Hồi còn hành điệu, mỗi khi Xuân về Tết đến, lòng lũ trẻ hành điệu chúng tôi cũng bồi hồi lắm. Từ tháng Chạp, chúng tôi lăng xăng cả ngày với nhiều công việc dọn dẹp chỉnh trang lại những bồn hoa, chăm sóc lại vườn tược cho thật tươm tất, lau chùi, đánh bóng đồ đồng cho thật sáng. Bởi theo lời thầy dạy những ngày Tết, bổn đạo-Phật tử đến thăm chùa, lễ Phật mà thấy chùa trang nghiêm sạch sẽ người ta mới sinh tâm hoan hỷ…
Những ngày Tết, chùa nào cũng sinh động và ấm tình đạo vị, khoảng cách giữa thầy với trò, giữa huynh với đệ gần gũi, thân thiết. Người này chỉ bảo cho người kia, mỗi người mỗi việc, từ trong chùa đến ngoài vườn đều sạch bóng tươm tất, đâu đâu cũng thấy cỏ hoa đua nhau khoe sắc khoe hương.
Đêm 30 mới thật là ấn tượng và khó quên. Cả đêm chúng tôi không tài nào ngủ được, cứ rạo rực, điệu này nằm xuống thì điệu kia đến thức dậy bởi thầy dạy đầu năm mà điệu nào ngủ quên trước giờ giao thừa là xem như “mất mì xưa” cả năm đường tu học sẽ bị trễ nải, thế là chúng tôi sợ và bồn chồn lắm, cùng nhau thức để chờ và phân chia công việc ba ngày Tết, phân công thỉnh chuông, hương khói, hầu trà…
Giờ giao thừa đến, sau ba hồi chuông trông Bát nhã thiêng liêng và hùng tráng được cử lên, mọi người trong chùa từ Ôn (Hòa thượng) đến quý thầy và cách chú điệu y áo trang nghiêm lạy Phật, lạy Tổ và lễ bái Hộ pháp long thần cùng các tiền hiền để cầu một năm mới an lạc. Sau đó chúng tôi dâng lời chúc thọ lên Ôn. Thầy cùng các vị cao niên trong chùa và xin lời giáo huấn đầu năm.
Tăng Nguyên
Khi tiết trời se lạnh báo hiệu đông sắp tàn, cái Tết dân tộc đang đến là lòng lại da diết nhớ ngôi chùa trong xóm nhỏ nằm bên bến cảng của cái quận nghèo sát bên trung tâm Sài Gòn-ngôi chùa như ngôi nhà thứ hai của tuổi thơ tôi.
Tuổi thơ thường rất náo nức với đêm giao thừa thiêng liêng. Tôi nhớ đôi khi buồn ngủ đến mắt mở không lên, vậy mà giao thừa nào của tuổi thơ, tôi đều lên chùa đón Tết. tôi không sao quên được con đường từ nhà lên chùa trong đêm ba mươi. Nhà này bày hương án trước sân, nhang trầm thơm ngát. Nhà Phật tử nào muốn đón giao thừa ở chùa, nếu không có ai cúng thay thường bày hương án cúng từ khoảng 11 giờ đêm, khi chương trình “ông Táo về trời”trên Đài Truyền hình thành phố vào hồi tuyên truyền chủ trương, chính sách, rồi hương đèn lễ lạy để tính sao đi đến chùa là còn 15 phút đến giao thừa. Trên chùa, đèn nến sáng choang, trầm hương thơm lừng điện Phật.
Sư ông và đại chúng đã vân tập trên chánh điện cùng bà con Phật tử. Đúng khắc giao thừa, ba hồi chuông trống Bát nhã trầm hùng nổi lên. Sau mấy ngày không nghe tiếng chuông, nỗi nhớ bắt đầu cuộn lên đủ để người ta mừng, có khi rơm rơm nước mắt khi nghe lại tiếng đại hồng chung, tiếng trống vào thời khắc thiêng liêng nhất của năm mới. Trong chiêc áo tràng lam, tôi chắp tay lạy Tam bảo, cầu nguyện một năm mới an lành, hạnh phúc trong lời kinh Di Lặc hạ sinh thành Phật vang vọng bốn bề giữa lớp lớp người dâng hương lễ Phật đầu năm.
Bây giờ cứ vào tháng Chạp, đi đâu nghe mùi sơn mới, ngửi mùi kiệu phơi, nỗi nhớ cái Têt tuỏi thơ lại tìm về để tôi phải bâng khuâng. Nhớ hoài ngày cúng chư Thiên, cúng vong tất niên của ngôi chùa thời thơ ấu mà bây giờ phải tranh thủ công việc lắm mới về dự được, lài bùi ngùi khi nhìn lên bàn vong, mỗi năm lại thấy thêm nhiều gương mặt bổn đạo quen thân từ mấy mươi năm trước giờ thành quá vãng. Bữa cơm cuối năm bây giờ vũng vội, ai dường như cũng ít có thời gian để tỉ tê kể nhau nghe chuyện đời, chuyện đạo. Nhưng mỗi năm khi Tết về, thấy sư ông, mà con tôi bâygiờ gọi là sư cụ, vẫn nhớ tên mình, đi vòng quanh chùa thăm ông bà, chú bác trong tháp cốt, thấy đôi nẻo âm dương vẫn gặp nhau trong nắng xuân nhạt màu; thấy mai vàng vẫn nở ngập ngời nơi bàn Phật trên chánh điện là lòng cũng mừng rồi. Thấy mình vẫn còn có Phước, có Duyên, như tên chùa tôi vậy
Nguyễn Lâm Dũng
Chốn thanh tịnh những ngày lễ, rằm đã rộn ràng hơn hẳn, có nơi người đông nghịt chen chúc nhau trong cái nghi ngút đến…mù mịt của khói hương. Chốc chốc đám ngươi lại dạt sang bên nhường đường để đưa những người ngất xỉu ra ngoài. Phía trong sảnh chùa, tiếng nói chuyện râm ran của các bà các chị, tiếng lách cách của mấy cô gái trẻ cắn hạt dưa hòa lẫn vào những tiếng rì rầm khấn vái và tiếng tụng kinh đều đều, tất cả tạo nên một thứ âm thanh hỗn tạp.
Ngoài cổng một số ngôi chùa ở các thành phố lớn, những người bán hương dạo nài nỉ, chèo kéo khách mua hương làm huyên náo cả một góc đường. Bao nilon và giấy gói vương vãi đầy sân chùa nhiều hơn cả lá rụng. Ngay trên hồ nước nhỏ nơi có cây cầu dẫn vào sảnh chính, hòn non bộ rêu xanh dường như phải nép mình bởi sắc đỏ loang lổ của những mảnh giấy gói hương bị vứt đầy mặt hồ. Trong khi đó những chiếc thùng rác vẫn buồn bã nằm im lìm ở các góc sân…
Đó vẫn chưa phải là tất cả. Góp vào câu chuyện bi hài này còn có hình ảnh những cô gái trẻ lên chùa. Khi bước vào cổng, các cô tự tin sẽ không ai xét nét gì về những bộ trang phục trông có vẻ “vừa trên đủ dưới”của mình, nên các cô vô tư trò chuyện, vô tư cắn hạt dưa và cũng vô tư xả vỏ xuống nền chùa.
Chưa nói đến những việc khác, tôi chỉ muốn nhắc về một điều mà các cô đã vô tình quên mất, rằng, cái áo pull và cái quần jean đáy xệ kia chỉ “vừa khít” khi các cô đứng mà thôi, còn khi quỳ lạy khấn vái thì chúng lại “phát huy “cái sự “thiếu” của mình. Và có biết đâu rằng trong khi các cô mãi mê với việc xóc xăm, với những cái vái lạy thì có hàng chục hàng trăm con mắt khó chịu đang hướng về phía.. lưng quần của các cô.
Đi lễ chùa là nét đẹp trong tín ngưỡng của người Việt. Nhưng một khi những điều trái tai gai mắt nơi cửa thiền vẫn còn tồn tại thì chữ “Đẹp” trong nét văn hóa truyền thống ấy liệu có còn nguyên vẹn nữa chăng?!
Thế nên, khi bước chân vào chốn thanh tịnh, xin dặn lòng giữ chút tôn nghiêm…
Nguyễn Thị Diệu Quỳnh
Bình luận