Lễ vía Phật Di Lặc vào ngày 1/1 mỗi năm và thường được tổ chức vào đêm giao thừa. Phật Di Lặc là biểu tượng cho sự từ bi và hỉ xả với pháp tu trí tuệ quán Duy thức học. Ngài Di Lặc thường được mô tả với thân hình mập, miệng cười lớn, bụng to, tai rộng:
“Bụng lớn bao dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ
Miệng cười hỉ xả, xả những điều khó xả ở thế gian”
Phật Di Lặc còn có tên là A Dật Đa, Trung Quốc dịch là Từ Thị, hay là Vô Năng Thắng. Phật Di Lặc là hiện thân của niềm hoan hỉ, của hạnh phúc. Nên đầu năm, người người thường chúc nhau: “Mừng xuân Di Lặc”.
Tại nhiều nơi, hình ảnh Ngài Di Lặc xuất hiện bên cạnh có 6 chú tiểu (ý chỉ lục tặc): đứa chọc lét, đứa xoa bụng, đứa ngoáy lỗ tai… Lại có những nơi tạc tượng Di Lặc với nhiều vàng bạc, châu báu và gọi Ngài là ông Thần Tài.
Theo thói quen, chúng ta thường gọi Ngài là Phật Di Lặc, kì thật, Ngài chỉ là một vị Bồ Tát nhất sanh bổ xứ, hiện đang ở nội viện thiên cung của cõi trời Ðâu Suất. Theo lời huyền ký của Đức Phật Thích Ca, sau này, Ngài Di Lặc sẽ hạ sanh xuống cõi Ta Bà, tu hành rồi thành Phật dưới cội cây Long Hoa. Vì đó mà hiện nay nhiều vị thường đỉnh lễ Ngài: “Nam Mô đương lai hạ sinh Di Lặc tôn Phật”.
Nói về tương lai của đức Di Lặc, trong Kinh Di Lặc Hạ Sinh có chép rằng: “Đến khi thế giới này hết kiếp giảm thứu 9, đến kiếp tăng thứ 10, Ngài Di Lặc sẽ đản sinh tại cõi Ta Bà, trong nhà một vi Bà La Môn tên là Tu Phạm Na, thân mẫu ngài là Phạm Na Bạt Đề.
Khi Ngài sinh ra có nhiều tướng tốt, đức hạnh vẹn toàn. Thông minh quán chính, lớn lên Ngài xuất gia tu hành. Đến núi Kê Túc để nhận lãnh y bát của Đức Phật Thích Ca, do tổ Ma Ha Ca Diếp trao lại, rồi ngài đến ngồi dưới gốc cây Long Hoa, dùng Kim Cang trí trừ sạch vô minh, chứng đắc Vô Thượng Bồ đề. Sau đó, Ngài bắt đầu thuyết pháp dưới cội cây Long Hoa.
Hội thứ nhất, độ được 96 ức người thành A La Hán. Hội thứ 2, độ được 94 ức người thành A La Hán. Hội thứ 3, độ được 92 ức người thành A La Hán. Do vậy mà gọi là Long Hoa Tam Hội. Ngài thuyết pháp đến 6 vạn năm, hoá độ vô số chúng sinh thoát khổ”.
Một trong những hoá thân của Ngài Di Lặc mà chúng ta thường nghe phổ biến nhất là Bố Đại Hoà Thượng (tức Hoà thượng túi vải) trong Phật Giáo Trung Hoa, một vị Thiền sư Trung Quốc ở thế kỷ thứ 10. Bố Đại Hoà Thượng là hoà thượng tu ở chùa Lương Nhạc Lâm, đất Minh Châu, huyện Phụng Hoá, Trung Hoa, pháp danh Khiết Thử.
Tương truyền, nhà sư có tướng người mập mạp, trán hẹp, bụng lớn, nói năng vô định, ngủ nghỉ tuỳ chỗ, thường dùng một cây gậy, quẩy một túi vải để đựng vật người cúng dường. Ngài thường giảng kinh cho người nghèo, làm nhiều điều màu nhiệm, lạ thường. Trong thiên hạ không ai hiểu được Ngài là người như thế nào.
Ngài viên tịch năm 917, trước khi viên tịch, ngài nhóm chúng tại chùa Nhạc Lâm, ngồi ngay ngắn nói bài kệ:
“Di Lặc thật Di Lặc
Hoá thân trăm ngàn ức
Thường hiện trong cõi đời
Mà người đời chẳng biết”.
Cũng vì đó mà người đời sau lấy ngày 1/1, ngày Thiền sư Bố Đại Hoà Thượng viên tịch làm ngày vía Ngài Di Lặc.
Hoặc ngày 1/1 mỗi một năm là biểu tượng cho tương lai, sự khởi đầu mới cũng biểu tượng cho một vị Phật trong tương lai sẽ đản sinh tại cõi Ta Bà.
Bình luận