Miền Nam các ngôi chùa thường toạ lạc trên vùng đất cao, thoáng rộng, Chính điện thông thường thờ đại diện một pho tượng Phật đứng, ngồi, hoặc nằm. Cũng có chùa thờ một pho tượng BồTát như Tượng Quan Âm ở Ngũ Hoành Sơn – Đà Nẵng, Thích Ca Phật đài nằm nghiêng ở Nha Trang hoặc thờ Tam Thế Phật (Phật quá khứ, hiện tại và vị lai Phật). Phía ngoài cổng cửa, 2 vị thần Hộ Pháp đứng canh, bảo vệ sự an lành cho hành giả tu tập và khách hành hương.
Bên ngoài của mỗi chùa đều được trang trí kẻ vẽ bề thế, sắc màu sặc sỡ lung linh. Nội điện thờ luôn thoáng mát, rộng rãi, khang trang. Đến mỗi chùa miền Nam không những cảm nhận về phong cách kiến trúc độc đáo của vùng miền khí hậu mát mẻ quanh năm mà còn cảm nhận được sự giản đơn thoải mái, hiếu khách, ưa cuộc sống thanh bình của người Nam Bộ thông qua những khung cảnh tâm linh văn hoá cũng dễ nhận ra ngay.
Nếu ta cho rằng các ngôi chùa miền Nam cao to hoành tráng thì ngược lại, chùa Bắc Việt chú trọng vào khung cảnh thấp, chi tiết tỉ mỉ, hoạ cách hoa văn không phải do vẽ nên mà được đắp, được chạm trổ tinh xảo từ các đầu đao, câu đầu đến hoành phi câu đối, khung cột và tượng thờ bên trong. Nhất nhất từng phần dù gỗ dù gạch hay đất đá, kim loại đều được kiến tạo hài hoà cân đối mà không hề rối mắt.
Nhìn bề ngoài chùa Bắc thường mang dáng dấp vững chãi, bên ngoài thâm thấp nhưng khi bước vào chính điện mới thấy vẻ nguy nga lộng lẫy của kiến trúc văn hoá Á Đông. Chính điện, cung thờ Phật tượng của mỗi ngôi chùa thường được nằm sâu phía sau tiền đường (hay còn gọi hậu cung). Từ xa xưa tới nay đều bài trí hậu cung thờ Phật theo một khuôn mẫu nhất định.
Trên cùng thường là ba pho “Tam Thế Phật”, hàng dưới tiếp theo có thể tôn tượng Phật Bà Quan Âm ngàn mắt ngàn tay, hoặc Đức Quan Âm 12 tay, Đức Chuẩn Đề 18 tay, hoặc Quan Âm toạ Sơn dáng dấp Quan Âm Động Hương tích… Hai bên tả – hữu có Tiên Đồng và Ngọc Nữ đứng hầu.
Có nhiều ngôi chùa hàng thứ 2 thờ tượng Đức Thích Ca toạ thiền, ngài Át Nan và ngài Ca Diếp đứng thị giả hai bên. Hoặc giả: Di Đà tam tôn tượng “Đức Di Đà đứng tiếp dẫn chúng sinh về Tây phương cực lạc, Bồ Tát Quan Thế Âm và Bồ Tát Đại Thế Chí hầu cận hai bên”.
Hàng dưới nữa có chùa thờ Tứ đại thiên vương hầu cận toà Cửu long, bên trong, tượng Đức Thích Ca sơ sinh đứng giữa. Có chùa thờ Vương Phụ Vương Mẫu hai bên và Ngọc Hoàng Thượng Đế ngồi giữa, hàng dưới nữa có quan Nam Tào và quan Bắc Đẩu ngồi hai bên rồi bài trí toà Cửu Long vào giữa nơi dưới cùng của bệ tượng thờ hậu cung. Sau đó mới đến lô hương và ban đặt lễ vật chay tịnh dâng cúng. Bên dưới ban một bệ bậc cao hơn nền tiền đường để đặt chuông mõ, án kinh, kinh sách dành riêng nơi trụ trì và tăng ni thuyết pháp, tụng kinh, giảng đạo và làm những việc yết ma hoà tăng, đặc biệt bục bệ ban này cư sỹ và khách hành hương không được phép ngồi vào đó tụng kinh mà phải ngồi ở phía tiền đường lễ lạy, nếu sơ ý sẽ bị phạm vào cấm giới của cư sỹ tại gia.
Hai bên tả hữu phía tiền đường có tượng Thần Hộ Pháp (Thiện Thần bên trái và Ác Thần bên phải) biểu trưng cho sự hoàn hảo của Đạo,Thiện Thần luôn hướng cho con người về cách sống thiện. Ác Thần thể hiện để cải tà quy chính, răn đe giáo hoá chúng sinh biết lỗi mà tránh việc bất thiện. Nếu các ngài không thị hiện hình tướng hung ác dữ tợn thì chúng sinh không phân biệt được “chính – tà “, cũng chẳng biết sợ tội thì lấy đâu ra nguyên tắc cải “ác tòng thiện”? Cái triết lý nhân duyên Làm lành tránh dữ của nhà Phật cũng từ đây mà hình thành.
Kế bên (bên tả) có tượng Đức Chúa Ông mặt mũi đỏ gay, trang nghiêm. Ngài là bậc Trưởng giả giàu sang, thời Đức Phật chuyên cứu giúp người nghèo, đặc biệt Ngài luôn đem tâm thiện dâng cúng vật phẩm để Phật Thích Ca và tăng đoàn thụ dụng trong quá trình tu hành. Hơn thế nữa Ngài sẵn dùng vàng để trải ra khu vườn của ông Thái Tử Kỳ Đà, đem vàng lát vườn cây đến đâu thì Thái Tử bán cho chừng đó đất, với tâm nguyện thỉnh Đức Phật về đó thuyết pháp. Người Việt nam sùng bái ngài nên tôn vinh tên” Đức Chúa Ông” tức Ông Chúa đất có nhiều đức độ.
Vì Ngài là cư sỹ tại gia chứng Thánh nên dân gian thường cung kính Ngài với suy nghĩ gần gũi với đời thường, hay đem vật phẩm xôi gà chè thuốc trầu cau và vễ mặn dâng cúng Đức Chúa là vậy.
Bên hữu tiền đường thường tôn tượng Át Nan Tôn giả, còn gọi Đức Thánh Hiền. Khi Đức Phật còn tại thế gian thì Ngài Át Nan dốc tâm phụng sự, chăm chỉ thị giả Đức Phật, khi Phật nhập Niết Bàn rồi pháp hội tăng đoàn nhất trí đề cử Ngài tuyên thuyết diễn nói lại toàn bộ những gì Đức Phật còn tại thế diễn giảng, Kinh điển sau này được biên chép lại đều do Ngài Át Nan nói ra. Thời Đức Phật chưa có ngôn ngữ chữ viết.
Hai bên cánh gà của hậu cung Ngôi Tam bảo và tiền đường có khi còn được tôn tượng Đức Thánh Tăng (biểu tượng vị tăng tu chứng quả vị Thánh), đức Thổ Địa (vị thiện thần trông coi đất đai của chúng sinh). Tượng hoặc tranh hoặc phù điêu vẽ thần tượng Thập bát la hán (18 vị La Hán), Thập điện Diêm vương(mười vị vua diêm vương và cảnh tượng hãi hùng dưới địa ngục). Bát bộ kim cương (16 vị thần kim cương hộ trì cho Đạo Phật).
Hậu cung sâu bên trong gầm có thể đắp vẽ tượng Quan Âm Thị Kính, Quan Âm toạ sơn, khung cảnh hang động và quá trình Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh…
Nhìn ra khung cảnh bên ngoài vẫn còn có Nhà thờ các Tổ sư, thông thường hình chữ nhị (2 dãy nhà mái ngói ghép liền nhau) hoặc tiền đường thờ Phật, phía sau thờ tổ nên có khi làm tầng trệt để giảng đạo, tầng trên thờ Tổ sư.
Kế bên phía sau hoặc 2 bên tả – hữu của toà Tam Bảo là nhà Mẫu, nhà Khách, nhà Tăng, khu sinh hoạt trai đường ăn uống và các công trình phụ trợ. Phía trước có thể lầu chuông gác trống, hồ nước, tượng Phật ngoài trời như tượng Bồ Tát Quan Âm, Bồ Tát Địa Tạng, Phật Thích Ca, Phật Di Lặc, vườn lộc uyển, hang động… Phía mặt tiền mỗi chùa bao giờ cũng là cổng Tam Quan (ba cửa biểu trưng cho tam thừa thánh giáo mỗi khi chúng ta bước vào đất thờ Phật.
Ngoài góc hoặc khuôn viên đất đẹp, tĩnh lặng thường dựng tháp Tổ để xá lợi, hài cốt của các vị Tổ sư có công trạng xây dựng, tôn tạo, trùng tu hoặc các bậc danh tăng có nhân duyên hành đạo tại ngôi chùa đó.
Các đầu đao, con tiện và khung cảnh bề ngoài thường làm theo dáng dấp chùa thời Đinh, Lý, Trần và thời Lê sơ. Đặc biệt kiến trúc cổ thời Lý và thời Trần chiếm phần đa trong các ngôi chùa Bắc Việt.
Từ bề ngoài cho đến nội điện, ta có thể dễ dàng nhận ra rằng: thời tiết khí hậu miền Nam ôn hoà, ít bão gió hơn ngoài Bắc nên cách sinh hoạt cộng đồng cũng thoải mái dễ chịu, tâm hồn thoáng mở không chất chứa nhiều điều bên trong, có xu hướng hướng ngoại nhiều hơn. Ngược lại, chùa Bắc Việt chịu nhiều yếu tố mưa bão nóng bức của mùa hè, hanh khô giá lạnh của mùa đông nên kiến trúc có phần cầu kỳ tỉ mỉ, giống như tâm tính của người Bắc vậy.
Chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thiên nhiên, thời tiết khí hậu, vị trí địa lý đã tạo cho người Việt có những thành quả đặc trưng về văn hoá vùng miền khác nhau và đều tôn vinh, bổ trợ cho nhau qua mọi thời đại của một quốc gia giàu lòng yêu nước và đậm chất nhân văn này.
Bình luận