhưng cũng đáng thương hại. Ưu-ba-cúc-đa nhân sự việc này mà hiểu thêm rằng: “Thân là gốc lớn của muôn điều khổ. Những khổ não vô biên đều từ thân mà phát sinh. Như nữ nhân kia nếu chẳng bị mê hoặc bởi thân thể giả tạm thì làm gì mà có cái hình phạt ấy? Kỳ thật, không chỉ có một nữ nhân này ngu si, nhận giả làm chân, gây tội tự chiêu lấy quả báo. Nhìn nơi cuộc đời này, xét cho kỹ người chân chánh, có thể hiểu được huyễn thân vô thường, khổ, không, vô ngã. Không tham ái chấp trước, hỏi được có bao nhiêu người đâu?”. Điều này, khiến cho chàng càng nghĩ đến những hư vọng của thế gian, họ đã không có tâm chán ghét xa lìa lại còn tăng trưởng thêm lên. Đối với những mê chấp này của người đời, cần phải ra sức tuyên dương Phật pháp để giác tỉnh họ. Nhờ sự quán chiếu về vấn đề này, khiến chàng có được nhiều thâu hoạch tâm linh và chàng đã chứng được quả A-na-hàm, hàng thứ ba trong bốn quả Thánh, không còn trở lại thế gian thọ sinh tử nữa. Đây là người tại gia học Phật chứng được quả vị tối cao. Nhìn lại những Phật tử tại gia học Phật xưa nay, người chứng được Sơ quả, Nhị quả, Tam quả có được mấy ai đâu?
Lúc ấy, Đại sư Thương-na Hòa-tu biết được nhân duyên xuất gia của Ưu-ba-cúc-đa đã thành thục, liền đến gặp trưởng giả Cúc-đa và nhắc lại lời ước hẹn của ông hai mươi năm về trước, yêu cầu ông cho Ưu-ba-cúc-đa xuất gia. Nhưng vì trưởng giả thấy Ưu-ba-cúc-đa trợ giúp mình trong việc buôn bán rất đắc lực, trong lòng không muốn rời xa và toan nuốt lời hứa. Đại sư nghiêm nghị bảo rằng:
– Đây là tâm nguyện của ông đã hứa, không nên tự làm điều trái ngược lại. Hơn nữa, ông giữ Ưu-ba-cúc-đa ở nhà thì chỉ có thể giúp cho việc buôn bán của ông phát triển, nhưng đối với nhân quần xã hội thì có gì là lợi ích lớn đâu? Như nếu Ưu-ba-cúc-đa xuất gia, có thể làm Phật sự lớn hơn, đem lợi ích cho vô lượng chúng sinh thì cái công đức này không có gì sánh bằng được. Lúc Phật còn tại thế, đã từng nói một trăm năm sau ở nước Ma-đột-la sẽ có một người xuất thế hưng khởi Phật pháp rộng lớn. Lời nói này ứng với Ưu-ba-cúc-đa hiện nay. Nếu như ông không cho Ưu-ba-cúc-đa xuất gia, há chẳng phải là làm trở ngại cho nhân duyên hưng long Phật pháp, làm tổn hại lợi ích của đại chúng ư?
Trưởng giả Cúc-đa nghe rồi mới tỉnh ngộ rằng: Tâm tánh Ưu-ba-cúc-đa không giống với những người khác, lúc nào cũng từ ái đối với mọi người, thường vì mọi người mà làm những việc lợi ích, không tham ái mọi thứ ưa muốn của người đời. Lại thấy Ưu-ba-cúc-đa thường siêng năng tu trì Phật pháp, chí xuất trần sớm đã bộc lộ, chỉ vì ông chưa lưu tâm sâu sắc đó thôi. Nay Thương-na Hòa-tu đã nhắc nhở, e rằng nếu ông giữ Ưu-ba-cúc-đa ở lại nhà, không những làm cản trở tiền đồ của con mà còn trái với tâm nguyện nữa, do vậy ông liền chấp thuận lời yêu cầu của Đại sư. Kỳ thật, Ưu-ba-cúc-đa đã sớm có ý nguyện quyết tâm xuất gia, ôm ấp hoài bão hiến thân cho Phật giáo rồi và còn chỉ đợi nhân duyên đến mà thôi. Nay nghe cha mình là trưởng giả Cúc-đa đồng ý cho Đại sư Thương-na Hòa-tu độ mình xuất gia, trong lòng chàng vui sướng vô cùng. Thế là không chần chờ gì nữa, chàng liền bái biệt cha theo thầy đến chùa thế phát, thọ Cụ túc giới, hoàn thành ý nguyện hiến thân tâm cho Phật giáo, gánh vác sứ mạng trụ trì Phật pháp. Nhờ đã chứng được quả Thánh thứ ba, trong lúc thọ đại giới, Ưu-ba-cúc-đa liền chứng được quả A-la-hán, phiền hoặc đã tận. Công việc của Thương-na Hòa-tu đã tròn, liền đem trách nhiệm lớn trụ trì Phật pháp giao cho Ưu-ba-cúc-đa, rồi Ngài tùy duyên du phương hóa độ. Từ đấy, Ưu-ba-cúc-đa bắt đầu nhiệm vụ mới hoằng pháp độ sinh.
   4. Quảng độ chúng sinh
   a. Hoằng đạo ở Ma-đột-la
   Ma-đột-la là nơi Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa ra đời. Trong lúc giúp đỡ cha là trưởng giả Cúc-đa buôn bán, nhờ ưu đãi với khách hàng, Tôn giả đã rộng kết thiện duyên với bạn bè và được đông đảo quần chúng ngưỡng mộ. Nay họ nghe tin Ngài xuất gia hành Như Lai sự, làm lợi ích cho nhân sinh, họ lại càng tán dương hết lời. Trong lúc Ngài tuyên dương Phật pháp, dù ở chỗ nào, già trẻ nam nữ cũng đều đến nghe Ngài giảng giải Phật pháp thật là đông đảo. Do bởi mọi người đều biết Ngài là con của phú thương, nhưng chẳng ham danh lợi, tính tình từ hòa, đã hiến thân cho Phật pháp nhằm làm lợi ích nhân sinh, cho nên đối với tâm lý đại chúng, Ngài đã gây được cảm tình tốt đẹp và rất có tín nhiệm với họ. Thêm vào đó, Ngài lại có trí tuệ thông minh, tu chứng Phật pháp, lời nói của Ngài không những mạch lạc rõ ràng khiến người nghe cảm động mà còn khéo léo đưa người vào đạo. Không bao lâu, đã có một vạn tám ngàn người được Ngài giáo hóa xuất gia tu chứng quả vị A-la-hán. Còn những người tại gia thọ sự giáo hóa của Ngài thì vô lượng vô số. Sức cảm hóa của Ngài khiến nhân dân trong nước Ma-đột-la hết lòng tán thán ca ngợi, những nước gần xa cũng đều được nghe danh và khâm phục kính nể. Ngài được đồ chúng và những người ngưỡng mộ tôn phụng là Vô Tướng Hảo Phật. Vinh dự Vô Tướng Hảo Phật được truyền bá rộng rãi từ đấy, cho nên có lời tôn sùng rằng: “Sớm nghe tên Vô Tướng Hảo Phật, chiều chết cũng xứng đáng”.
 b. Hàng ma phá tham sân
Việc Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa hoằng pháp độ sinh rộng khắp khiến cho Ma vương Ba-tuần lấy làm rối loạn, vừa kinh sợ vừa giận tức. Ma vương vốn rất sợ Phật pháp hưng thịnh, không thích những bậc cao Tăng hoằng pháp. Vì nếu Phật pháp lưu hành rộng rãi, chúng sinh sẽ thay đổi các điều ác mà theo điều thiện, nghe pháp ham mê học Phật. Do vậy, số người theo ma sẽ giảm thiểu đi và uy thế của chúng không còn, cho nên Ma vương nhất quyết đối đầu với Phật pháp và những người tu học Phật. Nếu như chẳng hàng phục được Phật pháp và những người tu đạo, chúng sẽ tìm cách ngăn trở và phá hoại. Lúc Phật còn tại thế, chúng ma tìm cách phá hoại nhưng chẳng làm sao thắng được Ngài, trái lại còn bị đức Phật hàng phục. Đệ tử của Phật rất nhiều vị đắc A-la-hán, biết không thể nào thắng nổi, nên ma chẳng dám phá rối. Hiện tại, chúng thấy Ưu-ba-cúc-đa là vị Tăng mới xuất gia, hoằng pháp không biết cao siêu thế nào mà có thể làm chấn động người đời quy y tín ngưỡng, chúng rất phẫn nộ quyết đến phá hoại. Ma vương thừa lúc Tôn giả đang thuyết pháp, hiện xuất ma thông giáng một trận mưa vàng ròng cùng trân bảo rơi rớt xuống hiện trường nơi pháp hội. Những người nghe kinh cho là Tôn giả thuyết pháp cảm ứng đến Trời nên đã mưa vàng ròng trân bảo xuống. Mọi người liền bị động tâm, xôn xao gây nên một trận rối loạn. Lúc ấy, thật không biết có người nào thấy vàng bạc châu báu mà không sinh tham ái. Đang lúc mọi người đua nhau lượm vàng ròng trân bảo, chợt có người lớn tiếng nói rằng:
– Hãy vứt bỏ những vàng ròng trân bảo ấy đi, chúng chỉ là ma thuật của Ma vương dùng độc xà biến thành để làm nhiễu loạn tâm các vị nghe kinh mà thôi!
Đại chúng nghe rồi vội vàng vứt bỏ vàng ròng trân bảo ấy đi vì sợ rắn độc cắn chết. Bởi vì Tôn giả đã biết được đấy là pháp thuật của Ma vương làm ra hầu phá hoại pháp hội của Ngài. Ma thuật của ma vương đã bị Tôn giả điểm phá, Ma vương biết Tôn giả chẳng phải là kẻ phàm nhân. Ma pháp không còn linh nghiệm nữa, nhưng Ma vương không từ bỏ chủ ý đả kích Tôn giả. Hắn biến thành một người già đến nghe kinh, có đem theo một tràng hoa đẹp. Lúc Tôn giả giảng kinh xong, hắn thành kính dâng tràng hoa choàng lên cổ Tôn giả. Ma vương làm như vậy với mục đích phá giới hạnh của Ngài, vì trong luật không cho đeo tràng hoa đẹp, thính chúng nhìn thấy sẽ khởi tâm khinh mạn, chê bai Tôn giả và sẽ mất đi lòng thành kính tôn sùng ngưỡng mộ của họ. Nhưng Tôn giả cũng đã biết rõ ý đồ này, liền hiện thần thông biến thành một tràng hoa đẹp tặng lại và đeo vào cổ Ma vương. Vì Tôn giả không có tâm tham nhiễm nên tràng hoa đeo trên mình tùy thời có thể dứt bỏ. Còn Ma vương có tâm nhiễm trước nên muốn bỏ vòng hoa mà không làm sao bỏ được, dường như nó đã bắt rễ ở đó. Lúc ấy, những hoa đẹp liền biến thành ba thứ xác chết: người chết, chó chết và rắn chết, thịt nhão nhét, mùi hôi xông lên không thể chịu nổi. Ma vương chẳng thể nào giải trừ được, nên mới hướng về Tôn giả cầu xin tha thứ, biểu lộ lòng sám hối không dám tái phạm pháp lực của Tôn giả. Tôn giả vì lòng từ bi liền tiêu trừ những xác chết ấy và biến chúng trở thành những hoa đẹp. Ma vương hết lòng khâm phục. Do vì Ma vương trước đây đã được thấy tướng hảo của đức Phật nên Tôn giả muốn Ma vương biến hiện sắc tướng của Phật cho Ngài chiêm ngưỡng. Ma vương liền chấp thuận nhưng yêu cầu Tôn giả không nên lễ kính, vì đấy chỉ là giả tướng biến hóa ra mà thôi. Tôn giả nhận lời hứa. Trong lúc Ma vương biến hóa thành tướng Phật, Tôn giả trông thấy bất giác như gặp được Phật, trong lòng vui sướng vô cùng liền lễ bái không ngớt. Ma vương phục hồi nguyên hình, có đôi chút phiền trách Tôn giả đã không giữ đúng lời hứa. Nhưng Tôn giả cho biết là không phải Tôn giả lễ kính Ma vương mà chính là kính lễ Phật, bởi vì trong tâm Tôn giả lúc ấy chỉ có thấy Phật chứ chẳng thấy chút hình bóng nào của ma cả. Việc đấu pháp của Tôn giả và Ma vương đã kết thúc. Sau đó, Tôn giả hàng phục Ma vương bằng những lời lẽ đẹp đẽ. Nhờ việc hàng phục ma thành công đã khiến cho Phật pháp càng thêm hưng thịnh, và việc hoằng pháp của Tôn giả càng được rộng rãi mau chóng.
    c. Hóa đạo tại thành Hoa Thị
   Thành Hoa Thị là kinh đô mới của nước Ma-kiệt-đà, đặt dưới sự thống trị của A-thứ-già Vương (tức vua A-dục). A-thứ-già Vương là một vị vua danh tiếng kiệt xuất của Ấn Độ, là người cùng thời đại với Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa. A-thứ-già Vương không chỉ là một tín đồ Phật giáo thuần thành mà còn là một ông vua có công rất lớn trong việc hoằng truyền hộ trì Phật pháp, từng tạo tám vạn bốn ngàn tháp Phật, rất nổi danh trên thế giới.
Một ngày nọ, A-thứ-già Vương đến chùa Sát Kê Đầu Mạt thăm Thượng tọa Da-xá. Trong lúc đàm đạo, Thượng tọa Da-xá nhắc về việc lúc đức Phật còn tại thế có nói rằng, sau Phật diệt độ một trăm năm sẽ có một vị vua nổi tiếng ra đời hưng long Phật pháp, đấy tức là chỉ cho A-thứ-già Vương. Riêng về vị cao Tăng lãnh đạo Phật giáo là chỉ cho Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa vậy. A-thứ-già Vương cũng đã từng nghe về truyền thuyết này, và cũng được nghe nói tại nước Ma-đột-la có một vị Tăng đạo cao đức trọng rất được mọi người tôn sùng ngưỡng mộ. Hiện tại, lại nghe Thượng tọa Da-xá nhắc lại lời Phật ký sau một trăm năm sẽ có một vị cao Tăng hóa độ nhân thế khiến cho nhà vua phải chú ý, liền hỏi Da-xá rằng:
– Kính bạch Đại đức, như Đại đức vừa nói lời Phật thọ ký vị cao Tăng, chẳng hay vị ấy đã ra đời hay chưa?
Da-xá đáp:
– Tâu Đại vương, vị cao Tăng này đã ra đời rồi và đã chứng quả A-la-hán. Nếu như Đại vương rảnh việc quốc chánh nên đến viếng thăm sẽ có rất nhiều lợi ích lớn.
A-thứ-già Vương rất hoan hỷ tiếp nhận lời đề nghị của Thượng tọa Da-xá, lập tức trở về vương cung, phái sứ giả đến trước thưa với Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa rằng vua sắp đến thăm Ngài. Lúc ấy, Tôn giả có sáng lập một ngôi đạo tràng lớn ở núi Ưu-đà nước Ma-đột-la, thường có một vạn tám ngàn đệ tử thân cận tu học hoằng pháp. Khi Ngài biết A-thứ-già Vương sắp đến thăm, e rằng sẽ gây sợ hãi cho dân chúng trong nước, Ngài quyết định làm một người bạn không mời, tự mình sẽ đến thăm nhà vua, làm một chuyến du hành đến thành Hoa Thị. Sứ giả nghe tin Tôn giả sẽ tự thân đến thành Hoa Thị, vội vã quay trở về báo tin cho A-thứ-già Vương biết. Quốc vương rất lấy làm vinh hạnh, chuẩn bị nghênh tiếp, ra lệnh dọn dẹp sạch sẽ đường sá, trang sức bằng các loại hoa thơm, có cả đội nhạc dàn chào. Khi Ưu-ba-cúc-đa cùng các đệ tử tùy hành gần đến vương thành, nhà vua dẫn bá quan, Tăng chúng cùng đông đảo nhân dân ra khỏi thành nghênh tiếp. Khi vừa gặp Tôn giả, nhà vua liền năm vóc sát đất kính lễ. Bá quan cùng với nhân dân vì quá đông đảo nên chỉ đứng chắp tay cung kính xá chào. Sau đó, vua tiếp rước Tôn giả về vương cung, thỉnh Ngài đăng bảo tòa khai thị Phật pháp, khiến cho đại chúng đồng triêm pháp lợi. Nhà vua thành tâm cúng dường Tôn giả và các đệ tử của Ngài. Trong lúc gặp gỡ, nhà vua được Tôn giả kể cho nghe sự tích một đời hoằng đạo của đức Phật, nhà vua sinh khởi lòng ngưỡng mộ vô hạn, phát nguyện đi thăm viếng và lễ bái những Thánh tích của Phật, xây tháp để kỷ niệm, cầu mong Tôn giả vì vua mà hướng dẫn. Tôn giả vui vẻ đồng ý. Sau vài ngày nghỉ ngơi, Ngài hướng dẫn nhà vua đi tham lễ Thánh tích của Phật như: nơi đản sinh, trên núi tu đạo, chỗ thuyết pháp và cánh rừng Niết-bàn… đều đến chiêm bái không sót một chỗ nào. Đến đâu nhà vua cũng bố thí cúng dường, xây tháp sửa chùa, kính lễ rất thành tâm. Sau khi thăm viếng các Thánh địa trở về, nhà vua lại cử hành đại hội bố thí rộng khắp. Chuyến đi này của Tôn giả có ảnh hưởng rất lớn đối với A-thứ-già Vương và nhân dân nước Ma-kiệt-đà, vì thế lực Phật giáo lúc bấy giờ được cổ vũ rất mạnh mẽ. Công việc hoằng hóa đã xong, Tôn giả liền trở về, quốc vương cùng thần dân cung kính tiễn đưa mà lòng cứ lưu luyến mãi không thôi.
   d. Phổ độ những người hữu duyên
Tôn giả có hoài bão và tâm nguyện hoằng pháp độ sinh, cho nên trong khi du hóa, hễ gặp người nào có duyên Ngài đều hóa độ tu hành đắc đạo. Một ngày nọ, Ngài hành hóa trong thành Túc La, có một phú thương tên Thiện Hộ, nhờ sự buôn bán thuận lợi nên muốn thiết lập đại hội bố thí rộng khắp và cúng dường Tăng già. Có một vị Tăng phàm phu tên A-sa-la cũng được mời thỉnh cúng dường. Riêng có một vị Thánh Tỷ-kheo-ni đã nêu ý kiến với A-sa-la nên trang nghiêm thân tâm để thọ sự cúng dường. A-sa-la rất vô tâm, liền cạo sạch râu tóc, tắm gội thân thể sạch sẽ, mặc y thanh tịnh vào. Thánh Tỷ-kheo-ni biết A-sa-la hiểu lầm ý mình nên nhắc lại cho A-sa-la rõ là phải tẩy rửa thân tâm cho thanh tịnh trang nghiêm để đến dự đại hội. A-sa-la rất tức giận vì cho rằng Thánh Tỷ-kheo-ni chê bai mình không trang nghiêm thanh khiết. Thánh Tỷ-kheo-ni giải thích rằng:
– Bạch Đại đức! Tôi nói trang nghiêm không phải là trang nghiêm tâm tướng bên ngoài, mà là tẩy trừ tâm cấu uế để trang nghiêm Phật pháp bên trong vậy!
A-sa-la nghe rồi mới nhận biết mình lầm lẫn và hổ thẹn vô cùng. Bởi vì ông chưa được Thánh đạo trang nghiêm cho nên mới có phiền não ô trược trong tâm. Nhờ Thánh Tỷ-kheo-ni nhắc nhở, ông đã đến thân cận học tập với Ưu-ba-cúc-đa Tôn giả. Sau khi được Tôn giả khai thị pháp yếu, lại nhờ uy đức gia bị của Tôn giả khiến cho A-sa-la có được tâm ý sáng suốt, đột phá vô minh, chứng quả A-la-hán, giải thoát sinh tử.
Lại có một vị Tỷ-kheo mới theo Tôn giả xuất gia, được Ngài chỉ dạy phép tọa thiền tu    quán. Nhưng vì do tâm lười biếng, nhàn tản nên chẳng bao lâu, ông rơi vào con đường mộng ảo. Tôn giả dùng phương tiện hết sức dạy dỗ khuyến khích. Ngài thị hiện thần thông biến nơi trụ xứ thành một thân cây, ba mặt đều là những hố sâu, chỉ có một con đường nhỏ bằng cành cây dẫn đến gốc cây, nơi đó chỉ có một chỗ ngồi nhỏ hẹp. Tôn giả bảo vị Tỷ-kheo đến tọa thiền dưới gốc cây nguy hiểm này, ông ta quá sợ nhưng chẳng dám trái lời dạy của thầy. Từ đó, ông phải chăm chú tinh cần không một chút phân tán, chuyên tâm nhất chí phòng hộ thân tâm, e rằng nếu chỉ một chút lơ là có thể sẽ rơi xuống vực sâu tan nát thân xác. Nhờ phương tiện đặc thù cảnh giác cao độ này, khiến vị Tỷ-kheo không chỉ phá trừ được sự quấy nhiễu khốn khổ của ma ngủ, mà còn do sự nhất tâm bất loạn này mà ông đạt được chánh định, phát sinh ánh sáng trí tuệ, tiêu diệt hết vô minh hắc ám, tiến nhập vào thế giới quang minh thành bậc Thánh tự tại.
Cách quan sát căn cơ để dạy dỗ của Ngài là phương tiện rất thù thắng, những người được hóa độ và đắc đạo đều là những người có duyên cả. Những người được Ngài giáo hóa và chứng đạo cho đến khi Ngài nhập diệt rất nhiều, nếu lấy thẻ tre mà ghi chép, có thể chứa đầy một thạch thất cao lớn sáu trượng. Điều này cho thấy, sức giáo hóa độ người của Ngài thật vô lượng vô biên. Riêng số người tại gia tín ngưỡng quy y theo Ngài thì thật là không thể tính kể được.
e. Công thành Niết-bàn
   Sau Phật diệt độ một trăm năm, những đệ tử của Ngài đều siêng hoằng đạo để Phật pháp lưu truyền không dứt, trong đó có bốn vị Đại sư có rất nhiều công đức đáng được truyền tụng là: 1. Đại Ca-diếp; 2. A-nan; 3. Thương-na Hòa-tu; 4. Ưu-ba-cúc-đa. Các Ngài xoay chuyển kế thừa Phật pháp khiến cho mạng mạch miên trường. Mỗi vị Đại sư trong lúc giữ gìn, gánh vác Như Lai đại pháp đều đặc biệt quan tâm đến tương lai Phật pháp. Ở trong chúng Tăng, tìm kiếm những bậc nhân tài xuất chúng, để sau này luân lưu gánh vác việc trụ trì Phật pháp theo đúng như lời Phật phú chúc.
Thời quá khứ, sau khi Phật diệt độ, Tôn giả Ca-diếp lãnh thọ phú chúc của đức Phật mà lãnh đạo Tăng đoàn, trụ trì Phật pháp. Sau khi Ca-diếp nhập định ở núi Kê Túc, Tôn giả A-nan nối tiếp sứ mạng lãnh đạo truyền dương Phật pháp. Lúc A-nan nhập diệt, phú chúc cho Thương-na Hòa-tu phụ trách hoằng dương chánh pháp. Và Thương-na Hòa-tu truyền trao trách nhiệm lớn cho Ưu-ba-cúc-đa. Đến lúc Tôn giả Ưu-ba-cúc-đa cũng đã vì Phật pháp mà làm tròn trách nhiệm của mình một cách tận tâm tận lực. Thế sự vô thường, có sinh ắt phải có diệt, Tôn giả đã đắc quả Thánh, Ngài luôn ghi nhớ đến trách nhiệm và chúng sinh đời sau, nên Ngài rất quan tâm trong việc tìm người phó thác Phật pháp để kế thừa sau này.
Một lần nọ, tại nước Ma-đột-la, Tôn giả tình cờ gặp một thanh niên tên Đề-ca-ca, oai nghi biểu hiện khác tục, trí tuệ sáng suốt lạ thường, có thể làm bậc pháp khí. Tôn giả bèn hỏi thăm lai lịch, quê quán và dùng mọi phương tiện khuyến khích chỉ dẫn. Sau khi hiểu được Phật pháp, Đề-ca-ca mong muốn xuất gia. Tôn giả quy y thế phát cho Đề-ca-ca và hết lòng thương yêu dạy bảo, làm phát huy ánh sáng quý báu của viên ngọc quý ẩn tàng bấy lâu. Lúc Đề-ca-ca tròn hai mươi tuổi, được thọ Cụ túc giới, hoàn thành Tăng cách một cách kiện toàn, xứng đáng làm ruộng phước cho nhân gian. Đề-ca-ca không phụ lòng mong mỏi của Tôn giả, trong lúc thọ giới đệ tam Yết-ma, liền chứng Tam minh Lục thông, thành bậc A-la-hán, phạm hạnh đã lập. Đây là sự kiện vui mừng lớn lao trong cuối đời của Tôn giả. Lúc ấy, Tôn giả phú chúc cho Đề-ca-ca rằng: “Hãy thắp lên ngọn đèn sáng lớn chiếu khắp nơi mê tối, khiến cho mọi người đều được lợi lạc, phát tâm tu đức, đoạn tuyệt lưới ái, ra khỏi đám bùn dục vọng”.
Việc chuyển đại pháp luân, cứu khổ chúng sinh đã có người kế thừa sau này rồi, Tôn giả coi như đã làm tròn trách nhiệm. Những năm còn lại nơi cuộc đời, Ngài tùy duyên hóa độ. Không bao lâu, việc hóa duyên của Tôn giả cũng đã xong. Ngài ở Ưu-đà Sơn sau khi biến hóa thần thông mười tám lần liền nhập vào Vô dư Niết-bàn. Các đệ tử lấy thẻ tre trong thạch thất hỏa táng di thể Ngài. Lúc ấy, đại địa chấn động, thái hư buồn ảm đạm. Sau khi lễ Trà-tỳ chấm dứt, đệ tử thu Xá-lợi và xây tháp phụng thờ. Đây là vật kỷ niệm hữu hình duy nhất của Ngài còn lưu lại nhân gian mà các bậc hiền nhân và chúng sinh đời sau thường chiêm ngưỡng, lễ bái cúng dường.
Đề-ca-ca nhận lãnh trách nhiệm giao phó mà hoằng truyền Phật pháp khắp nơi. Như vậy, Phật giáo trong khoảng một trăm năm sau Phật diệt độ, có năm vị Tổ nối tiếp nhau thừa kế. Từ đấy về sau, do sự phát triển xã hội phù hợp với thời đại mới, nên đã có sự phân chia dòng và các bộ phái Phật giáo.