Cúng ông Công ông Táo là phong tục lâu đời vào 23 tháng Chạp hàng năm và được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt.
Truyền thuyết kể rằng ông Công ông Táo là câu chuyện về 3 vị Trọng Cao, Thị Nhi và Phạm Lang, 1 người vợ và 2 người chồng. Sau khi chết, do tình nghĩa sâu đậm nên được Ngọc Hoàng phong làm thần (gọi là Táo Quân); chuyên cai quản việc đất đai, nhà cửa, bếp núc, làm ăn buôn bán,… của các gia đình.
Ông Công ông Táo là cái tên mà dân gian đặt ra. Đối với đạo Phật, đó là những vị chư Thiên, chư Thần hộ trì.
Trong lục đạo luân hồi, Đức Phật có nói về cảnh giới vô hình, cảnh giới của quỷ, trời, atula. Ở cảnh giới này, khi học kinh Phật thì thấy có những câu chuyện về thần linh, thần cây, thần đất, sơn thần thổ địa,…
Cho nên, chúng ta có thể tin được ở nơi đất nhà ở (làng mạc, thành phố, địa phương) đều có những vị thần ấy chịu trách nhiệm cai quản.
Chúng ta làm lễ cúng các vị thần đều thể hiện sự cung kính, tâm rộng mở, biết ơn của mình. Đây là một việc làm tốt, là thực hành bố thí, tâm tưởng nhớ và biết ơn.
Trong kinh Tăng Chi Bộ, Đức Phật cũng dạy người đệ tử tại gia rằng, khi có được tài sản; trong đó cần biết hiến cúng một phần tài sản cho tiên tổ, những người đã mất, cho các vị thần linh vô hình.
Vậy nên, việc dân ta cúng thần Thổ Công và ông Công ông Táo là việc tốt, nhưng ta cần hiểu được bản chất. Chúng ta luôn nhớ ơn, cung kính, bố thí cho họ là với mong muốn được kết duyên thiện lành với họ, để họ trở thành những người tốt hộ trì cho mình.
Cúng ông Công ông Táo là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc cần được gìn giữ. Việc này mang tính chất sum họp gia đình, biết ơn đến các vị chư Thiên, chư Thần.
Chúng ta không vì thế mà hiểu sai ý nghĩa của việc cúng lễ các vị thần là hối lộ, để các vị báo cáo Ngọc Hoàng các việc tốt của gia đình mình. Bởi, việc cúng lễ mang tính chất tri ân với tâm rộng mở, cầu mong cho họ được thêm phước lành, chứ không phải mang tính chất hối lộ.
Ngày ông Công ông Táo hàng năm còn là bước đệm chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán. Vào ngày này, những người con xa quê cũng đều cố gắng về nhà trước Tết ít nhất một tuần, chính là ngày ông Công ông Táo để dọn dẹp, sắm sửa, trang trí cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Và nhân dịp con cháu đi xa về, nhà nhà cũng cùng nhau làm mâm cơm cúng; trò chuyện, quây quần bên nhau.
Bình luận